Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Người nay nhìn lại chuyện xưa

Blogger thuộc vào loại "cổ" nên cũng thích nói chuyện với người lớn (thật ra là nghe họ nói thì đúng hơn) và đọc chuyện xưa. Cho nên sáng đọc mấy câu chuyện xưa và chẳng xưa.  Chép vào đây vì trang web Dân Luận vẫn bị tấn công rât khó vào. 

Người Buôn Gió - Đại Vệ Chí Dị


Năm Canh Dần, nước Vệ triều nhà Sản thứ 65.

Mùa xuân ấy, trời đất an hòa, khắp nơi vang lời ca tiếng hát ca ngợi công đức trời bể của tiên đế và triều đình. Vệ Mạnh Vương nhân dịp đầu xuân đi coi bói, thầy bói gieo quả phán rằng

- Xuân hồi thiên quốc, vạn đại dung thân.

Vệ Vương sai bộ Lễ sắm cống vật chu đáo, hậu hĩnh. Chọn ngày đẹp sang Tề chầu kiến. Đoàn đi hùng hậu lắm , rất nhiều đại thần đi theo. Tề Bá Vương đón tiếp cực kỳ thân thiết. Vệ Vương dẫn quần sụp lạy ba hồi, tiếp tới dâng bản đồ và ngọc tỉ truyền quốc nước Vệ cho Tề Bá Vương. Vệ Vương sụt sùi nước mắt nói.

- Mong thiên triều nhận lại đứa con đã lưu lạc khỏi đất mẹ nhiều năm.

Tề Bá Vương đón nhận ngọc tỉ và bản đồ nước Vệ, hướng về thái miếu nước Tề khóc rống mấy hồi.

- Tiền nhân ơi, hàng ngàn năm mòn mỏi, nay anh em cũng quay về một cội.

Nói rồi ôm chầm lấy Vệ Vương khóc ròng, triều thần hai bên nhìn cảnh ấy ai cũng xúc động nước mắt ràn rụa. Tề Bá Vương mở tiệc khoản đãi linh đình, lúc rượu ngà ngà, hai bên bồi hồi cảm xúc mới ôn lại chuyện cũ. Vệ Vương ngậm ngùi kể.

- Xưa tổ tiên nước Vệ là người Hàng Châu tên là Quân, rời khỏi nước Tề đi lập nghiệp xuống phía Nam lấy vợ sinh được 100 con. Dựng lên cơ đồ một cõi, Quân lòng vẫn nhớ nước mẹ khôn nguôi mới tự nhận họ là Lạc. Ý muốn nói mình là đứa con lạc khỏi đất mẹ là nước Tề. Sau nhiều năm chính biến liên miên, nhiều sử gia quên mất chuyện ấy. Lại vì tính khí trái ngược mới vẽ ra chuyện nước Vệ nước Tề là hai cõi riêng biệt. Đến thời nhà Lý , nhà Lê các quan lại đại thần vì riêng tư mà khẳng định chuyện hai nước riêng rẽ không liên quan gì đến nhau. Sự hiểu lầm ấy kéo dài khiến hai bên có nhiều xung biến. Nay nhờ ơn phúc của tiền nhân, các sử gia, tuyên huấn nước Vệ mới tìm ra và chứng minh nguồn cội của Lạc Quân.

Tề Bá Vương nói.

- Cũng nhờ ơn phúc mà các sử gia, tuyên huấn nước Tề mới thông minh tìm ra được nguồn cội như vậy. Phải ban thưởng thật hậu cho họ.

Hai bên bàn chuyện hồi mẫu quốc của nước Vệ, Tề Bá Vương nói.

- Sau bao năm xa cách, nay đột ngột trở về không phải là chuyện dễ, phải làm từ từ từng bước cho dân Vệ theo kịp, tránh gây bất ổn về chính sự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đang yên ổn làm ăn. Trước tiên cứ thu nhận một vùng lãnh thổ đất liền , trên biển. Bước tới là để cho dân Tề sang Vệ khai khẩn làm ăn. Cùng với tuyên truyền tình hữu nghị anh em hai nước có nguồn gốc ruột rà mạnh mẽ. Dân Vệ dần dần sẽ thấm nhuần , thấu hiểu được, việc tái hợp vì thế mà không gây biến loạn, tránh những phần tử xấu, những thế lực thù địch xúc xiểm khiến nhân dân hoài nghi mà việc không thành.

Vệ Vương cùng quần thần sụp lạy hô vang

- Thiên tử anh minh, sáng suốt như thần, đúng là phúc của tiền nhân.

Vệ Vương ra về, lúc về hứa sẽ khẩn trương làm theo những lời căn dặn của Tề Bá Vương.

Vua tôi nước Vệ đi khỏi triều đình. Quan đại phu nước Tề mới thắc mắc hỏi Tề Bá Vương.
- Thưa thiên tử, sao chúng ta không nhận hết luôn thể nước Vệ.
Tề Bá Vương ngửa cổ lên trời, cười sằng sặc một hồi mới từ tốn giải thích.

- Cái nguồn cội nước Vệ là Lạc Quân là do ta bỏ tiền mua chuộc khiến bọn sử gia Vệ, bọn tuyên huấn làm theo.Lại có những trí giả chúng ta cài trong lòng nước Vệ bây lâu nay hỗ trợ. Bọn Vệ mới tin là thật. Chúng là bọn man di, mọi rợ sao cùng huyết thống với chúng ta. Nhận hết cả dân man ri ấy há có phải là gánh nặng cho nước Tề sao. Nay cứ nhận đất đai, lãnh hải , tài nguyên của chúng có phải là hơn không ?

Các đại thần nước Tề đều tấm tắc khen.

- Thiên tử thật cao kiến, nhận của tất phải hơn nhận người, mưu kế này có thể gọi là '' diễn biến hòa bình'' không đánh mà thắng.
Lại nói Vệ Vương ra về, qua khỏi biên giới mới chia. Có đại thần hỏi.

- Chuyện nguồn cội nước Vệ có đúng như vậy không ?

Vệ Vương nói.

- Đúng hay sai giờ không quan trọng, cái cần là chúng ta còn dựa vào Tề còn có được bổng lộc. Dẫu không là trùm thiên hạ thì cũng có thái ấp, dăm chục mẫu dưỡng thân. Còn hơn biến loạn há đến một tấc đất cũng vùi thây cũng chả còn.

Xuân năm ấy, nước Vệ mừng năm mới tưng bừng, nhạc tấu bài tình anh em ruột thịt Vệ Tề phổ biến khắp dân gian. Ai nấy cũng vui mừng.

* Không biết người đọc ra sao chứ tôi đọc sao cứ thấy mình đọc chữ Vệ thành chữ Việt, mà chữ Tề thành ra chữ Tầu, chả biết mắt quáng gà thế nào, hay đọc một đàng nghĩ một nẻo ?


Người thầy chạng vạng chưa từng gặp mặt của tôi

Hà Văn Thịnh, Khoa Lịch Sử, Đại học Khoa học Huế

Bàn về một nhân vật lịch sử gây nên nhiều tranh cãi, hiểu lầm. Cần phải trả lại cho Trần Trọng Kim những gì đúng như cuộc đời cần phải thế.

“Bán tự vi sư” (nửa chữ cũng là thầy) có lẽ vẫn là chưa đủ khi tôi muốn nói về một người THẦY - người chưa từng dạy tôi dù chỉ là nửa chữ; nhưng từ khi tôi học sử, tôi luôn coi thầy là một trong những người thầy đáng trọng, đáng kính - bất kể những đổi thay, bất kể những hoả hoạn, mây mù và bất kể luôn cả những điều khó hiểu… Người thầy đó, trong mắt tôi – là thầy của những bậc thầy - Học giả Trần Trọng Kim (TTK). Trong bài viết này, xin không bàn đến con người chính trị của TTK, mà chỉ bàn đến Bậc Thầy sử học TTK.

1. Thế hệ chúng tôi (vào học Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội, khoá 18, đầu năm 1974, sau khi ăn Tết Nguyên Đán– quá khác biệt về thời gian so với bây giờ); là thế hệ chạng vạng (twilight), mượn nghĩa từ cách nói của nhà văn Mỹ Stephenie Meyer (Chạng vạng, NXB Trẻ, 2008). Chúng tôi chạng vạng về kiến thức chắp vá, ăn theo, “nhai lại”; chạng vạng về tư duy; chạng vạng nhiều hơn về những điều úp mở; chạng vạng đặc biệt về khẳng định chắc như cua gạch - “cái gì ta cũng nhất”; chạng vạng siêu phàm vì cái lẽ minh triết của ta (dẫu không hề được so sánh với minh triết nào khác) vẫn là bất tử của thời đại; chạng vạng rõ ràng về thực tế của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chỉ hơn một năm nữa thôi, sẽ đến lúc “Bắc Nam sum họp một nhà”…

Chạng vạng tức là lúc hai thứ ánh sáng – chính xác là “ánh sáng đôi” ban ngày và ban đêm xen kẽ, đan toả nhập nhoà; thật giống với thân phận của lũ chúng tôi, khi vào đại học, đất nước bị chia cắt, lúc ra trường là thống nhất “hai trong một” khắc khoải, rỡ ràng. Chạng vạng với người bi quan là hoàng hôn bởi sau hoàng hôn là màn đêm. Chạng vạng của khát khao lạc quan là lúc sắp sửa của bình minh – cái sẽ đem đến ánh sáng ban ngày?

Đó có thể là định mệnh bởi vì số phận của chúng tôi thực sự liên tục, bị thử thách, bị dằn vặt không ngừng vì cái ánh sáng nhập nhoà khó hiểu ấy. Trong đó, đỉnh cao của mọi sự trăn trở là TTK.

Đọc bài viết của Vũ Ngọc Khánh, Văn hoá Nghệ An, số 161 (tháng 10-11.2009), tôi chợt nhận ra rằng cây đa có hàng trăm tầng lá - Vũ Ngọc Khánh, đã nói hộ tôi thật nhiều điều (tôi dù có biết chút ít cũng không thể nói đúng và đủ như ông). Bởi chẳng có ai muốn “vẽ bản đồ Nho giáo” nhưng lại dựng lên sừng sững đủ cả núi, sông và cái hồn của Nho gia được như thầy TTK (cũng xin phép không bàn đến cuốn Nho giáo).

Việt Nam sử lược là cuốn Sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ được TTK viết năm 1919, xuất bản năm 1921 và, Nxb Văn hoá Thông tin đã tái bản năm 2008. Hãy hình dung cái thời mà tất cả các trường học đều phải học lịch sử nước nhà qua các sách viết bằng chữ Pháp thì mới thấy trân trọng đến mức nào công lao khai phá, thức dậy quá khứ của bậc học giả quan viễn TTK! Sống trong thời chuyên chế, thực dân (trước 1945) mà dám đề cao Quang Trung - Nguyễn Huệ thì nhất định phải là bậc văn bút đảm lược kỳ tài. Nhưng, chắc chắn rằng, TTK là người thầy đáng quý nhất ở chỗ: Thầy đã viết sử bằng ngòi bút của trái tim - điều mà cho đến nay, chưa có nhiều nhà sử học làm được. Sự khô khan, vụng về, tắc trách của SGK thời nay - biến lịch sử thành nhiều mảng gạch vụn, so với những điều tâm huyết của Thầy, quả là một trời một vực.

2. Tôi được dạy (và đã từng dạy) rằng TTK là sự thủ tướng bù nhìn, là tay sai của Nhật, là bán nước cầu vinh, là tột cùng của tệ hại và kém cỏi… Vân vân và vân vân...

a) Thế nhưng, khi đọc Việt Nam sử lược, tôi mới chợt vỡ lẽ ra rằng ở trường đại học mà tôi đã học, không có một người thầy nào giống như thế. Cho dù các nhà lý luận và rất nhiều cây đa cây đề sử học có biện giải thế nào đi nữa, tôi vẫn biết chắc thầy TTK đã viết cuốn sách đó bằng máu của mình. Đó là những giọt máu đập mạnh và đập thật nhanh vì giống nòi, non sông, tổ quốc. Không có những phù phiếm, giả nguỵ, không hề có những “thao tác” của “diễn viên sử học” trên sân khấu chính trị và, tuyệt đối không có sự ỡm ờ khen chê giống như không ít cuốn sử mà tôi đã đọc.

Hồi đó, tôi chưa biết từ stress có nghĩa là gì. Nhưng sự hoang mang là có thực. Đúng và sai, phản động và yêu nước, con người chính nghĩa và con người nạn nhân của những sai lầm…? Rất nhiều câu hỏi đã làm tôi trở nên mất thăng bằng và bất lực vì sự thực là những gì tôi trăn trở không hề giống với những điều tôi đã được học trên giảng đường. Thế nhưng, tôi tin chắc một điều: Tác giả của Việt sử lược không thể là Việt gian. Việt gian từ tâm, từ trí không thể viết được như thế!

b) Phương pháp sử học của TTK là kể lại chính xác những điều đã xảy ra với mức độ có thể nhất. Đồng thời, TTK cũng đã nêu những nhận xét khách quan nhất về những gì đã xảy ra một cách khách quan nhất. Xin dẫn chứng bằng một vài chi tiết sau.

Trang 25, TTK viết rằng “đời Hồng Bàng không chắc là chuyện có thật” bởi vì một sự thật giản dị: 18 đời vua, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr.CN) đến năm Quý Mão (285 tr.CN) là 2622 năm, chia ra mỗi đời vua là gần 150 năm. Xin lưu ý rằng tính chi tiết cả năm âm lịch cách đây hàng ngàn năm, chú đầy đủ tên viết theo chữ Hán của các nhân vật lịch sử, là cách làm duy nhất của học giả TTK, chưa có ai vượt qua, kể cả bây giờ – đòi hỏi sự cẩn thận, chu đáo và tận tuỵ rất lớn với lịch sử nước nhà.

Trang 40, TTK ngụ ý Triệu Đà có tinh thần Việt khi viết: “Hán triều sai tướng đem quân đánh Nam Việt” và ở trang 41, chỉ bằng một chi tiết rất nhỏ, TTK đã cho người đọc biết rõ sự thâm độc, vô nhân của triều đình phong kiến phương Bắc: “ngựa, trâu, dê chỉ bán cho (Việt Nam) giống đực, chứ không bán cho giống cái”.

c) TTK đã trích dẫn rất thẳng thắn lời của sử gia Lê Văn Hưu khi viết về dân tộc Việt Nam: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi lên đánh lấy được 65 thành trì, lập quốc xưng vương dễ như trở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ bó tay làm tôi tớ cho nhà Tàu, mà không biết xấu hổ…”. Cách nhìn nhận sự thật như thế rất khác với cách nói dân tộc Việt Nam khi nào cũng dũng cảm, quật cường.

d) TTK đã khẳng khái thừa nhận Quang Trung anh minh, nhìn xa trông rộng khi dẫn lời của vị Hoàng đế yểu mệnh: “Sau khi chúng (quân Thanh) thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi” (trang 398). Câu nói ấy của Quang Trung mới đến muôn đời và chính Quang Trung đã đề ra nguyên tắc vàng: “nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa”.

e) TTK đã nhận xét rất chính xác về Tôn Thất Thuyết là một kẻ hèn nhát – phát động phong trào Cần Vương rồi nửa đường bỏ vua, trốn sang Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng rất công bằng khi ca ngợi hai người con dũng liệt của họ Tôn là dù cha có thế nào đi nữa vẫn tận trung với nước, tận hiếu với vua. Đó là Tôn Thất Thiệp và Tôn Thất Đạm (trang 592-593).

f) Việt Nam sử lược có không ít những chi tiết sai, những niên đại chưa chính xác. Nhưng, nếu xét từ cách nhìn nhận rằng cuốn Sử Việt Quốc ngữ đầu tiên, được viết trong bối cảnh nước mất nhà tan thì hoàn toàn có thể hiểu và chấp nhận được.

3. Viết sử và in sử dưới chế độ thực dân phong kiến, ngay sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thắng lợi, nên TTK hiểu rõ phải cân nhắc rất kỹ càng từng câu, từng chữ. Bây giờ, chúng ta dễ dàng phê phán đó là “hạn chế” của ông, quả thật, không công bằng một tý nào. Chẳng hạn, nhận xét về Nguyễn Văn Tường, chỉ với một câu, chúng ta hiểu thật nhiều điều, giống như chuyện mới xảy ra hôm qua: “Ông Tường thị chịu tiền hối lộ của những người Khách, cho chúng nó đem tiền sềnh, là một thứ tiền niên hiệu Tự Đức, mỏng và xấu, đúc ở bên Tàu đem sang, bắt dân phải tiêu” (trang 570). Thực ra, TTK đã nhắn gửi với hậu thế rất nhiều khi ông viết rằng: “Ta chỉ biết rằng các dây sợi dệt nên tấm Nam sử này còn dài, người dệt tuy phải lúc đau yếu, bỏ ngừng công việc, nhưng còn mong có ngày khoẻ mạnh lại dệt thêm, có lẽ lại dệt được tốt đẹp hơn, cũng chưa biết chừng” (trang 603). Nói như thế chẳng khác gì nói vì dân ta đang đau yếu (bị đô hộ) nên người viết sử cũng chẳng làm gì được hơn, đành phải chấp nhận và biết rõ, người sau sẽ viết sử Việt đúng hơn và hay hơn.

Tấm lòng tận trung với nước của TTK (trong cuốn sách Việt Nam sử lược) được thể hiện khá rõ khi ông đặt niềm tin vào Ngày Mai: “Người Việt Nam vì hoàn cảnh, vì tình thế bắt buộc phải im hơi lặng tiếng, nhưng lòng ái quốc mỗi ngày một nồng nàn, sự uất ức đau khổ mỗi ngày một tăng thêm. Cho nên cứ cách độ năm bảy năm lại có một cuộc phiến động” (tức khởi nghĩa, trang 596). TTK cũng nhận xét rất xác đáng rằng sự nguy nan của nước nhà, nguyên nhân cơ bản là do “thời đại biến đổi mà người mình không biết biến đổi, cho nên nước mình mới thành ra suy đồi” (trang 561)… "Khi lâm vào cảnh bĩ mà người trong nước cứ vững lòng giữ được cái nghị lực để sinh tồn và tiến hoá, thì rồi cũng có ngày chấn khởi lên được. Vậy chúng ta đây đều là một dòng dõi nhà Hồng Lạc, nếu ta biết kiên tâm bền chí, thì lại không có một ngày ta có cái địa vị vẻ vang với thiên hạ hay sao? Sự ước ao mong mỏi như thế là cái nghĩa vụ chung cả chủng loại Việt Nam ta vậy” (trang 604).

4. TTK có không ít những sai lầm đáng chê trách mà rất nhiều học giả đã phê phán, ở đây tôi thiết nghĩ không cần nhắc lại nữa. Tôi chỉ muốn nói qua một chút cái chạng vạng của nỗi băn khoăn về một nhà sử học xuất sắc.
Lịch sử nhân loại có không ít những con người bị/được chạng vạng khen chê như TTK. Thống chế Pétain hay Vị Tiến sĩ đầu tiên của Nam Bộ - Phan Thanh Giản là những điển hình. Một nửa dân tộc Pháp nguyền rủa Pétain đã bán nước cầu vinh, đầu hàng Đức Quốc xã. Nửa còn lại cảm ơn ông đã cứu hàng vạn sinh linh Pháp, cứu được Paris thoát khỏi đổ nát, hoang tàn. Phan Thanh Giản còn bi thương hơn nữa khi “mãi quốc” rồi lại uống thuốc độc để chấm dứt mạng sống, tạ tội với non sông đất nước bằng nấm mộ tồi tàn, ghẻ lạnh – ánh phản rõ ràng nhất của sự thanh liêm…

Phải chăng TTK đã có những tính toan “lẫn lầm” tương tự như thế khi làm thủ tướng dưới thời Nhật chiếm đóng nước ta. Tất nhiên, sau Cách mạng tháng Tám mà TTK vẫn không chịu hiểu thế sự, dân tộc; vẫn cố phò Bảo Đại là điều không thể biện minh. Đây là điều sai lớn nhất. Chợt nhớ trong một trao đổi gần đây, GS Nguyễn Huệ Chi có viết qua email rằng “Đa số trí thức chẳng hiểu chính trị nó manoevre (thủ đoạn đểu giả) lắm”. TTK là một học giả uyên bác nhưng lại tự/bị biến thành một công cụ ngờ nghệch và giả dối của chính trị. Có thể dùng cách suy luận của GS Nguyễn Huệ Chi để lý giải con người TTK được chăng? TTK muốn đóng góp sức mình cho dân tộc nhưng giống như người đẩy một cỗ xe thoát ra khỏi vũng lầy: Sức lực để đẩy xe không bằng cái sức bỏ ra để lôi hài bàn chân của mình thoát ra khỏi vũng lầy! Sự ngây thơ chính trị của đa số trí thức đều dẫn đến những kết cục tương tự. Cái cách đấy sai nhiều lắm nhưng vẫn có những điểm sáng đáng trân trọng. Chẳng hạn, chính phủ “bù nhìn” TTK vẫn có thể làm được những điều có ích như việc tha tù phạm (tháng 5-6.1945), giải phóng cho một số chiến sĩ cách mạng bị bắt như Nguyễn Duy Trinh, Lê Tính; ban bố lệnh hoãn nợ cho dân nghèo, đề ra chương trình giáo dục mới, cách thức “trừng Thanh, lại trị”... Những chính sách đó đã giảm bớt sự thống trị phát xít hà khắc cho nhân dân ta. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói: TTK đã bày tỏ tấm lòng với nước theo cách của mình (dù có không ít những điều sai, như đã nói ở trên).

Huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là nơi sinh ra nhiều danh nhân “chạng vạng”. Hầu như bất kỳ một danh nho nào đã ra đời nơi mảnh đất cồn khô, đất bạc này cũng có đủ sự “chạng vạng” với muôn sắc, muôn màu: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Hà Văn Mỹ, Nguỵ Khắc Tuần, Vũ Đức Huyền, Trần Trọng Kim…

Những nhân vật lịch sử ấy, mỗi người chạng vạng một cách khác nhau. Và, đã là chạng vạng thì tất nhiên buộc hậu thế phải tốn nhiều giấy mực, bất đồng. Âu cũng là cái lẽ đương nhiên của hầu hết các tài năng...

90 năm trước, khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của Việt Nam sử lược, TTK chắc chắn phải biết rằng đó là cách tốt nhất để khơi dậy tinh thần dân tộc của cả giống nòi. Chỉ riêng điều đó thôi, có thể khẳng định Học giả Trần Trọng Kim là nhà sử học đầu tiên, người thầy đáng kính của nền sử học cận hiện đại.

Huế, tháng 2.2010. Tel: 0914.079.210 &01255.244.159

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"