Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

Nhật kí Tập Cận Bình

Thế là họ Tập đã ghé thăm Việt Nam. Có lẽ đó là một trong những chuyến công du êm ái nhất của ông. Tôi dù ở rất xa quê nhà, nhưng cũng cố ghi lại vì dòng nhật kí để làm thông tin tham khảo sau này. Những thông tin mà tôi muốn ghi lại là về bà phu nhân của ông Tập, những phát biểu "đại cục" của ông ấy, và cách mà phía VN tiếp ông ấy ...


Bành Lệ Viện

Phải ghi nhận một điều là mấy ông Tàu cộng hiện đại văn minh hơn nhiều so với mấy ông Tàu cộng đồ đệ của thế hệ Mao. Văn minh ở chỗ là họ dẫn dắt phu nhân theo trong các chuyến công du, và phu nhân của họ cũng ăn mặc coi được. Chẳng hạn như phu nhân của Tập Cận Bình, bà Bành Lệ Viện tháp tùng theo chồng sang VN, thấy cách trang phục hợp thời trang, có phần tinh tế, và mặt mũi trông cũng có vẻ sáng sủa, ít ra là sáng hơn ông chồng (1). Nhưng tìm hiểu thêm thì bà này có một quá khứ không thân thiện gì với nước ta ...

Bà này, Bành Lệ Viện, hoá ra xuất thân là một ca sĩ. Trong một bài ca ngợi bà Bành, báo VNexpress cho biết bà vốn là một ca sĩ có tiếng của Tàu cộng, và "Bà góp phần cải thiện hình ảnh của ông, cũng như quyền lực mềm của Trung Quốc ở nước ngoài" (2).

Điều đó giải thích tại sao bà biết chọn trang phục đài các và chọn đôi guốc trông khá sang.Tuy nhiên, tờ báo tiếng Việt VNexpress này không cho chúng ta biết rằng bà Bành từng phục vụ trong đoàn văn công của Tàu cộng. Hơn thế nữa, theo một cư dân mạng chỉ ra rằng bà Bành này còn ra tận trận tuyến ca hát động viên quân Tàu trong trận Lão Sơn năm 1979 (3). Cần nói thêm rằng trong trận đó, có hơn 600 người lính Việt hi sinh, và Việt Nam đã mất một phần đất về Tàu.

Hình Bành Lệ Viện đang ca hát phục vụ cho lính Tàu sắp đánh Việt Nam 

Không ai tắm trong một giòng sông 2 lần. Ngày xưa bà động viên binh lính Tàu sang chém giết quân dân ta, còn ngày nay bà là đường đường chính chính phu nhân của họ Tập. Trớ trêu thay, bà còn được báo chí tiếng Việt ca ngợi, được trẻ em Việt cầm bông dâng tặng, và người Việt ra ôm ấp chào đón như gặp ... người thân! Tôi nghĩ chắc bà Bành hài lòng lắm, vì bà đến cái đất nước này như là một kẻ chiến thắng, với một vai vế của một kẻ bề trên. Không hài lòng sao được khi có thể bà sẽ nghĩ "ta đã từng góp công sức hạ sát anh chị em của chúng, và bây giờ chúng ra đây đón ta trọng thể". Và, sự hài lòng của bà là một nỗi nhục cho người Việt.

"Đại cục "

6/11 Mới đáp xuống máy bay, Tập Cận Bình đã nói một câu ngọt ngào rằng Tàu nguyện cùng với Việt Nam nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau (4). Ui chao, nghe cứ như là lời phủ dụ của “Thiên Triều”. Chúng ta thử bàn qua cái đại cục, cái tôn trọng lẫn nhau xem sao ...

Cái đại cục của Tàu có thể tóm tắt là họ muốn chiếm VN để làm bàn đạp tiến về phía Nam. Chính Chu Ân Lai từng thú nhận rằng Tàu là nước lớn nhưng không có đường ra biển và xuống Đông Nam Á. Chính vì thế mà Mao luôn muốn kiểm soát và kiềm chế VN như một chư hầu (và với sư tiếp tay của phía VN Mao đã làm cái này rất tốt). Chính Mao đã ra lệnh chiếm Hoàng Sa của VN. Chính Tàu cộng đã chẳng từng tuyên bố là sẽ dùng người Việt để đánh Mĩ đó sao: “đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng” (5).

Cái gọi là “hướng về lâu dài” mà họ Tập nói đến có lẽ là phải chiếm lấy VN. Hầu như người lãnh đạo nào của Tàu, từ thời phong kiến đến thời cộng sản, cũng đều đặt mục tiêu chiếm VN làm chư hầu. Mao Trạch Đông chẳng thèm dấu giếm gì ý định "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malayxia và Singapore" (6).

Còn “tôn trọng lẫn nhau”? Không có chuyện Tàu tôn trọng một đàn em chỉ vâng dạ như VN. Trong thực tế, Tàu rất khinh thường giới lãnh đạo VN, và họ chẳng hề dấu giếm gì cái thói trịch thượng và bề trên đối với VN. Đặng Tiểu Bình thì từng tuyên bố trước báo chí quốc tế rằng "Việt Nam là côn đồ”, và sau đó lên giọng kẻ cả “phải dạy cho Việt Nam bài học” (7). Đảng cộng sản Tàu còn cho cái loa của họ (Hoàn Cầu thời báo) ra rả chửi bới VN hầu như hàng tuần, chúng công khai xem VN là thù địch, chúng đòi tấn công VN, và liên tục bêu rếu lãnh đạo VN trên mặt báo. Mới đây, chúng còn thọc sâu vào nội bộ VN và cho rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được là “một đại diện của phe thân Mĩ”.

Trên báo là thế, còn trên biển thì chúng xua quân, xua ngư dân xuống Biển Đông. Chúng khủng bố và cướp tài sản của ngư dân Việt như chỗ không người. Chúng ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh cá ngay tại vùng biển VN. Chúng táo tợn cắt cáp của tàu thăm dò dầu khí VN ngay trong vùng biển của VN. Nói tóm lại, chúng chẳng xem VN ra gì, và trong thực tế thì chúng đã cho hải quân làm chủ ở Biển Đông trong khi phía VN thì có vẻ thụ động thúc thủ!

Những dữ liệu trên đây minh chứng cho cái gọi là “đại cục”, cái “hướng về lâu dài”, và “tôn trọng lẫn nhau” mà họ Tập nói đến. Người Tây có câu “talk is cheap” (lời nói rẻ tiền), cũng như người mình có câu “Lời nói không mất tiền mua”. Những lời nói của họ Tập quả thật rất rẻ tiền. Những ai tin vào Tập phải được xem là dại dột và phản bội dân tộc. Nói như một nhà sử học, những kẻ nào quên quá khứ thì thế nào cũng lặp lại sai lầm trong quá khứ. Ước gì câu này được các lãnh đạo VN thuộc lòng khi bắt tay với Tập Cận Bình.

Khách của đảng và khách của dân

Nhìn những tấm hình chụp nhân chuyến ghé thăm VN của ông Tập Cận Bình, tôi thấy thật là tương phản với những hình chụp nhân dịp ông Bill Clinton ghé thăm VN mấy năm trước. Một người chỉ tiếp xúc với quan chức của đảng; còn một người thì ngoài tiếp xúc quan chức, còn dành thì giờ để gặp gỡ thường dân trên đường phố. Nhưng qua đó mới thấy thiện cảm của người dân dành cho ai ... 
Chúng ta biết rằng trong chuyến viếng thăm VN năm 2000, Bill Clinton có dịp nói chuyện với sinh viên ở ĐH Quốc Gia Hà Nội, nhưng sự việc không êm xuôi như trên báo viết. Một giảng viên ngoài Hà Nội cho tôi biết rằng nhiều sinh viên đoàn viên và đảng viên đã được an ninh dặn trước là cố tình lờ đi và xem thường phát biểu của Clinton bằng cách giở báo ra đọc, vỗ tay chiếu lệ hoặc không vỗ tay, thậm chí gây ồn ào trong lúc ông Clinton nói! Một kiểu tiếp khách ... rất mất dạy. Thật vậy, trong cuốn "Bên thắng cuộc", Huy Đức cũng kể rằng một tướng công an đã xuống chỉ đạo cho ban giám hiệu khi nào đứng và khi nào vỗ tay. Còn ông Phan Văn Khải khi tiếp Clinton cũng không cười, vì lí do đơn giản là "Bộ chính trị đã thống nhất là không được cười" (lời ông Khải). Nói chung người ta cố gắng dựng nên một kịch bản nhằm hạ nhục Clinton. Clinton chắc chắn biết và thấy rõ, nhưng có lẽ vì lòng cao thượng, nên không chấp hành vi của những con người lùn tâm và nhỏ mọn.

Chưa biết lần này giới lãnh đạo đảng tiếp Tập Cận Bình có như những người tiền nhiệm tiếp Clinton hay không. Nhìn hình thì thấy các vị ấy cười tươi, mặt rạng rỡ, đưa tay bắt tay họ Tập. Hi vọng rằng khi họ Tập nói chuyện trong Quốc Hội thì không có đại biểu nào ngủ gục hay làm ồn ào. Với cái củ cà rốt 157 triệu USD (hay 1 tỉ nhân dân tệ), thì kịch bản cho đồng chí Tập thì phải trang trọng hơn kịch bản cho "cao bồi" Bill chứ. Nhưng qua đó, chúng ta cũng biết được trái tim của họ (những người ở vị trí chóp bu đang điều hành đất nước) đặt ở đâu.

Hình người dân tiếp ông Clinton, và quan chức tiếp ông Tập Cận Bình 

Rõ ràng trái tim của họ không có cùng nhịp đập với người dân. Chuyến đi của Bill Clinton được dân Hà thành đón tiếp nồng nhiệt. Nên nhớ là Clinton và phái đoàn đến Hà Nội lúc 11 giờ đêm, vậy mà vẫn có hàng ngàn người dân tự nguyện đứng chờ hai bên đường trong thời tiết lạnh lẽo để chào mừng ông đến Hà Nội. Có thể nói là khi Bill đi đến đâu, dù là văn miếu hay trên phố, là dân chúng theo để bắt tay, để được chụp hình chung. Nhìn tấm hình Clinton bắt tay người dân ở Hà Nội (và Sài Gòn), bà Clinton và con gái đi chợ Bến Thành, và hai thanh niên ở cửa sổ thật là khác với tấm hình Tập bắt tay các quan chức. Bill thì có vẻ thành thật với người dân, còn Tập thì tỏ ra giả vờ, đóng kịch với quan chức VN. Tập và phu nhân của ông chắc không dám xuống đường bắt tay dân Việt, bởi vì ông thừa biết rằng hơn 70% dân Việt không ưa Tàu cộng.

Rõ ràng Tập Cận Bình là khách của đảng, còn Bill Clinton là khách quí của dân.

Vấn đề lễ tân và li rượu vang

Nhìn bức hình ngài tổng bí thư VN và Tàu cầm li rượu đỏ, tôi phải nói là thất vọng cho "phe ta". Ông Nguyễn Phú Trọng cầm li rượu vang ... sai cách, nhưng ông Tập Cận Bình biết cầm li rượu đỏ đúng cách. Chỉ một chi tiết nhỏ như thế cũng tiết lộ cái văn hoá giao tiếp ở giới thượng lưu của phe ta còn kém tinh tế hơn Tàu một bậc.

Uống rượu vang là một văn hoá. Hồi tôi đi học về rượu vang, người thầy lúc nào cũng nói câu đó. Hai trong những nét văn hoá uống rượu vang là cách chọn li và cách cầm li. Li rượu vang đỏ phải là li có chân hơi dài, và phía trên có hình bầu (rất khác với rượu brandy). Cách cầm li đúng điệu là dùng 5 ngón tay ôm lấy cái chân của li, chứ tuyệt đối không được ôm cái phần trên của li (xem hình 1). Có vài lí do thực tế để cầm cái chân li thay vì phần trên, trong đó có cả lí do tế nhị để cho li nó sạch, không có dấu vân tay. (Lí thuyết là như thế, nhưng trong thực tế người ta hay quên -- tôi cũng thế, nhất là trong tiệc tùng thân mật, chẳng cần li đúng hay sai, mà chỉ ... uống). 

Cách cầm li vang đúng cách (nhưng chắc ít ai chú ý). 

Nhìn cách ông tổng Trọng cầm li là ... hỡi ôi! Rõ ràng là ông chưa được chỉ về cách cầm li rượu vang, nên mới ôm cái li rất không đúng cách như thế. Còn ông Tập thì biết, có thể ông được chỉ cái etiquette giao tiếp trong tiệc. Phải nói là trách người cố vấn lễ tân (protocol), chứ không hẳn là trách cá nhân ông ấy.

Dùng li không hợp cho vang đỏ. 

Cách cầm li rượu sai cách của "phe ta" (nhưng họ Tập thì làm đúng) 

Bác Sang cầm li rượu đúng cách nhưng tiếc cái khom lưng! 



Bác Trọng quên cài khuy áo!


Thật ra, nói chung thì các lãnh đạo VN còn hơi kém về mặt etiquette. Chưa nói đến khía cạnh phát ngôn có nhiều vấn đề, ngay cả cách ăn mặc đến yến tiệc, giới lãnh đạo VN phạm phải nhiều sai sót tế nhị. Có lần tôi thấy ông LKP không biết thắt cà vạt khi ổng tiếp một nguyên thủ quốc gia. Ngay cả ông tổng Trọng trong chuyến công du Mĩ kì rồi cũng để bộ áo veston không đúng điệu (không thắt nút trên) khi tiếp kiến Obama.

Tất cả mấy chi tiết trên chỉ là chuyện nhỏ. Tuy nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Trong đại yến tiệc, người lịch duyệt chỉ cần nhìn người đối diện ăn mặc, cách cầm li rượu, cách uống rượu, thậm chí cách để cái nĩa, v.v. cũng đủ biết họ là ai, thuộc tầng lớp nào. Lỗi là của nhóm lễ tân làm không tốt việc, chứ không hẳn mấy bác ấy (thì giờ đâu mà mấy bác ấy lo chuyện tiểu tiết). Thật đáng tiếc!

Khi nào nghỉ hưu, tôi sẽ xin cái chức cố vấn lễ tân (bán thời gian thôi) và làm phát ngôn viên ngoại giao để đánh võ chữ với báo chí.

====

(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-den-viet-nam-3307345.html

(2) http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/phan-tich/banh-le-vien-bieu-tuong-quyen-luc-mem-cua-trung-quoc-3301806.html

(3) http://www.81.cn/jlwh/2014-11/19/content_6230777.htm

(4) http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-nguyen-cung-viet-nam-nhin-ve-dai-cuc-20151105091223756.htm

(5) http://motthegioi.vn/quoc-te/mao-trach-dong-qua-bao-chi-trung-quoc-ngay-nay/ky-75-mao-trach-dong-hoang-de-do-cua-trung-hoa-cong-san-113905.html

(6) http://motthegioi.vn/quoc-te/mao-trach-dong-qua-bao-chi-trung-quoc-ngay-nay/ky-75-mao-trach-dong-hoang-de-do-cua-trung-hoa-cong-san-113905.html


(7) http://www.bbc.com/vietnamese/indepth/story/2009/02/090216_duongdanhdy.shtml

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"