Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Blogger Tạ Phong Tần: 'Tôi cảm thấy nơi đây là nhà của mình'




Hà Giang/Người Việt (thực hiện)




Blogger Tạ Phong Tần (trái) buổi tối đầu tiên ở Mỹ, bên cạnh bạn bè thân hữu.

(Hình: Trần Phong/CLBNBTD)

LTS: Tù nhân lương tâm Blogger Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công Lý và Sự Thật, đồng sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, vừa đến Hoa Kỳ tối 19 tháng 9, năm 2015. Sáng nay, 21 Tháng Chín, Blogger Tạ Phong Tần cho biết sẽ định cư ở Nam California, để có dịp sum họp và tiếp tục sinh hoạt với nhiều anh em cùng chí hướng. Blogger Tạ Phong Tần cũng dành cho nhật báo Người Việt cuộc phỏng vấn đầu tiên, do Hà Giang thực hiện.


Hà Giang (NV): Chào mừng Blogger Tạ Phong Tần đến Hoa Kỳ. Chị có thể cho biết cảm tưởng trong những ngày chân ướt chân ráo đến Mỹ?


Blogger Tạ Phong Tần: Tôi xúc động được đồng hương chào đón, còn vui thì vui trong vòng tay thân thương của bạn bè, Blogger Điếu Cày, Blogger Uyên Vũ, những người đã cùng tôi sát cánh hoạt động cách đây hơn tám năm, hồi ở Việt Nam.
NV: Từ lúc nào thì Blogger Tạ Phong Tần bắt đầu biết là mình có thể sẽ qua Mỹ định cư?
Blogger Tạ Phong Tần: Nếu mà nói là biết thì do mình đoán thôi, chứ không biết chắc. Còn biết chắc chắc thì là từ khi Bộ Ngoại Giao (Hoa Kỳ) cử người đến trại giam gặp.


Vào năm 2012, khi vừa xét xử sơ thẩm xong, thấy báo chí trong nước chửi sứ quán Mỹ, chửi Lãnh Sự Mỹ, chửi cả Đại Sứ Quán Liên Minh Âu Châu, và các tổ chức quốc tế khác, chẳng hạn như Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo, tổ chức theo dõi nhân quyền, rồi tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, vì lý do họ đã ra một thông cáo báo chí nói rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền và đòi Việt Nam trả tự do cho tôi ngay. Rồi đến phiên tòa Phúc Thẩm họ vẫn lên tiếng như thế, thì kể từ lúc đó, tôi biết là mình không cô đơn. Kể từ lúc đó tôi vững tin rằng mình sẽ không bao giờ phải ở trong tù mười năm.
NV: Như vậy đến lúc nào thì chị mới biết là mình chắc chắn sẽ qua Mỹ?
Blogger Tạ Phong Tần: Khi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho người đến gặp thì lúc đó tôi mới biết chắc chắn. Trước khi Bộ Ngoại Giao cho người đến thì Bộ Công An đã đến đề nghị tôi viết đơn xin đi Mỹ để cho họ xem xét, nhấn mạnh từ “xem xét,” có nghĩa là có thể được có thể không, có nghĩa đó là quyền của họ, là mình phải cúi đầu xin xỏ. Tôi bác bỏ thẳng thừng. Tôi nói họ đừng bao giờ mang vấn đề tự do ra để làm điều kiện đánh đổi với tôi. Đến ngày 12 Tháng Chín, Bộ Ngoại Giao cho người đến nhà tù hỏi ý tôi rằng có đồng ý đến Mỹ định cư hay không. Họ nói 'chúng tôi chỉ cần biết có thế. Nếu đồng ý, chị có thể viết cho chúng tôi mấy chữ xác nhận điều đó. Chúng tôi không yêu cầu chị nhận tội, chúng tôi không yêu cầu chị phải làm đơn từ gì cả.' Tôi nói với họ rằng tôi đồng ý định cư ở Hoa Kỳ nếu phía Mỹ cho phép, còn nếu bắt phải viết đơn gì xin nhà nước Cộng Sản Việt Nam thì dù bất cứ đơn gì tôi cũng không viết. Tuy nhiên nếu phía Mỹ bảo viết bản kê khai tài sản để nhập cảnh, thì tôi làm.
NV: Chị có thể tả lại quang cảnh buổi gặp gỡ đó giữa chị và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ?
Blogger Tạ Phong Tần: Buổi gặp gỡ đó có sự chứng kiến của công an mấy chục người, cả công an của Bộ Công An và công an của trại giam. Khi nhân viên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đến gặp thì Bộ Công An trại giam đưa tôi vào văn phòng nói chuyện. Bên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có hai người, trong đó có một người phiên dịch. Còn phía công an thì đông lắm, một cái bàn dài cỡ 3 mét, họ ngồi kín hết xung quanh, chắc là phải hơn 20 người. Nói chuyện xong thì phía Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói là 'chúng tôi hy vọng có thể gặp lại bà trong vòng thời gian 2 tuần nữa.'
NV: Gặp Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở trại giam ngày 12 Tháng Chín, mà ngày 19 đã sang tới Mỹ, như vậy thời gian nhanh bất ngờ, phải không ạ?
Blogger Tạ Phong Tần: Đúng, tôi cũng ngạc nhiên. Mới chưa được 10 ngày, thì hôm đó, khoảng 12:30 trưa, phía trại giam đến phòng giam nói tôi 'thu dọn đồ đạc đi Mỹ.' Họ đến tận phòng giam, trong đó có một người tù khác ở cùng. Họ nói thu dọn 'nhanh nhanh lên cái nào cần mang đi thì mang đi, lên máy bay họ không cho mang đi nhiều.' Tuy nói là thu dọn nhanh lên đi, nhưng họ vẫn muốn giữ lại một số món đồ cá nhân của tôi, tôi cãi lại quyết liệt đòi lại cho bằng được cho nên hai bên giằng co cho đến khi ra được lên xe để rời khỏi trại giam là hơn một tiếng đồng hồ.
NV: Những thứ họ đòi giữ lại là gì?
Blogger Tạ Phong Tần: Họ muốn giữ những vật lưu niệm, đồ dùng cá nhân của tôi, sô chậu nè, sổ sách nè, quyển kinh thánh, cuốn tự điển Hoa Việt nè. Tôi đòi lấy lại hết. Nhưng ra đến sân bay thì tôi phải vất bỏ lại cái thau nhôm và hai cái thùng. Uổng cái thau nhôm.
NV: Cái thau nhôm có gì đặc biệt họ đòi giữ lại còn chị thì nhất định đòi mang đi?
Blogger Tạ Phong Tần: Vì đó là cái chậu nhôm mà tụi tôi dùng để đòi nước. Khi họ hạn chế nước, tụi tôi kêu rầm lên, dùng cái chậu nhôm đó đập rầm rầm vào cửa, nên nó bẹp dí, không còn ra hình cái chậu nữa. Ra sân bay không mang nó theo được thì đành ra phải bỏ lại.
NV: Trở lại với chuyện ra phi trường, lúc nãy chị nói xe công an chờ sẵn ngoài cổng trại giam?
Blogger Tạ Phong Tần: Trong khi người công an đến phòng giam nói tôi thu dọn đồ đạc thì nhóm khác chờ trong mấy cái xe ở sẵn ngoài cổng. Tất cả là ba xe. Xe mình ngồi kể cả mình là 8 người. Đằng trước một xe cũng từng đó người, đàng sau một xe cũng từng đó người. Tất cả hơn hai mươi người.
NV: Sao chỉ đưa một người ra sân bay mà làm gì phải đi đông thế?
Blogger Tạ Phong Tần: Chưa hết đâu, ra tới sân bay là thấy bọn công an mặc thường phục đứng lố nhố ở đấy cả hơn chục người. Rồi camara máy ảnh đầy nhóc hết trơn. Khu vực đó là khu cửa sau của sân bay, không có bất cứ người nào khác ngoài công an với mình. Một lúc lại thấy thêm một số kéo tới nữa, cả năm mươi người. Lúc máy bay sắp cất cánh rồi, thì họ mới đưa tôi từ đằng sau đi ra đằng trước, thì lúc đó người ta đã lên máy bay ngồi đủ hết rồi, chỉ còn thiếu hai nhân vật thôi, là nhân viên Bộ Ngoại Giao, ông David V. Muehlke và Tạ Phong Tần. Ông David Muehlke đứng trên cầu thang vào máy bay, lúc tôi bước lên thì cả hàng chục máy ảnh chiếu vào quay đủ các hướng.
NV: Khi đưa chị lên thang vào máy bay, thì mấy người công an có nói lời giã biệt, chúc chị thượng lộ bình an không? Còn chị có quay lại nhìn quê hương lần cuối không?
Blogger Tạ Phong Tần: Họ không nói gì, chỉ đưa cái giấy quyết định tạm hoãn thi hành án thôi. Họ cũng không bắt ký gì cả. Đưa một cái là đi luôn, nếu bắt mình ký thì mình lại không ký. Còn tôi, tôi không quay lại nhìn, bởi vì có cái gì đâu mà nhìn, chỉ đám công an với cái sân bay thôi chứ có ai đâu mà nhìn...(cười).
NV: Cảm xúc chị khi bước lên máy bay như thế nào?
Blogger Tạ Phong Tần: Mình cảm thấy là phía trước mặt mình là còn cả một chặng đường đấu tranh rất dài đầy khó khăn, nhưng mình vẫn phải kiên trì tiếp tục. Xúc động thì có lẽ không, vì mình biết đó là tương lai được báo trước.
NV: Trước khi rời Việt Nam chị có được gọi phôn báo tin cho gia đình không?
Blogger Tạ Phong Tần: Không. Hoàn toàn không. Gia đình tôi ở Việt Nam cũng theo dõi Facebook và biết tin tôi qua Mỹ cùng một lúc như những người khác. Từ lúc qua Mỹ đến giờ thì mới liên lạc về nhà qua Facebook.
NV: Nếu trong buổi tối hôm đó, khi người đồng hương đến đón mang cờ vàng ba sọc đỏ ra trao cho chị thì chị sẽ phản ứng ra sao?
Blogger Tạ Phong Tần: Đưa thì mình nhận, chẳng sao cả. Mình sẽ nhận, mình sẽ công bố ngay đây là lá cờ của tự do, của tự do ngôn luận. Vì chuyện rõ ràng lắm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đã từng ở miền Nam Việt Nam, và miền Nam Việt Nam từng có tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hơn nữa, lá cờ đó, ở bang Cali, đã được thống đốc bang Cali công nhận đó là lá cờ đại diện cho người Việt ở đây.
NV: Như vậy có lẽ Blogger Tạ Phong Tần đã sẵn sàng tâm lý để hòa nhập vào cộng đồng người Việt ở đây, trở thành một phần của cộng đồng?
Blogger Tạ Phong Tần: Tuy là vẫn còn những điều bỡ ngỡ chưa quen, về ngôn ngữ, về đường sá chẳng hạn, nhưng mà điều đó không thành vấn đề, những khó khăn mình sẽ khắc phục trong thời gian tới. Quan trọng là ở đây mình cảm thấy nơi đây như là ở nhà của mình.
NV: Chị có thể chia sẻ vài dự tính tương lai?
Blogger Tạ Phong Tần: Dự tính thì thấy là phải làm nhiều việc lắm. Thứ nhất là phải tìm cách để khởi kiện vụ án này ra tòa án quốc tế. Thứ hai là viết một cuốn hồi ký, kể về tất cả những điều tai nghe mắt thấy trong sáu nhà giam đã đi qua. Thứ ba, là nhờ các luật sư ở Mỹ tư vấn việc mình phải làm thế nào để mình trở thành một luật sư chính thức mang quốc tịch Mỹ, để quay trở về Việt Nam hành nghề.


Luật sư nước ngoài, hoạt động ở Việt Nam không được tham gia vào những phiên tòa hình sự. Nhưng nếu mình là luật sư nước ngoài mà được đào tạo đầy đủ về luật Việt Nam thì sẽ được tham gia.


Tôi đã được đào tạo bài bản qua đủ các lớp, các bước ở Việt Nam, đủ điều kiện trở thành một luật sư ở Việt Nam, nhưng họ không dám cho tôi làm luật sư ở Việt Nam. Dĩ nhiên đây là những kế hoạch rất lâu dài, thực hiện chắc là rất khó, nhưng mình có quyết tâm thì sẽ được. Còn kế hoạch ngắn hạn thì viết truyện, viết báo để ổn định đời sống.
NV: Cảm ơn chị đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"