Ðiếu Cày/Người Việt
Năm 2007, khi trong nước rầm rộ những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
xâm lược Hoàng Sa-Trường Sa, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do (CLBNBTD) đã liên
tục tổ chức biểu tình trong nhiều tuần liền thì Người Buôn Gió, tức Bùi
Thanh Hiếu, từ Hà Nội vào gặp chúng tôi tại Sài Gòn.
Trước
đó, Người Buôn Gió cùng với nhà văn Trang Hạ, đã tham gia các cuộc biểu
tình chống Trung Quốc tại Hà Nội. Khi nhà văn Trang Hạ phát hành cuốn
sách dịch đầu tay của cô (“Xin Lỗi Tôi Chỉ Là Con Ðĩ,” nhà xuất bản Hội
Nhà Văn) ngoài ký tặng người mua sách, cô còn kèm theo dán tặng một đề
can có nội dung Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam lên mũ bảo hiểm hoặc
xe gắn máy.
Khi Trang Hạ phát được mấy chục cái đề can cho người mua sách thì cô
bị công an bắt đưa về Quận Hoàn Kiếm giam giữ. Công an truy tìm ai là
người in và đưa cho Trang Hạ số đề can đó? Họ tìm ra bạn của Người Buôn
Gió tại quán Cafe và bắt được anh này với 250 đề can trong túi. Lần theo
anh bạn này họ truy ra người in đề can Hoàng Sa Trường Sa chính là
Người Buôn Gió.
Trong khi cuộc truy tìm Người Buôn Gió xảy ra gắt gao tại Hà Nội để
tịch thu số đề can đó, thì anh đang ngồi cùng chúng tôi ở Sài Gòn. Người
Buôn Gió mang đề can Hoàng Sa-Trường Sa vào cho anh em chúng tôi tại
Sài Gòn để tiếp lửa biểu tình chống quân Trung Cộng xâm lược biển đảo
Việt Nam.
Biết tin Trang Hạ và bạn mình bị bắt, Người Buôn Gió vẻ lo lắng. Anh
bảo tôi lưu số điện thoại của vợ anh để phòng khi bất trắc. Nhưng lúc đó
thì Người Buôn Gió là gương mặt quá xa lạ với an ninh Sài Gòn, nên anh
không bị khó khăn gì, đến lúc nghe tin Trang Hạ được thả về, chúng tôi
mới thở phào và hẹn nhau ăn tối.
Trong buổi ăn tối, chúng tôi đã thảo luận về những những cách thức sử
dụng Internet để thúc đẩy quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi mời
Người Buôn Gió tham gia vào CLBNBTD. Tuy chưa nhận lời tham gia nhưng
chúng tôi và Người Buôn Gió cùng thống nhất là: Chúng ta phải “đi bán
dầu” ra thiên hạ trước đã.
Tối hôm ấy tôi mời Nguyễn Tiến Trung đến gặp Người Buôn Gió cùng thảo
luận về những cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn, cùng nhau chia sẻ
thông tin và những mẫu áo, khẩu hiệu và phối hợp trong Nam ngoài Bắc,
chia sẻ thông tin và hình ảnh các cuộc biểu tình với báo chí nước ngoài…
Không ngờ phải rất lâu sau chúng tôi mới gặp lại nhau.
Ba tháng sau tôi bị bắt tại Ðà Lạt, suốt thời gian hai năm rưỡi tôi không có tin gì về Người Buôn Gió.
Tháng 12 năm 2011 khi bị chuyển đến trại tạm giam B34 và gặp Lê
Nguyễn Hương Trà tôi mới biết Người Buôn Gió cũng bị bắt và bị điều tra
nhiều lần.
Mười năm sau, những ngày đầu tháng 8 năm 2016, tôi mới gặp lại Người
Buôn Gió tại Hoa Kỳ, nhân dịp anh sang để ra mắt cuốn sách Ðại Vệ Chí
Dị. Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết khi anh còn ở trong nước. Tôi biết
Người Buôn Gió vẫn luôn thực hiện công việc “bán dầu” đều đặn và chăm
chỉ.
Xem thêm Video: Người Buôn Gió trả lời phỏng vấn báo Người Việt năm 2014
Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa chúng tôi (Ðiếu Cày) và Người Buôn Gió sau hơn 10 năm gặp lại:
Ðiếu Cày: Vì sao anh lấy ‘nick name’ là Người Buôn Gió?
Người Buôn Gió: À, tại em hồi bé xem vở kịch về cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn lúc ban đầu. Trong vở kịch có đoạn Trần Nguyên Hãn
gánh dầu đi bán qua cửa nhà Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi mới gọi vào hỏi.
Giang sơn điêu linh vì giặc Minh xâm chiếm, sao người thanh niên to khỏe
như ông không lo chuyện ấy mà lại đi bán dầu để lo cho mình?
Trần Nguyễn Hãn chỉ nói câu ngắn gọn: Giang sơn muốn bốc lửa, ta phải đi bán dầu.
Từ cái tích đó trong vở kịch, em lấy tên là Người Buôn Gió, đó là thể
hiện mong muốn đi gieo suy nghĩ tự do trong lòng người dân Việt Nam
bằng những bài viết giản dị của mình, sao cho người dân bình thường dễ
đọc.
Ðiếu Cày: Trước khi viết blog anh làm nghề gì?
Người Buôn Gió: Trước đó em có một công ty làm quảng
cáo, nội thất. Sau khi tích được chút vốn từ việc làm quảng cáo, nội
thất em chuyển sang làm cầm đồ và cho vay lấy lãi.
Ðiếu Cày: Cầm đồ và cho vay lấy lãi! Làm thế nào mà đang vậy anh lại trở thành người viết blog lên án những sai trái trong xã hội?
Người Buôn Gió: Lằng nhằng lắm anh. Ðầu tiên là khi
con trai em sinh ra trong bệnh viện, nạn ăn hối lộ của bác sĩ ghê quá,
họ tỉnh bơ trước tính mạng con người để nhận tiền. Em nghĩ thế này thì
lưu manh như em và bác sĩ chả khác gì nhau, cái này em có trả lời phỏng
vấn báo Người Việt do chị Hà Giang thực hiện hồi năm 2014. Anh hay bạn
đọc báo Người Việt cứ tìm lại bài đó sẽ biết.
Ðiếu Cày: Internet phát tán thông điệp như thế nào? Ví dụ cụ thể của anh hoặc những người khác?
Người Buôn Gió: Ôi cái này thì tiếc cho anh bị từng
ấy năm tù giam không được chứng kiến những thay đổi vượt bậc của công
nghê thông tin, trang mạng xã hội. Sau khi anh bị bắt thì những trang mà
hồi đó anh em mình hay dùng như yahoo360, multiply, plus liên tục bị
thay đổi. Rồi có Facebook, cái này mới là bước ngoặt quan trọng. Không
như hồi đó yahoo360 chỉ giới hạn vài trăm người kết bạn. Facebook nó cho
phép đến 5 ngàn, còn người theo dõi thi không giới hạn. Ðã thế lại còn
bao tính năng như chia sẻ, like, bình luận. Ảnh và phim đưa lên rất
nhanh. Chính vì thế tốc độ loan tải thông tin trên Facebook rất lớn,
trong vòng vài chục phút có thể hàng trăm ngàn hay hàng triệu người đọc
được một thông tin nóng nào đó.
Ðiếu Cày: À, cái này thì tôi cũng cảm nhận được.
Chẳng hạn như trang ‘Facebook Bloger Ðiếu Cày’ của tôi sau sự kiện tôi
gặp Tổng Thống Obama đến giờ tính ra được một năm, đã tăng thêm 30 ngàn
người theo dõi. Vậy sau khi blog của anh có nhiều người đọc anh có bị
chính quyền gây khó dễ không?
Người Buôn Gió: Trời anh lại đi hỏi em câu này, anh
viết blog mà bị kêu án tù 12 năm thì bọn lâu nhâu như em cũng làm sao mà
nhàn nhã viết blog được. Em bị bắt nhiều lần, nhưng chỉ thời gian ngắn
lại được ra không xét xử gì, nhưng mà nhiều lần như thế lắm, em chả nhớ
hết.
Ðiếu Cày: Anh có thể miêu tả ngày bị bắt ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Người Buôn Gió: Lại là Hoàng Sa, Trường Sa là của
Việt Nam. Lần này em in áo chứ không phải cái đề can nhỏ như hồi đưa anh
năm 2007. Em bị bắt tháng 9 năm 2009 vì tội in áo đó, bị giam vào B14.
Lúc đó phong trào biểu tình chống Trung Cộng lại nóng trở lại. Lúc bắt
em họ đến nhà từ sáng sớm, em mới dậy thấy gọi cửa, ra thấy một đống
người công an. Em đóng cửa lại đi đánh răng, rửa mặt rồi pha trà uống.
Họ bên ngoài nhìn qua cửa sổ rồi bảo em, “Ðằng nào cũng thế rồi, anh
Hiếu đi sớm cho mát, tí trưa nắng lắm.”
Em nghe thấy cũng họ nói cũng phải, thế là mở cửa đi theo họ vào trại giam, Nằm đó mười ngày thì về.
Ðiếu Cày: Anh có thể cho biết vài chi tiết về thời gian sống trong tù?
Người Buôn Gió: Tuyệt vời, yên tĩnh. Cực yên tĩnh
luôn. Lại được ăn chay cho thanh tịnh. Xà lim của an ninh bộ thì anh lạ
gì, mấy lớp tường thì chẳng những yên tĩnh mà lại còn không bao giờ bị
chói sáng. Cực lý tưởng cho giấc ngủ, mỗi tội hơi nóng và ngộp thở thôi.
Nói chung 10 ngày tù thì đã có gì đâu anh mà kể. Thời gian ấy giới tù
lâu họ gọi là chưa hết mùi xã hội trên người mà.
Ðiếu Cày: Anh có tin rằng khả năng sử dụng
Internet và các phương tiện truyền thông khác sẽ làm cho việc dân chủ
hóa Việt Nam là điều tất yếu?
Người Buôn Gió: Riêng câu này thì rõ ràng đến mức trả lời ngắn cho anh luôn, vì chân lý thì không cần dài dòng. Chính xác là vậy.
Ðiếu Cày: Cuộc sống của anh và gia đình từ khi tới Ðức ra sao?
Người Buôn Gió: Rất tốt, em được học bổng gần $2,000
một tháng. Còn tiền nhà, tiền bảo hiểm này nọ đã được trả hết rồi. Hai
ngàn đó chỉ để ăn và tiêu xài, anh biết mức giá thực phẩm ở “bọn tư bản
giãy chết” này một người một tháng ăn hết $200 là đủ rồi. Ngoài ra em
còn được đi học tiếng Ðức ở nơi tốt nhất như viện Gớt (Goethe). Em không
phải lo kiếm tiềm, tha hồ chém gió, buôn dầu đều đều. Nhưng năm tới
không biết học bổng thế nào, vì mỗi năm họ ra hạn một lần, một năm một
thôi. Thằng Tí Hớn ý, hồi em vào Sài Gòn gặp anh có dẫn nó theo ấy. Giờ
nó học ở Ðức và là học sinh giỏi của trường nó học. Nói chung thì em khá
ổn từ lúc sang Ðức đến giờ. Nhờ sự ưu đãi của người Ðức mà em đã viết
được mấy cuốn sách và viết bài đều đều trên blog, Facebook.
Ðiếu Cày: Anh có nghĩ lý do cơm áo, gạo tiền khiến cho nhiều người đã phải tạm gác việc đấu tranh hay không?
Người Buôn Gió: Cái này thì đương nhiên, ai cũng có
gia đình, vợ con và cần phải sống. Cần phải có thu nhập, có tiền để
trang trải cuộc sống. Chính vì thế an ninh Cộng Sản hay triệt đường
sống, công việc, đường mưu sinh của những người đấu tranh trong nước.
Ngay như em sau này không còn học bổng của chính phủ Ðức nữa, phải bươn
chải kiếm tiền nuôi gia đình. Cũng có khi phải gác tạm chuyện bán gió,
buôn dầu lại. Biết làm sao được anh.
Ðiếu Cày: Tôi rất xúc động sau gần mười năm mới
gặp lại anh, nhất là lại gặp ở Litle Saigon, không phải là Sài Gòn thực
sự như 10 năm trước. Cuộc gặp này khiến tôi càng nhớ đến nhiều anh em
khác nữa còn đang đâu đó, hay phiêu bạt mọi nơi. Những người anh em còn
đang ở trong lao tù của chế độ cộng sản như anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị
Bùi Thị Minh Hằng và bao nhiêu người khác nữa…
Cám ơn anh đã trả lời cuộc phỏng vấn này. Chúc gia đình anh có
cuộc sống tốt để anh có điều kiện tiếp tục việc buôn dầu, bán gió mà anh
đang theo đuổi.