Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Tâm Linh Lễ

Trần Huỳnh Duy Thức

MỘT CẢM NHẬN VỀ LỄ HỘI KHAI ẤN
Đêm nay ở Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra lễ Khai ấn đầu xuân như thường niên. Đã 6 năm rồi tôi không đến đó. Vừa rồi nghe chương trình thời sự VTV nói rằng lễ hội này đã có sự cải thiện đáng kể, không còn những cảnh tiêu cực. Hy vọng là vậy.
Nhớ lại 8 năm trước, dịp Xuân Ất Dậu 2005 tôi đọc được một bài viết về lễ hội này đăng trên Hà Nội mới, cả bản in và bản điện tử. Hôm nay tìm lại cũng may là nó vẫn còn trên trang điện tử của tờ báo này:
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/1000_nam_thang_long/39661/tam-linh-l7877%3B
Nhưng có điều tên tác giả đã bị thay đổi.
Đọc lại vẫn thấy hay và nhiều ý nghĩa. Tôi xin được giới thiệu lại dưới đây. Bài Tâm linh lễ này chính là của anh Trần Huỳnh Duy Thức viết sau lần đầu tiên đến lễ Khai ấn Đền Trần đầu năm 2005. Lúc đó anh lấy bút danh là Duy Huỳnh.
Lê Thăng Long
TRẦN HUỲNH DUY THỨC - TÂM LINH LỄ
“Mùa xuân có lễ Khai ấn, mùa thu có lễ hội Trần”. Nghe lời giới thiệu hấp dẫn của bè bạn, tôi háo hức lên đường về Thiên Trường dự lễ hội Khai ấn đầu xuân mang đầy nét văn hóa truyền thống dân tộc.
Tối 22-2, tức 14 tháng Giêng Ất Dậu chúng tôi rời Hà Nội khi trời mới chạng vạng, đến Thành Nam đã 9h30 tối. Sương khói mênh mông còn vương đầy hương vị Tết Bắc. Xe dừng ngay ở ngã tư trên đường 10. Dễ có đến cả trăm ngàn người dàn kín con đường dẫn tới đềnTrần. Chúng tôi dắt nhau đứng vào hàng. Cách đó chừng 1 cây số là quầng sáng rực rỡ, có lẽ đó là trung tâm lễ hội. Tương truyền vào những đêm thế này, ngày mười bốn tháng Giêng, các triều đại vua Trần trao ấn cho các quan để ngày mai bắt đầu một năm làm việc mới. Tôi thích thú vì sắp được chứng kiến cái nghi lễ đó được tái hiện.
Hàng người dài quá, không biết khi nào tôi mới tới được ngôi đền. Những người cùng đi động viên tôi bằng kinh nghiệm của người đã nhiều năm được nhận ấn: “Cứ yên chí xếp hàng, lát nữa sẽ có xe cảnh sát rẽ đường đưa các lãnh đạo Đảng và Nhà nước vào làm lễ, như vậy đến 3-4h sáng sẽ tới lượt mình thôi”.
Tôi thắc mắc không hiểu sao lại có nhiều người tín mộ đến thế, họ đến đây vì tò mò như tôi hay vì điều gì khác. Một người bạn giải thích bằng thái độ hết sức nghiêm trang và huyền bí: “Đất này thiêng lắm, cả triều đại nhà Trần võ công, văn trị oai hùng được phát tích từ đây, các Thánh ở đây rất linh hiển, vì thế mà các quan chức đua nhau tới đây cầu quan cầu lộc, ai đã tới đây rồi mà không vào lễ nghiêm túc thì Thánh sẽ quở phạt!”.
Vậy là tôi đang không cùng mục đích với nhiều người đứng quanh tôi đây, chuyến đi này tôi không nhằm cầu quan lộc. Nản lòng, tôi rời hàng và hài hước nói với bạn: “Nếu nhận ấn xong mà được một chức quan thì tôi cũng ráng chờ, nhưng điều đó bây giờ còn ngoài tầm kiểm soát của các Thánh, nên đêm nay nếu tôi chưa tới được Thiên Trường chắc các Thánh cũng cảm thông, mà lượng thứ”. Họ cười gượng gạo, rồi cũng lưỡng lự theo tôi.
Chúng tôi đi lòng vòng quanh thành phố Nam Định, đúng là nơi đây có nhiều địa danh lịch sử, nhiều phong tục mang dấu ấn sâu đậm của nền văn minh Đại Việt xưa. Hướng về xã Mỹ Phúc, qua vài cây số đường mương hẹp, ghồ ghề, chúng tôi tới được đền Bảo Lộc, nơi xưa kia là thái ấp An Sinh Vương Trần Liễu, nay thờ Trần Hưng Đạo. Đã gần 10 giờ đêm, ở đây vẫn tấp nập, người, xe dập dìu, đèn hoa rực rỡ, ngoài kia vạn thì ở đây cũng có đến cả ngàn người. Nhiều đám đông tụ tập chào mời khách thập phương tới mua băng, đĩa quay cảnh lên đồng lên bóng. Những dàn tivi bật âm thanh hết cỡ với hình ảnh những cô đồng nhảy múa trong tiếng thanh la, mõ, trống phách tạo nên khung cảnh náo nhiệt lạ thường. Một thoáng thất vọng hiện lên trong tôi.
Tôi không mua gì để làm lễ cúng cả, chỉ vào thắp vài nén nhang như lệ thường rồi ra ngoài, để thoát khỏi cảnh sắc sôi động. Bên kia đường, đối diện đền Bảo Lộc là một nghĩa trang liệt sĩ nhỏ khoảng trăm ngôi. Bóng đèn thắp sáng đã quá cũ làm không gian ở đây mờ hơn cả ánh trăng mười bốn. Lư hương có mấy nén nhang bị tắt giữa chừng, nhìn rất hiu quạnh. Tôi nhờ người bạn mua nhang, hoa tươi và trái cây, còn mình cố thắp lại mấy cây nhang bị tắt giữa chừng. Chúng tôi thắp nhang cắm lên từng ngôi mộ, hy vọng mang chút hơi ấm bên kia sưởi ấm bên này. Dưới ánh trăng, tôi đọc tên trên từng ngôi mộ, có người nằm xuống từ năm 1941, có người mới năm 1979, đa số đều mang họ Trần. Họ đều đã nằm xuống với niềm tin rằng để người thân của họ sẽ có cơm ngon áo đẹp. Chúng tôi ở đây hơn 30 phút, không có một khách thập phương nào vào viếng đền Bảo Lộc bước qua thắp một nén hương cho những con người đã mãi mãi ra đi vì đất nước.
Trên đường xe quay ra, dưới ánh trăng tôi nhìn rất rõ tấm biển đề: “Đền thờ Trần Thủ Độ”. Đền cổ kính, kiến trúc đẹp, rất u tịch. Đền đã đóng cửa nhưng ông từ già vẫn đón chúng tôi rất vui vẻ, hướng dẫn thắp hương và giải thích: “Trần Thủ Độ là Quốc sư, Thống Quốc Thái sư, là vị thánh khai quốc công thần, lập nên nhà Trần”. Ông nhiệt tình hỏi chúng tôi cầu gì để khấn giúp. Chúng tôi hàn huyên với ông từ gần một giờ đồng hồ. Bên ngoài xe vẫn vun vút lao qua, rất nhiều xe mang biển xanh 80B, và chưa thấy có chiếc xe nào dừng lại ghé vào. Tôi thắc mắc, ông từ chậm rãi đáp: “Vào đền Thái sư là để cầu kiến thức, học vấn thôi, các ngôi đền ngoài kia người ta thường đến cầu quan lộc”, giọng rất bình thản. Một thực tế không bình thường đã hình thành đến mức trở thành bình thường.
Tôi lên xe, lòng không khỏi chơi vơi. Ngôi đền vắng lặng tĩnh mịch dưới ánh trăng, gà đã gáy sang canh. Trời sắp sáng nhưng tôi lại cảm thấy điều gì đó đang đè nặng, trăn trở mãi.
tamlinhle.png

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"