Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

"50 sắc thái"

Hải Lý

Khoảng giữa năm 2011, thế giới bắt đầu chứng kiến một hiện tượng lạ trong văn học. Bộ tiểu thuyết “50 Shades of Grey” (gồm ba quyển) của nữ văn sĩ Anh E. L. James đã leo lên hàng đầu của nhiều bảng xếp hạng sách danh tiếng với thành tích lẫy lừng: hơn 65 triệu cuốn được bán ra và gần 40 quốc gia đã mua bản quyền dịch thuật. Đó là chưa kể Hollywood cũng đang ngấp nghé dự định chuyển “50 Shades” sang thành phim. Hiện tượng lạ, vì bản chất của “50 Shades” chỉ là một bộ tiểu thuyết khiêu dâm, hay dâm thư. Chưa bao giờ một bộ dâm thư lại tạo nên thành công về mặt tài chính như thế.
Tuy “50 Shades” chịu không ít lời chê bai từ các nhà phê bình văn học, nó cũng nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía độc giả. Nhưng dù đứng ở góc độ khen hay chê, tất cả đều đồng ý ở một điểm: “50 Shades” là một dâm thư. Còn việc nó hay hoặc dở thì tùy thuộc vào người đọc.
Nếu chỉ vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn tiếp.
Chuyện đáng nói bắt đầu khi “50 Shades” được dịch ra tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam qua tựa đề tiếng Việt “50 sắc thái.” Nó đáng nói vì hai nguyên nhân như sau:

1. Báo chí, truyền thông của nhà cầm quyền Việt Nam bao lâu nay vẫn ít nhiều một giọng điệu lên án lối sống và văn hóa đồi trụy của bọn “đế quốc, tư bản.” Một quyển dâm thư như “50 sắc thái” có thể được phát hành rộng rãi ở VN đã là chuyện lạ. Lạ hơn nữa là một bài quảng cáo “50 sắc thái” bỗng dưng xuất hiện chễm chệ trên báo Nhân Dân – cơ quan truyền thông, tiếng nói chính thức của Đảng CS Việt Nam. Sự xuất hiện này dấy lên câu hỏi: “Tự bao giờ, những trang sách quằn quại với trần truồng, với c*c và l*n, với bao cảnh làm tình được tường thuật cặn kẽ, với mọi trò chơi tình dục (lành mạnh hoặc bệnh hoạn) được mô tả không che đậy... không còn là sản phẩm đồi trụy trong mắt người Cộng Sản?
Trước đồng chí báo Nhân Dân, báo Công An Nhân Dân cũng có một bài đầy ưu ái dành cho bộ tiểu thuyết “50 sắc thái” và đặc biệt là E. L. James.
Nhưng thôi, hãy đừng quá quan trọng nguyên nhân thứ nhất này. Hãy xem nó là một phần của chính trị. Mà trong chính trị, sự tráo trở – hôm qua tuyên bố thế này, hôm nay tuyên bố thế khác – là chuyện bình thường. Đừng nên quá xem trọng cái sự nhổ ra rồi liếm lại của các cơ quan truyền thông nhà nước.
2. Cách thức mà người ta tiếp thị và quảng cáo bộ tiểu thuyết này ở Việt Nam để lại cái ấn tượng là họ đang cố tình giảm nhẹ một sự thật rành rành “50 sắc thái” chỉ là một dâm thư. Hãy đọc những gì trang VnExpress đã viết “Tước bỏ vỏ bọc sex, câu chuyện tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh - Mỹ, như: Jane Eyre (Charlotte Brontë), Đỉnh gió hú (Emily Brontë), Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell), Tess of the d'Urbervilles: A Pure Woman (Thomas Hardy)...” Không khó để mà nhận ra thông điệp của họ: “50 sắc thái” cũng có những giá trị nhân văn, nghệ thuật; cũng có thể sánh ngang với những tác phẩm văn học kinh điển đấy chứ!
Có thể nói rằng, trong hầu hết tất cả những bài điểm sách/bình sách uy tín ở nước ngoài thì không một bài nào dám đặt “50 sắc thái” bên cạnh các tác phẩm văn học khác một cách quái đản như vậy. Phần đông, họ chỉ so sánh sự tương đồng giữa “50 sắc thái” và bộ tiểu thuyết “Chạng vạng” mà thôi, và chính nữ văn sĩ E.L. James cũng thừa nhận cảm hứng của bà khi viết “50 sắc thái” là lấy từ “Chạng vạng.
Nói “tình yêu của Grey và Steele là một dạng tình cảm lãng mạn kiểu cổ điển, theo motif phảng phất đâu đó qua các tác phẩm văn học kinh điển của Anh – Mỹ...” là một sự gượng ép, tròng tréo, mượn danh một cách rất trơ trẽn và tội nghiệp. Những tình yêu kiểu ấy nhan nhản đầy trên các kệ sách, nào chỉ giới hạn trong các tác phẩm kinh điển kia.
Thật sự mà nói, với người trưởng thành thì việc đọc dâm thư, cũng như xem hình Playboy hoặc phim ảnh người lớn – dù không nên khoe khoang – cũng không hẳn là điều gì khiến người ta phải quá xấu hổ. Ở nước ngoài, người ta thẳng thắn “Vâng, tôi đọc dâm thư. Và tôi thích/ghét nó vì...” chỉ đơn giản có vậy. Ở Việt Nam, dâm thư cần được khoác lên một giá trị gì đó cho nó trông... thanh cao hơn: chẳng hạn như nó cũng có thể sánh ngang với các tác phẩm văn học kinh điển của thế giới, hay nó là cẩm nang giải phóng tình dục cho phụ nữ, hay là nó cho người đọc rất nhiều điều để suy ngẫm (về triết lý cuộc đời). Khoác lên cái giá trị ảo đó để người đọc yên tâm hơn, tự sướng với ý nghĩ “50 sắc thái” là một tác phẩm văn học rất đáng đọc.
Nghe đâu đấy phảng phất một cái mùi rất khó chịu: mùi đạo đức giả.
Để kết thúc, thiết nghĩ cũng nên nói rõ một điều. Tôi không có ác cảm gì với “50 sắc thái,” chỉ thấy khá buồn cười trước cách mà người ta chào đón và quảng cáo bộ dâm thư này ở Việt Nam.
Tham khảo:
Nữ văn sĩ E.L.James: Nữ quyền quyến rũ http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=56455

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"