Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Chủ nghĩa xã hội và thơ Trạng Quỳnh

Xích Tử


Đất nước như một Trại súc vật hoặc xã hội 1944 của G. Orwell vậy.
Tranh: Kuang Biao
Sau 1975, một số bạn bè cũ trong phong trào học sinh sinh viên ở lại, làm việc tại Sài Gòn.
Bẵng đi vài mươi năm, vì sinh nhai, vì khó khăn kinh tế thu nhập và phương tiện đi lại, và vì những điều không muốn khác, mới có dịp trở lại thành phố. Cảnh trí khác xưa nhiều; thành phố hào nhoáng hơn; bạn cũ già và phương phi hơn, cũng nhiều vết nhăn trăn trở hơn. Trong vài cuộc hàn huyên, có đứa đã buột miệng nói muốn vác súng ra bưng lại quá. Nghe buồn man mác, như cái thuở “Nửa năm hương lửa đang nồng; Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”. Có cái gì đó đã sụp đổ, phá sản, vỡ mộng..., lớn lắm, nghiêm trọng và thiêng liêng lắm.

Đấy là cái thời khai phóng, anh hùng, bi liệt và đầy trách nhiệm xã hội. Anh em xông vào cuộc tranh đấu từ nhiều phía khác nhau nhưng cùng một niềm ưu ái, một chí hướng sẻ chia nhằm thực hành cái ý chí theo các giá trị của những điều sở học ngay trong nhà trường của chính thể mà mình chống lại. Lòng yêu nước, chống ngoại xâm được luyện từ những bài quốc sử; tình cảm tha thiết với sự thống nhất vẹn toàn Nam Quan – Cà Mau và nỗi nhớ thiết thao miền Bắc đúc nên từ bài học địa lý; sự căm phẫn với bất công, độc tài, tham nhũng, mất dân chủ, tự do, sự bất bình đẳng giàu nghèo...được hình thành từ những bài học giáo dục công dân, lịch sử Châu Âu, các học thuyết và thể chế chính trị; và, sự dấn thân vào phong trào lại được thúc đấy bởi những… thần tượng trí thức hiện sinh. Chính từ cái sở học đó đã tạo ra kiến thức và có được sự dũng cảm công dân cho một câu hỏi hiên ngang khi có người bị nhà cầm quyền lúc bấy giờ bắt giam “Đề nghị ông cho xem trát bắt của tòa án”. Và toàn bộ sự nỗ lực dấn thân cũng chỉ tập trung vào mục tiêu độc lập, thống nhất, hòa bình. Có thể, có vài anh em liên lạc chính thức với tổ chức cách mạng, là người của tổ chức, vào đoàn vào đảng hẳn hoi, song tuyệt nhiên không có chút chất cộng sản nào cả. Vậy đó, sự phản kháng được tạo ra từ máu thịt của đối tượng bị phản kháng, cũng giống như, suy cho cùng, chính thực dân Pháp là kẻ sinh ra Đảng cộng sản Việt Nam với tất cả bản chất, hành trạng và hậu quả lịch sử mà nó tạo nên, để lại.
“Giải phóng”, “thống nhất”, hòa bình, cái lý tưởng hoài bão và phong thái cũ bị hóa giải vào phạm trù, mô hình và định hướng xã hội chủ nghĩa. Tất cả cái chất phóng đạt, thậm chí phóng dật của cuộc đấu tranh ngày cũ ngày càng khuôn theo cái nhận thức, kỷ luật hết sức đơn giản, ngây ngô, ấu trĩ của những giá trị áp đặt và định hướng chính trị mới; nó không cho phép bất cứ sự độc đáo, sáng tạo hay phá phách nhân văn nào khác được hình thành và biểu hiện.
Cũng có những hào hứng ban đầu, dù là đóng kịch, giả tạo, song rất tội nghiệp vì trong sáng cho cái lý tưởng thay thế ấy. Tuy vậy, sự hào hứng chẳng được bao lâu. Ngay từ những tháng cuối năm 1975, hiện tượng bộ đội, cán bộ từ bắc vào, số cán bộ miền Nam hồi kết kìn kìn thu mua cất giữ và chuyển ra vật dụng, tài sản chiến lợi phẩm từ miền Nam, hiện tượng tham nhũng, hối lộ trong những giao dịch cấp ở nhiều cấp chính quyền để tránh đi nghĩa vụ quân sự, được đi học đại học, được mua lậu nhu yếu phẩm, và tiếp theo đó là những chính sách khắt khe trong nông nghiệp, công thương nghiệp, trong những tiêu cực với các vụ vượt biên và Hoa kiều hồi hương ...dẫn đến tình trạng xã hội đói khổ thiếu thốn đã bộc lộ tất cả sự vô đạo vốn có và không thể tránh được của cuộc cách mạng; cái đuôi sam của người cộng sản đã thò ra. Sự vỡ mộng đã bắt đầu.
Cách mạng xã hội chủ nghĩa, theo lý thuyết là dùng các phương pháp chính trị, kết hợp bạo lực để giành quyền chính trị, tiếp đó dùng quyền chính trị để cải tạo toàn bộ phương thức sản xuất, cải tạo hạ tầng kinh tế xã hội, cải tạo con người, xây dựng con người mới thiên thần và xã hội mới hoàn toàn tốt đẹp. Theo qui trình lý thuyết ấy, mọi cái đều qui tụ và nhờ vả ở đạo đức con người và đạo đức xã hội mà cuộc cách mạng thiết kế, kỳ vọng. Song mười năm sau 1975, cái đạo đức mới đó không có được mà đạo đức, văn hóa cũ thì đã bị phá bỏ rồi. Đạo đức trong lòng người cách mạng, người “cộng sản”, trong quan hệ xã hội của những người cách mạng, trong toàn bộ đời sống xã hội đã phá sản thì cái bản chất chính trị của chế độ trở thành suy đồi. Tính chất ưu việt, tốt đẹp về kinh tế, văn hóa, xã hội, những giá trị của đời sống tinh thần của chủ nghĩa xã hội, tính chất tiền phong và vì nhân dân của đảng cộng sản đã không được chứng minh gì thêm trong mười năm đó; xã hội ngày càng bi đát, không bằng ngày xưa về chất lượng sống song lại xuống cấp về tự do, dân chủ, lại tốn kém hơn cho những thiết chế, tổ chức lãnh đạo, quản lý xã hội. Nhiên liệu vật chất, tinh thần, nhất là sự chịu đựng, tình trạng bị đe doạ, khủng bố tâm lý, sự sợ hãi của nhân dân được huy động tiêu tốn vào công cuộc cách mạng nhiều hơn, song sản phẩm mới, ưu việt thì chỉ tồn tại trong nghị quyết, trong sự thuyết giảng tuyên giáo, trên các báo đài quốc doanh, trong những giáo trình được minh hoạ ở nhà trường xã hội chủ nghĩa…
Mười năm đói khổ khó khăn cùng với những sai lầm học thuyết và chính sách, sự xuất hiện ngày càng đậm đặc, có hệ thống những hiện tượng tiêu cực, sự xuống cấp của mọi lĩnh vực trong đời sống đất nước và những cuộc chiến tranh cực kỳ phi lý với những kẻ thù mà mới trước giờ nổ súng, đảng vẫn bắt nhân dân gọi là đồng chí anh em môi hở răng lạnh, núi liền núi, sông liền sông đã bào mòn niềm tin, ý chí, sức chịu đựng của cả một dân tộc; làm vỡ mộng thêm cho những người tranh đấu cũ. Rất nhiều anh em học sinh sinh viên trong phong trào cũ đã mang súng ra đi và nằm lại trên chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc mà vĩnh viễn không hiểu được tại sao lại có sự mất mát như thế khi đảng hứa là sẽ tiến lên thế giới đại đồng, không còn nhà nước, không còn giai cấp, không còn biên giới quốc gia, trước hết là với những đồng chí láng giềng. Họ hy sinh để không còn được tham gia trò chơi chờ chia bánh vẽ của những tháng năm sau đó.
Mười năm, sự sụp đổ đã nhãn tiền, đảng phải làm ra cái gọi là “đổi mới”, chuyển hướng 180 độ toàn bộ bản thiết kế mô hình kinh tế xã hội của đất nước và những chính sách đường lối lãnh đạo điều hành xã hội; đảng giải thích, giáo dục và bắt nhân dân gọi đó là định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa. Sự đổi mới bắt đầu với cái gọi là đổi mới tư duy. Thời đó, chúng tôi không thể nào hiểu được cụm từ này. Làm thế nào mà một người có tư duy cũ, lại dùng tư duy cũ (cả nội dung và phương pháp) để đổi mới tư duy của mình, như kiểu tự nắm tóc nhấc mình lên khỏi mặt đất vậy. Vì không hiểu sự uyên áo của tư duy lãnh đạo đó nên trong một khu tập thể học viên trên đại học ở rất gần với Trường Nguyễn Ái Quốc – Hà Nội, đêm nào anh em cũng đem xoong nồi ra gõ và hô lớn “đổi mới tư duy, đổi mới tư duy”. Từ đó chúng tôi cũng không hiểu được tại sao một sự vật bị thay thế hoàn toàn các thuộc tính, vẫn được gọi bằng tên cũ khi đảng phục hồi nên kinh tế thị trường, phục hồi tư bản, hình thành tầng lớp tư sản đỏ mới nhưng vẫn gọi đó là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Làm thế nào để chuyển khối tài sản tư nhân rất lớn và ngày càng lớn thêm của con gái thủ tướng vào cái chủ nghĩa xã hội tương lai ấy?
Nói không hiểu tức là không tin, còn thực tâm thì chúng tôi có cách hiểu của mình. Đó chính là cách đảng trở về những cái cũ, bình thường tự nhiên để khai thác sự phản xạ sinh tồn của toàn dân trong việc tìm trước hết cái ăn, tránh đói và cũng trước hết từ đó, tránh một sự sụp đổ khả kiến của qui luật đói khát, bần cùng sinh đạo tặc, bạo loạn.
Nhưng với đảng thì đó là sáng tạo, là độc đáo, là cái công ơn được làm nên do trí tuệ, thiên tài của đảng. Với ảo giác tự sướng và toàn bộ công cụ cai trị có được trong tay, đảng ra sức vừa tuyên truyền cho đổi mới, vừa “hoàn thiện”, nâng cấp, điều chỉnh nó như kiểu các nước tư bản điều chỉnh mô hình phát triển của họ. Do phù hợp với sự phát triển tự nhiên, một số công cụ điều hành thay đổi, cộng với những thuận lợi nhân quả trong bang giao đối ngoại, kinh tế nói riêng và đời sống xã hội có vẻ ngày càng khá hơn. Đảng, đảng viên khai thác tối đa cái khoảng dôi ra “khá hơn” đó để tích luỹ, làm giàu và tạo ra những lợi thế hầu như đối lập với lợi ích của quảng đại nhân dân. Đồng thời, đảng ra sức củng cố, khẳng định cái mô hình xã hội chủ nghĩa chỉ còn cái vỏ từ ngữ ấy; cưỡng chế toàn dân niềm tin về điều ấy với tất cả công cụ cai trị bằng vật chất và tinh thần thông qua Hiến pháp 1992 với điều 4, Luật đất đai 1980, 1993, 2003, với vô số nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong mọi ngỏ ngách của đời sống và tổ chức xã hội, bằng việc biến quân đội nhân dân và công an nhân dân thành của đảng một cách tường minh, công khai, bằng sự thích ứng thay đổi màu da kỳ đà trong quan hệ đối ngoại, trước hết là biến kẻ thù truyền kiếp của dân tộc thành bạn tốt, đồng chí tốt với những nhân nhượng, kể cả hiến dâng ý chí độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc, hiến dâng cả những vùng lãnh thổ hữu hình thiêng liêng của Tổ quốc.
Đất nước như một Trại súc vật hoặc xã hội 1944 của G. Orwell vậy.
Từ đó, trong đời sống của dân tộc trên đất nước này, đã hình thành một sự phá sản, sụp đổ có hệ thống trên toàn bộ các lĩnh vực. Nguyên nhân của tất cả nguyên nhân là sự giả dối, mà sự giả dối cao nhất là sự mâu thuẫn giữa danh và thực trong tên gọi của chế độ chính trị, trong tên nước. Rõ ràng, đảng đang lãnh đạo đất nước xây dựng chủ nghĩa tư bản hoang dã để dễ bề thu lợi cho cá nhân và nhóm của mình song lại bắt nhân dân gọi và phải tin đó là (định hướng) xã hội chủ nghĩa. Cái chủ nghĩa xã hội ảo vọng của thời cũ đã vĩnh viễn là một cuộc đi xem thơ Trạng Quỳnh; không có bài thơ thật sự nào cả nhưng cả nước có ai dám khẳng định điều ấy. Sự giả dối trở nên hằng thường trong quan hệ giao tiếp giữa đảng, nhà nước và nhân dân: nhân dân bị lừa phỉnh và bị buộc phải nói theo đảng; đảng lừa dân và không biết có tự lừa mình không. Những đôi mắt hiu hiu mộng du của những vị lãnh đạo cao nhất khi nói về chủ nghĩa xã hội bên tận Nam Mỹ, về nền dân chủ gấp triệu triệu lần có chú vẻ gì đó như bị ma ám. Trong cõi ngủ mê ấy, sức mạnh dân tộc, truyền thống dân tộc, nền văn hoá đã bị làm kiệt quệ một cách hệ thống đến mức không thể xuất hiện một M. Gorbachev, một B Yeltsin được.
Chính vì vậy mà đảng tự tách mình dần dần khỏi nhân dân, đối lập với nhân dân. Đến bây giờ mới vỡ ra rằng đổi mới là cần thiết nhưng đó cũng là sai lầm lớn nhất của đảng trong lịch sử của mình. Đổi mới để cứu đảng, cứu đất nước là tất yếu, song cách tiến hành; nội dung, lộ trình, mục tiêu theo cách thiết kế của đảng cùng với việc đảng giành toàn quyền và chiếm công đổi mới để thủ lợi, giữ quyền lãnh đạo là tự kết liễu. Đổi mới trở thành con ngựa bất kham; mỗi thành công của đổi mới đều gắn một cách máu thịt của đảng, đảng viên vào đấy và đó chính là độc tố tự huỷ hoại. Chính cái bộ phận không nhỏ thoái hoá biến chất mà ai cũng biết là có nhưng không thể tìm ra được là độc tố đó; không tìm được hoặc tìm mà không xử lý được vì chính nó là một phần cơ thể, máu thịt của đảng, được đảng tạo ra, nuôi nấng và nó đang bảo vệ cho đảng một cách tích cực nhất. Độc tố này cùng với sự đầu hàng của đảng với kẻ thù ngoại bang sẽ biến đảng thành con tin của lịch sử hoặc một thứ gà mắc tóc.
Trong sự suy sụp vào chính mình, vào bên trong như kiểu lỗ đen như vậy, vai trò, uy tín của đảng trong lòng nhân dân đã cạn kiệt. Đã đến lúc nhân dân xem đảng như một thứ của nợ, một loại ký sinh, đã quá date và không còn lợi ích, tác dụng tích cực gì với đất nước. Đảng không dám trưng cầu ý kiến của dân về điều ấy (và có thể mở rộng bằng trưng cầu thái độ nhân dân với 3 phương án lựa chọn: yêu/sợ/ghét đảng) và cố tạo ra 44 + n triệu ý kiến, trong đó tuyệt đại đa số đồng ý với bản dự thảo Hiến pháp do đảng viết ra và rồi một bản Hiến pháp vũ như cẩn cũng sẽ ra đời. Nhưng phỏng có ích gì vì đó vẫn tiếp tục nâng cấp sự giả dối. Mà nâng cấp như vậy chỉ càng tự phủ nhận tính chính danh của mình, đẩy mình rời xa nhân dân, đối lập với nhân dân. Hậu quả là sau đó đảng chỉ còn là hiện thân của cái dối, cái ác, chỉ tồn tại và thực hiện hoạt động lãnh đạo của mình bằng giả dối được bảo vệ bằng những công cụ bạo lực đã trở nên quá mạnh, bị sử dụng sai chức năng, sứ mệnh trong đối nội.
Khi viết những dòng này, tôi càng thấy lo hơn nữa vì những ý kiến đánh giá sự phá sản của đề án tái cấu trúc nền kinh tế do sự can thiệp của các nhóm lợi ích (tức thuộc độc tố của đổi mới nói trên), về dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2013 của các chuyên gia trong nước như Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan và của chuyên gia ADP.
Đó là tình thế bước ngoặt của một cuộc cách cái mạng chính mình hoặc lại phải xách súng ra bưng biền tiếp một lần nữa. Âu cũng là số phận quá hẻo của đất nước này.
Xích Tử

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"