Diên Vỹ chuyển ngữ
Quốc gia Cộng sản ở Đông Nam Á này hứa hẹn một nền giáo dục miễn phí, nhưng thường xuyên không giữ được lời hứa của mình.
Ở Việt Nam, chi phí sách vở và đồng phục thường khiến cho trẻ em nghèo không thể đến trường
Hà Nội, Việt Nam - Nền giáo dục ở quốc gia Đông nam Á này được xem là miễn phí. Nhưng một số gia đình không thể xoay trở nổi.
Tại công viên bên ngoài Nhà hát Lớn ở thủ đô Hà Nội, bé gái 6 tuổi
tên Trang đang chơi một mình cả ngày với những chiếc que hoặc phải đi
theo bố khi ông chạy xe ôm chở khách. Trang không đi học vì bố không có
tiền.
Tình trạng này rất phổ biến trên khắp Việt Nam. Thay vì học hành, trẻ
em đang tuổi đến trường phải chạy bàn, phụ việc tại các tiệm tạp hoá
hoặc khoác túi lang thang trên phố bán kẹo cao su và vé số.
Hiến pháp Việt Nam tuyên bố rằng “Bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí.”
Nhưng những chi phí khác như sách vở và đồng phục khiến trẻ em nghèo
không thể đến trường. Chi phí càng cao hơn nữa ở cấp trung học trở lên,
nơi các trường có quyền và hầu như luôn thu học phí.
Quốc gia xã hội chủ nghĩa này vẫn chưa hoàn toàn xã hội hoá được nền
giáo dục, khi hàng loạt những lệ phí khiến cho trường học nằm ngoài tầm
với của nhiều người dân.
Các trường công không được thu học phí cho đến cấp trung học, vì thế
họ bắt học sinh phải đóng các lệ phí về vệ sinh, bảo vệ, nhân viên làm
vườn, bút mực, tập vở và thậm chí tiền sơn lại trường. Hoạt động này đã
bị mọi người lên án là lạm dụng nên vào năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo
đã ra lệnh cấm nhà trường bắt phụ huynh đóng quá nhiều lệ phí.
Hiện nay, thay vì mở rộng điều kiện để học sinh đến trường, các nhà
thảo chính sách đang báo hiệu một bước đi mới, ngược lại với chủ trương
giáo dục phổ thông. Một dự thảo sửa đổi hiến pháp đã loại bỏ điều khoản
qui định giáo dục miễn phí, thay vào đó bằng điều khoản 42 mơ hồ hơn
nhiều: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”.
Đề xuất này đã làm nảy ra những thắc mắc và quan tâm rằng nó có thể mở đường cho việc đóng thêm học phí.
”Điều này quá chung chung và quá bao quát, và nó kèm theo những
rủi ro là những yếu tố miễn phí của cấp tiểu học có thể bị xao nhãng,” Mitsue Uemura, giám đốc bộ phận giáo dục của UNICEF ở Việt Nam cho biết trong một phỏng vấn.
Những sửa đổi
Cơ quan này của Liên Hiệp Quốc đang vận động các nhà làm luật Việt
Nam giữ lại nguyên văn Điều 59 trong đó bảo đảm việc giáo dục miễn phí.
Những nỗ lực này là một phần trong hành động của chính quyền nhằm thu
thập ý kiến của người dân cho đến cuối tháng Ba, trước quá trình sửa đổi
lớn đối với bảng Hiến Pháp 1992. Mùa hè này Quốc hội sẽ bắt tay vào
việc sửa đổi - vốn có thể mang lại những ảnh hưởng sâu xa đối với các
vấn đề từ quyền con người cho đến kiểm soát bầu cử - và sau đó họ sẽ
biểu quyết vào cuối năm.
Trang mạng của Quốc hội đang kêu gọi người dân đóng góp ý kiến. Ở
trang này, Giáo sư Đại học Chicago Đàm Thanh Sơn đã gửi thư cảnh báo
rằng “với việc xoá bỏ nhiều qui định trong Điều 59”, nhà nước có thể phá huỷ Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em. Điều khoản 28 của Công ước viết rằng ”Tất cả trẻ em đều có quyền được giáo dục cấp tiểu học và phải được miễn phí.”
Những nhà soạn thảo cho biết rằng những đề nghị thay đổi của họ có
thể mở rộng chính sách nhà nước để vượt khỏi lớp một đến lớp năm, nhằm
bắt buộc và cung cấp ngân sách cho các bậc giáo dục cao hơn. Nhưng các
nhà quan sát cho biết lời lẽ điều luật này lại không phản ánh được mục
tiêu trên.
”Tinh thần của việc xây dựng một xã hội hiếu học trong đó mọi
người có thể học hỏi và mọi người đều giúp nhau học hỏi đã không được
thể hiện trong bản dự thảo,” Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng, cựu giám đốc Sở
Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu qua email. Dù hệ quả
của quá trình tranh luận về hiến pháp ra sao đi nữa, nó cũng giúp nêu
bật những sai trái trong chi phí giáo dục của Việt Nam. Đa số các gia
đình phải gánh chịu ít nhất một phần chi phí cho giáo dục phổ thông, một
khái niệm đi ngược lại với chủ trương xã hội chủ nghĩa. Ngay cả tại
những nước có nền kinh tế thị trường tự do nhất cũng có chủ trương quốc
hữu hoá thành phần sơ đẳng này như một quốc gia chuyên bao cấp về phúc
lợi.
Katarina Tomasevski, cựu Báo cáo viên Đặc biệt về giáo dục của Liên Hiệp Quốc cho rằng Việt Nam đã “tư hữu hoá” hệ thống trường học qua việc chuyển giao gánh nặng tài chính sang cho giới phụ huynh. ”Thái
độ ‘sẵn sàng chi trả’ cho việc học của giới phụ huynh đã làm lu mờ khái
niệm rằng giáo dục là bổn phận chung cũng như khuôn mẫu giáo dục là một
dịch vụ công cộng miễn phí trước đây,” bà viết trong bản báo cáo giáo dục toàn cầu có tên “Miễn phí hay đóng tiền” vào năm 2006.
Võ Thị Diễm, 18 tuổi, nói rằng để vượt qua được tiểu học, em phải
mượn sách từ bạn bè và một giáo viên đã cho em một chiếc áo trắng kín cổ
để mặc đến lớp. ”Em sợ phải bỏ học,” em nói. Theo Cục Thống kê, có 15,5% học sinh lứa tuổi từ 5-18 đã phải bỏ học sớm.
Diễm không phải bỏ học vì một giáo viên đã giới thiệu em đến Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn, một tổ chức với khẩu hiệu “Xoá bỏ đói nghèo thông qua giáo dục”.
Giám đốc Paul Finnis nói rằng phí tổn đến trường không chỉ là học phí.
”Như bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng biết, luôn có nhiều thứ phải chi, tiền cần để mua đồng phục, giày dép,” Finnis nói. ”Ví
dụ hôm nọ chúng tôi gặp một em trai chân trần. Và khi chúng tôi hỏi, em
nói rằng em có một đôi giày, một đôi dép lê nhưng muốn để dành để ăn
Tết.”
Tỉ lệ đi học tăng
Bằng nhiều biện pháp, Việt Nam đã có bước đột phá lớn về giáo dục
trong gần hai thập niên qua. Tỉ lệ bỏ học toàn quốc là 22% trong năm
1989. Cũng trong cùng năm, tỉ lệ thoát mù chữ trong lứa tuổI 15 trở lên
là 87,3%, so với 93,5% vào năm 2009. Trong giai đoạn 20 năm, tỉ lệ trẻ
từ 15 tuổi trở lên với trình độ giáo dục ít nhất là đầu đại học đã tăng
từ 1,7% lên 4,4%.
Việt Nam, vốn có truyền thống hiếu học từ lâu, dường như đang trên đà
để đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, đặc
biệt là trong lĩnh vực giáo dục phổ thông tiểu học.
Chính quyền rõ ràng là đang đầu tư vào giáo dục. Họ đã chi 19,8% ngân
sách quốc gia cho giáo dục trong năm 2010, so với chỉ số trung bình
trong khu vực Đông Á là 13,7%, UNESCO cho biết.
Nhưng bà Uemura của cơ quan UNICEF nói rằng Việt Nam phải tìm được
những phương pháp hiệu quả nhất để sử dụng ngân sách giáo dục của mình. ”Liệu họ có thật sự tiến bộ, đặc biệt là đối với những người bị thiệt thòi, những người đang bị bỏ rơi phía sau?” Uemura hỏi.
Những người bị bỏ rơi bao chiếm 22,7% tổng dân số 5 tuổi trở lên
chưa học xong tiểu học. Mặc dù 95,5% tổng số trẻ em theo học tiểu học
vào đúng độ tuổi, chỉ có 88,2% học hết cấp.
Con số bị giảm thêm 9% ở những vùng sâu vùng xa, nơi giáo viên tiểu
học Trần Thị Thanh Phong nói rằng các đa số các gia đình chắc chắn sẽ
không lo được việc cho con đến trường.
”Đối với họ, kiếm đủ tiền để sống đã là một vấn đề,” cô nói.
”Nếu họ phải đóng tiền cho trường, thì họ làm cách nào sống nổi?”