Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

Vài điều cần nhớ về "cái chết"

Sáng sớm vào sở đọc cái email có đoạn nói về cái chết trong bài Tâm sự của một y công, chép vào đây để mai mốt có chuyện gì dở ra đọc lại để nhớ. Không biết tôi có sắp chết không chứ thi thoảng cũng buồn vơ vẩn, chỉ chưa tới cực độ thôi :-). Điều mà tôi thực hiện được là không thở dài, "thở dài khiến cho cái khổ nó vận vào người", mẹ tôi dậy thế và cấm. Ấy thế mà "cái khổ" nó có chịu bỏ mình đâu cơ chứ.

TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI SẮP CHẾT
Tiếp xúc với người sắp chết là việc rất khó và rất tế nhị. Chúng ta phải biết cảm thông với người bệnh vào giai đoạn cuối đời.
Nên ghi nhớ những điều sau đây:
- khuyến khích họ thố lộ ra những ưu tư, ước muốn và nói lên những tình cảm sâu kín của họ. - Phải biết lắng nghe họ bằng đôi tai, bằng cặp mắt, và bằng cả con tim của mình và nhẹ nhàng nắm lấy tay họ.
- Nếu họ còn nói được, cần phải nhẫn nại, nên dùng những chữ đơn giản, có thể không dùng ngôn từ mà chỉ sử dụng cử chỉ để trao đổi với người bệnh.
- Phải biết tôn trọng bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời. Không bao giờ nói với họ những câu như: ngày mai sẽ khá hơn, hãy mĩm cười, tất cả sẽ tốt đẹp, đừng có lo, mọi sự rồi sẽ trở nên ổn thoả hết...
- Đôi khi người sắp chết cần phải nói lên về sự chết hay về quá khứ của họ.
- Phải nể trọng họ và hãy lắng tai nghe họ nói.
- Chúng ta cũng cần phải tôn trọng sự im lặng của người sắp chết.
- Người sắp chết tuy nằm bất động nhưng họ vẫn còn nghe. Vậy tránh nói những lời không tốt đẹp hoặc đem chuyện gia đình ra gây gổ với nhau bên cạnh giường bệnh. Người sắp chết thường phải trãi qua các tâm trạng sau đây :
• Sự chối từ Đây là một phản ứng tự nhiên. Họ không chấp nhận sự chẩn đoán chung quyết của bác sĩ. Họ rất lo sợ nên có phản ứng chối từ.
• Sự giận dữ Tại sao phải là tôi? Tại sao ngay bây giờ. Bệnh nhân cố ý không chấp nhận sự thật và trở nên hung dữ đối với tất cả mọi người.
• Thương lượng với sự chết «Nếu tôi có chết cũng không thể nào trước ngày đám cưới của con gái tôi được. hoặc không thể nào chết trước ngày ra đời của cháu nội tôi được»
• Giai đoạn chán đời, trầm cảm Bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn rầu cực độ trước sự chết quá hiển nhiên của mình trong những ngày sắp tới. Họ phải xa lìa và bỏ lại hết tất cả những gì thân thương nhất trên cõi đời nầy.
• Chấp nhận cái chết Cuối cùng họ trở nên bình thản hơn và chịu chấp nhận sự ra đi của họ.
KẾT LUẬN
Chết là điểm cuối cùng trong chu trình sanh lão bệnh tử. Chết chỉ là một việc rất tự nhiên mà thôi. Xã hội có khuynh hướng vui mừng hân hoan trước sự nhiệm mầu của sanh sản nhưng lại khắc khe chống đối sự chết. Tại sao? Tại vì con người quá tham lam, dệt quá nhiều ước mơ và quá nhiều hy vọng chăng? Nói theo Phật giáo, thì chúng ta vì tâm luyến ái nên cố bám víu vào cuộc sống, và vì vô minh nên không biết đó là giả tạo, không có gì là thật cả! Cố tình không bàn đến cái chết là cố tình không muốn biết đến lực lượng đông đảo bác sĩ, y tá, y công và thiện nguyện viên ngày đêm hy sinh, không quản ngại khó khăn, sát cánh bên nhau để giúp cho các bệnh nhân cuối đời có được những giây phút thoải mái trước khi thanh thản nhắm mắt về cõi vĩnh hằng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"