Vũ Trí Đức Thể
Gửi các bạn sinh viên những trăn trở của một người trẻ tuổi,
Giờ này có thể bạn đang ngủ rất ngon. Tôi thì không dù đồng hồ chỉ
đúng 5h sáng. Mấy nay cứ trăn trở nhiều thứ, thức khuya lắm! Nhiều khi
cũng thắc mắc không biết mình có phải 25 tuổi không? Thấy mình già so
với tuổi quá.
Đây không phải là một chủ đề to tát hoặc mới mẻ gì, nhưng tôi trăn trở nên chia sẻ, thế thôi!
Tôi nhớ trong một tác phẩm nào đó của nhà văn Phan Việt có đoạn: “Nếu
có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị
dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18 – 25 tuổi, lúc mà
bạn có cả sức khỏe lẫn sự dẻo dai, cả hưng phấn lẫn thất vọng, cả niềm
tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng, cả sự hiểu biết bằng bản năng và
trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực
cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc”.
Tôi hoàn toàn đồng ý với suy nghĩ của tác giả. Tôi đặt tên cho khoảng
thời gian ấy là Tuổi Trẻ. Chẳng phải dưới 18 hoặc trên 25 thì không trẻ
nữa, nhưng tôi thấy 8 năm ấy mới thật sự là đẹp nhất của giai đoạn tuổi
trẻ. Ở cái tuổi ôm trọn thời sinh viên này, lẽ ra các bạn phải dấn thân
thật nhiều, trằn trọc, suy tư thật nhiều về cuộc đời, về xã hội, về dân
tộc,… thậm chí mất ăn mất ngủ, thao thức đêm dài.
Có quá nhiều câu chuyện kể về những con người sinh ra trong hoàn
cảnh nghèo khó, cùng cực để rồi họ có động lực vươn lên thành công. Tôi
từng đọc và cả tiếp xúc với những con người ấy và tôi nghĩ: “Nếu ở trong hoàn cảnh đó, mình cũng sẽ có động lực vươn lên như họ thôi”.
Hoặc cũng không thiếu những câu chuyện về những người thành công được
sinh ra trong một nền tảng gia đình rất tốt, ba mẹ đều thành công và họ ý
thức được tầm quan trọng của việc đầu tư vào giáo dục cho con cái. Tôi
cũng biết và tiếp xúc với nhiều người thuộc nhóm này, rồi tôi cũng từng
nghĩ: “Gia đình họ có điều kiện và nền tảng như vậy, việc họ thành công không có gì đáng ngạc nhiên cả”.
Nếu bạn cũng có những suy nghĩ giống như tôi cho hai trường hợp trên,
thì tôi chia sẻ rằng đó chỉ là sự biện hộ thôi. Cả hai nhóm người trên
đều đáng ngưỡng mộ và trân trọng bởi họ đã nỗ lực vươn lên trong cuộc
sống. Tôi thì thuộc nhóm người ở giữa và tôi nghĩ mình giống đa số các
bạn. Nói một cách văn vẻ đây là nhóm người mắc kẹt ở mức trung bình về nhiều mặt.
Gia đình tôi không giàu, nhưng cũng không quá nghèo (tuy là hơi nghèo
vào cái thời đất nước còn khó khăn, gia đình nào cũng vậy thôi). Tôi học
không xuất sắc, nhưng cũng không dở. Tôi không tự ti, nhưng cũng chẳng
tự tin về mình lắm. Tôi không có nhiều mối quan hệ trong cuộc sống,
nhưng cũng có không ít bạn bè,… Tôi nói như vậy chỉ để muốn chia sẻ với
bạn rằng ai cũng có thể vươn lên cho dù xuất thân trong hoàn cảnh gia
đình như thế nào, thành tích học tập ra sao, thông mình vừa vừa, thông
minh kiệt xuất, hay ngu si đần độn,… Chỉ cần một tư duy đúng đắn, nuôi
dưỡng khát vọng lớn và dám dấn thân lăn xả từng việc nhỏ bằng tất cả
trách nhiệm của mình. Ai cũng có thể vươn lên!
Cứ mỗi lần tiếp xúc với các bạn sinh viên là tôi lại đau đáu trong
lòng. Những câu hỏi các bạn đặt ra cho tôi nhiều khi khiến tôi phát bực
nhưng phải làm chủ cảm xúc để giữ thái độ bình tĩnh. Hoặc cũng không ít
lần khi nghe hỏi xong, tôi chỉ biết cười trừ vì thật sự không biết phải
trả lời sao cho thỏa đáng nữa. Tôi xót xa không biết tại sao những câu
hỏi ấy lại được nêu lên dù biết là không nên vùi dập từ trong trứng
nước, cần khuyến khích dám đặt câu hỏi khi có thắc mắc vì đó là cách rất
hay để học hỏi. Nhưng thông qua những câu hỏi ấy, tôi thấy một thực
trạng tư duy kém cỏi, thiển cận và bị động đang ăn sâu vào trong nhiều
bạn sinh viên.
Trong một lần tọa đàm thân mật với khoảng 20 bạn sinh viên đến từ
nhiều trường đại học khác nhau, có một bạn sinh viên năm cuối khối ngành
kinh tế hỏi tôi rằng: “Anh ơi, trong 4 năm học đại học, em không
tham gia hoạt động hoặc đi làm thêm gì hết, vậy thì bây giờ em điền cái
gì vào CV để xin việc đây anh?”. Khi tôi hỏi ngược lại những người
tham dự hôm ấy là ai cũng ở trong tình trạng giống vậy, thì quá ngạc
nhiên là khoảng 60% cánh tay giơ lên. Trời ơi! Tôi chỉ muốn hét thật to
với nhóm bạn trẻ đó (may là tôi giữ được sự bình tĩnh để từ tốn chia
sẻ): “Các em ơi, sao các em đi tìm một thứ mà chắn chắn là không có
trên đời này vậy? Các em muốn thành công mà không phải trả giá? Các em
muốn học giỏi mà không có những đêm thức trắng vùi đầu vào đèn sách sao?
Làm gì có cái thứ đó trên đời này”. Tôi đang nói đến một tư duy vô cùng nguy hiểm ở các bạn sinh viên, tư duy mì ăn liền.
Cái gì cũng muốn có ngay kết quả mà không phải bỏ công sức. Cái gì cũng
muốn người ta mang đến dâng cho mình, ngồi rung đùi mà hưởng trái ngọt.
Khi huấn luyện một khóa học với chủ đề “Sẵn sàng cho sự nghiệp”, tôi
ngạc nhiên khi thấy có khá nhiều bạn sinh viên mong muốn bước vô khóa
học để được nghe về cách trả lời phỏng vấn, cách viết CV sao cho hay,
cách làm sao để thi đậu vào chương trình MT (Management Trainee – đây là
một cuộc thi nhằm tìm kiếm những tài năng trẻ của các tập đoàn đa quốc
gia rất được giới sinh viên quan tâm). Nói chung là các bạn cần những
cái có thể xài được liền, tạo kết quả ngay tức thì. Thực dụng không có
gì là xấu cả, tuy nhiên nó chỉ phát huy hiệu quả khi bạn có một nền tảng
nhận thức vững chắc về sự nghiệp, về tư duy lãnh đạo, về phong cách làm
việc, về văn hóa ứng xử nơi công sở,… Hay nói một cách khác là nội lực
của bạn có mạnh thì kỹ năng mới phát huy tác dụng. Khi hỏi thăm thì tôi
biết được các bạn rất ít tham gia vào những hoạt động xã hội, các câu
lạc bộ đội nhóm và nỗ lực vươn lên nhiều vai trò lãnh đạo khác nhau. Vậy
mà ai cũng muốn thi đậu vào MT? Tôi giả sử các bạn may mắn trả lời
phỏng vấn tốt để vào được chương trình này, thì liệu bạn có “sống” và
tỏa sáng được trong đó hay không là điều bạn cần suy nghĩ. Tôi rất tâm
đắc với cách nhìn nhận của Chuyên gia giáo dục Giản Tư Trung rằng “Ta là sản phẩm của chính mình”,
vậy thì cái sản phẩm BẠN ngày hôm nay có cạnh tranh được với những “đối
thủ” khác về tư duy, nhận thức, thái độ, kiến thức, kỹ năng,… hay
không? Đối với đồ ăn thì người ta cũng ráng suy nghĩ cho ra những phương
cách “mì ăn liền” để đáp ứng với đỏi hỏi ngày càng gắt gao và cạnh
tranh của xã hội, nhưng với thành công thì làm sao có thể như vậy được?
Tư duy thứ hai là tư duy đòi hỏi. Các bạn đòi hỏi
nhiều quá, nhiều hơn những gì các bạn bỏ ra. Các bạn sinh viên đa số đều
rất tự tin về kiến thức của mình, đó là con dao hai lưỡi. Tự tin là
tốt, nhưng tự tin bao nhiêu thì cần phải nỗ lực chui rèn bản thân không
ngừng. Các bạn đang dán cái mác “ĐẠI học” quá lớn vào mình để kết luận
rằng kiến thức đã đủ cho công việc và mình có quyền đòi hỏi công ty phải
trả mức lương tương xứng với 4 năm dùi mãi kinh sử trên ghế nhà trường.
Có nhiều bạn khi tôi hỏi về công việc bạn mong muốn sau khi ra trường,
bạn mô tả muốn làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia với thu nhập ít
nhất là 800 USD/tháng. Tôi hỏi tiếp: “Vậy em có cái gì để người ta phải trả em 800 USD/tháng?”. Bạn… cứng họng!
Các bạn ơi, mơ lớn là tốt. Bạn muốn mức lương bao nhiêu cũng được,
không những 800 USD/tháng, mà thậm chí 8000 hay 80.000 USD cũng được.
Nhưng, bạn cần phải trả lời câu hỏi là bạn có cái gì để người ta phải
trả cho bạn mức lương đó? Bạn có nghĩ công việc photocopy cũng có thể
làm xuất sắc hơn bình thường được hay không? Bạn phải thay thế tư duy
đòi hỏi bằng một tinh thần cống hiến hăng say, không ngại việc, không
chê việc, làm với tất trách nhiệm và chuẩn mực cao nhất để đổi lại kinh
nghiệm và sự tín nhiệm. Chứng minh cho họ thấy đi đã, khoan đòi hỏi, rồi
bạn sẽ được trả công xứng đáng sau này.
Ngoài ra, các bạn chỉ muốn nhận mà không muốn trả giá.
Từ “giá” ở đây tôi muốn nói ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Tôi diễn
thuyết cho sinh viên khá nhiều, cái gì miễn phí thì bạn đến đông lắm.
Nhưng cái gì cần một khoản đầu tư để học hỏi sâu hơn thì hình như với
bạn nhiêu đó “hàng” miễn phí là đủ rồi. Bạn chê mắc, bạn tiếc tiền, bạn
thấy không cần thiết. Rồi thì sau này cái giá mà bạn thật sự sẽ trả còn
đắt hơn nhiều. Bạn tiếc tiền đầu tư vào bản thân thì xem như bạn cũng
tiếc thành công.
Cuối cùng, điều khiến tôi trăn trở nhiều nhất ở các bạn sinh viên là các bạn không có một khát vọng lớn.
Cách đây hai tuần, tôi kết hợp với một tổ chức nhân sự uy tín để tổ
chức một khóa huấn luyện dành cho những sinh viên đã qua chọn lọc, nhằm
mục đích trang bị cho các bạn cách tư duy của một nhà lãnh đạo tương
lai. Khóa huấn luyện kết thúc rồi nhưng dư âm của nó khiến tôi trằn trọc
mãi. Tôi băn khoăn, lo ngại về Tuổi Trẻ hiện nay, lứa tuổi mà tôi cũng
thuộc về. Rồi Việt Nam chúng ta sẽ ra sao khi mà những con người chủ
nhân tương lai của đất nước lại có những suy nghĩ và biểu hiện như vậy?
Trách ai bây giờ đây? Tôi không dám vơ đũa cả nắm, bởi tôi tin rằng vẫn
có rất nhiều bạn trẻ đang từng ngày nỗ lực vươn lên với những khát vọng
lớn lao, phục vụ trước hết cho đất nước, sau đó mới đến bản thân mình.
Nhưng tôi muốn dấy lên một thực trạng đáng báo động ngày nay ở một số
lượng lớn các bạn sinh viên: các bạn suy nghĩ nhỏ quá. Đó là chỉ mong
làm sao có đủ tiền sống mỗi ngày; làm sao có thể thi đậu tốt nghiệp tốt
nghiệp nếu không sẽ bị ba mẹ la; làm sao để có thể tìm được một công
việc ổn định sau khi ra trường; làm sao có thể tự lo được cho bản thân
sau khi tốt nghiệp,… Tôi cũng từng như vậy, y chang các bạn thôi. Nhưng
bạn ơi, bạn cần biết rằng điều đáng sợ nhất của một đất nước không phải
là nghèo nàn về tài nguyên khoáng sản; không phải là đất nhỏ ít dân; mà
điều đáng sợ nhất là đất nước ấy chỉ tập hợp những con người không dám
khát vọng lớn, không dám ước mơ lớn. Ai cũng muốn nước mình giàu mạnh,
ai cũng muốn Việt Nam có thể vươn ra tầm châu lục, thậm chí là sân chơi
toàn cầ; nhưng ai cũng suy nghĩ nhỏ nhặt, ai cũng chỉ nghĩ cho riêng cho
bản thân mình thôi thì làm sao có thể cùng nắm tay nhau đi lên được
đây? Bạn có thể trông chờ điều gì trong khi mỗi ngày mình chỉ biết la cà
những quán café, quán nhậu, những thú vui cho quên đời quên sầu, giết
thời gian. Tôi thật sự lo, lo lắm các bạn ạ!
Than vãn rồi cũng thế thôi, bây giờ cần phải làm gì đây? Câu hỏi này
quả là rất rộng và quá khó với tôi. Nhưng nếu chỉ được chọn một điều
duy nhất để chia sẻ với sinh viên, trong giới hạn kinh nghiệm và hiểu
biết của mình, tôi muốn nói rằng các bạn cần phải CHỦ ĐỘNG.
Các bạn còn bị động quá, điển hình là mỗi khi tọa đàm (tức là một dạng
hỏi đáp chia sẻ kinh nghiệm), tôi hỏi là có ai có câu hỏi gì không thì
chỉ một sự im lặng đáng sợ xuất hiện. Tôi hỏi tại sao thì các bạn nói
rằng đến đây để được nghe anh chia sẻ gì đó. Các bạn ơi, cần phải thay
đổi tư duy ngay đi, CHỦ ĐỘNG lên. Đừng ngồi đó mà mong người ta đem
thành công đến với bạn. Đừng chỉ biết nộp đơn rồi cầu mong nhà tuyển
dụng gọi điện và mời bạn ký hợp đồng. Đừng mỗi ngày chỉ có đến trường
rồi quay về nhà mà mong mình sẽ tỏa sáng trong sự nghiệp sau này. Đừng
kêu than oán trách việc giáo dục đại học thế này thế kia, thiếu thực
tiễn, toàn lý thuyết,… Ai cũng có công việc và trách nhiệm của họ thôi.
Nhiệm vụ của bạn là học và hãy biết nỗ lực học một cách chủ động. Nó
xuất phát từ ý thức “Ta là sản phẩm của chính mình” để chuyển vai trò
đầy tớ sang vai trò ông chủ của quá trình học. Chính bạn mới là người đề
ra những cái mình cần học dưới sự hướng dẫn của thầy cô hoặc những
người trước, rồi nỗ lực học tập bằng phương pháp học sáng tạo. Sự học
cũng cần mở rộng cách nhìn nhận. Không phải cứ phải có cái bàn, cái ghế,
quyển vở, cây bút thì mới gọi là học. Học ở bất kì đâu, học từ bất kì
ai. Chỉ cần một cái đầu rộng mở, chịu khó quan sát, trao đổi, đánh giá,
phân tích, thắc mắc là được. Thay đổi cả hệ thống thì khó, nhưng thay
đổi bắt đầu từ chính bản thân mình thì ai cũng làm được, chỉ là bạn có
muốn hay không thôi?
Vài trăn trở của một người trẻ tuổi gửi đến Tuổi Trẻ. Giai đoạn 18 –
25 thật đẹp, đừng phung phí thời gian để biến mình thành một thế hệ lu
mờ của xã hội.
5h sáng ngày 3/7/2012