Thứ Sáu, 1 tháng 8, 2014

Hồn phách Sài Gòn giờ nơi nao ?

Võ Ngàn Sông
Sàigòn vừa mất thêm một mảng linh hồn khi người ta đốn hạ hàng cây cổ thụ ở cái công viên bé xinh đối diện Nhà hát Thành phố, và sẽ phá bỏ Bùng binh Nguyễn Huệ (tên xưa Bồn Kèn), Bùng binh chợ Bến Thành( Công trường Quách Thị Trang) để xây đường xe điện ngầm metro lên tới Suối Tiên, Thủ Ðức. Người Sàigòn lại một lần nữa ( và có thể sẽ nhiều lần nữa) xót thương, cả uất nghẹn như phải chứng kiến những người bạn thân quen lâu ngày bị tàn sát lạnh lùng, tàn nhẫn.Họ nghe như trong tiếng cưa xẻ vô hồn kia biết bao tiếng khóc than đau đớn, những lời cầu cứu vô vọng, tức tưởi.Họ thấy vô vàn những chiếc lá-nước mắt lả tả tuôn rơi, những thân cành-thân thể đổ vật xuống, quằn quại, lăn lóc…Vâng, cả những bài viết như của Tuấn Khanh (trong Tuấn Khanh’s blog) đọc tới đâu đau tới đó,lặng lẽ, sụt sùi…Cả những email của người thân, của bạn bè gởi cho nhau từ Sàigòn cũng có tiếng phẫn uất lẫn tiếng nấc.

Có gì đâu mà ồn ã thế ? mà sướt mướt thế ?- “Ðao phủ văn hóa” kênh kiệu la rầy. Chỉ là mấy cái cây, mấy đống đá …thôi mà. Ở đâu chẳng có những thứ ấy !
Dạ, thưa không ạ ! Những cây đó, đá đó vô tri nhưng có linh hồn như người Sàigòn chúng tôi vậy.Những linh hồn đã sống hơn trăm năm nay rồi, ở chính chỗ này,chỗ trung tâm này, ở ngay trái tim của thành phố này. Những linh hồn này đã chứng kiến, đã chia sẻ, thấu cảm với bao nhiêu đời người, bao nhiêu thăng trầm dâu bể lớp lớp qua đây. Ðời cây, đời đá… dài một hai,hay nhiều trăm năm. Ðời người Sàigòn cùng lắm trăm năm hiếm ; nhưng nhìn ngắm, lắng nghe, thương yêu hàng cây, bờ đá, hay góc phố, ngỏ hẻm, mái nhà, con đường… đầy dấu tích thời gian này họ đã được trao tặng một ký ức dài hơn đời mình, nhờ vậy họ sống dài hơn, giàu có hơn, đẹp đẽ hơn chính đời mình. Họ vậy đó.Như khi trẻ thơ, đêm trăng sáng gối đầu lên tay ông,bà nghe ông, bà kể những chuyện xa lắc xa lơ của ông ,bà cố, có khi của ông, bà sơ nữ…Lớn lên, nhớ lại , bất gíác ngất ngây sung sướng ; chao ! hình như ta đã sống qua những thời buổi của ông bà, tổ tiên vậy. Cũng như khi ta hơi trọng tuổi, một ngày nọ con ta mừng rỡ báo tin đã mang thai cháu nội, hay cháu ngoại, bỗng dưng ta trào nước mắt nghĩ tới cái sinh linh bé bỏng kia rồi đây sẽ mang sự sống của ta, ký ức, hồn phách của ta vào cõi người một hai trăm năm tới Ta sống vài mươi năm, nhưng không chỉ bấy nhiêu !Sống, đâu chỉ là thân xác; sống, còn là hồn phách nữa!
Sàigòn, nay chẳng còn như xưa, và Sàigòn mai sau chẳng còn như hôm nay. Ðao phủ văn hóa nếu cứ thay nhau mà hạ thủ , thì Sàigòn có thế thật. Và không còn gì để nói nữa.Nhưng Sàigòn sẽ chẳng là gì cả nếu không có Người Sàigòn.Chính là vì có Người Sàigòn mà Sàigòn vẫn cứ là Sàigòn, dù hôm nay khác ngày xưa và ngày sau khác hôm nay.Người Sàigòn là Hồn Phách của Sàigòn. Hồn Phách ấy, dâu bể đảo điên mấy mươi năm nay rồi, nay còn hay mất, hay đã tứ tán, xiêu lạc góc biển chân trời xa gần nào vậy ?
Trúc, cô bạn rất trẻ của tôi. Một buổi tối, chúng tôi ngồi càphê vỉa hè gió thốc khu phố Italia ở San Francisco.Chuyện trò lan man : Trúc kể khoảng 10 tuổi, trôi giạt cùng mẹ lên Sàigòn , lang thang kiếm sống, tá túc nhiều nơi, rồi tìm đường vượt biên…Tôi kể năm 7 tuổi cũng chạy loạn tới sống luôn ở Sàigòn.Sống nhiều nơi, Nancy, Chợ Quán,Trường đua Phú Thọ, Hãng rượu Bình Tây,Xóm Chiếu, Cầu Bông, Thị Nghè, Bà Quẹo, Cầu Ông Lãnh…Mỗi nơi vài ba kỷ niệm về nhà cửa phố xá chợ búa hàng quán… ; chuyện đi học, đi chơi, chuyện bạn bè, tình cảm…nhớ đâu kể đó.Từ tuổi nhỏ đến lúc trưởng thành, lấy vợ, sinh con…Chuyện quẩn quanh của một người sống ở Sàigòn từ bé. Ðột nhiên, cô bạn trẻ cầm tay tôi: “ Em thích sống như thời các anh quá. Sống như người Sàigòn…”. “Nhưng em có biết gì nhiều về Sàigòn đâu !”. “Thì…anh đã kể, em cảm được.” Cô bạn kém tôi qúa nhiều về tuổi đời sao lại có thể cảm được về Sàigòn ? Mấy lần gặp sau đó, tôi phải làm quà cho cô bạn trẻ những “chuyện Sàigòn”theo cô yêu cầu. Tôi tin cô cảm được Sàigòn.Cái gì khiến cô gái quá trẻ ấy phải lòng Sàigòn ? Phải chăng những chuyện lan man của tôi về Sàigòn đã truyền đến cô ít nhiều cái hồn phách Sàigòn ?
Nguyễn Nguyên ,một bạn vong viên, lớn tuổi hơn tôi nhiều. Gốc Hải Hậu, Nam Ðịnh, anh di cư 1954 vào sống ở Sàigòn.Là người quảng giao, anh quen và chơi với nhiều dân Sàigòn, từ thượng lưu trí thức tới bình dân, đủ hạng.Biết nhiều, đủ thứ, qua sống, trải nghiệm và qua nhiều sách cũ về Sàigòn.Yêu Sàigòn từ chút biến chuyển hết sức mong manh của thời tiết.Anh thường về chơi nhà cha mẹ tôi (sau 1975 hồi hương) ở Bến Lức. Ðêm thường bắt võng cạnh cha tôi, cạnh bờ kinh Xáng Lớn, “ chú Bảy kể chuyện đời , chuyện Sàigòn nghe chơi, chú !”. Cha tôi kể, khơi khơi cho vui, cũng đủ thứ chuyện từ năm ông 14 tuổi “đi giang hồ” tứ xứ. Anh cũng vui miệng góp chuyện, chuyện Sàigòn. Có lần, anh nói với tôi : “Chú Bảy ít học, mà sao lịch lãm lạ. Ðúng là biết sống, và sống lâu ở Sàigòn”. Còn cha tôi, có lần cũng nhận xét về ông bạn gìa của thằng con trai:” Cha này Bắc kỳ rặt, mà không ta đây kẻ cả, chịu chơi, biết người biết ta, như dân Sàigòn gốc vậy !” Anh mê nhất chuyện về dân thương hồ cha tôi kể. Ðêm nào cũng nằm võng nghe tiếng máy tàu ghe xuôi ngược, để đắm hồn trong ký vãng xa xăm.Anh mất khi tôi đã ra sống ở Hoa Kỳ. Về thăm, đốt cho anh nén nhang muộn, tôi nghe Trân, con trai anh nói: “Bố dặn chúng cháu rải tro cốt xuống sông Sàigòn.” Sinh thời, năm nào anh cũng dành dụm tiền mang về quê gốc, khi sửa sang nhà thờ tộc họ, khi tu bổ đình làng, khi đắp lại con đường quê… Anh mang hồn phách Sàigòn và muốn mãi mãi ở trong sông nước Sàigòn, đi với dân thương hồ thủa nọ.
Tôi viết những dòng này ở nơi mang tên Little Saigon - Tiểu Sàigòn, nước Mỹ. Sàigòn này có giữ được trong nó hồn phách Sàigòn đã vội vã mang theo? Nếu có thì nhiều ít, thế nào?... Song đây lại là một câu chuyện khác.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"