Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Hãy nhìn sang Miến Điện!

Bùi Tín

Ảnh minh họa
Trung Quốc đại Hán luôn tự coi mình là con Trời, tha hồ có tham vọng lớn, vì ý muốn của mình được Trời phù hộ, bao giờ cũng được toại nguyện, dù cho đó là cuồng vọng. Gần đây ý muốn của Bắc Kinh là bành trướng xuống phương Nam, vừa để khai thác những tài nguyên dồi dào, vừa nhằm mở đường cho giao thông vận tải tỏa rộng ra khắp thế giới.
Vụ đưa giàn khoan cực lớn HD-981 xuống vùng biển Việt Nam là biểu hiện của tham vọng kép ấy. Nó vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam, của khu vực, và của toàn thế giới.
Mặt khác, cũng theo hướng bành trướng xuống phương Nam, Bắc Kinh từng cố nài ép Miến Điện thực hiện một kế hoạch xây dựng đường sắt quy mô lớn nối liền Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, với thị trấn Kyaukpyu thuộc bang Rakkhine của Miến Điện. Con đường sắt dự định dài 1.200 kilômet, dọc theo ống dẫn dầu và ống khí đốt đã có cũng do Trung Quốc đầu tư từ cuối thế kỷ trước. Thỏa thuận đầu tiên giữa 2 bên được ký từ tháng 4 năm 2011, với vốn đầu tư là 20 tỷ đôla. Đây là đường sắt chiến lược trọng điểm sẽ mở đường giao thông vận tải xuống phương Nam, đến vùng biển Andaman trong vịnh Bengal của Ấn Độ Dương. Khi mở được con đường này hàng hóa của Trung Quốc từ Trung Đông và phương Tây chuyên chở về sẽ được rút ngắn rất nhiều, không phải đi vòng xuống eo biển Malacca rồi hướng lên phía Bắc đi qua vùng biển của các nước Đông Nam Á, của Việt Nam để cập các bến cảng Trung Quốc.

Ngày 22/7 vừa qua báo Myanmar Times đưa tin chính quyền Miến Điện đã quyết định từ bỏ hẳn kế hoạch hợp tác với Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt lớn Kyaukpyu – Côn Minh, với lý do là bảo vệ môi trường và tôn trọng nguyện vọng của nhân dân địa phương kiên quyết phản đối kế hoạch này vì nó sẽ đảo lộn cuộc sống của họ.
Dư luận còn nhớ cuối năm 2013 Miến Điện đã hủy bỏ kế hoạch đã ký với Trung Quốc cùng hợp tác xây dựng một con đập lớn và một nhà máy thủy điện ở Myitsone trên sông Irawaddy có giá trị 3,6 tỷ đôla, với điều kiện sẽ bán điện với giá rẻ cho Trung Quốc trong 20 năm. Việc hủy bỏ việc xây dựng đập và nhà máy thủy điện lớn Myitsone là một thất bại lớn về chính trị – kinh tế – đầu tư của TQ. Nay việc hủy bỏ việc xây dựng đường sắt chiến lược lớn xuống vịnh Bengal ra Ấn Độ Dương là thêm một thất bại lớn nữa về chính trị – kinh tế- đầu tư của Trung Quốc.
Nguyên nhân của thất bại chiến lược kép liên tiếp trên đây của TQ là sự thay đổi hệ thống chính trị- kinh tế ở Miến Điện, từ chế độ quân phiệt độc đoán của nhóm tướng lãnh thân TQ chuyển sang hệ thống dân chủ đa đảng, tôn trọng lá phiếu tự do của cử tri, đẩy mạnh quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với các nước dân chủ phương Tây, trong khi vẫn giữ quan hệ láng giềng bình thường, bình đẳng với ông bạn cũ TQ.
Do sự bẻ lái chính trị ngoạn mục trên đây của nhóm lãnh đạo chính quyền cao nhất của Miến Điện, thông hiểu nguyện vọng của đông đảo nhân dân và am hiểu thời đại mới của thế giới, Miến Điện bước vào thời kỳ phát triển và hội nhập hoàn toàn mới mẻ. Đây là một trong những chuyển biến tiến bộ có ý nghĩa đột phá của thế giới khi bước vào thế kỷ XXI.
Thế là bao nhiêu mưu đồ, tiền của, gạ gẫm, răn đe của Trung Nam Hải từ thời Mao – Chu đến thời Đặng Tiểu Bình bị tiêu tan. Giấc mộng tràn xuống phương Nam mở đường xuống Ấn Độ Dương của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình đang trở thành ảo ảnh.
Báo Myanmar Times ra cuối tháng 7/2014 cho biết năm 2010 vốn đầu tư của Trung Quốc đổ vào Miến Điện còn là 8,6 tỷ đôla, đứng đầu các nước bỏ vốn vào nước này, từ năm 2011 số vốn này bị rơi tõm theo chiều thẳng đứng, đến năm 2013 chỉ còn vẻn vẹn có 200 triệu đôla. Các nước hiện dẫn đầu trong đầu tư vào nước này là Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Đài Loan, Ấn Độ. Quỹ viện trợ để phát triển ODA của Miến Điện cũng tăng nhanh, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Liên hiệp châu Âu, Úc, Canada và từ Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế. Một sự xoay chuyển hoành tráng, đồng bộ, toàn diện: chính trị- kinh tế- tài chính đầu tư – ngoại giao.
Đài VOA ngày 1/8/2014 cho biết một tòa án Miến Điện đã tuyên án 8 công dân TQ mỗi người hơn 10 năm tù giam vì đã nhập vũ khí trái phép vào Miến Điện. Đây không phải chỉ là việc buôn lậu vũ khí kiếm lời, mà còn là âm mưu của nhóm lãnh đạo đảng CS TQ trang bị cho một số nhóm tàn dư Maoist thuộc dân tộc thiểu số, nhằm gây bất ổn chính trị, phá hoại quá trình dân chủ hóa ở vùng giáp giới với TQ. Rõ ràng Miến Điện không còn là «sân sau» của Trung Nam Hải như các ông con Trời mong muốn lâu nay.
Lúc này, hơn lúc nào hết, giới lãnh đạo CS ở Việt Nam, Bộ Chính trị, Quốc hội VN, nhân dân Việt Nam hãy theo dõi kỹ những chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện của Miến Điện để khám phá ra những cảm hứng chính trị quý giá rất cần thiết khi chính lãnh đạo đảng CS đặt ra việc tổng kết sự nghiệp đổi mới gần 50 năm qua, từ 1965 đến nay.
Cái yếu kém, có thể nói thẳng ra là thất bại trong đổi mới ở Việt Nam là đã đổi mới nửa vời, không toàn diện, không đồng bộ, không nhất quán, đổi mới kinh tế mà không đổi mới về chính trị, đổi mới về hành chính mà không đổi mới về thi hành pháp luật, về quyền sở hữu tư nhân, về quản trị ngành ngân hàng, rồi «bỏ quên» hẳn đổi mới trên lĩnh vực đối ngoại để kết bạn, kết liên minh với các bạn bè tốt đáng tin cậy, do trót dại, nhẹ dạ, bí hiểm chui vào cái «cũi Thành Đô» từ tháng 9/1990 đến nay.
Không tỉnh táo và dũng cảm về chính trị, không dám nhìn thẳng vào sự thật thì sẽ không rút ra được bài học nào bổ ích, sự nghiệp đổi mới vẫn nửa vời, què quặt, đất nước vẫn chìm đắm trong bất công, tham nhũng và lạc hậu, ngày càng tụt hậu thêm, có nguy cơ trở thành nước độc đoán chậm tiến toàn diện cuối cùng của thế giới hiện đại.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"