Minh Tâm
Công an vi phạm tố tụng
Ba công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy
Quỳnh bị tạm giam tại trại giam của Công an tỉnh Đồng Tháp kể từ ngày
12-02-2014, với cáo buộc “can tội: “Gây rối trật tự công cộng”, được quy
định tại Điều 245 Bộ Luật Hình sự”.
Trường hợp nào thì tạm giam?
Bộ Luật Tố tụng hình sự Điều 88, quy định:
1. Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong những
trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng;
phạm tội rất nghiêm trọng; b) Bị can, bị cáo phạm tội nghiêm trọng, phạm
tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên hai
năm và có căn cứ cho rằng người đó có thể trốn hoặc cản trở việc điều
tra, truy tố, xét xử hoặc có thể tiếp tục phạm tội.
2. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới
ba mươi sáu tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư
trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ
những trường hợp sau đây: a) Bị can, bị cáo bỏ trốn và bị bắt theo lệnh
truy nã; b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng
tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra,
truy tố, xét xử; c) Bị can, bị cáo phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia và
có đủ căn cứ cho rằng nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại
đến an ninh quốc gia.
Thế nào là phạm tội nghiêm trọng?
Khoản 1 Điều 245 của Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào gây
rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành
chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích
mà còn vi phạm, thị bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng,
cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai
năm”.
Theo quy định tại điểm 5.1 mục 5 phần II của Nghị quyết
02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân
tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về các tình tiết “gây
hậu quả nghiêm trọng” và “gây cản trở giao thông nghiêm trọng” quy định
tại Điều 245 BLHS, hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy
ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là “gây hậu quả nghiêm
trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 BLHS:
a) Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; b) Cản trở hoạt động
bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn
vị vũ trang nhân dân; c) Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu
đồng trở lên; d) Người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khỏe với
tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên; e) Nhiều người bị thương tích hoặc bị
tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng
tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; g) Người
khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21%
đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở
lên; h) Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ
thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất
cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị
từ năm triệu đồng trở lên.
Công lý có được nhân danh?
Như vậy, giả dụ ba công dân nói trên có hành vi “gây rối trật tự
công cộng”, và nội dung bản kết luận điều tra số 14/KLĐT-PC44 cho thấy
ngoại trừ công dân Bùi Thị Minh Hằng có một tiền án về vi phạm chế độ
một vợ một chồng, thì hai công dân còn lại không hề có tiền án, tiền sự.
Theo luật định, cả ba công dân sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự
về tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 245 của BLHS. Cả ba công dân
này sẽ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trật tự
công cộng.
Cũng cần nói thêm, những băng-rôn “Đả đảo công an côn đồ bắt người
trái pháp luật”; “Yêu cầu xử lý công an côn đồ để làm gương cho dân”;
“Đả đảo những tên cộng sản đập phá bàn thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ”; “Cực lực
lên án công an, C.S khủng bố xúc phạm tôn giáo” được nêu trong kết luận
điều tra là “vật chứng của vụ án”, song không thấy “vật chứng” này được
sử dụng ra sao để “gây rối trật tự công cộng”?
Căn cứ hiến định về quyền con người, ở đây có thể xem các nội dung
ghi trên những băng-rôn này thuộc phạm vi điều chỉnh của Điều 30, Hiến
pháp 2013. Do vậy, theo hiến định tại Điều 107, cơ quan Viện Kiểm sát
Nhân dân tỉnh Đồng Tháp phải tìm hiểu vì sao có các ý kiến bức xúc của
công dân về những điều được nêu trên băng-rôn. Đây có thể sẽ được xem là
căn cứ tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật mà công dân được quyền lên
tiếng. Pháp luật phải bảo hộ quyền con người, quyền công dân cũng đã
được hiến định tại Điều 14, Hiến pháp 2013.
Nếu vụ án nói trên được đưa ra xét xử, liệu sự thật có được trả về
đúng vị trí của nó cùng việc phải trả lời bằng được nguyên cớ nào khiến
người dân bức xúc phải chọn giải pháp viết tố cáo trên băng-rôn?
Ở một bài viết, luật sư Ngô Ngọc Trai chia sẻ: “Tòa án nước ngoài
nhân danh công lý để xét xử. Tòa án ở Việt Nam không nhân danh công lý,
thay vào đó tòa án nhân danh nhà nước hay nhân danh nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam”. Trong buổi làm việc với cán bộ tòa án nhân dân tối
cao hôm 15-7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã phát biểu: Tòa án
phải mang lại công lý cho mọi người!.
Công lý nào cho các công dân Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Thị Thúy Quỳnh?
Minh Tâm