Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Ai nói Đảng Cộng Sản lãnh đạo?

Nguyễn Sơn Bá
“…Do vậy chúng ta nên hoan nghênh thái độ và hành động can trường của các vị đã ký tên vào Thư Ngỏ nêu trên. Bất chấp hiệu quả của việc làm, họ chấp nhận hứng chịu tất cả các hậu quả mà thái độ, hành động của họ có thể đưa đến. Đó là một thái độ anh hùng…”
Ngày 28/07/2014 có bức thư ngỏ của 61 đảng viên gửi lên Ban Chấp Hành Trung Ương và toàn thể đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.
Về phần nội dung, các người ký tên nêu lên một số nhận định về tính cách thiếu dân chủ và những sai lầm của Đảng trong nhiệm vụ lãnh đạo đất nước. Những sai lầm này đã đưa đến tình trạng thoái hóa hiện nay trong các cơ quan chính quyền cũng như trong xã hội. Nạn tham nhũng lan tràn và đất nước Việt Nam bị đưa vào thế lệ thuộc Trung Quốc.
Họ yêu cầu Đảng phải nhanh chóng thay đổi, từ bỏ chế độ cộng sản toàn trị để chuyển sang đường lối dân chủ và dân tộc. Đồng thời họ yêu cầu Ban lãnh đạo có sự trong sáng hơn trong quan hệ với Trung Quốc và công bố những hiệp ước đã được ký kết như những thỏa thuận với Bắc Kinh ở Hội Nghị Thành Đô năm 1990 và nhanh chóng kiện Trung Quốc về vụ giàn khoan, ra Toà Án Quốc Tế.

Đây là lần đầu tiên, một tập thể trong Đảng cộng sản Việt Nam, lấy tư cách thành viên, lên tiếng, không phải để van xin góp ý mà để yêu cầu, đòi Ban lãnh đạo Đảng phải làm một số việc mà họ cho là đúng với chức năng và nghĩa vụ của một đảng cầm quyền. Trong tập thể này, có sự hiện diện tiêu biểu cho 3 thế hệ đảng viên, có người gia nhập Đảng từ năm 1939 đến những người vào trong năm 1996. Họ đại diện cho một đa số thầm lặng chưa muốn hoặc chưa dám phát biểu. Vẫn còn một số đảng viên chưa dám quyết định lấy lại quyền tự do cá nhân của mình vì lý đó này hay lý do khác.
Có lẽ mọi người còn nhớ, đến nay các thành phần trong xã hội, từ nhân sĩ đến trí thức hoặc đảng viên, khi có bất đồng chính kiến, chỉ dám van xin kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam. Và tất cả các văn kiện gửi lên đều bị vứt thẳng vào sọt rác và không bao giờ được hồi âm. Thêm vào đó, họ chẳng được những người mà họ chống đối coi trọng vì họ vẫn còn nằm trong vị thế thần phục. Tư cách họ kém cả những người dân oan.
Do vậy chúng ta nên hoan nghênh thái độ và hành động can trường của các vị đã ký tên vào Thư Ngỏ nêu trên. Bất chấp hiệu quả của việc làm, họ chấp nhận hứng chịu tất cả các hậu quả mà thái độ, hành động của họ có thể đưa đến. Đó là một thái độ anh hùng của những con người còn chút lương tâm và lý tưởng trong một tổ chức mà đại đa số các thành viên chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân và nếu cần thì đem bán cả lương tâm và cả nước.
Chúng ta cũng nên mừng cho họ vì họ đã thắng được nỗi sợ và sự hù dọa, thắng được cái ích kỷ cá nhân, bỏ qua lợi ích riêng để phục vụ quyền lợi tập thể của xã hội mà họ là một thành viên. Họ đã giành lại cho họ quyền Tự Do và lấy lại sự Tự Trọng.
Tuy nhiên, vẫn còn có những điều làm cho chúng ta thất vọng, khi họ đề cập đến Đảng. Không rõ vì họ nhằm lẫn, chưa hiểu, hoặc đã hiểu nhưng chưa tiện nói ra vì sự việc quá phũ phàng. Đó là điều quan trọng mà họ biết từ trong nội bộ Đảng nhưng vẫn không công bố để cho mọi người được rõ:
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chết từ lâu. Nó đã chết từ khi nó mất chính nghĩa và lý tưởng, từ khi nó cai trị đất nước không phải vì nước vì dân, từ khi quyền lực trong Đảng bị các phe nhóm cướp lấy để phục vụ quyền lợi cá nhân. Một đảng chính trị là một tổ chức trong đó các thành viên tham gia để đóng góp vào việc xây dựng một lý tưởng chung chứ không phải để chia phần một tài sản vừa cướp được hay sẽ lấy được. Đó chỉ là một tổ chức băng đảng chứ không còn là một tổ chức chính trị.
Do vây, nếu 61 vị ký tên trên bức thư ngỏ chưa ý thức được điều này, họ sai lầm rất lớn. Cái đảng cộng sản mà các vị đề nghị thay đổi chỉ là một cái xác không hồn mà các tập đoàn thời cơ lợi ích mượn danh để thay phiên nhau thống trị đất nước. Nó là nơi đào tạo một giai cấp mới đang lên của các thành phần tư sản đỏ, làm giàu do tham nhũng, cướp của công và cướp của dân. Màu cờ của Cộng sản Việt Nam đã trở thành màu cờ của Tư sản đỏ.
Ngoài ra, nếu họ nghĩ rằng, một ngày đẹp trời nào đó, sẽ có dân chủ trong nội bộ Đảng cộng sản, họ lại thêm một sai lầm khác. Vì từ lâu Đảng không còn là một tổ chức của các đảng viên, không nhằm vào mục đích thực hiện lý tưởng chung của đoàn thể mà chỉ là một công cụ của tập đoàn lãnh đạo độc tài.
Và có một điều mà tự họ đã thấy nhưng không nói ra trong bức thư này là trong những năm gần đây, tất cả các quyền lực trong nước cũng như trong Đảng đã tập trung vào trong tay một số người ngày càng ít và hiện nay chỉ còn một, là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông là hậu duệ của ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ Tịch Nước, Thường trực Bộ Chính Trị phụ trách quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Ông Dũng đã nắm lấy tất cả quyền lực trong tay từ công an đến quân đội và ngoại giao nhờ người cha nuôi và đám đàn em, như ông Phùng Quang Thanh đệ tử của ông Lê Đức Anh và ông Phạm Bình Minh là đàn em.
Ngày nay trong Đảng cộng sản, cái cụm từ « lãnh đạo tập thể » trở thành trống rỗng.
Từ độc tài tập thể, chính quyền Hà Nội đã trở thành độc tại cá nhân. Quyền thế của ông Dũng bây giờ còn hơn cả Chủ tịch nước, Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Quốc hội, và cả ba ông cộng lại. Chính các vị này cũng biết thân nên chẳng dám kêu ca gì cả. Ngay cả trong tổ chức Đảng, những cơ cấu đầu não từ Ban Chấp hành Trung Ương đến Ban Bí Thư chỉ còn là những công cụ thi hành các chỉ thị của Ông. Ông nằm trên cả bản Hiến pháp được biểu quyết năm 2013 trong đó có quy định Chủ Tịch Nước là cơ quan quyền lực cao nhất và Đảng lãnh đạo.
Bây giờ Đảng không còn là cái gì cả, vì ông Dũng có thể nói Đảng là « tao » như ông Lê Đức Thọ đã từng nói trước đây. Ông Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành một vị Vua của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đất nước là của Ông, đất của Ông, Ông muốn lấy lúc nào cũng được (các dân oan rõ tình trạng này hơn ai hết) và Nước của Ông, Ông muốn bán cho ai cũng được.
Nói tóm lại, trong những nhân định được nêu ra trong Bức Thư Ngỏ của 61 vị đảng viên cộng sản, có một nhận định cốt lõi mà các vị không nêu lên là Đảng Cộng Sản Việt Nam đã cáo chung từ lâu.
Sự kiện này cần được thông báo cho mọi người biết, đặc biệt là cho các thành phần dân chủ yêu nước vì cái việc mà họ đòi hỏi từ bấy lâu nay, bây giờ đã thành hiện thực. Điều 4 của Hiến Pháp « Đảng lãnh đạo » nay đã bị xóa bỏ, không còn thực chất nữa. Đảng đã chết và ông Dũng thay thế Đảng để lãnh đạo.
Tổ chức hiện nay còn lại chỉ là sự hỗn hợp của 2 loại thành phần. Một bên là những phần tử chẳng có công lao gì trong cuộc cách mạng thống nhất đất nước, chỉ vào Đảng vì lợi ích, để tiến thân và làm giàu. Bên kia là những đảng viên tiếc nhớ thời kỳ oan liệt khi họ còn đấu tranh cho một lý tưởng, một chủ nghĩa. Bây giờ mặc dù họ biết lý tưởng và chủ nghĩa đó sai nhưng vẫn cố bám víu vào một dĩ vãng đã phai mờ. Họ tiếc hối vì họ đã bỏ công để đóng góp xây dựng cái gì đó mà đến giờ họ mới biết là mộng tưởng. Họ không nên vì vậy mà tự che mắt để không nhìn thấy một sự thật hiển nhiên. Có thể nói là nếu dân là nạn nhân của chế độ, họ là con tin của Đảng và của chính họ.
Hiện nay Đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ còn là một tấm bình phong được dùng để bao che hành động của một tập đoàn thời cơ và lợi ích mà ông Dũng đã tạo dựng và là người đứng đầu.
Bây giờ tiếng nói của ông Dũng là tiếng nói của Đảng vì Đảng là ông Dũng. Chỉ có ông Dũng và tập đoàn cơ hội còn cần dựng hình ảnh của Đảng lên để núp sau lưng và có lý cớ để tiếp tục làm những chuyện tai hại cho đất nước mà trước nay ông vẫn làm, nghĩa là đàn áp dã man các thành phần yêu nước, tham nhũng và nối giáo với ngoại bang với chiêu bài để bảo vệ Đảng.
Thật ra Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chết từ lâu. Nó không lãnh đạo gì cả. Cái tổ chức mà chúng ta nhìn thấy hiện nay chỉ là nơi tập trung của những con tin và một đám lâu la mà "Anh Tư" là lãnh tụ.
Xin hỏi toàn thể các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam : vì sao Đảng đã chết? Có phải các tập đoàn lợi ích độc tài bán nước đã giết Đảng hay không?
Nguyễn Sơn Bá
01/08/2014

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"