Phạm Thị Hoài
Thời “Ngoại giao Tháp Rùa“, như trong chuyến thăm châu Âu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đầu năm ngoái mà tôi đã có dịp miêu tả, tuy nhạt nhẽo rẻ tiền nhưng “không chết thằng Tây nào”, đã kết thúc và Việt Nam đang bước vào kỉ nguyên mới với “Ngoại giao bắt sống giặc lái” mà ông Bí thư Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa mở đầu trong chuyến thăm Hoa Kì chăng?
Cục Lễ tân Nhà nước đã chuyển định hướng khai thác, từ thủ công mĩ
nghệ sang một vốn liếng vô tận khác: lịch sử dày đặc cả nỗi nhục mất
nước lẫn chiến công giữ nước và thành tích xâm lược của người Việt
chăng? Sang Pháp thì tặng ảnh chụp Tượng đài kỉ niệm Chiến thắng Điện
Biên Phủ? Sang Thái tặng ảnh chụp Tượng đài kỉ niệm Chiến thắng Rạch
Gầm-Xoài Mút? Sang Campuchia tặng một công trình nghiên cứu về công cuộc
Nam tiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam?
Sang Nhật tặng bản sao bức ảnh nổi tiếng của cụ Võ An Ninh chụp đống sọ người chết đói năm Ất Dậu ở trại Giáp Bát? Sang Đức tặng tranh cổ động “Rồng Nam phun bạc, đánh đuổi Đức tặc”? Sang Vatican tặng chỉ dụ cấm đạo Tây dương của vua Minh Mạng? Sang Trung Quốc tặng cọc Bạch Đằng? Và một lần nữa Hoa Kì, hợp tác quân sự mở ra, có dịp thăm Học viện West Point, nơi có mộ tướng Westmoreland trong nghĩa trang quân đội nổi tiếng thì sẽ tặng bản chụp bản thảo viết tay bài báo của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 13/6/1968 – kí bút danh “Chiến sĩ” – nhan đề “(Đại) bại tướng Vét Mỡ Lợn đã cút về nước mẹ Hoa Kỳ“? So với bài báo này, lời lẽ trên tấm bia “Bắt sống giặc lái” còn có thể coi là rất nhã nhặn. Chiến tranh mà. Chiến tranh không nói lời lịch sự.
Song trước những bàn luận xôn xao, ông Phạm Quang Nghị đã trả lời phỏng vấn của báo Tiền phong, giải thích thêm, rất giản dị, về món quà đặc biệt đó: “Ngoài
ra, trước khi sang Mỹ, tôi được biết, ngài John McCain từng gặp nhiều
quan chức Việt và nhắn nhủ nhờ thành phố Hà Nội giữ gìn vệ sinh cho khu
vực xung quanh tấm bia ở hồ Trúc Bạch. Và đó cũng là lý do tôi muốn tặng
ông ấy tấm ảnh.”
Thưa nước Mỹ, thưa ngài Thượng Nghị sĩ John McCain trước đây là tên giặc lái Jchn Sney Macan bị chúng tôi bắt sống, Hà Nội xin báo cáo là theo nguyện vọng của ngài, tình hình vệ sinh ở khu vực xung quanh chỗ ngài giơ tay đầu hàng được chúng tôi ngày đêm đảm bảo. Ảnh chụp đây làm chứng.
Hình như nhà văn trào phúng Mỹ Mark Twain từng định kể câu chuyện
này, song cuối cùng bỏ cuộc vì không dám tin rằng nó còn thuộc sở trường
của mình.
© 2014 pro&contra