Đọc báo Việt Nam có nhiều khi làm người đọc như tôi cảm thấy … nhức
mắt. Nhức mắt vì những chữ nữa Tây nữa Ta chẳng vào đâu cả. Chẳng hạn
như mới đây rộ lên những chữ như “hotgirl”, “hotboy”, “teen girl”, “teen
Việt”, “showbiz”, v.v. Những chữ mà ngay cả tôi (đang định cư ở nước
nói tiếng Anh) cũng cảm thấy khó hiểu. Kho tàng ngữ vựng tiếng Việt cũng
có những từ với ý nghĩa tương đương, nhưng tại sao giới báo chí không
dùng, mà phải nhờ đến tiếng Anh? Tôi thật không hiểu nổi, nên phải ghi
lại vài dòng gọi là … nhật kí.
Teen (thật ra là “Teenager”) là chữ dùng để chỉ những em trong độ
tuổi dậy thì đến tuổi 19. Tiếng Việt mình có chữ “thiếu niên” để chỉ
những em trong độ tuổi dậy thì đến tuổi thiếu nữ hay thanh niên, tức là
tương đương với teenager trong tiếng Anh. Còn hotgirl và hotboy thì thú
thật tôi không rõ ở Việt Nam có ý nghĩa gì, nhưng trong tiếng Anh thì
hotgirl dùng để chỉ những cô gái trong độ tuổi 14-27, xinh xắn, tự tin
(có khi phách lối), và hấp dẫn (mà nam giới bắt buộc phải nhìn). Tôi
nghĩ tiếng Việt có thể là “cô gái duyên dáng” hay “Gái có duyên”. Nói
chung, tôi thấy tiếng Việt mình có những từ tương đương với danh từ
tiếng Anh để diễn tả, và không có lí do gì mình phải dùng đến tiếng Anh.
Ấy thế mà những từ tiếng Anh đó lại xuất hiện khá thường xuyên trên
báo Việt Nam! Nếu viết trên facebook hay blog thì tôi nghĩ việc dùng một
chút tiếng Anh thì tôi còn có thể hiểu được, vì viết nhanh và mang tính
cá nhân. Nhưng báo chí là một diễn đàn nghiêm chỉnh và mang tính giáo
dục thì việc dùng tiếng Anh cùng đồng nghĩa với sự thiếu tôn trọng tiếng
mẹ đẻ. Hi vọng rằng tôi không quá nặng lời.
Giới báo chí không phải là những người duy nhất truyền bá loại ngôn
ngữ nửa nạc nửa mỡ, mà người dân, đặc biệt là giới trẻ, cũng thường hay
dùng loại ngôn ngữ này. Có nhiều chuyện tiếng Việt “nửa nạc nửa mỡ” rất
hài hước ở quê tôi. Quê tôi có nhiều người định cư ở nước ngoài, và
trong số đó có người định cư theo diện kết hôn trong mấy năm gần đây.
Làng tôi vẫn còn lưu truyền vài câu chuyện cười ra nước mắt. Cô nọ sau
khi lấy chồng định cư ở Anh vài năm về thăm quê, cô vận cái váy ngắn và
cái áo khoe những đường cong con gái ra chợ quê, nơi mà đa số bà con mặc
áo bà ba. Cô ghé qua hàng bán rau và thấy trái me, cô đon đả hỏi: Dì
hai ơi, trái này là trái gì vậy dì? Dì Hai biết quá cái cô này con ông
Ba Th, mới đi nước ngoài có 2 năm thì làm sao quên tiếng Việt được, nên
bực mình và buông một câu trả lời làm cô gái bỏ đi luôn: Ủa, con hổng
biết trái này hả, ở quê mình gọi là cu Tây đó con. Dì Hai này thật đáo
để! Câu chuyện này chắc chắn không phải xảy ra chỉ ở quê tôi mà có thể
rất nhiều nơi khác. Nó là hiện tượng mà Thi sĩ Nguyễn Bính từng than:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Thật ra, trường hợp cô gái ở quê tôi thì đúng ra phải là “hương đồng gió nội” bay đi quá nhiều!)
Thật ra, trong nhiều tình huống cũng nên thông cảm cho những người
dùng tiếng Anh. Có khi người ở nước nói tiếng Anh lâu và thành … thói
quen. Thói quen này mang tính địa phương, và vì nó ngắn gọn, ai trong
cộng đồng cũng hiểu. Chẳng hạn như nói đến “đi shopping” thì ai cũng
hiểu là đi mua sắm ở các siêu thị (hay mall). Shopping không phải đơn
giản là “đi chợ” theo ý nghĩa của tiếng Việt. Thành ra, dùng shopping là
đơn giản nhất! Có khi cách nói ngắn Tây-Ta còn tuỳ thuộc vào văn hoá
địa phương. Chẳng hạn như người Việt ở Úc, nói đến đi mua thức ăn “take
away” nhưng bên Mĩ thì gọi là “Food to go”, thì ai cũng hiểu đó là đi
mua thức ăn về nhà chứ không phải ăn ở quán. Thói quen đó lan truyền
sang Việt Nam khi Việt kiều về thăm quê. Việt kiều về quê thỉnh thoảng
quen cách nói nước ngoài nên dễ làm bà con dè bỉu rằng “mới đi có vài
năm mà làm bộ làm tịch quên tiếng Việt”. Trong thực tế họ không có ý
khoe khoang tiếng Anh đâu, mà chỉ vì thói quen mà thôi.
Cá nhân người viết bài này biết người dưới quê khó tính, nên không
bao giờ hay hạn chế đến mức thấp nhất việc dùng chữ Anh trong cách nói
hàng ngày ở VN. Dù tự dặn mình như thế nhưng thỉnh thoảng tôi cũng chêm
tiếng Anh trong giao tiếp, vì quán tính (nhưng tôi lúc nào cũng giải
thích chữ mình nói có nghĩa là gì để bà con hiểu). Còn trên mặt báo thì
tôi gần như không sử dụng tiếng Anh, hay có sử dụng những khái niệm mới
thì cũng mở ngoặc giải thích để bạn đọc hiểu. Tôi nghĩ mình làm được thì
các phóng viên, trên danh nghĩa là bậc thầy về chữ nghĩa, phải làm được
chứ. Nếu họ không làm được thì tôi nghĩ chắc là do … lai căng. Viết đến
đây tôi chợt nhớ đến một ca khúc của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà trong
đó có câu:
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình
Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của Mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình