Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu
Ngày
6-4 Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 đã kết thúc tại Nha Trang
với một không khí bi quan của các chuyên gia kinh tế Việt Nam về
kết quả của đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế mà Thủ
tướng đã phê duyệt và đã thực thi trong năm 2012. Nhiều chuyên
gia đã biểu thị sự nghi ngờ tính hiệu quả của đề án và đặt
câu hỏi có nên tiếp tục thực thi hay không, một số khác lại nêu
đề nghị nên làm dự án khác. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra
nhưng không ai nói thẳng đến nguyên nhân cốt lõi.
Chúng tôi muốn tiếp tục cách tiếp cận tiên đề đã đề cập trong hai bài viết “Cách tiếp cận tiên đề cho bài toán giải cứu bất động sản” và “Ai đã đẩy thị trường bất động sản đến tình cảnh cần giải cứu” để tìm lời giải cho bài toán tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà.
Bản
thân tôi không được đọc chi tiết đề án tái cơ cấu nền kinh tế,
nhưng cũng như nhiều bạn đọc có cùng quan điểm, đọc hay không thì cũng
biết trước được kết cục. Rằng với những giải pháp mà chính phủ đã tiến
hành trong năm qua, nhìn vào cung cách hoạt động, nhìn vào bộ máy và
con người, nghĩa là nhìn vào input - đầu vào thì đã biết ngay output -
đầu ra! Cái hộp đen nào khó, chứ cái hộp đen này thì không khó để
khẳng định trước kết quả.
Nói một cách cụ
thể hơn, đã có những vi phạm tiên đề cơ bản trong kế hoạch tái cơ cấu
kinh tế của chính phủ, của các bộ ngành, mà hệ quả trực tiếp của nó là
nền kinh tế nước nhà sẽ không những không được cải thiện căn bản, mà sẽ
càng ngày càng tụt hậu so với các nước tiên tiến. Dưới đây chúng tôi
sẽ nêu ra ba vi phạm tiên đề cơ bản. Chúng tôi sẽ bắt đầu bằng câu hỏi
và cũng giống như trước đây, chỉ đưa ra một vài nguyên nhân chính biện
minh cho câu trả lời, phần còn lại sẽ nhường cho bạn đọc đánh giá.
1. Ai là người phải đưa giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế?
Để
giải đáp câu hỏi này chúng tôi lại đưa ra một số câu hỏi khác mà từ câu
trả lời của nó có thể thấy được câu trả lời cho câu hỏi 1. Chúng ta sẽ
lấy hai ví dụ cụ thể.
Ví dụ thứ nhất liên quan đến thiết kế kiến trúc cho một tòa nhà. Khi thiết kế kiến trúc cho một tòa nhà, ai là người đề xuất ý tưởng chính và chịu trách nhiệm chính về kiến trúc cho tòa nhà đó?
Rõ
ràng câu trả lời sẽ là kiến trúc sư trưởng chủ nhiệm kiến trúc công
trình. Ai cũng rõ rằng người kiến trúc sư trưởng sẽ là người đưa ra ý
tưởng kiến trúc quyết định, vì anh ta đứng tên với tư cách là chủ nhiệm
công trình kiến trúc. Những người khác trong êkip chỉ thực thi hay có
đóng góp nhưng vẫn không vượt ra khỏi tư tưởng chủ đạo của kiến trúc sư
trưởng.
Ví dụ thứ hai liên quan đến vai trò của tướng cầm quân. Ai sẽ là người quyết định cách đánh của một chiến dịch?
Rõ
ràng đó là tư lệnh chiến dịch. Vị tư lệnh chiến dịch sẽ là người quyết
định những hướng tiến công chính cũng như toàn bộ kế hoạch tiến công. Vị
tư lệnh chiến dịch có thể nghe, có thể tham khảo các ý kiến tham mưu,
nhưng anh ta phải là người biết nhìn xa hơn những người khác, anh ta
phải là người đưa ra những ý tưởng quyết định cho chiến dịch chứ không
ngoài ai khác.
Hai ví dụ trên đã đưa đến cho chúng ta câu trả lời lô gic cho câu hỏi thứ nhất:
Thủ tướng phải là người đề xuất những giải pháp quyết định cho tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia.
Xin nhắc lại là Thủ tướng chứ không phải Chính phủ.
Trên
thực tế ở nước ta, từ cấp Bộ cho đến Chính phủ, người đứng đầu
thường không phải là người đưa ra tư tưởng quyết định, mà ngược trở lại
là quyết định dựa trên các đề xuất của cấp dưới. Đó chính là khiếm
khuyết đau xót lớn nhất của chúng ta, và đó cũng là nguyên nhân sâu xa
tại sao chúng ta lại tụt hậu.
Có một số người
sẽ phản biện rằng thủ trưởng không thể biết hết được, rằng phải dựa vào
các cố vấn, chuyên gia, phải dựa vào tập thể... Nhưng đó thực ra là một
cách bào chữa, và cách bào chữa đó ngược lại, càng chứng tỏ người đứng
đầu không có năng lực vượt trội xứng với vị trí mà anh ta đảm nhận.
Trong
những lúc khó khăn nhất, trong những tình huống phức tạp nhất, người
đứng đầu – chứ không phải ai khác – chính là người đề xuất những giải
pháp quyết định. Bởi họ tài giỏi hơn người nên họ mới được giao trọng
trách cầm quân. Chỉ những lúc khó khăn nhất mới cần đến tài năng vượt
trội của họ. Chỉ những lúc phức tạp nhất mới cho họ cơ hội thể hiện sự
sáng suốt không ai thay thế được. Họ phải là người đầu tiên đưa ra nước
cờ quyết định.
Hãy nhìn vào các nước
tiên tiến thì thấy rõ, trong các tình huống khủng khoảng phức tạp, đích
danh Tổng thống (hay Thủ tướng) của họ đã đề xuất giải pháp chiến lược
cho cấp giới triển khai kế hoạch thực thi chi tiết.
2. Cách tiếp cận hiện nay của những người có thẩm quyền cho bài toán tái cơ cấu kinh tế có đúng không?
Câu trả lời dứt khoát là: Không.
Trong
nhiều nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của nền kinh tế nước ta có một
nguyên nhân rất quan trọng, đó là lỗi mô hình – lỗi hệ thống. Nhưng
những biện pháp đưa ra hiện nay không cho thấy sau khi thực thi sẽ sửa
được lỗi mô hình, hay chí ít cũng cho thấy sẽ từng bước đổi thay dẫn đến
sự thay đổi mô hình.
Những biện pháp đưa
ra để tái cơ cấu nền kinh tế phải toát lên tư tưởng xuyên suốt là xây
dựng một mô hình kinh tế thị trường, đoạn tuyệt với quá khứ, dứt khoát
không định hướng vào điều chưa tồn tại.
Cách
tiếp cận đưa ra hiện nay đã không thể hiện được thực tế khách quan vừa
nêu, nên chắc chắn không chữa được lỗi của mô hình, và không thể cải
thiện căn bản được tình trạng suy thoái.
3. Ai là người thực thi kế hoạch tái cơ cấu và họ có đủ năng lực để thực thi không?
Người thực thi kế hoạch tái cơ cấu hiển nhiên là các thành viên chính phủ – các Bộ trưởng liên quan.
Còn câu trả lời họ có đủ năng lực thực thi không: Cũng dứt khoát là không!
Tất
nhiên một số Bộ trưởng sẽ không dễ chịu khi đọc điều này (nếu họ
đọc). Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Như đã đề cập ở trên, đa phần các
Bộ trưởng không tự đưa ra được giải pháp, mà phải dựa trên đề xuất của
cấp dưới, do vậy khi thực thi họ cũng phụ thuộc vào cấp dưới. Chỉ cần
nhìn vào năng lực của các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn trước Quốc
hội và trên truyền hình thì không ai còn nghi ngờ sự đúng đắn của câu
trả lời trên. Năng lực của các thành viên Chính phủ là hệ quả
trực tiếp của cách bổ nhiệm cán bộ của chúng ta hiện nay.
“Bổ đề cơ bản”
Từ
những vi phạm tiên đề nêu trên, bạn đọc có thể thấy được dẫu
có tổ chức nhiều hội thảo hơn nữa, cũng không giải được bài
toán tái cơ cấu. Muốn tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà một
cách hiệu quả cần phải giải được “Bổ đề cơ bản”.
“Bổ
đề cơ bản”mà chúng tôi đề cập ở đây chính là “Cải cách
chính phủ”. Chừng nào chưa “Cải cách chính phủ” thì ba tiên đề
nêu trên còn bị vi phạm.
Nhưng giải quyết “Bổ đề cơ bản” hiện nay là một nhiệm vụ bất khả thi.
N. N. C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.