Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Chiến tranh Tâm lý trên biển Đông

Diên Vỹ chuyển ngữ
10.04.2013
"Bách chiến bách thắng cũng chưa phải cách sáng suốt trong sự sáng suốt. Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt.
- Binh pháp - Tôn Tử.
Tranh chấp hàng hải giữa Trung Quốc và Việt Nam đang bước vào một lĩnh vực mới đầy nguy hiểm: chiến tranh tâm lý. Những khiêu khích ăn miếng trả miếng, bao gồm việc điều động các tàu hải giám đến những vùng đang bị tranh chấp trên biển Đông và quyết định in khu vực tranh chấp trên bản đồ hộ chiếu của Bắc Kinh đã tăng cao trong những tháng qua, tạo thêm những yếu tố bất ổn mới trong một tình hình vốn đã nhạy cảm.
Trong khi cả hai phía đều liên tục tuyên bố rằng họ đều mong muốn đạt được một giải pháp hoà bình qua thương lượng, bao gồm cả một tuyên bố chung đưa ra vào năm 2011, nhưng hiện tại hầu như không có đối thoại nào giữa hai chính phủ. Bắc Kinh và Hà Nội hiện phải đối phó với tinh thần dân tộc ngày càng tăng trong dân chúng, bao gồm những vụ biểu tình chống Trung Quốc lẻ tẻ ở Việt Nam và những luận điệu chống Việt Nam của dân Trung Quốc đang lan tràn trên các trang blog cá nhân và Facebook bàn về tranh chấp biển Đông.

Thay vì đối thoại, dường như Trung Quốc và Việt Nam lại tăng cường tham gia vào một trò chơi chiến tranh tâm lý đầy gai góc, với mục đích rõ ràng là nhằm giảm thiểu khả năng đối phương tiến hành những hoạt động quân sự trong khu vực bị tranh chấp. Trong khi phản ứng của Việt Nam trước những hoạt động của Trung Quốc có vẻ như tự vệ hơn tấn công, hành động của Trung Quốc rõ ràng là nhắm vào việc ngăn cản và làm nhụt tinh thần quân đội và binh chủng hải quân Việt Nam nhỏ hơn và trang bị tương đối nghèo nàn hơn.
Khi lệnh cấm đánh bắt cá thường niên ở phía bắc biển Đông do Trung Quốc áp đặt được dỡ bỏ vào tháng Tám năm ngoái, đã có hơn 14 nghìn tàu đánh cá có giấy phép từ Quảng Đông và 9 nghìn tàu khác chở 35 nghìn ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam tràn ngập khu vực biển đang bị tranh chấp. Các quan chức Việt Nam lúc ấy cho biết rằng mục đích phía sau của việc huy động một lượng lớn tàu thuyền có tổ chức này là "không phải để đánh cá".
Trong báo cáo tên "Khuấy động biển Đông II: Phản ứng Khu vực" của tổ chức International Crisis Group ở Brussels nói rằng việc huy động một lượng lớn tàu thuyền đánh cá "cũng là cách viện cớ để tăng cường việc kiểm soát dân sự trên biển Đông và khuyến khích tinh thần dân tộc".
Vào cuối tháng Giêng, Việt Nam đã phản ứng bằng việc thiết lập một uỷ ban bảo vệ vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông. Theo một sắc lệnh hành chính được hợp pháp hoá, thành viên của cơ quan "Kiểm Ngư Việt Nam" sẽ có quyền xử phạt các tổ chức hoặc cá nhân hoạt động đánh bắt cá trong và ngoài nước nào trong vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Theo sắc lệnh trên, cơ quan giám sát này cũng sẽ đảm nhận việc quản lý và ngăn ngừa tai nạn cũng như các nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ. Uỷ ban này được thành lập sau khi Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển vào năm ngoái. Trung Quốc đã cực lực phản đối với lý do là dự luật mới này vi phạm chủ quyền lãnh thổ của họ. Đài truyền hình nhà nước CCTV có bình luận tương tự rằng việc thành lập uỷ ban giám sát mới này đã vi phạm "chủ quyền và quyền lợi biển" của Trung Quốc.
Trong một phản ứng mang tính ăn miếng trả miếng, vào đầu tháng Ba các quan chức Trung Quốc đã thông báo kế hoạch thành lập một ngôi làng mới trên đảo Vành Khăn (Mischief Reef), một đảo san hô lớn trên quần đảo Trường Sa. Ngày 7 tháng Ba, Hà Nội tái xác nhận tuyên bố chủ quyền của mình trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, khiến cho Trung Quốc lần đầu tiên đã huy động một đơn vị hải giám có trang bị trực thăng để tiến hành các chuyến tuần tiểu và quan sát gần những hòn đảo đang tranh chấp.
Ngày 10 tháng Ba, ba chuyến tàu Hải giám Trung Quốc đã trống giong cờ mở xuất hành từ thành phố Tam Sa vừa được thành lập ở đảo Hải Nam. Ba ngày sau, Tân Hoa Xã tường thuật rằng hai chiếc tàu đánh cá có giấy phép từ Việt Nam đã bị một trong các tàu Hải giám đuổi ra khỏi hải phận Trung Quốc. Bản báo cáo nói rằng các tàu Việt bị tình nghi là đã đánh cá bất hợp pháp trong vùng biển Trung Quốc.
Yếu thế
Hà Nội đã không chính thức đưa ra một tuyên bố nào để phản ứng lại sự kiện trên, đặc biệt là khi nó xảy ra đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm cuộc hải chiến 1988 trên quần đảo Trường Sa, khi Trung Quốc đã đánh bật lực lượng Việt Nam, giết chết 64 binh sĩ. Giới truyền thông nhà nước Việt Nam đã tường thuật rộng rãi dịp kỷ niệm này và tiếp tục nhấn mạnh rằng đảo Gạc Ma trong cùng quần đảo này đã bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp - một quan điểm cùng được chia sẻ bởi những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc tháng trước ở Hà Nội.
Vài hôm sau, vào ngày 25 tháng Ba, Hà Nội đã mạnh mẽ phản đối việc một tàu Trung Quốc bắn pháo hiệu vào tàu đánh cá Việt Nam trong quần đảo Hoàng Sa. Các quan chức Việt Nam yêu cầu Bắc Kinh phải điều tra và có hành động trừng phạt thủ phạm về việc mà Hà Nội xem là hành động"sai trái và vô nhân đạo". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời rằng hành động này là "cần thiết và hợp pháp" vì nó xảy ra trong khu vực mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ Trung Quốc.
Về mặt quân sự, Trung Quốc có khả năng để giữ một vị thế cứng rắn như thế. Theo số liệu chính thức, ngân sách quân sự 91,5 tỉ Mỹ kim của Trung Quốc lớn gấp 40 lần ngân sách 2,6 tỉ của Việt Nam. Bắc Kinh còn thống lĩnh cả lĩnh vực kinh tế, trong khi tỉ lệ nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc tăng từ 9 tỉ Mỹ kim vào năm 2007 lên đến 16,4 tỉ vào năm 2012.
Một số nhà phân tích cho rằng giai đoạn tới trong chiến dịch chiến tranh tâm lý của Trung Quốc có thể là việc áp đặt những cấm vận thương mại với Việt Nam, tương tư như việc cấm xuất khẩu quặng đất quí vào Nhật Bản vào năm 2010 và lệnh cấm nhập khẩu chuối từ Philippines vào năm ngoái. Cả Nhật và Phi đều dính líu đến những tranh chấp hàng hải với Trung Quốc. Tuy nhiên những chiến thuật này có thể tạo ra nguy cơ phá huỷ quan hệ ngoại giao dài hai thập niên qua nhằm xây dựng niềm tin và quan hệ kinh tế với Đông nam Á .
Để bảo vệ vị trí của mình, Việt Nam liên tục viện dẫn luật quốc tế và "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" không bắt buộc mà Trung Quốc và ASEAN đạt được. Trong khi Trung Quốc tái xác định cam kết của mình đối với bản tuyên bố vào đầu tháng này tại Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc tại Bắc Kinh, phía sau họ lại có những hoạt động nhằm ngăn cản các quốc gia ASEAN có thái độ chung đối với các tranh chấp.
Thái độ lấp lửng của Bắc Kinh, bao gồm việc có bao nhiêu hòn đảo nằm trong đường lưỡi bò chín gạch kéo dài trên biển Đông mà họ tuyên bố chủ quyền, đã góp phần vào cuộc chiến tranh tâm lý với Việt Nam. "Những cường quốc lớn có lợi thế trong việc giữ tính mơ hồ về chiến lược," Huang Jing, giám đốc Trung tâm châu Á và Toàn cầu hoá tại Đại học Quốc gia Singapore nói. Ông nhận xét rằng Trung Quốc đã học phương pháp chiến lược mơ hồ mà Hoa Kỳ thường xuyên sử dụng trong quan hệ đối ngoại.
Tình hình càng thêm phức tạp qua việc Trung Quốc chuyển giao quyền lãnh đạo từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình. Theo học giả Jing, dưới quyền của Tập, biển Đông không thể đơn giản được xem như là một vấn đề quốc tế mà còn là vấn đề đối nội. "Quan điểm quần chúng có ảnh hưởng đến quyết định chính sách. Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc không có lựa chọn nào khác - họ phải đóng vai cứng rắn trong vấn đề biển Đông." ông Jing nói.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"