Phạm Lê Vương Các (ngoài cùng bên phải) trong chiến dịch vận động UPR tại Geneva (Thụy Sĩ) tháng 6 năm 2014.
Một nhà hoạt động tham gia vân động nhân quyền cho Việt Nam tại kỳ
Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR) vào cuối tháng 6 vừa qua,
blogger Phạm Lê Vương Các đang bị câu lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất khi
vừa trở về nước vào rạng sáng hôm nay, ngày 1/8/2014.
Anh Phạm Lê Vương Các là một blogger, một nhà hoạt động pháp lý cùng
với các đại diện của 10 hội đoàn xã hội dân sự là tiến sĩ Nguyễn Quang
A, luật gia Trịnh Hữu Long, luật sư Nguyễn Thị Vy Hạnh tham dự vào cuộc
họp chính thức và có phát biểu về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trước
Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneva – Thụy Sĩ.
Sau đó, anh Vương Các cùng với phái đoàn đã có những buổi gặp gỡ
nhằm vận động giới chức Liên minh châu Âu, Bộ ngoại giao Ba Lan và Cộng
hòa Séc quan tâm theo dõi và đưa ra các tham vấn nhằm giúp nhà nước Việt
Nam thực thi hiệu quả các cam kết về nhân quyền.
Blogger Phạm Lê Vương Các đang trình bày về tình hình nhân quyền Việt Nam tại Nhóm làm việc về Nhân quyền của Liên minh châu Âu – EU tại trụ sở cơ quan này ở Brussels (Bỉ) ngày 25-6-2014.
Vi phạm cam kết
Theo thông tin chúng tôi có được, chuyến bay trở về nước của anh
Vương Các đã hạ cánh vào lúc 00h 20′, nhưng đã ba giờ đồng hồ trôi qua,
những người thân không thấy anh bước ra khỏi cửa kiểm tra an ninh.
Tình trạng câu lưu và thẩm vấn trong nhiều tiếng đồng hồ liên tục,
và việc tịch thu hộ chiếu ngay tại sân bay đã từng xảy ra đối với anh
Bùi Tuấn Lâm – một người cũng từng tham dự cácUPR khi vừa trở về.
Điều này cho thấy nhà nước Việt Nam tiếp tục vi phạm các quy định
của cơ chế UPR là phải tôn trọng và tạo điều kiện cho các cá nhân và các
tổ chức XHDS tham gia đóng góp tiếng nói vào quá trình kiểm điểm nhân
quyền định kỳ của Liên Hiệp Quốc.
Bên cạnh đó, qua việc câu lưu và thẩm vấn trái pháp luật đối với anh
Phạm Lê Vương Các đã cho thấy nhà nước Việt nam đã đi ngược lại với
những cam kết của mình trong phiên UPR vào tháng 6 vừa qua.
Cần nhắc lại rằng, trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhà nước Việt Nam
đã chấp nhận một số khuyến nghị liên quan trực tiếp đến hoạt động của
người bảo vệ nhân quyền, đó là khuyến nghị 143.162 của Na Uy “dành cho
các cá nhân, các nhóm và các bộ phận của xã hội sự công nhận và chính
danh trong việc thúc đẩy nhân quyền và biểu đạt quan điểm của họ hoặc sự
bất đồng của họ một cách công khai”.
Nội dung liên quan này cũng được đề cập qua các khuyến nghị 143.149
của Luxemburg, 143.167 của Tunisia, 143.169 của Tây Ban Nha, 143.173 của
Ireland, và 143.174 của Cộng hòa Séc… bảo vệ quyền tự do thông tin và
biểu đạt của những người bảo vệ nhân quyền và tạo môi trường thuận lợi
cho họ, mà nhà nước Việt Nam đã cam kết.
Dấn thân vì nhân quyền
Đánh giá sau chuyến đi, anh Phạm Lê Vương Các đã cho biết: “Chẳng
có gì phải tự hào hay hãnh diện khi gặp gỡ giới chức của các nước. Vì
khi nghe họ hỏi về tình hình nhân quyền Việt Nam, thật lòng tôi không
muốn trả lời. Nó làm cho tôi có cảm giác phải đi “méc” với thế giới bên
ngoài về những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Giá như nhà nước biết cởi mở
và lắng nghe hơn, thì người Việt chúng ta dù có bất đồng cũng có thể
ngồi lại với nhau, đối thoại và tìm giải pháp. Khi đó tôi chẳng cần phải
đi đâu hết.”
Phạm Lê Vương Các là người tích cực tham gia vào các hoạt động đấu
tranh nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ở Sài Gòn-Việt Nam. Anh được
nhiều người biết đến khi còn đang là sinh viên luật, với các bài viết
sâu sắc trên BBC Việt ngữ và các trang tin độc lập khác về các vấn đề
pháp luật, xã hội, chính trị nhằm cỗ vũ cho cho dân chủ và nhân quyền.
Bên cạnh đó, anh còn tham gia hỗ pháp lý cho một số dân oan bị cưỡng
chế đất đai đi đòi quyền lợi chính đáng của họ. Hay đã từng vận động
công luận bằng cách cùng với hai người bạn trong trường luật của mình
khởi xướng “Tuyên Ngôn Công lý Đoàn Văn Vươn” kêu gọi tòa án cần xét xử
độc lập trong những vụ việc liên quan đến tranh chấp chất đai của người
dân với chính quyền.
Phạm Lê Vương Các đồng hành với tiểu thương Long Khánh – Đồng Nai đối thoại với chính quyền, đòi quyền lợi về đất đai.
Với các hoạt động này, anh Vương Các đã bị báo Nhân Dân – một cơ
quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cáo buộc là “chống
Đảng, chống nhà nước, kêu gọi lật đổ chính quyền” dưới bài viết “Phản
động nhân danh lòng yêu nước”[1], từng bị một nhóm người theo bám nhiều
ngày mỗi khi rời khỏi nhà và sau đó là hành hung trên một con đường vắng
vẻ vào đêm khuya.[2]
Dù gặp khó khăn và nhiều rủi ro đang còn chờ đợi phía trước, trước mắt anh có thể tịch thu hộ chiếu và bị cấm xuất cảnh, nhưng khi trao đổi với chúng tôi vài giờ trước khi trở về nước, anh cho biết: “Nếu
tôi bị cấm xuất cảnh, tôi cảm thấy hãnh diện vì điều đó. Vì qua đó, tôi
đã có lời cam kết rõ ràng rằng, tôi sẽ không bao giờ rời khỏi đất nước
này vì những hoạt động cho quyền con người.”
Chú thích: