Nguyễn Thanh Thủy - Phạm Thanh Nghiên - Nguyễn Tiến Nam
Hải Phòng và Hà Nội chỉ cách nhau hơn một trăm cây số. Nhưng để có
mặt tại Đại sứ quán Úc tham dự cuộc Hội thảo “Truyền thông Phi Nhà nước ở
Việt Nam trong thời kỳ hiện nay” (do ĐSQ Úc cùng với Liên minh châu Âu,
Đại sứ quán Canada, New Zealand, Na Uy, Hoa Kỳ và Thụy Sĩ cùng đứng ra
tổ chức) là một hành trình đầy khó khăn với chúng tôi. Nhất là trong
phái đoàn đại diện Mạng Lưới Blogger Việt Nam có một cựu Tù nhân lương
tâm đang còn bị quản chế là Phạm Thanh Nghiên.
Ngày 29/7/2014 - một ngày trước buổi hội thảo, công an Khánh Hòa đã
bắt giữ trái phép blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) với mục đích
ngăn chặn blogger này ra Hà Nội tham dự buổi hội thảo theo lời mời chính
thức của Đại sứ quán Úc.
Quỳnh đã bị câu lưu gần chín tiếng đồng hồ, bị tịch thu thư mời,
điện thoại và Chứng minh nhân dân... Vé máy bay trị giá cả tháng lương
của Quỳnh coi như bị mất trắng. Hôm sau, 30/7/2014, đúng thời gian diễn
ra Hội thảo, cô tiếp tục bị ''triệu tập'' lên cơ quan an ninh với lý do
điều tra về một vấn đề "đang điều tra".
Ngoài Quỳnh, một số anh chị em khác cũng bị ngăn chặn để không thể
đến Đại sứ quán Úc. Khả năng đến được với buổi Hội thảo của chúng tôi,
những đại diện còn lại của Mạng lưới Blogger Việt Nam là rất thấp.
Sáng ngày 30/7, ba chúng tôi khởi hành tới Đại sứ quán như dự định,
trong lòng không khỏi những âu lo. Và sẵn sàng đón nhận những tình huống
xấu nhất có thể xảy đến.
“Nếu chị bị bắt, hai đứa khỏi lo tiền tầu xe về Hải Phòng. Cái đó đã có công an chi. Sướng nhá!”. Tôi nói đùa với hai người bạn đồng hành.
Vừa lúc, tôi nhận được điện thoaị của David, Bí thư Chính trị - Kinh
tế tại Đại sứ quán Úc thông báo rằng anh ta đang trên đường đi đón
chúng tôi. Thật vinh dự và là một may mắn ngoài mong đợi của chúng tôi.
Sau 10 phút, David đã có mặt ở điểm hẹn và ba chúng tôi trở thành những
khách mời có mặt sớm nhất tại Đại sứ quán.
Phạm Thanh Nghiên và ông David Skowronski - Tuỳ viên chính trị -
tại buổi Hội thảo của ĐSQ Úc
tại buổi Hội thảo của ĐSQ Úc
Chúng tôi ngồi chờ trong khi các nhân viên tòa Đại sứ chuẩn bị cho
buổi hội thảo. Khoảng 15 phút sau, một số đại diện của các hội/nhóm dân
sự khác xuất hiện: Paolo Thành Nguyễn (Nguyễn Hồ Nhật Thành), Huỳnh Thục
Vy, chú Lê Hùng, blogger Anh Chí (Nguyễn Chí Tuyến), chú Nguyễn Tường
Thụy, anh Ngô Duy Quyền...
Lần lược các khách mời, các đại diện từ tòa đại sứ Mỹ, New Zealand,
các vị diễn giả cũng có mặt. Sự cởi mở, thân thiện của những nhân viên
sứ quán Úc, Mỹ, New Zealand… thật sự mang lại cảm giác tự tin, gần gũi
mặc dù đây là lần đầu tiên chúng tôi tham dự một cuộc Hội thảo quan
trọng tại một nơi trang trọng như thế.
Đúng 8h30, buổi Hội thảo bắt đầu dưới sự chủ trì của ngài Đại sứ Úc Hugh Borrowman.
Tiếp đến là Đại sứ New Zealand Haike Manning và Đại sứ Mỹ, ngài
David Shear nói về tầm quan trọng của “truyền thông phi nhà nước”.
Đã có một tình huống khá hài hước và thú vị liên quan đến phần phát
biểu của ngài Đại sứ Mỹ. Ông chững lại vài giây và cười rất tươi: “Sorry, I cant read my writing” (Xin lỗi, tôi không thể đọc được chính chữ mà tôi viết).
Ông Tim Wilson, Đặc Ủy Viên của Ôxtrâylia về Nhân Quyền là diễn giả
chính. Ông khẳng định rằng quyền tự do bày tỏ, tự do ngôn luận là quyền
căn bản của mọi công dân trên thế giới và phải được Pháp luật bảo vệ.
Đối với Úc sự hạn chế tự do bày tỏ chỉ xảy ra khi việc bày tỏ tiết lộ an
ninh quốc gia (điển hình là wikileaks). Ngay cả việc đánh giá về thông
tin làm tiết lộ an ninh quốc gia cũng cần phải được xem xét và thẩm định
bởi Cơ quan độc lập. Ở Úc có một Ủy ban về Tự do báo chí, họ sẽ thẩm
định các nội dung gây hại. Tuy ủy ban này được chính phủ tài trợ nhưng
họ làm việc độc lập.
Ông trích dẫn các nhân vật như John Rawls về lý thuyết Nhân quyền.
Một số đại diện các hội nhóm Dân sự nêu câu hỏi chất vấn cho các
diễn giả. Chủ yếu nói về các biện pháp, hình thức trấn áp của chính
quyền Việt Nam nhằm ngăn chặn hoặc thủ tiêu quyền tự do ngôn luận của
công dân.
Đại diện Mạng lưới Blogger Việt Nam đã nêu câu hỏi:
"Nước Úc là một nước Tự do, những nếu có công dân nào đó bị ngăn
cản hay xâm phạm quyền Tự do ngôn luận thì chính phủ Úc sẽ giải quyết
vấn đề này thế nào?
Và trong số những khách mời đã có người bị công an Việt Nam ngăn
cản không thể đến tham dự Hội thảo. Hoặc chỉ vì tham dự Hội thảo này mà
bị công an bắt giữ, bị sách nhiều thì những khách mời này phải làm gì?"
Câu hỏi trên đã nhận được câu trả lời từ Ngài Đại sứ Hugh Borrowman
và Diễn giả chính Tim Wilson. Ở Úc, chưa ghi nhận trường hợp công dân
nào bị xâm phạm hay ngăn cản quyền bày tỏ ý kiến, quyền Tự do ngôn luận.
Nhưng nếu điều đó xảy ra, người bị xâm hại có thể tới Ủy ban bảo vệ
Nhân quyền của Úc để khiếu nại. Hoặc có thể tới Tòa án để thưa kiện. Và
Chính phủ Úc là cơ quan duy nhất có thể giải quyết sự việc tương tự này.
Nước Úc luôn đảm bảo và tôn trọng các quyền lợi căn bản và chính đáng
của người dân. Và các quyền căn bản của người dân luôn được Luật pháp
bảo vệ. Các công dân Úc luôn được khuyến khích để bày tỏ quan điểm kể cả
quyền chỉ trích chính phủ.
Ngài Đại sứ đã được thông báo về một số trường hợp khách mời bị ngăn
cản không thể đến dự Hội thảo. Đại sứ quán Úc ghi nhận những cố gắng và
thiện chí của các khách mời. Thông tin sẽ được đăng tải trên trang web
của ĐSQ. Ngài đại sứ cho biết trong trường hợp khách mời nào đó chỉ vì
tham dự Hội thảo này mà bị bắt giữ, sách nhiễu thì hãy liên lạc với
chính ngài hoặc các nhân viên cấp dưới để được hỗ trợ.
Các khách mời trong hội trường cũng rất ấn tượng với phần trình bày
của bà Padma Raman, Giám đốc điều hành, Ủy ban Nhân quyền AustraliaBà
chia sẻ về một số hoạt động nhân quyền thực tiễn tại Úc. Bà nói rằng tổ
chức của bà đã sử dụng truyền thông xã hội (facebook, twitter) để nêu
lên vấn nạn bị bắt nạt tại trường học. Chiến dịch này cổ vũ các cá nhân
bị bắt nạt, đe dọa nói ra sự việc mình là nạn nhân như thế nào. Chiến
dịch này đã rất thành công. Bản thân chúng tôi cũng rất bất ngờ và ấn
tượng về phần trình bày của ông Vũ Ngọc Bình - với tư cách là một nhà
nghiên cứu độc lập- về các giai đoạn phát triển của truyền thông và
truyền thông Phi nhà nước ở Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh,
truyền thông phi nhà nước sẽ góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.
Phần phát biểu của Mạng lưới Blogger Việt Nam đã không thể thực hiện
vì thời gian dành cho buổi Hội thảo đã hết. Bài phát biểu này đã được
gửi đến trang web của Đại sứ quán Úc
Kết thúc buổi hội thảo, các vị khách được ngài Đại sứ mời dùng bữa trưa.
Trước khi ra về, blogger Phạm Thanh Nghiên có hỏi anh David về sự
tham dự của các khách mời từ phía Chính phủ, Đảng Cộng Sản, thành viên
của cộng đồng khối ngoại giao thuộc Nhà nước Việt Nam. Anh David cười
rất tươi và nói: “Họ không đến. Hình như họ không thích đề tài này.”
Chúng tôi chụp hình lưu niệm cùng ngài Hugh Borrowman, các diễn giả và một số nhân viên Tòa Đại sứ trước khi ra về.
Đại diện một số hội đoàn dân sự chup hình lưu niệm với ngài Đại sứ và hai diễn giả chính. ông Tim Wilson và bà Padma Raman
Một nhân viên tòa đại sứ đã mời Blogger Phạm Thanh Nghiên nán lại ít
phút để hỏi thêm về một số thông tin cá nhân của chị. Họ cũng biết chị
là người duy nhất trong buổi Hội thảo ngày hôm nay từng phải chịu 4 năm
tù giam, 3 năm quản chế chỉ vì bày tỏ quyền Tự do ngôn luận.
Sau đó, các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam rời khỏi tòa đại
sứ. Đúng như dự đoán, cả nhóm lập tức khá đông an ninh, mật vụ bám theo.
Khi đến bãi đỗ xe, hai thanh niên mặc thường phục, đeo khẩu trang kín
mặt đã áp sát Blogger Phạm Thanh Nghiên và tự xưng là công an rồi ngang
ngược nói: “yêu cầu chị về đồn làm việc”. Vừa nói, hai thanh niên này lập tức xốc nách Phạm Thanh Nghiên rồi lôi đi.
Phạm Thanh Nghiên đã kiên quyết từ chối và yêu cầu hai người này
xuất trình thẻ ngành. Thông tin Phạm Thanh Nghiên bị chặn bắt ngay lập
tức đã được loan tải trên các trang mạng xã hội, trên các phương tiện
Truyền thông Phi nhà nước và được thông báo đến tòa đại sứ Úc.
Sau vài phút, một số đồng đội (cùng tham dự Hội thảo) và hai nhân
viên Đại sứ Úc là David và Rose McConnell đã tới hỗ trợ và đưa chị
Nghiên về Nhà thờ Thái Hà theo ý muốn của chị.
David nói rằng đây là lần thứ hai anh phải “giải cứu” cho các công
dân Việt Nam khỏi sự săn đuổi của chính quyền ngay trên chính quê hương
của họ. Lần trước, David phải thân chinh đưa anh Nguyễn Bắc Truyển đến
bệnh viện cấp cứu khi anh bị một đám mật vụ hành hung lúc dời khỏi Đại
sứ quán Úc.
Blogger Phạm Thanh Nghiên đã may mắn không (chưa) bị hành hung. Và
bằng sự thông minh, quả cảm của các đồng đội, chị đã qua mặt đám mật vụ
dày đặc bao vây nhà thờ Thái Hà để dời Hà Nội, về tới Hải Phòng an toàn
trong sự “nín thở” của người thân và những người quan tâm đến chị. Xin
cảm ơn những tấm lòng bè bạn, những người đồng đội thân yêu của chúng
tôi. Cảm ơn sự can thiệp ngay lập tức của Đại sứ quán Úc để bảo vệ cho
blogger Phạm Thanh Nghiên đã nói lên sự quan tâm đầy trách nhiệm từ phía
tổ chức đối với những khách mời.
Và để kết thúc bài tường thuật này, chúng tôi xin trích dẫn một đoạn
trong bài phát biểu của Blogger Mẹ Nấm được đăng tải trên trang Dân Làm
Báo. Bài phát biểu lẽ ra được chính tác giả trình bày tại cuộc Hội thảo
nếu như chị không bị công ăn bắt giữ trái phép:
“Ngoài những nỗ lực phải có của chính những người Việt Nam, chúng
tôi cần sự hỗ trợ của thế giới bên ngoài, của các quốc gia đang có quan
hệ ngoại giao và đối tác với Việt Nam. Khi nói tự do ngôn luận là một
quyền phổ quát thì chúng tôi tin rằng quý vị sẽ xem việc ngăn cấm tự do
ngôn luận đối với bất kỳ ai, tại bất cứ quốc gia nào cũng là những xúc
phạm lên những giá trị nền tảng của chính quý vị.
Xin hãy đồng hành cùng chúng tôi.”
Xin hãy đồng hành cùng chúng tôi.”
Thực hiện: Bloggers Phạm Thanh Nghiên - Nguyễn Thanh Thủy
Hình ảnh: Blogger Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam