Ns Tuấn Khanh
Nói ra thì chẳng có chút liên quan nào, nhưng sau khi bộ phim
Hercules 2014 chấm dứt với những dòng credits, bước ra khỏi rạp mà tôi
cứ lan man nhớ về những người bạn Đại Hàn đầy nhiệt tình một thời của
mình.
Câu chuyện về huyền thoại một á thần của diễn viên Dwayne Johnson
(The Rock) tự dưng ngang xương gõ cửa ký ức, kéo về trong suy nghĩ nhiều
điều thật thú vị. Con người từ thuở khai thiên lập địa, không ít người
ôm giấc mơ mình đứng trên đồng loại, muốn mình là huyền thoại của bao
người. Hercules cũng không khác gì con người phàm tục, cũng hãnh diện về
các chiến công của mình – mà người xem phim cũng mơ hồ không biết là do
sự thần kỳ từ giọt máu của Zeus hay do tài truyền thông – tuyên truyền
của người kể chuyện lừng danh thành Athens là Iolaus.
Thời còn đi học, tôi luôn được thầy cô kể về các huyền thoại hay
chiến công của các lãnh tụ Cộng sản thế giới trong các giờ chính trị.
Khó mà biết ai trong số đó là những Iolaus thật sự, luôn hân hoan ngợi
ca chiến công của huyền thoại của nhân dân, hay chỉ là những người miễn
cưỡng phải truyền đi những thông điệp để xây dựng các á thần Cộng sản
như vậy. Thầy kể Fidel Castro hùng biện và chiến thắng trước phiên toà
kết án mình, cô kể Kim Nhật Thành lãnh đạo đoàn quân anh hùng chống cả
bọn nguỵ quyền Đại Hàn và đế quốc Mỹ, Mao Trạch Đông lãnh đạo đoàn quân
đói rách trường chinh chiến thắng kẻ thù lớn mạnh gấp ngàn lần mình… Còn
rất nhiều những câu chuyện như vậy về các á thần Marxist đã được rao
giảng khắp thế giới.
Nhưng chẳng ai nói về sự thật cuối cùng, nên tôi phải tự tìm hiểu để
biết rằng Fidel Castro sau khi nắm quyền đã tước đoạt quyền được hùng
biện về tự do của hàng triệu người Cuba, Kim Nhật Thành dựng nên một
triều đại khát máu và dòng họ được đời đời cai trị trong hiến pháp, Mao
Trạch Đông thì không những trường chinh thành công, mà còn tiếp tục cày
nát lịch sử, nhân tính và văn hoá của nước Trung Hoa vĩ đại. Cũng như
Hercules luôn rực rỡ là một anh hùng chính nghĩa với trẻ con, nhưng sự
thật thì có lúc anh cũng chỉ là một kẻ đi săn tiền thưởng.
Thời sinh viên, tôi được tiếp xúc khá nhiều với các sinh viên Hàn
Quốc đầu tiên đến Việt Nam sau ngày mở cửa, dứt cấm vận. J, là một trong
những nữ sinh viên Hàn Quốc xinh đẹp và nhiệt tình với đất nước của cô.
Yêu xã hội chủ nghĩa và muốn thống nhất đất nước, J, xuống đường tranh
đấu, tấn công cảnh sát Nam Hàn và bị truy nã, phải bỏ ra nước ngoài
trốn. J, nói cô chọn đến Việt Nam vì nơi đây là mô hình xã hội chủ nghĩa
mà cô nghĩ là gần với Bắc Hàn, nơi cô yêu thích.
Thật khó hiểu khi nghe J, nói về những điều đó, nhất là khi nghe cô
ca ngợi Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật như những á thần. Tôi đã dành
nhiều buổi tối ở quán cafe để tranh cãi với J, và mọi sự kết thúc khi J,
nghiêm khắc nói với tôi rằng “K, không thể hiểu được đất nước tôi và
chủ nghĩa xã hội ở Bắc Hàn. Tôi không muốn tranh cãi và chỉ muốn thống
nhất đất nước với Bắc Hàn”.
Tôi vứt sách vở, xô ngã mọi lý thuyết mà mình có được, để đi tìm
những người bạn Hàn Quốc thân Cộng khác, để tìm hiểu thêm trong bàng
hoàng. H, một người bạn Hàn Quốc cũng từng bị truy nã vì đi biểu tình
chống cảnh sát, đòi thống nhất với Bắc Hàn. H, cũng nói về một giấc mơ
xã hội chủ nghĩa và ca ngợi Kim Nhật Thành. Tất cả những người bạn Hàn
Quốc đó đều bị tuyên truyền, bị mê hoặc về huyền thoại chủ nghĩa Cộng
sản Triều Tiên. Thật mỉa mai và đáng ngạc nhiên, đôi khi 12 chiến tích
của Hercules chỉ sự thật vĩ đại qua lời khoa trương của Iolaus. Và những
á thần Cộng sản chỉ thật sự lấp lánh khi được phủ bằng nước bọt và sự
dối trá huyền ảo ngày qua ngày mà thôi.
Trong một chiến tích đem về cho thành Athens, người hùng Hercules
nhận được một lời nhắc nhở từ vua Eurystheus, một kẻ ác thông thái, rằng
“chìm trong sự suy tôn, bất kỳ ai cũng không thể cưỡng nổi được sự cám
dỗ của việc tự cho mình là thần thánh”. Ai trong các á thần của chúng ta
đã từng nhận ra điều này? Chắc là không, vì kiêu ngạo và điên rồ là
điểm dễ nhận ra nhất ở các “á thần” của chúng ta ngày nay. Chỉ có nhân
dân là nhìn thấy và lặng lẽ theo dõi các câu chuyện cổ tích để chờ ngày
nhìn thấy các huyền thoại ấy sụp đổ – có thể trong im lặng, hoặc có thể
trong sự thối nát lan toả đến tận chân trời.
Nhiều năm sau, khi mọi thứ sáng dần. Khi cả thế giới nhìn thấy móng
vuốt từ các tượng đài và viết vào sách giáo khoa về chủ nghĩa Cộng sản
Đông Âu hay Mao lý thuyết như một thứ tội ác của loài người, tôi gặp lại
J, và cả H, – những người bạn Hàn Quốc nhiệt tình của mình. Người thì
làm trong ngành quảng cáo, người thì đi làm phiên dịch cho các công ty
Hàn Quốc ở Việt Nam. Dĩ nhiên, chúng tôi không nhắc lại nhiều về niềm
hãnh diện tranh đấu cho xã hội chủ nghĩa của họ hay về các thần tượng họ
Kim, vốn đã từng làm rã nát tình bạn của chúng tôi. Nhưng tôi biết tự
họ, nếu không tự mình lật đổ những tượng đài ảo tưởng ấy, cởi bỏ thứ đã
cõng trên lưng mình và dân tộc mình, thì chắc họ đã không thể sống nhẹ
nhàng đến tận hôm nay. Cũng chẳng ai trong trong chúng tôi nhắc về các
cuộc biểu tình đánh nhau giữa sinh viên Hàn Quốc với cảnh sát để đòi
thống nhất với Bắc Hàn, vì nếu có nói, chắc chỉ là một câu chuyện cười
để nuốt trôi bữa tối, nuốt trôi những phi đạn và lời đe doạ từ phía Bắc
vẫn gửi qua Bàn Môn Điếm mỗi tháng, lúc này.
Nữ thần Hera, người đưa ra các lời nguyền buộc Hercules phải vượt
qua, trong đó, ẩn giấu việc anh phải lật đổ nỗi sợ hãi, lật đổ cả huyền
thoại trấn áp cả đời anh, chỉ để hoàn thiện sứ mệnh được làm người, với
sự yên ổn trong tâm hồn. Để chặn đứng đoàn quân Thrace của vua Cotys,
Hercules đã lật đổ tượng đài vĩ đại của nữ thần Hera giữa cuộc đời thật,
lẫn trong lòng mình.
Những người bạn Hàn Quốc của tôi giờ chắc đẫ thanh thản. Họ cũng đã
tự lật đổ các tượng đài, những lăng, đền giả dối bị nhồi nhét trong đời
mình. Bức tranh các á thần Marxist, Maoist… đã lộ ra nanh vuốt và đẫm
máu loài người trong nụ cười và bàn tay vẫy chào thân ái của họ. Và
không phải riêng họ, có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cần phải tự là
Hercules của đời mình, tự đứng dậy rũ bỏ, tự xô ngã, để có thể nở nụ
cười và lấy lại hơi thở bình thường như mọi con người đúng nghĩa trên
hành tinh này.