Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Giai cấp Vô Sản và lời hứa suông của Đảng

Minh Văn
Các bản Hiến Pháp Việt Nam từ năm 1946 đến nay đều đề cập đến vai trò chính yếu của đảng Cộng Sản là đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Khởi thủy của họ là làm cách mạng vô sản, có nghĩa là giải phóng giai cấp và đấu tranh cho quyền lợi của người nghèo. Một đảng phái thì bao giờ cũng đại diện cho một tầng lớp nhất định, và phải trung thành với cương lĩnh đó. Vậy thì Đảng Cộng Sản đại diện cho giai cấp vô sản. Có lẽ điều này đã quá rõ ràng, không cần phải bàn cãi thêm nữa. Nhưng họ có thực sự đấu tranh và bảo vệ cho giai cấp vô sản hay không lại là một chuyện khác.
“Công nhân và nông dân là giai cấp tiên phong cách mạng”. Đó là những gì mà người ta hứa trên hình thức và trước khi cướp chính quyền. Nhưng khi đã nắm quyền cai trị, mọi chuyện lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Giai cấp vô sản không những không được hưởng tự do, quyền lợi mà còn bị bần cùng hóa và siết chặt nhân quyền hơn trước. Người Công Nhân bị cấm thành lập Công đoàn độc lập, vốn là quyền căn bản thiết thân. Họ còn bị kiểm soát chặt chẽ bởi hệ thống công đoàn nhà nước, mọi hành động phản đối bất công đều bị coi là chống lại chế độ. Người nông dân cũng bị bóc lột và đẩy đến đường cùng, họ phải bỏ ruộng nương ra thành phố để kiếm sống bằng mọi cách trong một xã hội đầy rẫy hiểm nguy. Phần đa trong số họ đã chọn con đường xuất khẩu lao động như một lối thoát duy nhất cho bản thân và gia đình.

Nhà nước hiện thời là một tập đoàn lợi ích, coi trọng kẻ giàu, khinh rẻ người nghèo. Đảng liên kết với những tầng lớp giàu có để cai trị và bóc lột nhân dân. Đâu còn là “Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động” như họ đã từng nói trước đây. Thành ra giai cấp vô sản bây giờ lại khổ gấp trăm gấp ngàn lần xưa. Vì vậy mà trong mắt họ, không có bất kỳ vị trí nào cho đảng, ngoài nỗi sợ hãi và phục tùng miễn cưỡng. Vậy thì đảng Cộng Sản bây giờ là của ai? Khi mà họ không thực hiện đúng vai trò như cương lĩnh đã ghi? Nếu không đại diện cho giai cấp vô sản, thì họ còn có lý do gì để mà tồn tại nữa? Rõ ràng là đảng không hề đại diện cho những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội (vô sản), và thực tế họ cũng không xứng đáng với điều đó.
Từ lâu người dân lao động đã nhận ra rằng, đảng dối lừa và phản bội họ. Nhưng với một hệ thống nhà nước toàn trị như vậy, việc đoàn kết được với nhau để đưa ra ra yêu sách là điều hết sức khó khăn. Đàn áp và trù dập là câu trả lời của nhà nước đối với người dân khi họ đấu tranh đòi quyền lợi và công bằng. Hình ảnh một chế độ nhà nước đại diện cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã thực sự biến mất, không hề để lại dấu vết nào.
Trong các khu công nghiệp hiện nay, người công nhân sống khổ sở với đồng lương chật hẹp, phải đối mặt với nạn bạo hành của chủ lao động. Họ bị bóc lột thậm tệ, bị sa thải một cách vô lý nhưng không hề có sự bảo vệ của tổ chức Công đoàn. Hệ thống này vốn là một bộ phận trong bộ máy nhà nước, được lập ra với mục đích giám sát và kìm kẹp người lao động. Giờ đây người công nhân đã hiểu được rằng, họ phải tự đứng lên để bảo vệ quyền lợi của mình, không thể tin vào lời hứa suông từ phía nhà nước được. Và nhiều vụ đình công tự phát đã nổ ra nhưng bị nhà nước dập tắt và ém nhẹm. Giai cấp Công Nhân vốn được coi là “Tiên phong cách mạng”, giờ đây thực sự trở thành những nô lệ mới của thời đại. Mọi tiếng nói quyền lợi bị chìm khuất trong đêm đen và những mĩ từ như “Hiện đại hóa, công nghiệp hóa”, “Mái ấm Công Đoàn”…
Vốn là tầng lớp thấp cổ bé họng, những người lao động thực sự là đối tượng dễ bị bóc lột và tổn thương nhất trong xã hội. Nhà nước đã không giữ lời hứa và bỏ rơi họ, sự hy vọng cho một cuộc sống ấm no công bằng giờ đây trở nên xa vời. Hằng ngày hằng giờ, vòng xoáy đàn áp và bóc lột cứ đeo bám người dân vô tội như một định mệnh oan nghiệt.
Giờ đây đảng đã thực sự trở thành một guồng máy siêu bóc lột. Thay vì phục vụ và bảo vệ nhân dân, quân đội và cảnh sát trở thành những công cụ đàn áp công khai. Với một chế độ nhà nước đã mất hoàn toàn tín nghĩa như vậy, liệu họ còn có lý do gì để tồn tại? Có thể nói rằng, đó chỉ là một tập đoàn lợi ích, tồn tại dựa trên sự đàn áp và bóc lột nhân dân, một nhà nước phi pháp và phi nghĩa.
Thiết nghĩ rằng, người dân không còn hy vọng gì vào một chế độ nhà nước như vậy trong việc phục vụ nhân dân. Họ không thể nào mang lại hạnh phúc, cũng như sự an toàn cho người dân, càng không thể vì sự lớn mạnh của quốc gia dân tộc.
Người ta không thể xây dựng và phát triển đất nước bằng đàn áp và bóc lột. Các giá trị tự do, ấm no và tiến bộ không thể có được bằng những lời hứa suông của đảng.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"