PV Quốc Doanh
Không ít người cho rằng, nhờ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới có cuộc sống của họ (và dân tộc) hôm nay. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn trong bài “Đảng là lẽ sống của tôi” có câu “Đảng
đã cho tôi lẽ sống niềm tin”; hoặc như ông Đại tá, Phó giáo sư, Tiến
sĩ, Nhà giáo ưu tú Trần Đăng Thanh ở Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
nói dịp thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam tháng 12-2012, Đảng đã cho
ông (và nhiều người) cái sổ hưu.
PV Quốc Doanh tôi là đảng viên lâu năm của Đảng, có được hưởng lợi
lộc từ Đảng, từ chế độ do Đảng tạo ra, nhưng không thể nói nhờ có Đảng
mới có cuộc sống của tôi. Còn nói nhờ có Đảng, gia đình (cha mẹ) tôi mới
có cuộc sống ấm no thì không đúng sự thật.
Dường như có bao nhiêu người nói “ơn Đảng” thì cũng có bấy nhiêu
người nói ngược lại, có bao nhiêu lời “ngợi ca Đảng” thì cũng có bấy
nhiêu phản bác. Song chẳng hề gì, có ai giúp nhau được mọi mặt đâu,
huống chi xã hội. Hôm nay, tôi muốn trình bày vấn đề khác, vì đảng viên
lâu năm, được Đảng giáo dục từ nhỏ, Đảng đã làm cho tôi nhiều chai sạn.
Cuộc sống dưới bầu trời và giữa cây cỏ tươi xanh, chai sạn cũng có nghĩa
hư hỏng.
Lúc còn nhỏ, ông bí thư chi bộ cạnh nhà tôi phản bác việc thờ cúng,
cho rằng mê tín dị đoan thì tôi bớt linh thiêng cả việc thờ cúng ông bà,
tổ tiên. Năm 1975, tôi ở trong đoàn quân giải phóng, “tiếp quản” một đô
thị, được Đảng dạy rất kỹ về địch-ta, vùng tạm chiếm và vùng giải
phóng, cách mạng và phản cách mạng, đấu tranh giai cấp, hai phe, ba dòng
thác cách mạng, v.v. Một lần, tôi ngồi quán uống trái dừa rồi nạo cùi
ăn, cùi mỏng nên lòng thòng như bún, mấy thanh niên nam nữ ngồi gần lén
nhìn bấm nhau cười. Tôi ngoảnh sang thấy vậy thì mắc cỡ nhưng cũng trợn
mắt để đe doạ, họ vội vàng đứng dậy bỏ đi. Tôi thuộc lực lượng cách
mạng, lực lượng giải phóng luôn nghĩ ở vị trí cao hơn những người ở
“vùng tạm chiếm”. Vào vườn mận chín đỏ đẹp mắt, rất thèm, bà chủ vườn
xởi lởi mời ăn trái mận thì tôi thẳng thừng từ chối, lại mời tôi lúc
rảnh rỗi quay trở lại thì tôi ừ hự mà trong bụng nhủ thầm: không được để
không bị “mua chuộc”.
Thực tâm tôi không muốn vậy nhưng Đảng đã dạy tôi nghĩ vậy. Hồi đó,
chẳng phải những người thuộc “hàng ngũ nguỵ quân, nguỵ quyền” phải đi
học tập cải tạo? Những người ở đô thị phải đi vùng kinh tế mới để tự cải
tạo? Các vị chính uỷ, chính trị viên trong quân đội luôn răn dạy (và đe
doạ) chúng tôi, chiến sĩ cách mạng phải luôn cảnh giác với “viên đạn
bọc đường”! Cứ chủ nhật hay lễ tết, tôi rất muốn vào nhà dân chơi mà
không dám, thi thoảng vào nhà dân là phải tìm hiểu “địch-ta”, “nguỵ quân
nguỵ quyền hay cách mạng” rồi nghe đủ thứ giải thích để chứng minh đó
là phe ta (từng giúp cách mạng, có người theo cách mạng hoặc người tập
kết, v.v) thì rất mệt mỏi.
Sau này, hễ nhớ lại là tôi mắc cỡ với chính mình: kệch cỡm, lố lăng.
Trong lúc, vẫn tự nhận là “quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà
chiến đấu” và thực sự trở thành quân đội anh hùng là nhờ vậy nhưng khi
có được chính quyền, thì chia nhân dân ra nhiều loại và quân đội (cả
công an) chỉ coi trọng nhân dân loại một và lo bảo vệ Đảng, thực chất là
bảo vệ những người đang ngồi ở ghế lãnh đạo Đảng.
Tôi đã được khuyến khích phát triển cái tâm lý thấp hèn, bội bạc,
chia rẽ dân tộc, đặc quyền đặc lợi. Lúc đó, tôi chưa nhận ra đấy là xấu,
chưa nhận ra sự bất bình thường mà tưởng là bình thường, như lẽ hiển
nhiên, còn lấy làm hãnh diện, vênh vang. Mỗi lần đi đây đó, ra bến xe
bến tàu với giấy công lệnh của quân đội, được đứng vào hàng ưu tiên để
mua vé, tự hào lắm. Cho đến khi, một vị chính trị viên tiểu đoàn độc
lập, trên đường về phép, bị phát hiện bán giấy công lệnh khống (ông có
quyền ký và đóng dấu; giấy công lệnh của quân đội được ưu tiên đi lại
trên cả nước) thì tôi bắt đầu suy nghĩ khác.
Trước đó, tôi rất tin lời các vị chính uỷ, chính trị viên, những đại
diện trực tiếp của Đảng trong đơn vị quân đội. Nghị quyết Đại hội 4 của
Đảng cho rằng, kinh tế nước ta phải xây dựng công nghiệp nặng làm nền
tảng để phát triển công nghiệp nhẹ và nông nghiệp. Tôi có đọc một số tài
liệu về phe xã hội chủ nghĩa đang tiến tới “phân công quốc tế” để phát
huy thế mạnh từng nước, liền phát biểu, nếu xây dựng một nền kinh tế
quốc gia “khép kín từ A đến Z” sẽ không đủ khả năng và cũng không phù
hợp xu thế thời đại. Một cán bộ chính trị cắt ngang ý kiến của tôi, bảo
rằng Nghị quyết Đảng đã chỉ ra thì không được suy nghĩ khác. Tôi im
ngay, không dám cãi. Khi nghe câu chuyện truyền miệng về một vị chính
uỷ, trong chiến tranh mỗi lần hành quân được lính cáng võng và ông bảo
là “cáng chủ nghĩa Mác-Lênin”, tôi nhận xét, nếu vậy xếp ba lô những
cuốn sách về chủ nghĩa Mác-Lênin mà đeo sẽ khoẻ hơn, liền bị kiểm điểm
và tôi không dám nghĩ tiếp nữa.
Tư tưởng cho rằng Đảng được độc quyền tư duy, Đảng là cách mạng,
công cụ của Đảng cũng ở trên nhân dân hình thành trong tôi gần như không
cần bàn cãi. Một lần, có vị sĩ quan khoe đã mua được mấy công đất vùng
ven đô để làm nhà, chuẩn bị đưa vợ con ở quê lên, tôi băn khoăn: Tại sao
phải mua đất? Vì tôi nghĩ, sĩ quan nhiều năm trong quân đội, đánh nhiều
trận, chịu đựng hy sinh gian khổ để “giải phóng miền Nam” thì phải được
cấp đất. Suy nghĩ của tôi còn có cơ sở thực tế, rất nhiều “cán bộ cách
mạng” đã được chia biệt thự, nhà cửa, đất đai ở miền Nam; nhất là sau
khi công hữu hoá đất đai, một trưởng ấp cũng có quyền cấp đất; rồi làn
sóng vượt biên để lại nhà cửa, đất đai khắp nơi cho “cán bộ cách mạng”
kiểm kê chia nhau. Chiếm đoạt (cướp đoạt) của người khác nhưng có tổ
chức, do Đảng cầm đầu, tôi thấy là lẽ hiển nhiên của cách mạng.
Cho mình là công dân hạng nhất, ở trên nhiều “loại công dân khác”,
theo tôi là loại tư duy quái gở nhất, làm hư hỏng con người nặng nề
nhất. Gần đây, tôi đã bất ngờ khi đọc tài liệu về nước mắm Phú Quốc,
biết hồi xưa thực dân Pháp đưa người An Nam vào lính viễn dương, biết
lính An Nam thèm nước mắm, một vị tướng Pháp đã yêu cầu chuyển nước mắm
Phú Quốc cho lính An Nam. Trong quân đội Việt Nam, hầu như chưa bao giờ
được quan tâm tìm hiểu và đáp ứng những nhu của người lính tương tự như
thế; đừng nói với nhân dân, nhất là “nhân dân hạng dưới”.
Chuyển sang viết báo quốc doanh, chai sạn do Đảng rèn luyện trong
tôi càng nghiêm trọng. Một thời kỳ dài, mọi việc Đảng làm được ca ngợi
tuyệt đối đúng, những cơ quan của Đảng như Tổ chức, Kiểm tra, Nội chính,
Tuyên huấn và cả công cụ của Đảng như Công an, Quân đội, Thanh tra được
coi không bao giờ sai, nếu có sai chỉ là “hiện tượng cá biệt không phải
bản chất” hoặc “trong khâu thực hiện” và ở “địa phương”. Lúc đó, lấy
được kết luận thanh tra, điều tra hay cáo trạng của viện kiểm sát, bản
án của toà án là thả sức phóng bút viết theo, thêm mắm muối a dua hết
mức, lên án nặng nề những người là đối tượng của các cơ quan ấy, đòi
“trừng trị”, “xử lý nghiêm”. Sau này, liên hệ đến oan sai của ông Nguyễn
Thanh Chấn và nhiều vụ oan sai khác nữa, thấy báo chí đã tiếp tay oan
sai ghê gớm như thế nào. Tình trạng báo chí chai sạn, vô cảm đến hôm nay
chưa phải đã hết, cứ đọc những tờ báo của công an, viện kiểm sát, toà
án và cả tờ Quân Đội Nhân Dân hay Nhân Dân sẽ thấy, nhà báo cũng tự cho
mình cái quyền suy luận quy chụp, kết tội con người (hoặc trào lưu, xu
hướng) rất tuỳ tiện, ngạo mạn. Lắm lúc, tôi không khỏi rùng mình: Báo
chí quốc doanh đã tiếp tay gây oan sai cho bao nhiêu người? Luật nhân
quả nếu có, tội lỗi gây ra mấy đời trả được?
Nghĩ đến luật nhân quả, tôi lại càng rùng mình về những chai sạn
Đảng đang gieo cho người khác. Cái ông sĩ quan an ninh của công an đạp
vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược ở Hà Nội hôm
17-7-2011, ảnh vẫn lưu giữ rõ ràng trên mạng. Rồi mấy ông mấy bà trong
buổi sáng đầu năm nay, cũng ở Hà Nội, ôm nhau nhảy “xòn xòn đô xòn”
trước Tượng đài Lý Thái Tổ, để ngăn cản những người muốn làm lễ tưởng
niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới chống Trung
Quốc xâm lược năm 1979. Sự chai sạn đã nghiêm trọng tới mức, chai sạn
trước sự tồn vong đất nước. Trời ơi, những hình ảnh ấy lưu giữ gần như
vĩnh viễn trên mạng, giữa thế giới, ngàn đời bền hơn tượng đồng bia đá,
làm sao gột rửa trong lòng con cháu?
Sĩ quan an ninh của công an đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc ngày 17-7-2011 ở Hà Nội.
Vị sĩ quan an ninh của công an đạp vào mặt người biểu tình chống Trung Quốc là người mặc áo sọc ngang.
Ôm nhau nhảy múa trước Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội,
đầu năm nay, để ngăn lễ tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến
tranh biên giới chống Trung Quốc xâm lược năm 1979.
Sự chai sạn trong tình cảm, tư tưởng không dễ nhìn thấy, mà nhìn
thấy cũng không dễ sửa được. Xem phim nước ngoài, thấy chàng trai trẻ
không dám làm thịt con cá vì sợ thấy máu cá, tôi cũng buồn cho mình vì
không bao giờ còn có được tình cảm với muôn loài một cách hồn nhiên như
thế. Tôi được Đảng giáo dục từ tuổi thơ tư tưởng đấu tranh giai cấp, bạo
lực cách mạng nên nhìn thế giới quen con mắt tìm kiếm kẻ thù, tìm để
tiêu diệt hoặc lên án, hết kẻ thù giai cấp đến kẻ thù phá hoại nhiều
mặt, khi không còn kẻ thù của phe xã hội chủ nghĩa (vì phe xã hội chủ
nghĩa không còn) thì tìm kiếm kẻ thù diễn biến hoà bình, hết diễn biến
từ bên ngoài đến tự diễn biến bên trong, v.v. Một cuộc sống luôn tìm
kiếm kẻ thù là con người và gồng mình lên để tiêu diệt kẻ thù là con
người, chai sạn có khi còn hơn loài thú vật.
Hồi nào, các báo cáo của công an và một số ngành thường khoe phá
được bao nhiêu vụ “tư thương lũng đoạn thị trường thương nghiệp xã hội
chủ nghĩa”, nay có vị tướng công an khoe đã đánh sập được mấy trăm trang
mạng lớn nhỏ. Tự do làm ăn, tự do suy nghĩ của con người cũng trở thành
kẻ thù của Đảng, đây là sự chai sạn gây hậu quả nặng nề, có hại dai
dẳng cho sự phát triển. “Không có gì quý hơn độc lập và tự do”, câu nói
của Hồ Chí Minh, người mà Đảng hô hào học tập mấy năm nay nhưng chỉ hô
hào học tập đạo đức, còn tư tưởng Hồ Chí Minh thì Đảng không chịu học.
Không được tự do suy nghĩ và làm ăn, nhiều doanh nhân nói với tôi,
không muốn phát triển sản xuất kinh doanh, chỉ làm vừa đủ giàu là nghỉ.
Nhiều nhà báo, nhà văn, nhà lý luận trở thành bồi bút, viết nịnh hót cho
êm tai lãnh đạo Đảng, chứ không vì cuộc sống, vì chân lý. Bản thân tôi,
không muốn làm bồi bút thì cũng phải ở trong vòng bồi bút, nhiễm tư
tưởng bồi bút và biết đâu, có những bài bây giờ tưởng không là bồi bút
nhưng sau này sẽ rõ ra bồi bút? Đảng viên thường không có khả năng nhìn
xa trông rộng, nhờ cậy vào lãnh đạo thì lại bị Đảng chai sạn làm cho hư
hỏng thêm.
Ai đọc lịch sử nước Mỹ đều biết, sau cuộc nội chiến Nam - Bắc, phía
Bắc thắng trận, đã cho xây dựng nghĩa địa chôn cất tất cả những người
thiệt mạng trong trận đánh cuối cùng, bất kể họ ở phía nào, Nam hay Bắc,
tức là không phân biệt “địch hay ta”. Cái câu “chính quyền của dân, do
dân, và vì dân” được Tổng thống Mỹ Lincoln đọc lên trong bài diễn văn
chỉ có 272 từ, ở buổi khánh thành nghĩa trang này. Còn lịch sử nước ta,
đời Trần đánh quân Nguyên, triều đình phải rời Thăng Long lúc ban đầu
thế yếu, sau thắng trận trở về, có vị quan dâng lên một cái tráp đựng
bản danh sách những kẻ theo địch mà ông thống kê được. Vua khen thưởng
cho người biết đề cao lợi ích dân tộc lúc nước mất nhà tan nhưng liền
đó, sai người đốt cái tráp với bản danh sách ấy trước mặt bá quan văn
võ. Ý nhà vua rất rõ, đất nước hoà bình rồi, bỏ hết mọi lỗi lầm lúc loạn
lạc, muôn dân quên hận thù để đoàn kết xây dựng đất nước. Lãnh đạo có
tầm cao nhìn xa hơn quan lại thấp bé, để đất nước yên lành cường thịnh,
chứ không khuyến khích sự hẹp hòi, ngu muội thú tính trong mỗi con người
nhỏ bé.
Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào vùng biển nước ta, tôi hỏi một
vị cán bộ cao cấp của Đảng, tại sao không liên minh với Mỹ để chống sự
xâm lược của Trung Quốc? Vị này đáp, muốn lắm nhưng đối xử làm sao với
hệ thống tượng đài, bia chiến thắng và cả bia căm thù Pháp, Mỹ đã dựng
lên khặp nước? Tôi đảng viên thường thêm buồn vô cùng sau câu trả lời,
chính chủ trương của Đảng suốt mấy chục năm qua dựng lên vô vàn tượng
đài và bia mộ để khoét sâu hận thù Việt-Pháp và Việt-Mỹ để dẫn tới bế
tắc chiến lược hôm nay. Cần khẳng định, một số tượng đài và bia mộ là
cần thiết nhưng không phải tất cả. Xin hãy tưởng tượng, trong lịch sử
mấy nghìn năm của dân tộc, nếu thời nào sau chiến thắng ngoại xâm cũng
dựng nhiều tượng đài và bia mộ như mấy chục năm qua, dưới sự lãnh đạo
của Đảng, thì liệu đất nước này có còn đất mà sản xuất, sinh sống hay
không? Nếu tiền của để dựng đa số tượng đài và bia mộ ấy, được dành phát
triển kinh tế, văn hoá, lo cuộc sống cho các gia đình chính sách thì
kết quả tốt đẹp hơn nhiều lần. Gia đình chính sách no ấm, lòng cũng
khuây khoả nỗi đau quá khứ, sống ân tình hơn với xung quanh.
Không tạo ra được thắng lợi trong xây dựng đất nước, Đảng cứ “ăn mày
dĩ vãng” mà đưa dân tộc đi luẩn quẩn. Từ ngày hoà bình, chưa thấy Đảng
có quyết sách gì thể hiện tầm nhìn xa của người lãnh đạo, chỉ thấy thỉnh
thoảng Đảng đưa đất nước đến tình thế không thể không thay đổi, không
thể không thoát ra và thoát ra được là kể lể “thắng lợi lớn”, “bước
ngoặt quan trọng”. Giải quyết tình thế cũng chủ yếu bằng kích thích tinh
thần tự ái hẹp hòi của một bộ phận dân tộc chứ không phải bằng sự đoàn
kết toàn dân tộc, bằng dân chủ và hoà hợp dân tộc, bây giờ “hết bài” là
bế tắc. Bây giờ, cái bộ phận được kích thích tinh thần tự ái ấy đã mệt
mỏi, chán nản, như bản thân tôi cảm thấy ngột ngạt, không thể kéo dài
tình trạng chai sạn hư hỏng thêm nữa. Chai sạn để “đấu tranh giai cấp”,
“tiêu diệt kẻ thù” dù phải “hy sinh bản thân mình” chỉ có thể tồn tại
trong những trường hợp đặc biệt của cuộc sống, không thể tồn tại lâu dài
trong cuộc sống bình thường. Cuộc sống bình thường là phải hồn nhiên và
lương thiện từ học hành, làm ăn đến vui chơi, từ trong nhà ra ngoài
ngõ, sang hàng xóm và với cả làng nước, thế giới để “tất cả cùng thắng
lợi”. Cuộc sống bình thường không chấp nhận vẻ mặt sắt máu, du côn nhìn
thiện hạ là muốn “đấu tranh giành thắng lợi tuyệt đối” cho bản thân
mình.
Lại cần phải nói rõ điều này, hồi nào hấp dẫn tôi cái chủ nghĩa xã
hội để tôi tự nguyện vào Đảng không phải vì Chủ nghĩa Mác-Lênin với “đấu
tranh giai cấp” mà chính xác là với “bốn phương vô sản đều là anh em”.
Cả thế giới là anh em, hỗ trợ nhau đi lên no ấm, hạnh phúc thì còn gì
bằng, phấn đấu cho điều đó là sẵn sàng. Bây giờ thấy rõ đó là mong ước
quá xa vời, đã sụp đổ khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, đi tới mục tiêu lý
tưởng ấy bằng “đấu tranh giai cấp” và “bạo lực cách mạng” là cực kỳ sai
lầm.
Có thể nào đi tới nhân loại đại đồng ấm no hạnh phúc khi giai cấp vô
sản toàn thế giới cố kết nhau lại trừ khử hết các giai cấp khác, tiêu
diệt sạch những người không cùng phương pháp sắt máu? Chao ôi, đã có
nhiều “phong trào cách mạng” chỉ đưa đến kết quả tang thương. Ở nước ta,
đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hoá, tập đoàn hoá, công hữu hoá, các
đợt bài phong, các đợt đánh tư sản và cả đánh văn nghệ sĩ trong vụ án
Nhân Văn Giai Phẩm, v.v. Xã hội náo loạn, bất ổn vì những “phong trào
cách mạng” như thế, khiến con người ngày càng bị nhào nặn chai sạn, vô
cảm, thậm chí mất lý trí đến mức cha con đấu tố nhau, vợ chồng ruồng rẫy
nhau, anh em từ mặt nhau.
Đến hôm nay, cái lý tưởng “thế giới đại đồng” vô cùng tốt đẹp ấy vẫn
tồn tại, nó là lý tưởng của loài người nhưng không còn là đặc trưng hấp
dẫn của chủ nghĩa xã hội nữa mà dường như đã thuộc về chủ nghĩa tư bản
với Liên minh Châu Âu và nhiều liên minh khác, điển hình như liên minh
Nhật-Mỹ vượt lên hận thù ghê gớm gây ra bởi hai quả bom nguyên tử. Thế
giới chuyển biến theo lẽ tự nhiên đi tới tốt đẹp nhanh chóng đến không
ngờ như cây xanh tươi ra hoa kết trái, còn Đảng loay hoay với “đấu tranh
giai cấp”, với “ba dòng thác cách mạng” đã để vuột mất ngọn cờ “bốn
phương vô sản đều là anh em” cũng không ngờ. Không còn lý tưởng hấp dẫn,
Đảng tỏ ra hậm hực như có báu vật bị cướp mất, lại loay hoay đi tìm kẻ
thù để xả nỗi bực tức, hết kẻ thù rõ mặt đến kẻ thù giấu mặt. Loanh
quanh tìm kẻ thù để tiêu diệt trên đất nước, trong nhân dân và trong cả
nội bộ, Đảng ngày càng mất phương hướng, làm cho những người kiên trì
theo Đảng trở thành ngớ ngẩn, hồ đồ và thêm chai sạn.
Nên giờ này, giữa Trung Quốc và Mỹ (cùng những nước dân chủ văn
minh), giữa “đấu tranh giai cấp” với “hợp tác toàn cầu”, Đảng lúng túng
không biết đâu là bạn đâu là thù, phải đem hệ thống tượng đài và bia mộ
xây dựng mấy chục năm qua ra làm công sự ẩn nấp. Một cuộc ẩn nấp để trốn
tránh trách nhiệm, như mọi cuộc ẩn nấp khác lại ra sức lo củng cố hầm
hào, thành luỹ, Đảng không ngừng xây dựng thêm nhiều tượng đài, bia mộ,
nghĩa trang mà những dịp như ngày 27/7 này, khắp nơi đang chứng kiến.
Cái hố chia rẽ dân tộc lẽ ra phải khoả lấp hằng ngày, hằng năm thì Đảng
khoét sâu thêm, rộng ra, muốn thoát khỏi cái vòng tròn do mình vạch ra
mấy chục năm qua nhưng lại không thoát ra được quán tính hành động mất
phương hướng và chai sạn cả tình cảm lẫn lý trí. Không còn tư chất lãnh
đạo, một chút cũng không còn, chỉ còn tư chất bám víu, tầm gửi. Vì thế
mà giả dối đã trở thành đặc trưng của lãnh đạo thời nay. Giả dối khủng
khiếp. Có vị long trọng hô hào chống “ngoại lai” không biết ngượng mồm
khi vẫn hô hào “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin”. Cái chủ nghĩa ấy không
phải ngoại lai chắc? Giả dối trong lời nói, hành vi và nghị quyết, giả
dối tệ hại nhơn nhơn, tỉnh bơ làm chai sạn, vô cảm, u lì cả cả xã hội.
Nhiều đảng viên băn khoăn, hình như lãnh đạo Đảng không được lãnh đạo
nước khác tin cậy? Tôi hỏi lại, đảng viên và người dân nước ta có tin
cậy không? Bật ti vi lên, thấy mặt đa số lãnh đạo Đảng là tôi chuyển
kênh.
Khi tình cảm và tư tưởng con người chai sạn thì xã hội bị chai sạn
trên mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách. Kinh khủng nhất là tình trạng dân oan
kéo từng đoàn dài từ Bắc đến Nam, lê la ở thủ đô Hà Nội quanh năm, đã
trở thành bình thường như một phần không thể thiếu của “xã hội xã hội
chủ nghĩa”. Đủ mọi tầng lớp đã có mặt trong đoàn dân oan đi khiếu kiện
ấy, đa số do bị cướp đoạt đất đai, cướp đoạt mất cái tư liệu sản xuất
chủ yếu để sinh sống của người nông dân. Nhưng bao phận người đau khổ
tột cùng ấy lại rất ít còn được truyền thông phản ánh. Vì quá nhiều, vì
phản ánh dường như không có kết quả, thậm chí không có người đọc (trừ
những người liên quan). Cả xã hội chai sạn ghê gớm như thế! Nguyên nhân
gốc rễ ở đâu? Ai cũng có thể chỉ tận mặt: Cái quan điểm “đất đai sở hữu
toàn dân” quái gở. Có bà mẹ liệt sĩ gào lên: Đất đai của tổ tiên tôi để
lại, tôi không nợ nần gì nhà nước này cả (nếu có nợ nần là nhà nước nợ
bà), tại sao ra quyết định thu hồi đất của tôi? Mọi người có thể trả lời
bà, trừ Đảng. Chai sạn mất rồi vì thứ lý thuyết học mót không đến nơi
đến chốn, Đảng không còn nghe được tiếng nói của đảng viên, nguyện vọng
của nhân dân, đã ù lì như vô tri vô giác. Đã không biết lắng nghe tiếng
nói của cuộc sống, Đảng lại theo thói quen “tìm kẻ thù”, chăm chăm tính
tỷ lệ bao nhiêu phần trăm khiếu kiện đúng và bao nhiêu (cho là) sai hoặc
có đúng có sai, và dẫu tỷ lệ đúng luôn áp đảo thì Đảng vẫn không chịu
sửa mình mà tiếp tục hô hào “tuyên truyền giáo dục nhân dân”.
Chai sạn nguy hiểm khi không còn nghe được ý kiến của người khác,
không còn nghe được tiếng kêu than của dân chúng. Biết lắng nghe thì mới
phân biệt được phải trái và muốn lắng nghe thì trước hết phải biết tôn
trọng con người, đây lại đụng đến điểm yếu chí mạng của Đảng. Lâu rồi,
Đảng không biết tôn trọng con người, không biết tôn trọng nguyện vọng,
tình cảm, tôn giáo, tín ngưỡng của con người. Đảng tự cho mình đã nắm
được học thuyết tiến bộ của nhân loại, có tư tưởng tuyệt đối đúng đắn,
có quyền đứng trên nhân dân để “tuyên truyền giáo dục nhân dân”. Mỗi
lúc, nhân dân làm được việc gì đó thành công, Đảng cho rằng do Đảng lãnh
đạo tài tình sáng suốt, các cơ quan của Đảng giỏi “tuyên truyền giáo
dục nhân dân”. Những khi xã hội nảy sinh vấn đề do quá trình phát triển
hay do Đảng gây ra, các cơ quan của Đảng đã thành thói quen, nêu giải
pháp hàng đầu là “đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nhân dân”.
Bản thân tôi phải rèn luyện nhiều mà vẫn không gột bỏ được hoàn toàn
vết chai sạn do Đảng gây nên trong người, mỗi khi nghe ý kiến trái với
mình, dẫu đã thấy đúng thì vẫn lợn gợn khó chịu, có chấp nhận cũng gượng
gạo, không tự nhiên. Sao mà tôi thèm muốn đến thế cái tâm thế cởi mở,
sẵn sàng lắng nghe, vui vẻ chấp nhận những ý kiến khác với suy nghĩ của
mình. Sao tôi a dua với Đảng cả những điều sai lại dễ dàng, mà lắng nghe
tiếng nói đúng lại khó khăn đến thế! Vì chai sạn, hư hỏng mất rồi. Bao
nhiêu năm vênh vang ngỡ mình trong đoàn người tiên phong đưa dân tộc đi
đến hạnh phúc, biết đâu đó là quá trình hư hỏng bản thân, đến lúc nhận
ra thì mục nát không còn sửa được.
Bây giờ tôi vẫn chưa bỏ được Đảng. Bao nhiêu năm “dưới sự lãnh đạo
của Đảng”, tôi đã đánh mất tinh thần độc lập tự do, không quen chịu
trách nhiệm, sợ thay đổi. Tôi tâm sự điều này với một ông ngoài 70 tuổi,
có năm chục tuổi đảng, thì ông bảo “em chưa nghỉ hưu không bỏ Đảng
được”. Tôi hỏi, vậy anh nghỉ hưu đã lâu sao còn sinh hoạt Đảng? Ông lo
lắng, sợ ảnh hưởng đến con cháu. Tôi đề nghị, anh hỏi con cháu xem chúng
có muốn anh tiếp tục sinh hoạt Đảng hay không? Ông thẫn thờ một lúc, hạ
giọng, chắc con cháu không muốn ông tiếp tục sinh hoạt Đảng bởi chẳng
được lợi lộc gì, còn thiệt hại nhiều thứ. Nhưng ông vẫn không bỏ được
sinh hoạt Đảng, cũng như tôi đã chai sạn vô tích sự mất rồi, phải đợi
người lãnh đạo mới, chẳng biết dân tộc đã sinh ra hay chưa?
Tháng 7/2014
PV Q. D.
Tác giả gửi BVN.