Huy Đức
Cựu Phó chủ nhiệm ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội, GS Nguyễn Minh
Thuyết, nói: "Khái niệm Autonomy university dịch đúng là đại học tự trị
nhưng 'ta' sợ 'tự trị' nên dịch trại ra là tự chủ. Ông Thuyết cũng như
các diễn giả khác, kể cả cựu Vụ trưởng vụ Đại học Lâm Quang Thiệp, cũng
cho rằng "không tự trị thì không thành đại học".
Tiến sỹ Bùi Trân Phượng, đại học Hoa Sen, cũng cùng quan điểm này tuy cách nói của bà là: "Dân chủ làm nên đại học". Theo bà, đây là con đường để sinh viên Việt Nam được học trong một môi trường bình đẳng với sinh viên thế giới.
Buổi sáng, khi phát biểu trong phiên khai mạc, Thứ trưởng Giáo dục
Bùi Văn Ga cho rằng, để đại học có thể tự chủ các hiệu trưởng cũng phải
giành lấy quyền tự chủ đã được ghi trong Luật. Tuy nhiên, cả GS Nguyễn
Minh Thuyết và TS Vũ Thị Phương Anh đều viện dẫn chính Luật Giáo dục đại
học Việt Nam để cho thấy các hiệu trưởng vô phương tự chủ vì chính sách
vừa mở ra một, đã ngay lập tức, trói lại hai ba.
Sau phát biểu của GS Bùi Văn Ga, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Nguyễn
Quân đã chân thành đến bất ngờ khi nói rằng: "Đại học không thể tự chủ
được đâu khi vẫn còn bộ chủ quản (với trường công), khi Bộ Giáo dục vẫn
buộc các trường phải thi tuyển chung, phải chung mẫu vẫn bằng, chung mô
hình, vẫn giành quyền phong hàm giáo sư... và khi, việc phân loại các
trường đại học vẫn do Thủ tướng.
Có vài ý kiến muốn, chỉ cho những trường có đủ năng lực tự chủ trước
trong khi những ý kiến khác - trong đó có GS Nguyễn Minh Thuyết - cho
rằng, mọi trường đều có quyền ngang nhau và hãy để thị trường thử thách
và phân loại.
Trước đó, GS Trần Ngọc Anh đã bảo vệ quan điểm kinh tế thị trường tự
do của mình bằng cách dẫn lời Adam Smith: Anh hàng thịt bán miếng thịt
rẻ cho mình không phải vì lòng tốt mà vì lòng ích kỷ mà hạ giá để cạnh
tranh với các hàng thịt khác. Theo GS Trần Ngọc Anh (trong một tham luận
chung với GS Đỗ Quốc Anh Quoc-Anh Do) thì chỉ có môi trường cạnh tranh mới tạo ra các sản phẩm giáo dục đại học chất lượng tốt.
Cũng đừng sợ các trường đại học mọc ra như nấm. Theo TS Giáp Văn
Dương, hàng năm mới có khoảng 26% sinh viên tốt nghiệp phổ thông được
tuyển vào đại học.
Nhiều ý kiến đề cao tính cao cả của việc đào tạo con người nên không
tán thành lắm với GS Lâm Quang Thiệp khi ông cho rằng đại học có thể
hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Nhưng không thể phủ nhận, đại học cũng phải được vận hành như một
"business". Không hiệu quả thì không thể cống hiến cho ai. Có những đại
học được mở ra vì lợi nhuận nhưng cũng có đại học hoàn toàn phi lợi
nhuận (được miễn thuế nhưng các cổ đông không chia lãi). Về mức độ phục
vụ công chúng chưa chắc đại học có lợi nhuận đã đóng góp ít hơn đại học
phi lợi nhuận.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày, 31-7 và 1-8, - do nhóm Đối thoại
Giáo dục và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn tổ chức - tập hợp hàng trăm
trí thức tinh hoa người Việt ở trong nước và đang công tác tại nhiều
trường đại học hàng đầu trên thế giới.
Cho dù tự bỏ tiền túi bay từ Úc, Mỹ, Pháp... về, mỗi "giáo sư, tiến
sỹ" cũng chỉ có 15 phút để tham luận. Trước các "cây đa, cây đề" như Ngô
Bảo Châu (Chau Ngo), Giáp Văn Dương (Giap Van Duong), Vũ Thị Phương Anh (Vu Thi Phuong Anh)... cả người của nhóm Đối thoại Giáo dục, Nguyễn Phương Văn (Anh Xu Beo) và người của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ, Quách Thị Mỹ Ngọc, đều rất quân phiệt về mặt thời gian.
Trước Hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp GS Ngô Bảo Châu và
các cộng sự của ông. Bộ trưởng Nguyễn Quân dự nghe buổi sáng, thứ
trưởng Bùi Văn Ga ngồi nghe tới hết ngày. Thông tin ngồn ngộn, có nhiều ý
tưởng vô cùng hữu ích. Phát biểu của các vị cho thấy, từ lâu Chính phủ
và Hội đồng Quốc gia Giáo dục đã biết những điều đang được thảo luận
trong Hội thảo này.
Nhưng làm sao Chính phủ có thể "cải cách thể chế" khi vẫn để quyền
cấp giấy phép trong tay những người vẽ ra giấy phép (chưa tách hành pháp
chính trị với hành chính công vụ). (Không kể các lý do chính trị) Làm
sao Bộ Giáo dục có thể trao quyền tự trị cho đại học một khi họ đang
hưởng lợi nhờ có quyền thò tay vào công việc thường vụ của các nhà
trường đại học.