Huy Phương
“Ưu điểm” của chế độ CHXHCN hôm nay:
Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!
Trong nghìn chuyện quái đản xảy ra ở Việt Nam lâu nay, bây
giờ lại có thêm một chuyện quái đản nữa, là có lẽ rồi đây, thanh niên có
thể tránh chuyện đi lính bằng cách đóng tiền, nói rõ là từ nay thanh
niên Việt Nam sẽ góp đồng tiền thay việc góp máu cho quốc gia. Một trung
tướng CSVN, cũng là dân biểu Quốc Hội, chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng-An
Ninh, ông Trần Ðình Nhã, đã có dự thảo như thế để sửa đổi “Luật Nghĩa Vụ
Quân Sự”.
(Hình minh họa: Vietnam News Agency/AFP/Getty Images)
Phải chăng đây là một hình thức hợp thức hóa cho những tệ nạn lo lót
tiền để khỏi phải đi “nghĩa vụ” cho phường đội, huyện đội và những người
trong hội đồng tuyển “nghĩa vụ quân sự” lâu nay, cũng như người ta đã
có ý kiến đề xuất cho hợp thức hóa nghề mãi dâm.
Chuyện này hẳn có lợi cho một lớp người có đặc quyền, đặc lợi tham ô
có tiền, lớp người làm thương mãi buôn bán, mánh mung trục lợi từ nhân
dân, sẽ dùng tiền để che chở cho con cháu họ khỏi ra chiến trường. Số
phận “anh hùng” từ nay sẽ dành cho đám quần chúng nghèo hèn, hẩm hiu
này, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không có tiền đóng cho đảng và
chính phủ, chỉ có phần máu và thân xác nhỏ nhoi, cống hiến cho tổ quốc
thay cho lớp có tiền. Cuối cùng chỉ có nhân dân khốn khổ phải phơi thây,
còn nơi ấm cúng và chỗ ngồi tốt lành dành cho con cái đảng.
Dù chính sách của Cộng Sản lâu nay vẫn tìm cách chỉ trích, bôi xấu
chế độ tư bản, thực dân xâm lược hay chế độ tự do miền Nam thế nào đi
nữa, nhưng đứng trên cương vị của một công dân phục vụ cho tổ quốc, chế
độ CSVN hiện nay còn phải mở mắt học hỏi thêm nhiều bài “công dân giáo
dục” và đạo làm người của những phe mà họ cho là kẻ thù.
Tôi xin kể chuyện hai gia đình “kẻ thù” điển hình mà có lẽ chiến sử Cộng Sản ghi rõ hơn ai hết về tư cách phục vụ cho tổ quốc của những thanh niên “anh hùng” không hề núp bóng ô dù, không hề có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con!”
Tôi xin kể chuyện hai gia đình “kẻ thù” điển hình mà có lẽ chiến sử Cộng Sản ghi rõ hơn ai hết về tư cách phục vụ cho tổ quốc của những thanh niên “anh hùng” không hề núp bóng ô dù, không hề có chuyện “hy sinh đời bố, củng cố đời con!”
Chúng ta đã biết mặc dù mang cấp bậc đại tướng trong quân đội Pháp,
Jean de Lattre de Tassigny có con trai là Thiếu Úy Bernard, được đưa đến
chiến trường Ðông Dương năm 1949, một nơi được xem là có những trận
chiến ác liệt, và đã tử trận tại Ninh Bình trong một cuộc tấn công của
Việt Minh, năm 1951, khi mới 23 tuổi. Ông nội và cha của Thượng Nghị Sĩ
Hoa Kỳ John McCain đều từng là đô đốc bốn sao của Hải Quân Hoa Kỳ, nhưng
gia đình này không phải là cái dù, để cho Thiếu Tá McCain khỏi phải bay
dưới hỏa lực phòng không của Hà Nội và bị bắn rơi năm 1957.
Nhìn về phía VNCH, Ðại Úy Phi Công Phan Quang Tuấn bị bắn rơi tại mặt
trận Quảng Trị, trong khi thân phụ ông, Bác Sĩ Phan Quang Ðán, một thời
là quốc vụ khanh và bộ trưởng, thừa quyền lực để mang con trai về một
nơi an toàn. Phan Xuân Hiệp, sĩ quan Nhảy Dù, rồi Biệt Ðộng Quân, đụng
trận, bị thương ở chiến trường Cheo Reo, Phú Bổn, là con trai của con
trai Tướng Phan Xuân Nhuận, chỉ huy trưởng BÐQ.
Về phía Cộng Sản miền Bắc, nơi mà “ra ngõ gặp anh hùng,” “danh tướng”
Võ Nguyên Giáp, có hai người con trai đều không dính líu gì đến súng
đạn. Con trai trưởng tên Võ Ðiện Biên, một cái tên rất “ấn tượng,” sinh
năm 1954, nhưng xong trung học phổ thông, khoảng năm 1971, trong khi
thanh niên miền Bắc đang đổ máu, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” ông
con này đã được bố gửi sang học ở Học Viện Kỹ Thuật Hàng Không Giucopxki
ở Liên Xô.
Học viện này là trung tâm hàng đầu đào tạo cán bộ cho ngành khoa học
hàng không và nghiên cứu hàng không vũ trụ. Ra trường, trở về phục vụ
cho quân đội, nói cho oai, nhưng lại nằm trong một cái vỏ bọc bằng nhung
được gọi là ngành khoa học công nghệ... Bây giờ Võ Ðiện Biên là giám
đốc công ty cổ phần Ðông Sơn, chuyên cung cấp các thiết bị máy móc kỹ
thuật cho các cơ quan, doanh nghiệp.
Con trai út là Võ Hồng Nam (1956), tốt nghiệp Ðại Học Bách Khoa,
hiện là giám đốc công ty cổ phần máy tính truyền thông Hồng Nam. Năm
1984, ông Võ Hồng Nam sang Hungary làm thực tập sinh kỹ sư công nghệ ở
liên hiệp vi điện tử MEV, Buddapest, rồi kỹ sư lập trình ở viện nghiên
cứu máy tính và tự động hóa Buddapest. Về nước, ông trở thành giám đốc
công ty này, một doanh nghiệp làm ăn phát đạt.
Chính vì điều gì cũng nhân danh nhân dân, nhất là nhân dân thuộc loại
bần cùng, đói khổ nên nhân dân phải chịu nhận vinh dự chết cho tổ quốc,
để những “con ông, cháu cha” những kẻ quyền lực và có tiền ung dung ra
ngoại quốc hay được điều động về trung ương, giữ những chức vụ béo bở.
Nếu đóng tiền để khỏi đi lính, thì rồi đây chính phủ sẽ ấn định bao
nhiêu cho mỗi người để gọi là đủ: $500, $1,000 hay $10,000 cũng là quá
rẻ để nằm trong chăn ấm, nệm êm, tránh được chuyện xa nhà, nỗi nhọc nhằn
tập luyện tại quân trường, và những nguy hiểm lúc đất nước có chiến
tranh. Chỉ còn lại là đám “nhân dân anh hùng” đi bộ đội cho có cơm ăn và
sẵn sàng chết cho đứa có tiền.
Chúng ta thường mỉa mai lên án những lực lượng lính đánh thuê cho một
đất nước không phải của mình, như Quân Ðoàn Lê Dương Pháp (FFL) mà toàn
bộ binh lính được tuyển mộ từ nước khác, như 400 người Nga đang chiến
đấu như lính đánh thuê ở Syria, như Blackwater, đoàn lính đánh thuê
thiện chiến của Mỹ...
“Quân đội Cụ Hồ” rồi đây sẽ là một đoàn quân đánh thuê: Không phải là
thứ đánh thuê cho một quốc gia khác, mà đây là đánh thuê cho giai cấp,
giai cấp bần cố nông đánh thuê cho giai cấp cầm quyền, tư bản, là những
kẻ bỏ tiền ra để mua máu người khác thay vì phải đổ máu của mình ra.
Những người nghèo không có tiền đóng cho chính phủ sẽ cầm súng đánh thuê
cho những kẻ có tiền bỏ ra thuê!
Ðó là “ưu điểm” của chế độ hôm nay: Cái gì cũng có thể bán và không có gì không mua được!
Tạp ghi Huy Phương