Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Suy ngẫm về Hiến Pháp

Jonathan London
Xin cảm ơn nhiều bạn đã đọc và góp ý về bài viết của tôi, mang tên “Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng”, bài mà tôi đã viết trong ngày Quốc Hội Việt Nam lần thứ 13 đã bỏ phiếu thông qua Hiến Pháp 2013 sửa đổi, với một tỷ lệ sắp xỉ 98%.
Trước hết, xin chia sẻ với các bạn khi tôi đặt tên bài “Việt Nam ơi, Đừng tuyệt vọng”, chủ yếu là vì khi tôi đã trao đổi với một người bạn về kết quả đáng tiếc này, chúng tôi có nhớ đến bài hát “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trong lúc mới thông qua, thì tôi thấy giới lãnh đạo VN đã lại làm mất một cơ hội lớn để đề cập những vấn đề bức xúc nhất của đất nước hiện nay. Đặc biệt, những câu mở đầu của bài hát đó tôi đã thấy quá phù hợp với tâm trạng của không ít người dân trước và sau ngày Quốc Hội thông qua Hiến pháp sửa đổi. Tôi không rõ tỷ lệ những người đã đọc bài tôi có nhận thấy điều đó hay không.
Cũng đã có một người bạn đọc đã ra giả thuyết chính tôi (Jonathan London) là người tuyệt vọng, vì đã thấy rõ ĐCSVN không thể thay đổi được. Vì tôi là một người ít khi chấp nhận hai chữ “không thể ”, tôi không thể (!) và chưa muốn hoàn toàn đồng ý với sự chẩn đoán này, dù rõ rằng hơi khó để hoàn toàn bác bỏ giả thuyết này vào lúc này.

Trả lời những bình luận của hai bạn đọc
Xong, sau vài ngày suy ngẫm về vấn đề Hiến Pháp, tôi xin chia sẻ một số ý kiến ngắn gọn của tôi qua việc trả lời bài phê bình của bạn đọc Trần An Lộc đã đăng trên báo Dân làm báo và một số nhận xét của “Mạnh Thắng,” một bạn đọc khác như sau:
Trả lời một số nhận xét của bạn đọc Trần An Lộc
Xin cảm ơn bạn Trần An Lộc đã dành thời gian để trao đổi với tôi. Tôi luôn luôn sẵn sàng và nhiệt tình để trao đổi với các bạn từ mọi phía. Tôi cho rằng diễn luận chính trị Việt Nam rất cần có một “văn hóa trao đổi”, thay vì “văn hóa đấu đá”. Ngoài ra, tôi cũng xin cảm ơn bạn Trần An Lộc và các bạn khác đã “chịu khó” trao đổi với một người nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế trong sự hiểu biết về Việt Nam xưa và nay như tôi.
Bài viết “Việt Nam ơi, đừng tuyệt vọng!” tôi đã viết ngay sau khi Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Hiến Pháp sửa đổi năm 2013. Đó là việc mà, theo ý kiến riêng cá nhân tôi, thêm một lần nữa chứng minh giới lãnh đạo nhà nước Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi những tư tưởng sai lệch và lỗi thời, mà điều này lại làm chậm đi quá trình phát triển của đất nước.
Tôi cũng xin tất cả bạn đọc ‘lượng tình tha thứ’ cho những bài viết của tôi về Việt Nam (xưa và nay) mà tôi vẫn chưa nắm bắt được. Tôi luôn luôn coi mình chỉ là ‘sinh viên’ về Việt Nam. Càng tìm hiểu tôi càng thấy những cái mới, cái chưa biết, và tôi cần tìm hiểu thêm.
Về quan điểm đối với Quốc Hội: Dù là người lạc quan (tức là muốn có tiến bộ thì phải lạc quan), tôi vẫn cố gắng giữ một quan điểm thực tế. Như vậy, tôi vẫn biết Quốc Hội Việt Nam có những hạn chế cơ bản từ đầu, Quốc Hội Việt Nam là một tổ chức quan trọng và đóng một vai trò duy nhất trong nền chính trị của Việt Nam.
Nhưng, từ trước đến nay, tổ chức này nhiều khi (nếu không muốn nói là ‘luôn luôn’) chỉ là một con rối trong bộ máy chính trị của Việt Nam. Cho nên, khi bạn Trần An Lộc khẳng định: “Người Việt Nam chẳng ai tuyệt vọng về những chuyện rơm rác như thế này” thì tôi nghĩ là tôi hiểu ý đó.
Về quan điểm lịch sử: Đúng vậy, trung thực trong suy nghĩ là hết sức cần thiết. Chúng ta (từ mọi góc nhìn) phải luôn luôn có dũng cảm để phân tích những giả định của mình, từ quá khứ đến hiện tại. Về cơ bản, tôi thấy cách hiểu về lịch sử của bạn là không sai.
Về Hiến Pháp 1946: Khi tôi khẳng định với bạn Hiến pháp (HP) 1946 đã không bớt đi một phần nào những vụ như cải cách ruộng đất, Nhân văn giai phẩm, và tôi tin chắc rằng HP 1946 cũng không bảo đảm được tự do, hạnh phúc cho người dân. Khi tôi đề cập đến HP 1946 tôi đã biết văn bản đó, tôi thực sự không có ý định để ‘lãng mạn hóa’ văn bản đó vì tôi đã biết những gì xãy ra trong những năm đó, trong chính thời gian mà nó đang là luật hiện hành. Ý của tôi chỉ là nêu rõ những nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp sửa đổi 2013 còn thua xa HP 1946.
Về vấn đề một số người trong “thế giới tự do” hiểu sai về Việt Nam: Vâng, đó là một vấn đề lớn, đặc biệt ngày xưa. Hiện tượng này không chỉ đối với Việt Nam mà đối với các nước khác và qua những cuộc “cách mạng xã hội chủ nghĩa ngày xưa” như: Nga Xô, Trung Quốc. Đã có rất nhiều người thông minh, có ý định tốt và họ đã vô cùng ngây thơ về Trung Quốc thời “cách mạng văn hóa”. Đến bây giờ, phần lớn nhiều người trên thế giới không hiểu nhiều về Việt Nam, kể cả những người đã sang Việt Nam du lịch.
Về tư tưởng của Đảng: ĐCSVN đã được thành lập năm 1930 (không phải là năm 1932 như bạn đã nêu), ở Cửu Long, Hồng Kông, từ chỗ tôi đang ngồi viết bài này đi đến đó chưa tới 5 cây số. Nhưng tôi cũng như nhiều người đã xác định, hai trong những giả định cơ bản nhất của chủ nghĩa Lê-nin là đảng cộng sản có đóng một vài trò cần thiết, là đảng duy nhất có thể mang lại phát triển, công lý.. v.v. Về cơ bản, điều này có hàm ý những công dân ngoài đảng chỉ là “trẻ con”, là những đối tượng phải được giảng dạy, quản lý. Ý kiến cá nhân tôi là chủ nghĩa Lê-nin cũng giống như “một viên thuốc độc hại” đã và đang làm suy yếu đất nước Việt Nam.
Về những gì tôi đã không nói: Xin cho bạn biết, tôi chưa bao giờ nói, viết, hay hàm ý rằng ở Việt Nam sẽ có một “tự diễn biến hòa bình”. Ngược lại, tôi đã khẳng định muốn có những cải cách cần thiết thì phải có những áp lực từ nhiều phía, cả trong và ngoài bộ máy nhà nước.
Ngoài ra, khi bạn khẳng định “những người cộng sản hiện đang nắm giữ quyền hành tại Việt Nam, lại không phải là những người Việt Nam bình thường thực sự”. Điều này có thể đúng, có thể không. Vâng, theo định nghĩa, họ không phải là “người bình thường” vì họ là thành viên của một tổ chức cầm quyền. Mặt khác, tôi tin rằng những người đảng viên không phải ai cũng như nhau, vì tôi biết có nhiều đảng viên là những người hoàn toàn tốt bụng.
Trả lời một số lời phê bình của bạn đọc Mạnh Thắng
So với bạn Trần An Lộc, bạn Mạnh Thắng, là một người có vẻ không thích lắm những ý tưởng của tôi. Bạn Mạnh Thắng thấy việc tôi so sánh 98% với mức độ “đồng thuận” của Bắc Hàn” là “thiếu căn cứ” và “không khoa học”. Vậy, theo bạn, với một tỉ lệ phiếu thuận cực cao như thế (486/488) thì có cần cơ sở khoa học để chứng minh kết quả đó mới có được với những biện pháp kỷ luật nội bộ hà?
Bạn Mạnh Thắng cũng thấy bài viết của tôi có mâu thuẫn. Một mặt, tôi có khẳng định “Lần đầu tiên trong lịch sử cai trị của Đảng Cộng sản ở Việt Nam, đất nước này đã chứng kiến sự gia tăng thảo luận chính trị công khai gần như không bị can thiệp”. Mặt khác, tôi đã cho rằng “Việt Nam ngày nay có một văn hóa chính trị sống động hoàn toàn trái ngược với những gì có thể quan sát được ở Trung Quốc, và cho đến nay đã chống chọi được sự đàn áp của nhà nước.” Theo bạn Mạnh Thắng, “Hai nhận định trên là mâu thuẫn lớn so với sự mỉa mai ác ý trước đó!”
Tôi có hiểu lý do tại sao bạn Mạnh Thắng cho rằng đó là một mâu thuẫn. Trả lời của tôi ở đây như sau: Trên thế giới này có rất nhiều những mâu thuẫn. Như Mác đã nêu rõ: “Những mâu thuẫn xã hội là những động cơ của thay đổi lịch sử”. Vâng, Việt Nam vẫn còn những đặc trưng của một chế độ như Bắc Hàn.
Mặt khác, dù dân Việt Nam chưa được hưởng những tự do đã được ghi trên Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc Tế, nhưng không khí chính trị ở Việt Nam vẫn tự do hơn Trung Quốc. Vâng, tình trạng về nhân quyền ở Việt Nam vẫn rất tệ. Nhưng, đến bây giờ diễn luận chính trị ở Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ, công khai hơn so với Trung Quốc.
Bạn Mạnh Thắng kết thúc: “Tôi phê bình Mr. London viết bài này trong tâm trạng thất vọng nên đã làm một số người tuyệt vọng quá! Đến mức có người viện đến phép thắng lợi bằng tinh thần như trong chuyện chưởng của Kim Dung để tự an ủi đấy! Mơ tưởng hão huyền, ảo vọng!”
Vâng, bạn Mạnh Thắng đã thắng mạnh, quá mạnh, như tự đá vào lưới nhà. Chỉ có những người đang sống trong mơ tưởng hão huyền, ảo vọng và mê quyền lực trên hết mà chưa thấy rõ những vấn đề gì đang diễn ra tại Việt Nam.
Kết thúc
Tôi sẵn sằng thừa nhận khi viết bài “đừng tuyệt vọng” tôi đang tìm những lời tự an ủi cho chính tôi (nhưng không theo kiểu “tự sướng” của bạn Mạnh Thắng). Là một người, đã nghiên cứu sâu về Việt Nam và những nước ‘đang phát triển’ tôi không thể không thấy chán về kết quả HP, dù không bất ngờ. Cách đây hai tuần tôi có viết bài vè “dũng cảm chính trị”. Có vẻ hiện nay, trong Quốc hội, tỷ lệ dũng cảm đó chỉ đạt tỷ lệ 2/488. Nói thế quá mạnh không?
Tôi biết những người Việt Nam đang đòi cải cách sẽ không bao giờ tuyệt vọng vì tôi biết họ. Họ là những người trong và ngoài bộ máy mà yêu nước và nhìn rõ vấn đề. Và dù không phải là người Việt Nam tôi cũng không bao giờ tuyệt vọng về Việt Nam hay bất cứ vấn đề nào. Tuyệt vọng là tự sát. Là vô ích. Sau cùng, tôi vẫn giữ quan điểm là trong những năm tới Việt Nam sẽ xử lý những hạn chế về thể chế, dù chưa ai biết “những” đó sẽ là bao nhiêu.
JL
***
Bạn Trần An Lộc trả lời
Thưa ông Jonathan
Rất cám ơn ông đã dành thì giờ chia sẻ và trả lời chúng tôi qua bài viết “Suy ngẫm về hiến pháp” (http://xinloiong.jonathanlondo….
Riêng tôi (Trần An Lộc) xin cám ơn sự chia sẻ rất chân tình và thẳng thắn của ông về một số luận điểm tôi đưa ra. Tôi vui mừng thấy rằng (qua bài viết trên) hầu như ông đã không bác bỏ những điểm cốt lõi. Đặc biệt là những sự thật của lịch sử. Ông đã viết: “Đúng vậy, trung thực trong suy nghĩ là hết sức cần thiết. Chúng ta (từ mọi góc nhìn) phải luôn luôn có dũng cảm để phân tích những giả định của mình, từ quá khứ đến hiện tại. Về cơ bản, tôi thấy cách hiểu về lịch sử của bạn là không sai.”. Tôi cũng xin cám ơn ông đã nhắc và sửa lỗi viết sai về ngày thành lập đảng CSVN là 1930 (thay vì 1932 như tôi đã viết sai).
Một câu hỏi
Cũng xin thưa với ông rằng, trong thư gửi đến ông, tôi đã không đề cập gì đến câu hỏi: “Nếu không tuyệt vọng, thì các ông sẽ làm gì? – Phải làm gì?”. Một câu hỏi mà tôi chắc rằng, ông hay bất cứ bạn đọc nào, cũng sẽ đặt ra, sau khi đọc bài viết.
Vâng, đó là câu hỏi quan trọng và cần thiết. Và đúng ra, nó đã là phần 2 của lá thư mà tôi đã gửi đến ông (và bạn đọc trên diễn đàn Dân Làm Báo).
Nhưng tôi đã không viết.
Sao vậy? Lý do dễ hiểu là vì ông không phải là người Việt Nam.(Ông không có trách nhiệm cho câu trả lời dù có thể trả lời đúng và trả lời rất hay). Tôi muốn dành câu hỏi đó cho chúng tôi – cho dân tộc tôi. Đặc biệt cho các sĩ phu Việt Nam của đất nước tôi.
Tôi muốn có câu trả lời từ họ.
Một lần nữa xin cám ơn và chúc ông mạnh giỏi.
Trân trọng kính chào
Trần An Lộc.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"