Phong trào Con Đường Việt Nam chuyển ngữ
ỦY BAN NHÂN QUYỀN LIÊN HIỆP QUỐC
Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy Tiện
Văn bản số A/HRC/WGAD/2013 - United Nations
Quan điểm thông qua bởi Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện trong buổi họp lần thứ 67 từ ngày 26-30 tháng Tám năm 2013
Số 33/2013 (Viet Nam)
Thông tin liên lạc gửi đến Chính Phủ ngày 25 tháng 6 năm 2013.
Về Ông Lê Quốc Quân.
Chính Phủ [Việt Nam] đã hồi âm thông tin liên lạc.
Quốc Gia [Việt Nam] này là một thành viên ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
1. Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện đã được thành lập theo nghị quyết 1991/42 của Ủy ban Nhân Quyền trước đây. Nhiệm vụ của Nhóm Công tác được mở rộng và làm rõ trong nghị quyết 1997/50. Ủy ban Nhân Quyền đã chấp nhận nhiệm vụ được công bố này và gia hạn 3 năm trong nghị quyết 15/18 thông qua ngày 30/9/2010. Dựa trên phương pháp làm việc đó (A/HRC/16/47, annex, and Corr.1), Nhóm Công tác đã chuyển thông tin liên lạc nêu trên đến Chính Phủ.
2. Nhóm Công tác đề cập đến việc tước đoạt quyền tự do như là một hành động tùy tiện trong các trường hợp như sau:
(a) Khi đã rõ ràng rằng không có một căn bản pháp lý nào có thể sử dụng để biện minh cho việc tước đoạt tự do (như trong trường hợp một người bị giam giữ sau khi đã thi hành xong bản án của mình hoặc tiếp tục bị giam giữ bất chấp luật lệ ân xá có thể áp dụng đối với người bị giam) (loại I);
(b) Khi hành động tước đoạt quyền tự do xảy ra từ việc thực thi các quyền lợi hoặc quyền tự do được đảm bảo bởi các điều 1, 13, 14, 18, 19, 20 và 21 của bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và, trong chuẩn mực đối với các Quốc Gia ký kết, bởi các điều 12, 18, 19, 21, 22, 25, 26, và 27 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính Trị (loại II);
(c) Khi xảy ra việc không tuân thủ toàn bộ hoặc một phần các tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến quyền được xét xử công bằng đã được thành lập trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền và trong các văn kiện quốc tế liên quan được chấp thuận bởi các Quốc Gia hữu quan, nghiêm trọng đến mức khiến cho việc tước đoạt quyền tự do có vẻ như tùy tiện (loại III);
(d) Khi những người đang xin tị nạn, di dân nhập cư hoặc người tị nạn bị tạm giam hành chính kéo dài không có khả năng được cứu xét hành chính, pháp lý, hoặc với các biện pháp khắc phục khác (loại IV);
(e) Khi việc tước đoạt quyền tự do có hành vi phạm luật quốc tế với các lý do phân biệt đối xử dựa trên thân thế; quốc tịch, sắc tộc, hoặc thành phần xã hội; ngôn ngữ; tôn giáo; tình trạng kinh tế; quan điểm chính trị hoặc các quan điểm khác; giới tính; quan điểm sinh lý, thương tật hay các tình trạng sức khỏe khác và sự phân biệt đối xử này hướng đến hoặc dẫn đến tình trạng sự công bằng của họ đối với các quyền con người bị bỏ mặc (loại V).
Thông tin Đệ trình
Thông tin từ các nguồn
3. Trường hợp tóm lược sau đây được báo cáo đến Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện như sau:
4. Ông Lê Quốc Quân (gọi tắt là ông Quân), sinh năm 1971 tại tỉnh Nghệ An, Việt Nam, là một luật sư có khả năng, một nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền nổi bật, và cũng là chủ nhân của một trang blog được nhiều người đọc nói về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, và công bằng xã hội. Ông Quân cũng là Giám đốc của Cty Viet Nam Solutions Ltd tại Hà Nội. Ông đã nhận được giải thưởng Hellman/Hammet năm 2008 qua những tài liệu ông viết về quyền dân sự, chính trị đa nguyên và tự do tôn giáo.
5. Theo báo cáo thì sáng 27/12/12, ông Quân đã bị Công An bắt giữ ở gần nơi cư trú trên đường đưa con gái đến trường tại Hà Nội. Gia cư và nơi làm việc của ông sau đó đã bị Công An lục soát.
6. Thông tin từ nguồn cho biết rằng ông Quân đã bị biệt giam không tin tức trong hai tháng đầu. Trong thời gian đầu bị giam giữ ông Quân đã từng tuyệt thực 15 ngày. Luật sư đại diện của ông ta đã nhiều lần chính thức yêu cầu được gặp mặt ông ấy nhưng chỉ được gặp có hai lần: Một lần để có mặt trong một buổi hỏi cung vào tuần cuối của tháng Hai, 2013 và một lần trong tuần thứ hai của tháng Ba, 2013.
7. Dựa theo những thông tin nhận được, ông Quân đã không được gặp mặt người thân hay tiếp cận với thế giới bên ngoài. Theo báo cáo thì gia đình của ông đã yêu cầu được thăm nuôi và đã xin phép được tiếp tế lương thực nhưng đã bị từ chối. Cũng theo thông tin báo cáo thì ông Quân đã sụt cân nhiều sau lần tuyệt thực vào thời gian đầu bị giam giữ và sức khỏe hiện tại của ông ta cũng đáng quan tâm.
8. Theo nguồn tin tức, ông Quân đã không nhận được thông báo nào về ngày xét xử của mình. Theo được biết thì ông đã bị tố cáo tội trốn thuế theo điều 161 BLHS Việt Nam. Tuy nhiên, hành vi phạm tội theo lời tố cáo kia đối với ông thì không ai biết là gì và lệnh ký tạm giam thì chỉ vừa mới được công bố mà thôi.
Các thông tin trao đổi trước đây từ Nhóm Công tác về trường hợp này
9. Nhóm Công tác đã gửi một bản Kháng Cáo Khẩn Cấp cùng với bản Thủ Tục Đặc Biệt ủy quyền cho chủ sỡ hữu tới Chính Phủ Việt Nam về hồ sơ này, song song với những hồ sơ khác, vào ngày 14 tháng Giêng 2013. Nhóm Công tác đã cám ơn phía Việt Nam về việc họ đã trả lời vào ngày 21 tháng 3, 2013.
10. Phỏng theo Đoạn 23 của Phương Pháp Hoạt Động (UN Doc. A/HRC/16/47, Annex) “[S]au khi bản kháng cáo khẩn cấp đến Chính Phủ, Nhóm Công tác có thể chuyển hồ sơ theo thủ tục thường lệ của mình nhằm tiến đến một Quan Điểm nhận xét việc tước đoạt quyền tự do này có tùy tiện hay không.” Đoạn 23 còn giải thích thêm rằng “Chính Phủ cần phải trả lời riêng rẽ đối với cả hai thủ thục khẩn cấp và thông lệ.”
Các thời gian giam giữ và sách nhiễu trước đây đối với ông Quân và người than
11. Ông Quân là một thành viên của Luật Sư Đoàn Hà Nội từ 2002 đến 2007 và đã bào chữa cho các vụ án nhân quyền trước tòa. Thông tin nhận được cho thấy ông Quân bị bắt lần đầu tiên sau khi trở về từ Hoa Kỳ với một bản báo cáo về tình hình dân chủ tại Việt Nam. Ông đã bị giam giữ 100 ngày vì bị tình nghi tham gia “hoạt động lật đổ chính quyền.” Sau khi được thả, ông Quân đã không được phép rời khỏi Việt Nam, sau đó bị tước bằng luật sư và bị nhân viên Chính quyền theo dõi chặt chẽ.
12. Theo thông tin nhận được, ông Quân bị bắt lần nữa vào ngày 4 tháng 4 năm 2011 cùng với BS Phạm Hồng Sơn sau khi xuất hiện bên ngoài một phiên tòa ở Hà Nội để ủng hộ nhà bất đồng chính kiến Cù Huy Hà Vũ, một luật sư đồng nghiệp khác đang bị xét xử tội tuyên truyền chống Chính quyền. Theo nguồn tin cho biết, Chính Phủ nói rằng đã bắt hai người vì đã gây rối trật tự nơi công cộng. Họ sau đó được thả không cáo buộc nào.
13. Nguồn tin nhận được cho biết rằng vào ngày 19 tháng 8 năm 2012, ông Quân đã bị thương nặng trong một vụ tấn công dã man gần nơi cư ngụ tại Hà Nội. Ông ta đã bị đánh bằng một thanh sắt vào nơi đầu gối, đùi, và lưng và đã phải hồi phục trong bệnh viện sau vài ngày. Theo nguồn tin thì ông Quân tin rằng ông đã bị nhân viên Chính quyền tấn công.
14. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn AP vào tháng 9 năm 2012, ông Quân đã cho biết rằng ông và gia đình lẫn nhân viên của ông đã thường xuyên nhận được nhiều cảnh báo từ phía chính quyền. Dù vậy, ông vẫn hứa sẽ tiếp tục lên tiếng chỉ trích chính phủ và ủng hộ một nền dân chủ đa nguyên đa đảng cùng tự do ngôn luận.
15. Theo nguồn thông tin nhận được thì em ông Quân, ông Lê Đình Quản, đã bị bắt giam về tội trốn thuế vào tháng 10 năm 2012. Ông Lê Đình Quản hiện đang bị giam giữ ở Trại giam số 3 tiại Kiến Hưng. Thêm vào đó, em họ ông Quân là Nguyễn Thị Oanh đã bị bắt vào tháng 12 năm 2012 trong lúc đang mang thai thời gian đầu. Chị Oanh sau đó được trả tự do vào ngày 4 tháng 2 năm 2013. Đầu tháng 12 năm 2013, ông Quân cho hãng thông tấn AP biết rằng gia đình ông đang chịu ‘nhiều áp lực... [Tình trạng] rất tệ hại’, trong khi đó thì em trai và em họ của ông ta đang bị giam giữ.
16. Nguồn tin đã cho rằng ông Quân đã trở thành mục tiêu bắt giữ và giam cầm của giới chức Chính phủ Việt Nam trên cơ sở bày tỏ quan điểm chính trị của ông và việc tước đoạt sự tự do này là hành động giam giữ tùy tiện.
Tình trạng hiện tại của đương sự đang bị giam giữ
17. Ông Quân hiện đang bị giam tại Trại giam số 1, Hỏa Lò, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trả lời từ Chính Phủ
18. Nhóm Công tác cảm ơn Chính Phủ [Việt Nam] đã có hồi âm. Về các trường hợp bắt giữ ông Quân và những cáo buộc sách nhiễu trước đây đối với ông Quân, Chính Phủ đề cập đến thư trả lời đề ngày 3/21/13 gửi đến bản kháng cáo khẩn cấp cùng gửi bởi Trưởng Báo cáo viên Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện và Báo cáo viên Đặc trách về quyền tự do lập hội, và Báo cáo viên Đặc trách về tình trạng của các nhà bảo vệ nhân quyền được gửi đến Chính Phủ ngày 14/1/2013.
19. Trong thư trả lời bản kháng cáo khẩn cấp cùng gửi, Chính Phủ đề cập đến các chi tiết sau:
“Ông Lê Quốc Quân, sinh ngày 13/9/71 ở Nghệ An - Hà Nội, là một luật sư và Giám đốc Cty Viet Nam Solutions.Ông Quân đã tham dự một hoạt động của tổ chức Việt Tân vào tháng 5, 2006. Ông đã bị bắt giữ t ừngày 9 đến ngày 18 tháng 3 năm 2007 để điều tra. Ngày 19/3/07, Cục Điều tra của Bộ Công an đã ban hành lệnh khởi tố và bắt giữ ông Lê Quốc Quân vì tội “lật đổ chính quyền Nhân dân.” Ngày 16/6/07, Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định hủy bỏ các biện pháp tạm giam và trả tự do cho ông ta.Vào ngày 27/12/12, Cục Điều tra Bộ Công an đã ban hành lệnh bắt giữ ông Lê Quốc Quân về tội trốn thuể (điều 161 BLHS). Điều tra sơ bộ cho thấy cty Viet Nam Solution, thành lập năm 2011, đã thay đổi mục đích kianh doanh 13 lần với lần cuối cùng diễn ra vào ngày 6/6/12 với đăng ký “cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, và xữ lý dữ liệu và cung cấp thông tin thị trường.” Trên cơ sở pháp lý đó, ông Lê Quốc Quân đã tìm cách hợp tác với các chuyên gia kinh tế, thu thập thông tin để thực hiện hợp đồng giả mạo về việc thuê chuyên gia và các điều phối viên và khai báo với Sở thuế nhằm để trốn thuế kinh doanh. Tổng số thuế trốn đóng lên đến 437.5 triệu VND. Giới chức chính quyền hiện đang tiếp tục điều tra vụ việc này cùng với những vụ việc liên quan khác.Việc bắt giữ, giam cầm và điều tra ông Lê Quốc Quân được thực hiện theo đúng trình tự và thủ tục quy định trong pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn về nhân quyền. Công cuộc điều tra hiện nay đối với ông Lê Quốc Quân liên quan đến các cáo buộc tội kinh tế.”
20. Trong thư trả lời cho Nhóm Công tác ghi ngày 25/6/13 được nhận vừa đúng thời gian diễn ra phiên họp thứ 67 của Nhóm Công tác, Chính Phủ đã nói rằng từ 2009 đến 2011, “ông Quân đã chỉ đạo nhân viên liên hệ và thu thập thông tin cá nhân và kinh doanh của các giới chức và chuyên gia kinh tế dùng cho việc giàn dựng các hợp đồng tư vấn và hợp tác giả mạo với mục đích gia tăng chi phí kinh doanh một cách chính thức và rồi dùng để khai chi tiêu trốn thuế thu nhập của công ty. Các con số mới cho thấy số thuế trốn đóng là 649 triệu VND, chứng minh vi phạm quy định tại khoản 3 điều 161 của BLHS về tội trốn thuế.”
21. Ngày 25/12/12, Cục Điều tra Bộ Công an Hà nội đã ban hành lệnh tiến hành điều tra vụ án hình sự đối với ông Quân và bắt giam ông ta về tội trốn thuế theo điều 161 của BLHS. Ngày 27/12/13, ông Quân đã bị tạm giam điều tra.
22. Chính Phủ tiếp tục báo cáo rằng không có yêu cầu thăm viếng nào được đăng ký bởi gia đình ông Quân. Vợ và anh trai của ông ta vẫn hàng tháng gặp gỡ và cung cấp lương thực cho ông ta. Ông Quân đã sử dụng lương thực tiếp tế bởi gia đình. Do đó, tin tức về việc ông ta đã tuyệt thực 15 ngày là vô căn cứ. Ông ta hiện đang ở trong tình trạng sức khỏe bình thường.
23. Chính Phủ còn tiếp tục báo cáo rằng ông Quân hiện đang bị giam giữ tại Trung tâm Tạm giam số 1 của Bộ Công an Hà Nội. Ba LS bào chữa cho ông Quân đã vài lần làm việc với ông ta. Lần xét xử sơ thẩm của ông Quân được dự kiến sẽ xảy ra vào ngày 9/7/13.
24. Chính Phủ kết luận rằng ông Quân, một luật sư có nhiệm vụ phải bảo vệ pháp luật và công lý, đã sử dụng thủ đoạn tinh vi và gian lận để đánh lừa cơ quan chức năng để trốn thuế. Việc bắt giữ và tạm giam ông ta đã được thực hiện đúng theo quy trình trong pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế và thực tiễn về nhân quyền.
Thảo luận
25. Chính Phủ và nguồn tin đồng thuận rằng ông Lê Quốc Quân là một luật sư người Việt. Theo nguồn tin cho biết, ông [Quân] cũng là một nhà bảo vệ nhân quyền danh tiếng và đã liên tục bị quấy nhiễu bởi nhà chức trách kể từ 2007 chính vì những việc ông ta làm. Mr. Quân đã bị giám sát liên tục và thường xuyên bị bắt giữ tùy tiện.
26. Ông Quân đã bị bắt gần đây nhất vào ngày 27/12/12 về tội trốn thuế, 9 ngày sau khi BBC đăng tải bài báo với tựa đề “Hiến Pháp hay hợp đồng điện và dịch vụ nước?” Bài viết này chỉ trích việc giữ lại Điều 4 HP, đảm bảo quyền lãnh đạo của ĐCSVN đối với quốc gia. Tại thời điểm bị bắt, các nhân viên cảnh sát từ chối cung cấp một bản sao của lệnh bắt giữ cho gia đình của ông [Quân].
27. Ông Quân đã bị biệt giam không tin tức ở Trại giam Số 1 ở Hà Nội. Ông phủ nhận các cáo buộc về tội trốn thuế và xem những cáo buộc đó là vô căn cứ. Nguồn tin cho rằng những lời cáo buộc đó có động cơ chính trị phía sau.
28. Xem xét và đọc tất cả các tài liệu được gửi đến về trường hợp này, Nhóm Công tác tin rằng hồ sơ cá nhân thiết lập về ông Quân bị chi phối bởi công việc của ông ta ở vị trí của một luật sư và một nhà bảo vệ nhân quyền. Việc bắt giữ hiện nay đối với ông ta có thể là kết quả của việc thực thi ôn hòa các quyền lợi và quyền tự do của ông ta, được đảm bảo trong luật pháp quốc tế về quyền con người.
29. Các sự kiện dẫn đến việc bắt giữ ông Quân trong ngày 27/12/12 cho thấy rằng việc bắt giữ và tạm giam có thể liên quan đến các bài viết trên blog của ông ta về quyền chính trị và dân sự. Mặc dù tội cáo buộc đối với ông Quân là trốn thuế, dựa trên quá khứ hoạt động của ông Quân là một nhà bảo vệ nhân quyền kiêm blogger, mục đích thực sự của việc giam giữ và truy tố có thể là để trừng phạt ông ta vì đã thực thi các quyền của mình theo Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và Chính trị (ICCPR) và để ngăn chặn những người khác noi theo. Luận điểm này được nhấn mạnh bởi các vụ bắt giữ và quấy nhiễu trước đó đối với ông Quân.
30. Trong mọi trường hợp thì việc tạm giữ hiện tại của ông Quân có vẻ như là một sự vi phạm rõ ràng đối với điều 9 và 10 trong Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, đối với điều 9 và 14 trong Công ước Quốc tế vế các Quyền dân sự và Chính trị, và đối với nguyên tắc 15 và 18 của Nguyên tắc BPPP (Tập hợp các Nguyên tắc về Bảo vệ tất cả những Người Bị Giam hay Cầm tù dưới Bất kỳ Hình thức nào). Điều 14(1) của ICCPR quy định rằng trong việc xác định bất kỳ tội hình sự nào, tất cả mọi người đều có quyền được “xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, và vô tư được thành lập theo pháp luật.”
31. Điều 14 (3) quy định rõ rằng để được xét xử công bằng như vậy, điều kiện đòi hỏi bi cáo phải được dành cho một số thủ tục đảm bảo tối thiểu. Nguyên tắc chung này được phản ảnh trong Điều 11 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, đòi hỏi người bị buộc tội về một tội hình sự được xét xử với tất cả các đảm bảo cần thiết để bảo vệ người đó. Điều 14(3)(b) ICCPR quy định rằng phải đảm bảo cần có này bao gồm phải có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị cho một sự bào chữa và để thực thi quyền lợi của bị cáo trong việc gặp gỡ và thảo luận với luật sư tự chọn.
32. Nguyên tắc BPPP 15 và 18 thêm vào sự đòi hỏi này bằng cách quy định rằng việc thông tin liên lạc với luật sư của bị cáo “không nên bị từ chối hơn một vài ngày” (nguyên tắc 15) và quyền liên lạc với luật sư là một thực tế “không thể chậm trễ.. [và] không thể đình chỉ hoặc nghiêm cấm ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt phải được luật pháp quy định rõ ràng (bởi một quan tòa) nhằm để đảm bảo an toàn và trật tự (nguyên tắc 18). Quyền tiếp cận để tư vấn không chậm trễ được công nhận bởi Nguyên tắc Cơ bản về Vai trò của Luật sư, quy định rằng quyền tiếp cận luật sư trong mọi trường hợp không được trễ hơn 48 giờ đồng hồ kể từ khi bị bắt.
33. Ông Quân đã bị giam giữ biệt lập không tin tức trong hai tháng đầu của thời gian bị bắt giam. Viên chức nhà tù đã nhiều lần từ chối yêu cầu thăm viếng của gia đình ông Quân. Giam giữ trong điều kiện như vậy rõ ràng đã vi phạm các nguyên tắc BPPP 15 và 19. Các nguyên tắc này quy định rằng giao tiếp với thế giới bên ngoài, đặc biệt là với gia đình, “không thể bị từ chối hơn vài ngày” (nguyên tắc 15) và một người bị bắt giữ hay giam cầm đều có quyền được thăm viếng và giao tiếp với người thân cũng như phải có cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài (nguyên tắc 19).
Phán quyết
34. Trước những cơ sở trên, Nhóm Công tác về Giam giữ Tùy tiện đã đi đến quan điểm như sau:
Việc tước đoạt quyền tự do của ông Lê Quốc Quân là tùy tiện, trái với điều 9 và 10 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền và các điều 9 và 14 của Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị mà trong đó, Việt Nam là một thành viên ký kết. Và nằm trong Loại III của các loai áp dụng đối với việc xem xét các trường hợp giao nộp cho Nhóm Công tác.
35. Phỏng theo quan điểm đúc kết ở trên, Nhóm Công tác yêu cầu Chính Phủ [Việt Nam] phải có các bước tiến cần thiết để khắc phục tình hình của ông Lê Quốc Quân, tức là phải lập tức trả tự do, hoặc đảm bảo rằng các tội danh cáo buộc phải được định đoạt bởi một tòa án độc lập và vô tư trong thủ tục tố tụng được tiến hành theo đúng các quy định của ICCPR.
36. Phải bồi thường ông ta đối với việc giam giữ tùy tiện mà ông ta phải chịu đựng.
37. Nhóm Công tác đã giúp Chính Phủ chú ý đến các nghĩa vụ đối với quốc gia ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị và làm cho pháp luật của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật nhân quyền quốc tế.
Nguồn: Media Defence