Martin Petty
Lê Anh Hùng chuyển ngữ
Lê Anh Hùng chuyển ngữ
(Reuters) – Việt Nam ngày nay không phải là những gì mà một Lê Hiếu
Đằng trai trẻ từng hy vọng khi ông gia nhập Đảng Cộng sản 40 năm trước
với khát khao giải phóng và tái thiết một đất nước bị tàn phá bởi hàng
chục năm chiến tranh dưới sự chiếm đóng của người Pháp và người Mỹ.
Chế độ xã hội chủ nghĩa của nhà cách mạng quá cố Hồ Chí Minh đã bị
tha hoá, ông nói, bởi việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở đây
lại chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính cái đảng đã sinh ra văn hoá
tham nhũng và lợi ích nhóm.
“Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến vì một xã hội tốt đẹp hơn, một
cuộc sống công bằng cho nhân dân. Nhưng rồi sau chiến tranh, tình hình
đất nước lại xấu đi, người công nhân thì nghèo, người nông dân thì mất
ruộng đất”, Lê Hiếu Đằng nói với Reuters.
“Đó là điều không thể chấp nhận được. Sự độc quyền và độc tài chính trị đang hoành hành trên đất nước này.”
Những ý kiến như thế có thể là bình thường ở nhiều nước. Song ở
Việt Nam, nơi chính trị là phạm trù cấm kỵ, tự do ngôn luận bị bóp
nghẹt, hình ảnh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
(ĐCSVN) được coi là thiêng liêng, các nhà phân tích cho rằng không thể
đánh giá thấp ý nghĩa của hiện tượng các đảng viên lên tiếng công khai
như vậy.
Các ĐBQH ấn nút thông qua Hiến pháp mới trong phiên họp ngày 28.11.2013
Thứ Sáu vừa qua, Quốc hội do ĐCSVN khuynh loát đã thông qua Hiến pháp
1992 sửa đổi; bất chấp một chiến dịch tham vấn công chúng, bản Hiến
pháp mới vẫn củng cố quyền lực của đảng giữa lúc sự bất mãn đang diễn ra
âm ỉ trong dân chúng bởi cách thức đảng xử lý tranh chấp đất đai, tham
nhũng cũng như điều hành một nền kinh tế chìm ngập trong khối nợ xấu của
các DNNN.
Lê Hiếu Đằng kịch liệt phản bác hiến pháp sửa đổi, và ông không đơn
độc với quan điểm của mình. Đó chính là những quan điểm đã đưa hàng
chục người vào tù. Nhà cầm quyền đã đẩy mạnh chiến dịch trấn áp vì tình
trạng bất đồng chính kiến tăng lên và tỷ lệ sử dụng Internet đã chiếm
tới 1/3 trong tổng dân số 90 triệu người.
Những luật lệ Internet vốn dĩ đã hà khắc lại được thắt chặt thêm
hôm thứ Tư, khi chính phủ loan báo mức xử phạt lên tới 100 triệu VNĐ
(4.740USD) dành cho bất kỳ ai chỉ trích họ trên các phương tiện truyền
thông xã hội.
Tuy nhiên, điều khiến đảng phải giật mình là ở chỗ: những tiếng nói
mạnh mẽ nhất đòi hỏi một hệ thống đa nguyên hơn lại không phải đang đến
từ công chúng nói chung, mà lại là từ trong hàng ngũ của họ, một hành
động nổi loạn công khai mà người ta chưa từng được chứng kiến kể từ khi
ĐCSVN lãnh đạo nước Việt Nam thống nhất năm 1975, sau chiến thắng của
những người cộng sản trước quân đội Hoa Kỳ.
“Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Sự tồn tại của cạnh tranh
trong đảng là điều mà người ta đã biết, nhưng giờ thì điều đó đã trở nên
rõ ràng hơn theo cách mà người ta chưa từng thấy trước đây”, Jonathan
London, một chuyên gia về Việt Nam tại Đại học Thành phố (City
University) ở Hồng Kông, bình luận.
“Sự nổi lên của nhóm này và lời khuyên từ họ sẽ ảnh hưởng đến diễn
tiến của cuộc thảo luận trong đảng. Không còn nghi ngờ gì, đây là một
giai đoạn đầy bất trắc và cạnh tranh.”
KHỦNG HOẢNG VÀ BẾ TẮC
Năm nay, Lê Hiếu Đằng cùng 71 người khác, bao gồm trí thức, blogger
và những đảng viên cả đương chức lẫn hưu trí, đã soạn thảo bản hiến
pháp riêng nhằm hưởng ứng chiến dịch lấy ý kiến nhân dân sáo mòn mà lý
do bên ngoài là xoa dịu nhân dân và tăng cường tính chính danh vốn đang
nhạt nhoà của đảng.
Dự thảo hiến pháp của họ được đăng tải trên mạng và 15.000 người đã
ký vào một bản kiến nghị kèm theo, kêu gọi bỏ Điều 4 Hiến pháp, điều
khoản quy định độc quyền chính trị của ĐCSVN.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp lại làm ngược lại và sửa đổi theo hướng
tăng cường vai trò lãnh đạo của ĐCSVN cũng như nhiệm vụ bảo vệ đảng của
quân đội. Trong bản tổng kết 26 triệu ý kiến của nhân dân về dự thảo
hiến pháp, một uỷ ban của Quốc hội cho hay đa số nhân dân Việt Nam ủng
hộ chế độ độc đảng.
“Về mặt lý thuyết, dân chủ không đồng nghĩa với đa đảng”, Uỷ ban Dự
thảo Sửa đổi Hiến pháp 1992 nói trong một báo cáo hồi tháng Năm. “Không
ai có thể khẳng định rằng nhiều đảng chính trị thì tốt hơn một đảng.”
Hôm thứ Sáu vừa qua, không một vị Đại biểu Quốc hội nào phản đối
bản dự thảo mới, vốn mở rộng Điều 4 để quy định đảng là “đội tiên phong
của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc”.
Một bản dự thảo hiến pháp sửa đổi công bố mấy tuần trước đã khiến những người phản đối tức giận.
Các nhà vận động dân chủ khác đã gia nhập nhóm 72 người ban đầu và
165 người trong số họ, kể cả các cựu quan chức chính quyền, đã đăng một
bản tuyên bố trên Internet hai tuần trước, với nội dung khuyến cáo các
Đại biểu Quốc hội bác bỏ dự thảo hiến pháp sửa đổi.
Bản tuyên bố nêu rõ, nếu các ĐBQH thông qua hiến pháp sửa đổi thì
họ đã nhúng tay vào một “tội ác chống lại Tổ quốc và nhân dân” và sẽ
“chỉ càng đẩy đất nước lún sâu hơn và khủng hoảng và bế tắc”.
“VAI TRÒ CẦU NỐI”
Nhiều trong số những người chỉ trích đảng công khai từng tham gia
vào các cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam khỏi các cường quốc phương
Tây trong những năm 1950 cho đến những năm 1970 và nay đã trở thành
những nhà cách mới theo hình thức này hay hình thức khác, họ đối mặt với
những chủ đề mà phần lớn người Việt Nam tỏ ra e sợ khi bàn tới.
Nguyễn Quang A từng một thời là thành viên của một viện tư vấn vốn
đã tự giải thể sau khi chính phủ ban hành một nghị định hạn chế phạm vi
hoạt động của nó 5 năm trước.
Thành viên của viện bao gồm những người từng là đảng viên, quan
chức ngoại giao, doanh nhân và học giả. Họ giữ mối liên hệ với nhau qua
các cuộc gặp hàng tháng để thảo luận về các vấn đề chính trị, kinh tế và
xã hội; một số vấn đề được họ xử lý dưới hình thức những bài bình luận
đăng trên mạng.
“Chúng tôi muốn tạo ra một môi trường để tạo điều kiện cho sự ra
đời của các lực lượng chính trị khác và đề xuất một quá trình chuyển
tiếp từ độc tài sang dân chủ”, ông nói với Reuters.
“Chúng tôi hy vọng một số những thành viên của chúng tôi có thể
đóng vai trò cầu nối để giúp đảng lắng nghe chúng tôi. Chuyện này sẽ mất
thời gian, nhưng chúng tôi phải gây sức ép để họ thay đổi và thuyết
phục mọi người không sợ hãi.”
Lê Hiếu Đằng và các đồng minh trong ĐCSVN của mình đang tiến một
bước xa hơn. Họ lập kế hoạch vẫn ở trong đảng để có thể thu hút được sự
ủng hộ từ những đảng viên đã “sáng mắt sáng lòng” nhằm thành lập một
đảng đối lập với mục đích giám sát các chính sách của ĐCSVN và kiểm soát
nó.
Bất chấp ngôn từ mạnh mẽ, họ nhấn mạnh rằng kế hoạch thành lập Đảng
Dân chủ Xã hội không phải là âm mưu lật đổ đảng cầm quyền mà là một nỗ
lực nhằm tạo ra sự chung sống tự do hơn giữa những đảng phái đem lại lợi
ích cho đất nước.
Hồ Ngọc Nhuận, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tp Hồ Chí Minh, một tổ
chức bao trùm của ĐCSVN quản lý những tổ chức lớn hoạt động theo các
nguyên lý của chủ nghĩa Marx-Lenin, nhận xét rằng chiến dịch lấy ý kiến
nhân dân và bản hiến pháp sửa đổi là một “tấn bi hài kịch”, nó cho thấy
đảng không còn liên hệ với nhân dân nữa.
Theo ông, đây là thời điểm phải sắp xếp lại hệ thống chính trị ở Việt Nam.
“Chúng tôi phải đối mặt với nhiều vấn đề ở Việt Nam, những cuộc
khủng hoảng lớn, vậy thì làm sao chúng tôi có thể giải quyết chúng với
một đảng toàn quyền? Chúng tôi phải thu hút sự chú ý của họ, vì thế
chúng tôi đang kêu gọi các đồng chí trong đảng tham gia cùng chúng tôi
để có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này”, Hồ Ngọc Nhuận nói; ông cũng thừa
nhận mọi chuyện đang cho thấy là khó mà thuyết phục được họ.
“Thế hệ mới không thể giảng giải về chủ nghĩa xã hội cho chúng tôi
được nữa. Tuy được gọi là Đảng Cộng sản nhưng bản thân họ cũng không còn
tin vào hệ tư tưởng của mình nữa rồi.”
(Biên tập: Robert Birsel)
Nguồn: Reuters / Defend the Defenders