Lê Phú Khải
Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22-1-1931 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh,
huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình Nho học. Kiến
Giang là tên con sông chảy qua làng ông. Kiến Giang học đến deuxième
année tức năm thứ hai trung học đệ nhất cấp. 14 tuổi ông đã hoạt động
trong hàng ngũ Việt Minh. 17 tuổi đã là huyện ủy viên rồi tỉnh ủy viên
tỉnh Quảng Bình. Năm 1956 ra Hà Nội giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản
Sự Thật. Tác phẩm Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám của
ông được Trường Chinh đánh giá rất cao. Ông kể: Viết xong 400 trang
sách tôi gửi cho ông Trường Chinh. Ông gọi lên nói: Rất tốt! Ông Trường
Chinh chỉ sửa có một chữ và sách được in năm 1961.
Nguyễn Kiến Giang và tác giả.
Chính vì thế mà năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng Cao cấp ở
Liên Xô để làm “hạt giống đỏ” cho lý luận của Đảng trong tương lai.
Tháng 9-1953 Khruschov lên Tổng Bí thư, phê phán tệ sùng bái cá nhân
Stalin và chủ trương các nước khác nhau về thể chế chính trị có thể
chung sống hòa bình, đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ hóa đời
sống xã hội. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông phê phán Liên Xô là xét lại,
chủ trương phải tiêu diệt đế quốc sạch sành sanh.
Tháng 12-1963 ta họp Hội nghị Trung ương 9, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ,
Phạm Hùng xác định lập trường Trung Quốc, không chấp nhận báo cáo chính
trị của Hoàng Minh Chính ủng hộ lập trường của Liên Xô. Những người Cộng
sản Việt Nam chia rẽ về tư tưởng.
Kiến Giang kể với tôi: Sau khi trận Ấp Bắc ở miền Nam thắng lớn,
Hoàng Tùng sang Liên Xô triệu tập chúng tôi lại, nói: Mỹ thua đến nơi
rồi, Liên Xô có quan hệ gì với ta thì chỉ là để “dây máu ăn phần” mà
thôi! Chỉ thị từ nhà sang là: cấm tham gia mọi hoạt động mà Liên Xô tổ
chức. Tôi và nhiều anh em lại nhận định khác. Liên Xô và Mỹ hòa hoãn thì
Mỹ sẽ đổ quân vào Việt Nam và chiến tranh sẽ mở rộng, không có chuyện
Mỹ thua ngay như ông Hoàng Tùng nói. Thư tôi viết về cho gia đình còn
đó, đúng như tôi nhận định.
Sau này tôi có đọc cuốn sách Điệp viên hoàn hảo nói về nhà
tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, thấy ông ấy cũng nhận định tình hình
lúc đó như Kiến Giang. Đầu năm 2007 tôi có đem cuốn sách này đến tặng
ông Sáu Kiệt (sách còn mới, chưa gạch chân vào đó như cuốn Trang trại ở
Pháp đã nói ở trên). Tôi nói với ông Sáu Kiệt: Cả hai nhận định giống
nhau, nhưng P.X.A. thì được ca ngợi là sáng suốt; còn ở ngoài Bắc, sau
đó Kiến Giang đi tù 9 năm! Ông Sáu Kiệt nói: Ở ngoài đó các ông ấy hay
bắt nhau đi tù quá!
Kiến Giang còn kể cho tôi vào ngày 20/5/2004 tại Gò Vấp, nhà con gái
ông ở đường Nguyễn Văn Nghi (vì tôi có ghi chép vào sổ tay cuộc nói
chuyện này nên còn nhớ rõ ngày giờ, địa điểm): Vụ Liên Xô đưa tên lửa
vào vùng biển Caribê của Cuba rồi rút ra làm cả thế giới hồi hộp, một
ông trong phe Mao-ít là Nguyễn Chí Thanh đã phê phán: “Đưa vào là phiêu
lưu, rút ra là đầu hàng”! Cụ Hồ phải gõ bút chì xuống bàn nói: “Chú nói
gì mà quá đáng thế!” Năm 1964 Dương Bạch Mai không phục tùng nghị quyết
9, không thi hành nghị quyết 9 nên đã phải chết!
Chính vì thế mà năm 1964, Kiến Giang và một số cán bộ đang học ở
Liên Xô bị Trung ương gọi về. Những người không tán đồng NQ 9 đang ở
Liên Xô lúc đó như Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Lân Tuất… đã
ở lại xin tỵ nạn chính trị.
Kiến Giang kể: Tôi suy nghĩ mãi, ở hay về, cuối cùng tôi và Hồng Hà
quyết định về. Hồng Hà và tôi được Lê Đức Thọ kêu lên gặp. Sau khi nghe
Lê Đức Thọ phê phán, Hồng Hà rút khăn ra lau nước mắt. Thọ nói: Cậu đã
thấy lỗi là tốt! Anh ta được ra về và sau đó thăng quan tiến chức đến Ủy
viên Trung ương. Tôi ngồi chờ đến lượt mình, nghe rõ câu chuyện hai vị
nói với nhau, tôi chỉ được quyết định số phận của mình có mấy giây. Tôi
đã nói với Lê Đức Thọ: Khi ở Liên Xô, tôi tưởng mình nghe nhầm, nay nghe
chính đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nói thì tôi càng thấy tôi đúng! Thế
là sau đó, tôi “đi thực tế” 3 năm từ 1964 đến 1967 ở Quảng Bình rồi
Thái Bình, sau đó là đi tù 6 năm, 3 năm quản chế! Cái giá của một câu
nói thật là thế!
Chuyện “nghe nhầm” của Kiến Giang là như sau. Tại lớp học ở trường
Đảng Cao cấp ở Liên Xô có nhiều học viên là đảng viên các đảng Cộng sản
các nước. Lúc đó có việc Tổng Bí thư ĐCS Irak qua đời, vợ ông ta lại
đang học cùng lớp với Kiến Giang và Hồng Hà. Lớp học tổ chức truy điệu
ông. Theo chỉ thị từ nhà thì các học viên Việt Nam không được tham gia
bất cứ hoạt động nào do Liên Xô tổ chức, nhưng Kiến Giang và Hồng Hà cứ
đến dự lễ truy điệu vì “nghĩa tử là nghĩa tận”; hơn nữa, nếu không đến
thì người ta sẽ đánh giá Việt Nam thế nào? Vậy mà Lê Đức Thọ không tha
vụ đó.
Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Quốc Hoàn, Bộ
trưởng Công an trực tiếp tổ chức cuộc bắt bớ đám xét lại chống Đảng năm
1967. Ngoài Hoàng Minh Chính và Kiến Giang là những nhân vật nổi cộm,
còn nhiều nhân vật cao cấp khác bị bắt, trong đó có Vũ Đình Huỳnh - Vụ
trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Đại tá Lê Trọng Nghĩa - Cục trưởng Cục 2
(Quân báo) Bộ Quốc phòng, Lê Minh Nghĩa - Chánh Văn phòng Bộ Quốc
phòng, Nguyễn Đức Kiên - Cục trưởng Cục Tác chiến, Hoàng Thế Dũng - Tổng
biên tập báo QĐND, Minh Tranh - Giám đốc NXB Sự Thật, Trần Minh Việt -
Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, v.v… Các vị Ung Văn Khiêm - Bộ
trưởng Ngoại giao, Đặng Kim Giang - Thứ trưởng Bộ Nông trường, Lê Liêm
- Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng… bị khai trừ
Đảng.
Theo nhà nghiên cứu Sophie Quinn – Sudge viết trên tạp chí Journal of Cold War History tháng
11-2005 thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao
cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.
Kiến Giang cho biết, Lê Đức Thọ sau này thuyết phục: Các cậu đi học
xa không biết tình hình trong nước. Vì sao lại có Nghị quyết 9? Ta đề
nghị đặt tên lửa tầm trung để đánh hạm đội 7, Liên Xô không cho thì đã
có vũ khí của TQ. Chỉ có đồng chí Mao Trạch Đông mới có dũng khí cách
mạng và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại.
Đến năm 1967 là kỷ niệm 50 năm cách mạng Tháng Mười thành công, bên
ngoài ta tung hô LX, vì nếu không thì cũng không xong: 5/8/1964 Mỹ đã
đánh phá miền Bắc bằng máy bay, bằng chiến tranh phá hoại; nếu nghe TQ,
nghe Đặng Tiểu Bình đoạn tuyệt hẳn với LX thì lấy vũ khí (tên lửa) đâu
ra mà đánh Mỹ? Vậy nên, bên ngoài thì Lê Duẩn tuyên bố, có hai tổ quốc:
LX và VN, bên trong, năm 1967, bắt xét lại “để làm hài lòng TQ”! Vì thế
Lê Đức Thọ đã có lần nói với Kiến Giang: “Các cậu ở tù cũng là tham gia
chống Mỹ cứu nước!” Nhắc lại câu này của Lê Đức Thọ, Kiến Giang ở tuổi
74, đang đau yếu cũng không nén được tức giận, ông chửi thề: “Thật bỉ
ổi, ấu trĩ!”
Kiến Giang nhớ rất kỹ, bắt đợt đầu là Hoàng Minh Chính ngày
27/7/1967, Sau ba tháng thì bắt đợt hai Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt… vào
ngày 18/10/1967…
Kiến Giang bị bắt đưa đi trại giam Bất Bạt của quân đội và bị chuyển
trại ba lần, có lần giam ở trại Ba Sao. Ông kể về 5 năm bị giam trong
xà lim: Có 4 mét vuông, như nhà mồ, rét lắm vì cửa sổ hướng về phía Tây,
phải đứng suốt ngày, tưởng là phát điên. Tôi phải tự viết một cuốn tiểu
thuyết trong đầu để khỏi phát điên, vì xin đi lao động nó không cho đi…
Gia đình chỉ được lên thăm có hai lần, năm 1969 ở Bất Bạt, năm 1971 ở
Ba Sao. Năm 1973 bắt đầu quản chế, 1975 quản chế ở xã Bối Khê Vũ Ẻn.
Ở trong tù, năm 1968 được tin đánh Mậu Thân, tôi biết trước là sẽ
thua vì Mỹ chưa yếu như các ông ấy nghĩ. Còn nếu thắng thì số phận bọn
xét lại chúng tôi sẽ vô cùng đen tối… Năm 1970 tôi đã viết thư cho Lê
Đức Thọ về chuyện này…
Kiến Giang sở dĩ trở thành nhân vật nổi cộm trong vụ án “Xét lại
chống Đảng” vì cùng với Hoàng Minh Chính ông là một nhà lý luận có kiến
thức uyên bác, có tư duy sắc bén… Vì thế Lê Đức Thọ có phần nể nang,
nhưng vì ông không khóc lóc van xin, không khuất phục như Hồng Hà, nên
bầm dập. Ông kể: Khi Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi
sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu… đem về
in thành sách. Theo ý ông Trường Chinh thì lãnh tụ phải có tác phẩm. Tôi
đã nghe lời sang gặp Lê Duẩn. Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài
liệu, bảo muốn làm gì thì làm… Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về
Chủ nghĩa Mác cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa… Khi trao đổi với
Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi ở trong tù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi
viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham
hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử
dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó.
Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán Lê Duẩn là dân
tộc chủ nghĩa cả (!)
Kiến Giang còn kể: Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta
nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sỹ đi học về thì tớ cho thêm 5
đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa Đảng vô học vì
phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô
học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay Giám thị
trại giam vào hoảng hốt nói: Kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy
là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng… vậy là tiếp tục tù dài!...
Kiến Giang là một con người như thế, quyết liệt. Từ chỗ là một tín
đồ ngoan đạo của Chủ nghĩ Mác-Lênin, sùng bái LX, đến chỗ dứt khoát từ
bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Lần đầu tiên Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông
xuống Mỹ Tho chơi với tôi vào năm 1988, bác Viện đã giới thiệu: Đây là
một nhà Xô viết học! Cậu có cần hỏi gì về LX, cứ hỏi cái đầu này… Lúc đó
LX đang cải tổ. Năm 1987, tức 70 năm LX, Kiến Giang còn viết cuốn sách
dày hơn 200 trang mang tựa đề Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (NXB
Phú Khánh). Đọc kỹ cuốn sách đó, tôi thấy ông còn tin tưởng, hy vọng là
Đảng CSLX sẽ cải tổ thành công. Đùng một cái LX tan rã và thực tế ở LX
và Đông Âu, và cả ở VN những năm sau này đã đẩy tư duy của Kiến Giang đi
đến cùng. Ông đã viết tiểu luận Tôi từ bỏ CNCS như thế nào? Để
công bố tư tưởng của mình. Ông trở thành một nhà lý luận đổi mới hàng
đầu, có uy tín lớn với trí thức VN ở trong nước và trên thế giới. Trang
web Talawas ngày 11/3/2013 đã giới thiệu học giả Nguyễn Kiến Giang cả
một bài dài. Nhưng Kiến Giang không phải một học giả của những vấn đề đã
được xếp trong tủ kính. Ông đứng giữa dòng sông đang chảy xiết của thời
cuộc đất nước mà nghiên cứu, đề xuất, phán xét, bất chấp mọi hiểm nguy.
Ngày 22/8/1996 ông lại lãnh án 15 tháng tù treo cùng với Lê Hồng Hà hai
năm tù giam, Hà Sĩ Phu một năm tù giam của Toà án TP Hà Nội về tội… lợi
dụng quyền tự do dân chủ để chống đối chế độ!
Chính cái hôm ông vừa lãnh án tù treo về, tôi gặp ông ở Hà Nội. Tôi
hỏi: Cùng một tội, các vị kia bị tù giam, anh được cái án treo coi như…
tha bổng! Ông cười hóm hỉnh: Có lẽ người ta thấy tôi tù nhiều quá rồi,
có giam nữa cũng thế thôi!
Kể từ cái ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông đến chơi với tôi ở Mỹ
Tho và ở lại chơi đến cả tuần lễ vào năm 1988, năm nào ra Hà Nội tôi
cũng đến thăm ông ở phố Tuệ Tĩnh và sau này ở ngõ Lương Sử C gần Văn
Miếu. Tôi đến để xin ý kiến ông về thời vận của đất nước! Có lần ở 91
Tuệ Tĩnh, ông chỉ vào một hòn gạch trên nền nhà và nói: Chính tại cái
hòn gạch này, tôi đã đứng để công an còng tay vào năm 1967, lúc đó cả
cái nhà tập thể của Nhà xuất bản Sự Thật này họ nhìn tôi như kẻ tội phạm
đáng ghét. Vậy mà bây giờ, họ chửi bới chế độ om xòm, còn tôi vẫn lặng
lẽ đọc và viết…
Ông đã viết 25 tác phẩm và dịch 45 cuốn sách. Ông phải dịch để kiếm
sống sau bao năm tù đày. Đương nhiên sách dịch của ông phải ký các tên
ba lăng nhăng để che mắt chính quyền. Hai cuốn sách in trong nước của
ông là cuốn Liên Xô – 70 năm trên đường khai phá và cuốn Cách mạng 1789 (Pháp) và chúng ta… Sau khi cuốn Cách mạng 1789… ra
đời, Đại sứ Pháp tại Hà Nội đã đến nhà Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông
qua Pháp dự lễ kỷ niệm 200 Cách mạng Pháp (1789 – 1989) tại Paris. Bác
sĩ Viện đã nói với nhân viên Sứ quán Pháp rằng người viết cuốn sách đó
là Nguyễn Kiến Giang, ông chỉ cho mượn tên đề ngoài bìa sách mà thôi!
Người Pháp lại tìm đến Kiến Giang. Ông phải nói với họ rằng ông không
thể đi được… dù mọi chi phí đi lại, ăn ở ông không phải lo!
Những lần ra chơi với Kiến Giang như vậy, tôi đều tặng ông những cuốn sách tôi mới in, với lời đề tặng đại loại như: Kính tặng anh Kiến Giang, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn… Chúng tôi nhìn vào anh để sống và hy vọng cho tương lai đất nước… Ở dưới có đề rõ địa chỉ và họ tên người tặng sách. Kiến Giang bảo tôi: Cuốn sách của cậu tặng, moi (tôi) để trên bàn tiếp khách, một viên công an theo dõi moi, thường xuyên đến nhà “thăm hỏi”, đã giở ra coi. Anh ta coi đi coi lại lời đề tặng của cậu như để thuộc… để ghi vào hồ sơ của moi… Cũng vì tôi hay đến chơi Kiến Giang như thế nên đã có lần chạm trán với nhân viên an ninh và đã bị truy tìm lý lịch.
Sau Tết năm 2000, tôi lại đến thăm ông. Kiến Giang bảo tôi: Hôm mùng
một Tết, tướng Phạm Chuyên (Giám đốc CA Hà Nội) có đến thăm chúc Tết và
cho quà. Ông ấy hỏi tôi: Anh nhận định tình hình thế nào? Tôi trỏ lên
cuốn lịch nói: Năm 2000 có ba con số 0. Phạm Chuyên đề nghị tôi nói về
ba con số 0 ấy. Tôi nói: Thứ nhất là không còn đường lùi, thứ hai là
không tiến lên được… Phạm Chuyên sốt ruột: Còn con số 0 thứ ba nữa? Tôi
nói: Nhưng không phải là không có lối thoát. Phạm Chuyên vỗ tay: Hay
quá, tôi mời anh đến gặp đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó là Lê Khả Phiêu –
LPK) để anh phân tích về từng con số 0 một cho TBT nghe! Tôi trả lời:
Tôi không phải là thầy bói, tôi là nhà khoa học. Nếu cần thì các anh tổ
chức hội thảo khoa học để tôi đến trình bày đàng hoàng.
Dĩ nhiên là không có hội thảo nào sau đó. Nhưng cũng có những cuộc
hội thảo kín, người ta mời Kiến Giang đến tham luận và yêu cầu ông không
phổ biến rộng rãi tham luận đó. Nộp lại tham luận và nhận nhuận bút rất
cao. Ông nói với tôi: Mình được mời đi tham luận là sẵn sàng… vì có
nhuận bút cao cũng đỡ!
Sau ngày Đổi mới, Kiến Giang được phục hồi sổ hưu. Ông đưa quyển sổ
hưu cho tôi coi và chỉ tay vào chỗ có đóng dấu, nói: Cậu xem có lạ
không? Sổ hưu của tôi dấu vuông. Dấu của Đảng. Không có Nhà nước pháp
quyền nào trả lương hưu với dấu vuông của Đảng cả (!)
Kiến Giang là như thế, bao giờ ông cũng đi đến tận cùng mọi vấn đề,
và trên hết, ông là một nhà xã hội học đúng với tên của nó. Độc lập quan
sát xã hội. Tôi đã được đọc tập tiểu luận của ông trong một cuộc “hội
thảo kín” như ông đã kể. Tập tiểu luận tham luận có chủ đề ‘‘bàn về chủ
nghĩa anh hùng cách mạng và con người mới XHCN”. Trong tập tiểu luận đó,
ông đã dẫn ra tất cả những lời có dính đến hai chữ “con người” mà ông
Hồ Chí Minh đã nói tới trong tất cả những gì đã được in ra từ trước đến
nay. Chỉ riêng việc thống kê đầy đủ như thế đã cho thấy tính nghiêm túc
khoa học trong tham luận của Kiến Giang (trả nhuận bút cao là phải!).
Qua những thống kê đó, tác giả đi đến kết luận: ông Hồ coi người cán bộ,
đảng viên là lõi cốt của cách mạng. Nhưng ông bác bỏ hoàn toàn khái
niệm “Con người mới”. Theo ông, trong con người có cái mới và cái cũ
không thể tách biệt để có “con người mới” như đã ảo tưởng! Và, tác giả
cũng bác bỏ hoàn toàn quan niệm “cán bộ là đầy tớ” của nhân dân. Theo
ông, cán bộ cấp cao thì phải hưởng thụ cao và phải có cống hiến xứng
đáng với hưởng thụ. Còn giữ khẩu hiệu “đầy tớ nhân dân” thì sẽ dẫn đến
giả dối, đến hội nghị nói một đằng, về làm một nẻo. Còn giữ khẩu hiệu
này sẽ làm mất uy tín của ông Hồ. Ông Hồ nêu khẩu hiệu này trong những
điều kiện đặc biệt; nay thời gian, không gian đã khác, phải cất nó vào
quá khứ để xây dựng một xã hội công dân thực sự, một nhà nước pháp quyền
thực sự. Kiến Giang bảo tôi: Bản tham luận được vỗ tay nhiệt liệt,
người vỗ tay toàn là “đầy tớ”!
Kiến Giang là một nhà xã hội học thực sự trong một đất nước không hề
có khoa học xã hội, chỉ có những vị giáo sư “ăn theo, nói leo” minh họa
lời ông lớn, minh họa các nghị quyết của Đảng cầm quyền để vinh thân
phì gia. Hãy đọc đầu đề các tập tiểu luận (chủ yếu là tự viết, tự in
lấy) của ông, đủ thấy không mấy ai đặt bút viết về các đề tài “nhạy cảm”
này: Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt, Một cuộc chiến
chống lại “phi lý tính”, Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?, Khủng
hoảng và lối ra, Thử dò tìm cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại,
Một quan niệm về hiện đại hóa ở VN, Đời sống tâm linh và ý thức tôn
giáo, Từ Duy Tân đến Đổi mới, Nhìn nhận thực trạng văn hoá VN hiện nay,
Công bằng xã hội và kinh tế, Nhìn lại quá trình du nhập của chủ nghĩa
Mác-Lênin vào VN, Bàn về sự lãnh đạo của Đảng, v.v…
Tôi có may mắn và hạnh phúc được đọc hầu hết các tiểu luận trên của
ông để lấy thêm vốn liếng hành nghề báo của mình. Một tiểu luận của ông
như thế có độ dày đủ để in một cuốn sách giá trị. Nhiều tác phẩm của ông
đã được bà con Việt kiều quan tâm đến tình hình nước nhà in ra và gửi
về nước… tặng lại tác giả. Có lần Kiến Giang đưa tôi coi một cuốn sách
in rất đẹp ở nước ngoài do chính nhân viên an ninh theo dõi ông đem đến.
Anh ta hỏi: Bác đã nhận được cuốn sách này của bác chưa? Kiến Giang bảo
tôi: Mình nói với cậu công an là mình chưa nhận được và cảm ơn cậu ta.
Hóa ra tác phẩm của mình được chăm sóc kỹ thế, được in mà tác giả không
biết!
Có hai tiểu luận của Kiến Giang mà tôi đọc đến thuộc từng ý chính. Một là Khủng hoảng và lối ra. Trong
đó Kiến Giang cho rằng cỗ xe VN mới chỉ lắp được có một bánh là kinh tế
thị trường. Vì thế khi nổ máy, cỗ xe ấy chạy vòng tròn! Nó còn thiếu ba
bánh nữa phải lắp đủ để cỗ xe bốn bánh VN có thể chạy ra con đường lớn
của nhân loại. Ba cái bánh còn thiếu đó là: Xã hội công dân, Nhà nước
pháp quyền và Chế độ bầu cử tự do dân chủ. Kiến Giang nói một cách hài
hước với tôi: Các nhà lãnh đạo VN lái xe, một chân thì đạp ga, một chân
lại vội vàng đạp thắng (phanh), vừa cài số tiến lại vội vàng cài số lùi…
Vì thế cỗ xe cứ nhảy tưng tưng trên đường và không biết lúc nào thì
lật!
Tiểu luận thứ hai của ông, ít được nhắc đến, vô cùng bất ngờ, có nhan đề Bàn về cái chết. Khi
đưa tác phẩm này cho tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: Nó rất uyên bác,
tôi đã đọc nhiều sách đông tây mà chưa thấy tác giả nào dám bàn đến
chuyện con người từ xưa đến nay đã quan niệm về cái chết như thế nào.
Đáng lẽ cuốn sách như thế này phải được in vì nó không đề cập gì đến
chính trị, nhưng vì là của Kiến Giang viết nên không ai dám in! Tôi đã
đọc rất kỹ tiểu luận này. Tác giả trích cả lời Khổng Tử. Khi học trò hỏi
thầy Khổng: Người chết có biết gì không? Thầy trả lời: Nếu người chết
mà biết thì những đứa con có hiếu sẽ chết theo bố mẹ. Nếu người chết mà
không biết gì thì những đứa con bất hiếu sẽ không chôn cất bố mẹ. Nói
người chết biết là bất trí, nói người chết không biết là bất nhân…
Lần Kiến Giang vô Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất, cũng đã 4-5 năm.
Khi đó ông đi đã phải có người dìu. Ông bảo tôi và mọi người: Cuối đời
ông Viện có một vết nhơ. Thấy ông nói thế, tôi ngạc nhiên quá, vì ông
với ông Viện là bạn chí thân. Ông còn mượn tên ông Viện để in sách. Thấy
tôi có vẻ bức xúc ông từ tốn nói: Cuối đời mà vào nghĩa trang Mai Dịch
để nằm thì không phải là vết nhơ còn gì nữa?
Tôi đã đem chuyện trên nói với một nhà báo nổi tiếng, cũng là người
thân cận với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nghe xong ông nổi nóng: Kiến Giang
là tên cơ hội, nói bậy, vào Mai Dịch là sự khẳng định công lao của con
người ông với đất nước!
Tôi để cho ông nguôi giận rồi từ tốn nói: Kiến Giang nói đúng. Ở
Pháp được đưa thi hài vào Viện Panthéon là các danh nhân, ở ta cứ ủy
viên trung ương là vào Mai Dịch, nay mai anh Viện có vinh dự được nằm
cạnh anh Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc đài Truyền hình VN… là kẻ “đi không
biết đường lại, đái không biết đường về”, chuyên nghề đi biếu xén và
tham ô, con gái ông ta ăn cắp ở Thụy Điển bị bắt quả tang mà vẫn được
làm MC của Đài THVN. Được nằm cạnh một con người như thế chắc ông Nguyễn
Khắc Viện… mỉm cười nơi chín suối (!)
Nghe tôi nói xong, ông ngồi thừ ra và chặc lưỡi: Ừ nhỉ!
Con người mặt vuông chữ điền, cao to, đi lại, ăn nói khoan thai, yêu
quí bạn bè ấy… bây giờ yếu nặng, đi phải có người dìu từng bước. Và hôm
nay ông đã bỏ chúng ta mà đi! Bên tai tôi luôn văng vẳng lời ông: Bắt
bọn “xét lại chống Đảng” là “cách mạng đã bắt đầu ăn thịt những đứa con
của mình”… “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài
người…”
L.P.K.
Tác giả trực tiếp gửi cho BVN