Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Nelson Mandela và tiến trình hòa giải tại Nam Phi

Trần Trung Đạo
Một câu hỏi mà Mandela, lãnh tụ của Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC, trăn trở suốt gần mười ngàn đêm trong tù từ đảo Robben đến Pollsmoor, và cũng là câu hỏi cho bất cứ ai mang lý tưởng cứu đời, rằng ông ta thật sự muốn gì và sẽ làm gì sau khi bước ra khỏi cánh cửa sắt nhà tù. Tiếp tục cuộc đấu tranh một mất một còn với chính quyền da trắng? Tiếp tục đi xin súng đạn ngoại bang như ông đã từng làm trong thập niên 1960 về tàn sát người dân Nam Phi? Tiếp tục cuộc khởi nghĩa võ trang để mong có ngày thu lại cả vốn lẫn lời bằng cách trả thù nặng nề và thảm khốc hơn những kẻ đã từng bỏ tù ông, hành hạ ông?

Và mỗi lần suy nghĩ về những câu hỏi như thế, trong nhận thức của Mandela lại vọng lên câu nói cuối cùng vào buổi sáng ngày 11 tháng Sáu 1964 tại phiên tòa Rivonia “Tôi cống hiến cuộc đời cho cuộc tranh đấu của nhân dân Nam Phi. Tôi đấu tranh chống sự thống trị da trắng và cũng đấu tranh chống sự thống trị da đen. Tôi ôm ấp lý tưởng về một xã hội tự do và dân chủ trong đó con người sống hòa thuận và có cơ hội bình đẳng. Đó là lý tưởng tôi hy vọng sống và hoàn thành. Nhưng nếu cần, tôi cũng chuẩn bị để chết vì lý tưởng của mình.”
Câu nói đó suốt mấy mươi năm đã hòa trong tiếng sóng bên bờ Cape Town vọng về mỗi đêm như một lời nhắc nhở để rồi Mandela, dù trong lưu đày, bị khổ sai hay làm tổng thống, giải Nobel Hòa Bình, lý tưởng của ông như ngọn hải đăng trên đảo Robben vẫn rực sáng một màu hy vọng. Không ai khuyên ông, không ai dạy ông, chính ước mơ được thấy “một xã hội tự do và dân chủ trong đó con người sống hòa thuận và có cơ hội bình đẳng” giúp ông có được những chọn lựa chính trị vượt qua tầm thời đại và vượt qua những khổ đau chịu đựng của riêng ông.
Nhắc lại, buổi trưa ngày 12 tháng Sáu năm 1964, chánh án De Wet kết tội Mandela và các bạn chiến đấu của ông trong phong trào Umkhonto we Sizwe, cánh võ trang của ANC gọi tắt là MK hơn 200 tội trong đó có “phá hoại, phát động chiến tranh, tấn công Cộng hòa Nam Phi bằng các phương tiện võ trang, âm mưu lật đổ chính phủ” và nhận án tù chung thân khổ sai. Trong thời gian tòa luận án, biện lý chính phủ có nghĩ đến việc đề nghị án tử hình nhưng rút lại vì phản ứng quốc tế.
Mandela đến đảo Robben vào mùa đông 1964 và sống ở đó trong điều kiện vô cùng khắc khổ. Ban ngày phải đục đá làm cầu tàu, ban đêm nằm trên sàn xi măng ẩm thấp. Mỗi năm chỉ được một lần thăm nuôi và kéo dài vỏn vẹn 30 phút. Sáu tháng mới được phép viết một lá thư và cũng sáu tháng mới được phép nhận một lá thư. Mandela bị cai ngục và tù nhân da trắng hiếp đáp và hành hung. Những sự phản đối của ông và các bạn tù chỉ là những viên sỏi ném vào biển Nam Đại Tây Dương không vang vọng được đâu xa. Nelson Mandela đã chịu đựng suốt 17 năm và nhiễm vi trùng lao phổ trong thời gian này. Trong nỗi cô đơn tận cùng, người bạn đường thân thiết nhất của ông chính là lý tưởng “tự do, dân chủ và bình đẳng” mà ông ôm ấp.
Nam Phi trong thập niên 1980 là những năm đầy bạo động. Mặc dù bản thân Mandela và nhiều cấp chỉ huy MK bị tù hay lưu đày nhưng cuộc đấu tranh bằng các phương tiện vũ trang chẳng những không giảm bớt mà ngày càng tăng. Năm 1981, các lực lượng chính phủ tấn công các căn cứ của ANC ở Maputo, Mozambique giết nhiều trẻ em và phụ nữ. Để trả thù, đầu tháng Chạp 1982, MK đặt chất nổ tại căn cứ nguyên tử Nam Phi trong vùng ngoại ô Cape Town. Cuối tháng Chạp cùng năm, chính phủ Botha tung hàng loạt các cuộc tấn công vào các căn cứ tiền phương của MK tai Maseru, Lesotho làm thiệt mạng 42 người, trong đó có hàng tá phụ nữ và trẻ em. Tháng Năm 1983, MK trả đũa bằng cách đặt bom tại một căn cứ không quân Nam Phi ngay trung tâm thành phố làm mười chín người chết và hàng trăm, trong đó rất đông thường dân vô tội, bị thương. Và như thế, MK đặt bom và chính phủ lùng diệt, chính phủ tấn công và MK trả đũa, máu của nhân dân Nam Phi dù chiến đấu cho bên nào, đã đổ quá nhiều trong suốt hai mươi năm bạo động.
Năm 1982, Nelson Mandela được di chuyển từ đảo Robben đến nhà tù Pollsmoor, nơi ông có thể tiếp cận nhiều hơn với tin tức bên ngoài. Mandela viết trong hồi ký “Giết chết thường dân vô tội là một thảm kịch. Đọc con số người chết tôi cảm thấy vô cùng khủng khiếp.” Ông nhận thức rằng trước khi bàn chuyện đúng hay sai, chính nghĩa hay phi nghĩa, dù đang ở trong tù, ông cũng là người chịu trách nhiệm cho những cái chết của thường dân vì cánh võ trang của ANC do chính ông chủ trương.
Trong giai đoạn này, chính phủ da trắng Nam Phi áp dụng chính sách “chia để trị” nhằm cô lập và phân hóa nội bộ các phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi bắt đầu từ cấp lãnh đạo các đảng phái, tổ chức, bộ lạc xuống tận các địa phương. Chính sách này là một con dao hai lưỡi không chỉ áp dụng đối với các thành phần da màu đang chống chính phủ bên ngoài nhà tù mà cũng áp dụng cho cả Mandela và các bạn đang ở tù cùng với ông. Từ năm 1973, ngay trong thời gian Mandela còn bị giam trên đảo Robben, Bộ trưởng đặc trách nhà tù Nam Phi Jimmy Kruger đã tìm cách thuyết phục Mandela để phủ nhận phương pháp bạo động, hứa sẽ giảm án và thậm chí được trả tự do với điều kiện ông chịu định cư luôn tại quê hương Transkei. Mandela không chấp nhận.
Năm 1985, Tổng thống Nam Phi Phi P.W. Botha lần nữa đề nghị trả tự do cho Mandela chỉ cần ông “phủ nhận một cách không điều kiện việc dùng bạo động như võ khí chính trị.” Mandela lại lần nữa từ chối bởi vì tự do của ông phải gắn liền với tự do của đất nước.
Trong một lá thư gởi đến nhân dân Nam Phi qua trung gian con gái Zindzi Mandela đọc trong buổi mít tinh của ANC tại Soweto, Nandela viết “Tôi luôn ấp ủ giấc mơ được trả tự do cho cá nhân tôi, nhưng tôi quan tâm hơn là tự do của nhân dân Nam Phi …Tự do đem lại cho riêng tôi có nghĩa gì một khi ANC, tổ chức của nhân dân vẫn còn bị ngăn cấm? Tự do đem lại cho riêng tôi có nghĩa gì một khi vợ con tôi phải sống lưu đày tại Branfort? Tự do đem lại cho riêng tôi có nghĩa gì một khi quyền công dân của nhân dân Nam Phi không được tôn trọng? Chỉ có con người tự do mới có thể đàm phán. Tù nhân không thể ký kết một hợp đồng nào. Tôi không thể và sẽ không quyết định gì một khi nhân dân Nam Phi và bản thân tôi chưa được tự do. Tự do của tôi không thể tách biệt khỏi quyền tự do của nhân dân Nam Phi.”
Đối với việc tố cáo phương pháp bạo động, Nelson Mandela cho rằng không phải chỉ riêng ông là người cần phủ nhận bạo động mà chính phủ phân biệt chủng tộc mới cần tố cáo bạo động vì chính họ đã trấn áp dã man đa số da màu từ nhiều năm trước. Mandela cảnh cáo chính quyền da trắng, nếu một ngày nào đó ông ra khỏi nhà tù, và nếu nhân dân Nam Phi vẫn còn bị trấn áp, ông cương quyết sẽ tranh đấu như đã từng tranh đấu.
Để làm nhẹ áp lực quốc tế, chính phủ Botha công bố hủy bỏ luật hôn nhân dựa trên màu da sắc tộc. Khi Giáo sư Samuel Dash thuộc đại học Georgetown, cựu cố vấn của Thượng viện Hoa Kỳ về vụ Watergate vào tù thăm Nelson Mandela và hỏi ý kiến ông về việc chính phủ da trắng Botha hủy bỏ luật cấm hôn nhân dựa trên màu da, Mandela trả lời Samuel Dash nhưng đồng thời cũng nhắn cho Tổng thống Pieter Willem Botha “Tôi không có tham vọng cưới một người vợ da trắng hay bơi trong hồ bơi của người da trắng.” Điều quan tâm hàng đầu của Mandela là quyền bầu phiếu, quyền ứng cử và các quyền căn bản khác của con người trong một nước tự do, dân chủ. Tóm lại, quyền chính trị của người dân bất cứ thuộc màu da sắc tộc nào tại Nam Phi phải được tôn trọng như một trong những điều kiện tiên quyết chứ không phải chỉ là việc hôn nhân cưới hỏi.
Như đã viết trong bài trước, trong suốt cuộc đời tranh đấu từ khi gia nhập ANC, Nelson Mandela đã chọn nhiều phương pháp đấu tranh, trong đó có bất bạo động và cả bạo động. Tuy nhiên, sau nhiều năm suy tư về con đường đất nước đã trải qua và hy vọng nào đang chờ trước mặt, Mandela đã thay đổi phương pháp đấu tranh. Nelson Mandela viết trong hồi ký “Sự thay đổi, tôi quyết định, không phải chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội… Tôi đắn đo từ lâu về việc bắt đầu nói chuyện với phía chính phủ. Tôi kết luận thời gian đã đến và cuộc đấu tranh sẽ thuận lợi hơn khi cần được đẫy mạnh qua đàm phán. Nếu chúng ta không bắt đầu đàm phán sớm, cả hai bên phải lao vào đêm tối của áp bức, bạo động và chiến tranh.”
Sau ba năm đàm phán ngay từ trong nhà tù giữa Mandela và ủy ban bí mật do chính Tổng thống Pieter Willem Botha lập ra, lúc 3:30 chiều ngày 11 tháng Giêng năm 1990, Nelson Mandela bước ra khỏi cổng nhà tù thứ tư và cuối cùng Victor Verster. Đây là một chiến thắng lớn nhưng chỉ là bước đầu tiên trong hành trình hòa giải quốc gia đầy gian nan mà Nelson Mandela vừa mới lên đường.
Không giống như 27 năm trong các nhà tù, ngoại trừ tư tưởng tự do trong ý thức của mình, tất cả phần con lại, từ chỗ ăn, chỗ ở, miếng cơm tù, manh áo vá đều được sắp xếp sẵn, ra khỏi tù, việc chọn một chỗ ngủ trong đêm tự do đầu tiên cũng là một vấn đề. Nelson Mandela chọn dành đêm đầu tiên với Tổng giám mục Anh giáo Desmond Tutu, người ông hết sức kính phục và cũng là người qua tư cách đạo đức và lòng cương quyết đã thôi thúc cả đất nước trong những năm tháng đầy khó khăn.
Ngày 12 tháng Giêng, Nelson Mandela họp báo để giải thích quan điểm của ông về tương lai Nam Phi. Dù sau 27 năm bị khổ sai, Mandela không chôn giấu trong lòng sự oán hận nào đối với thiểu sống da trắng cai trị đất nước nhưng nhấn mạnh đến mục tiêu thay đổi cơ chế chính trị. Ông khẳng định “chúng tôi không muốn tàn phá đất nước trước khi giải phóng đất nước, và loại bỏ da trắng cũng có nghĩa là tàn phá đất nước.” Tương lai của Nam Phi không đặt trên tiêu chuẩn màu da hay sắc tộc mà là tiêu chuẩn công dân.
Dù nhượng bộ, chính phủ của Tổng thống de Klerk vẫn còn nắm trong tay bộ máy công an, tình báo và lực lượng quân đội hùng mạnh nhất châu Phi. De Klerk không có ý định đầu hàng quyền lực trừ phi có một áp lực mạnh mẻ từ nhân dân và quốc tế. Sau một vòng thăm viếng các quốc gia Phi Châu để gây cảm tình trong vùng và gây áp lực quốc tế đối với chính phủ de Klerk, tháng Ba 1990, ANC và de Klerk bắt đầu vòng đầu đàm phán chính thức.
Nelson Mandela (1918-2013)
Trước ngày họp, hai bên có lập trường khác biệt. Phía chính phủ de Klerk không muốn áp dụng phương pháp bầu cử kiểu Anh, theo đó đảng nào chiếm đa số ghế trong quốc hội sẽ là đảng cầm quyền. Ông ta muốn duy trì quyền thiểu số bằng cách tạo ra một hệ thống lãnh đạo quốc gia theo dạng san sẻ quyền lực.
Phái đoàn đại diện ANC trong cuộc đàm phán lịch sử gồm phần lớn là những người đã dâng hiến cả cuộc đời cho lý tưởng tự do chủng tộc Nam Phi, gồm Walter Sisulu, Joe Slovo, Alfred Nzo, Thabo Mbeki, Ahmed Kathrada, Joe Modise, Ruth Mompati, Archie Gumede, Reverend Beyers Naude, Cheryl Carolus, và Nelson Mandela.
Buổi đàm phám đầu tiên trái với lo lắng của cả hai bên. Thay vì với không khí nặng nề và thái độ quyết liệt, phiên họp diễn ra trong vòng thân mật và vui vẻ không ngờ. Đại biểu hai phái đoàn mừng rỡ bắt tay như gặp lại người thân quen sau nhiều năm xa cách chứ không phải những người cách đó vài hôm đã không đội trời chung. Tổng thống de Klerk làm mọi người ngạc nhiên khi tuyên bố bản chất của chế độ phân biệt chủng tội vốn đã mang mầm xấu và thành thật xin lỗi. Tuy không phải là lời tuyên bố chính thức trước nhân dân, đó là những điều mà các đại biểu phái đoàn ANC chưa bao giờ nghe. Đại biểu ANC Thabo Mbeki, tổng thống Nam Phi dân chủ thứ hai sau Mandela, trả lời báo chí với giọng hài hước chiều hôm đó “Hai bên đã khám xét nhau và đồng ý là không bên nào có sừng.”
Mơ ước riêng tư nhất của Nelson Mandela sau ngày được trả tự do là được đi thăm mộ mẹ nhưng mãi tới tháng Tư ông mới có chút thời gian để về cố quận Qunu, quê hương của tuổi thơ và nơi mẹ ông, bà Noqaphi Nosekeni, yên nghỉ. Mẹ ông qua đời vào năm 1968 khi ông còn ở trong tù và nhà cầm quyền da trắng không cho phép ông về đưa tang mẹ. Mấy chục năm sau, quê hương Qunu vẫn nghèo nếu không muốn nói là nghèo hơn trước. Qunu là nơi chôn giấu kho tàng của tuổi hoa niên tươi đẹp của Nelson Mandela, nơi ông lớn lên và nơi ông chọn để an nghỉ sau khi chết.
Một biến cố khác là việc vợ ông, bà Winnie Mandela, bị đưa ra tòa về tội bắt cóc và đánh đập bốn thanh niên tại nhà bà vào năm 1988. Một thiếu niên 14 tuổi chết và ba thanh niên còn lại tố cáo nhóm cận vệ của bà Winnie Madikizela Mandela đã khủng bố cả thành phố Soweto. Trước ngày tòa nghe nhân chứng, Gabriel Mekgwe, 22 tuổi và là một trong ba thanh niên sống sót bị mất tích. Hai nhân chứng còn lại từ chối cung khai. Sau ba tháng rưỡi, tòa kết tội bà Winnie đã có liên hệ đến việc bắt cóc và là tòng phạm đối với việc đánh đập các thanh thiếu niên. Nelson Mandela tuy bên ngoài ủng hộ vợ nhưng rất đau lòng trước sự thật được phô bày.
Nelson Mandela còn chịu đựng một vết thương riêng tư khác trong cuộc đời vốn đã đầy gian nan thương khó. Khi còn ở trong tù, Nelson Mandela đã biết vợ mình đang ngoại tình với Dali Mpofu, một luật sư nhỏ hơn bà 27 tuổi. Việc ngoại tình giữa Winnie Mandela và Dali Mpofu còn lén lút kéo dài ngay cả sau khi Mandela được tự do. Bà Winnie gặp Nelson Mandela khi chỉ mới 23 tuổi và Mandela đã gần 40 tuổi. Họ yêu nhau và cưới nhau trong vội vàng. Ba năm sau, Mandela rút vào hoạt động bí mật cho đến ngày bị bắt và vào tù. Winnie Mandela viết trong hồi ký “Tôi có rất ít thời gian để yêu chồng”. Khi biết vợ ngoại tình, Mandela dĩ nhiên đau xót nhưng cảm thông và tha thứ. Ông chỉ viết thư yêu cầu bà Winnie đưa tình nhân ra khỏi nhà. Trong thời gian đó, sự chung thủy của Winnie đối với chồng chỉ còn trong lý tưởng đấu tranh chính trị, tình yêu nam nữ thì đã tàn phai. Tình cảm trong người phụ nữ này đã bị xoi mòn và cạn kiệt theo năm tháng đợi chờ. Tuy nhiên về mặt hình thức, bà Winnie vẫn tiếp tục đóng trọn vai trò người phụ nữ can đảm, anh hùng, vợ của Nelson Mandela.
Sau khi Mandela ra tù, hai vợ chồng mới khám phá ra họ còn cách nhau xa hơn khi Mandela còn ở trong tù. Năm 1990, Mandela không còn là lực sĩ quyền Anh, một luật sư xông xáo và một thanh niên lãng mạn mà là một cụ già 72 tuổi, ốm yếu, bịnh hoạn. Ngay cả trong sinh hoạt hàng ngày hai người cũng khác. Mandela theo thói quen vẫn ăn ngủ đúng giờ giấc của nhà tù từng quy định trong khi bà Winnie, trẻ hơn chồng 17 tuổi, còn sung sức, thức khuya và dậy trễ. Những ngôn ngữ tình yêu chất chứa trong những lá thư chỉ còn là kỷ niệm. Trong phòng ngủ của hai vợ chồng, tấm thiệp Giáng Sinh cuối cùng Nelson Mandela gởi bà Winnie vào tháng Chạp 1989 với hàng chữ "Darling, I love you” được treo trịnh trọng nhưng cũng thật mỉa mai với thực tế lạnh lùng chăn gối giữa hai người. Về mặt hình thức, Mandela và Winnie vẫn tay trong tay xuất hiện trước công chúng nhưng họ không có ngay cả một đêm gần gũi nhau như Mandela tiết lộ với tòa án khi thỉnh nguyện được ly dị vợ “Winne chưa bao giờ vào phòng ngủ khi tôi còn thức”.
Hai mươi bảy năm sống ngoài mọi sinh hoạt xã hội bình thường đã làm ông trở thành lạc lỏng, cô độc giữa vinh quang của Nam Phi và nhân loại dành cho ông. Tuy nhiên, khi lá thư đánh ghen của bà Winnie viết gởi người yêu Dali Mpofu với những lời dâm ô hạ cấp như việc tố cáo Mpofu suốt ngày chỉ biết “chạy vòng vòng để làm tình với phụ nữ” đã bị báo The Johannesburg Sunday Times đăng tải nguyên văn vào tháng 9 1992 là nhát búa đập vào trái tim rạn nứt. Chưa đầy tháng sau, Nelson Mandela ly thân với bà Winnie và ngày 20 tháng Ba 1996, tòa án cho phép Tổng thống Nelson Mandela chính thức được ly dị bà ta.
Mặc dù hạnh phúc gia đình tan nát, trong cuộc đấu tranh chống chính quyền phân biệt chủng tộc da trắng, Nelson Mandela chứng tỏ vô cùng sáng suốt, minh mẫn và cương quyết. Báo chí Nam Phi gọi Mandela là “con người sắt” trong tiến trình đàm phán. Cuộc đàm phán vòng đầu giữa ANC và chính phủ de Klerk chấm dứt với nhiều tiến bộ. Hai bên cam kết theo đuổi tiến trình giải thể chế độ phân biệt chủng tộc, hủy bỏ Tình Trạng Khẩn Cấp Quốc Gia, soạn thảo hiến pháp mới, thành lập chính phủ chuyển tiếp gồm đại diện các đảng phái. Tuy nhiên trong thời gian sau đàm phán, bạo động lại tiếp tục tại nhiều nơi nhưng chính phủ de Klerk đã không có những biện pháp ngăn chận hữu hiệu. ANC tuyên bố đình hoãn đàm phán với chính phủ.
Tháng Bảy 1991, Nelson Mandela được chính thức bầu vào chức vụ Chủ tịch ANC tại đại hội toàn toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên trong lãnh thổ Nam Phi. Trong chức vụ mới, Nelson Mandela quyết tâm theo đuổi mục tiêu dân chủ Nam Phi bằng cách tái lập đàm phán với chính phủ de Klerk và cơ hội đầu tiên đã diễn ra tại CODESA gồm đại diện 18 đảng phái hoạt động tại Nam Phi để thảo luận về giải pháp dân chủ cho Nam Phi với sự quan sát của Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Anh, Cộng Đông Âu Châu và Tổ Chức Đoàn Kết Phi Châu. Tuy nhiên, đại hội đã không diễn ra như Mandela mong muốn, Tổng thống de Klerk dùng diễn văn bế mạc để tấn công vào uy tín của ANC. Mandela trả đũa bằng cách phê bình Tổng thống de Klerk che dấu nghị trình riêng, không thành thật và tìm cách để duy trì chế độ phân biệt chủng tộc dưới một hình thức khác. ANC tẩy chay cuộc đàm phán.
Sau bốn tháng ngưng trệ, tháng Năm 1992, cuộc đàm phán lại tiếp tục, gọi là CODESA 2 được khai mạc ngày 17 tháng Sáu 1992. Qua cuộc đàm phán lần này, hai bên đồng ý việc chuyển tiếp dân chủ sẽ được tiến hành qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thành lập một Hội đồng Chấp hành Chuyển tiếp đa đảng đại diện cho các thành phần tham dự CODESA 2 để hoạt động như một chính phủ lâm thời và soạn thảo hiến pháp. Giai đoạn 2 là tổng tuyển cử. Tuy nhiên khi đi vào chi tiết của các điểm đã được thỏa thuận như tỉ lệ số phiếu cần thiết trong quốc hội để thông qua các đạo luật, ANC và chính phủ của Tổng thống de Klerk lần nữa rơi vào bế tắc.
Bên cạnh sự bế tắc liên quan đến nội dung của đàm phám, các thành thần cực hữu da trắng võ trang mà Mandela gọi là lực lượng thứ ba, cũng tìm mọi cách để phá hoại tiến trình đàm phán, đưa đất nước vào vòng nội chiến trong đó có cả việc ám sát các thành viên uy tín và ưu tú của ANC như trường hợp Chris Hani, cựu Tham mưu trưởng của MK bị bắn ngay tại nhà.
Tháng Chín 1992, Mandela và Tổng thống de Klerk họp riêng và ký kết một văn thư thỏa thuận làm tiêu chuẩn chỉ nam cho các cuộc đàm phán theo sau. Vào tháng Chạp 1992, hai bên ANC và chính phủ lại ngồi vào bàn hội nghị lần nữa. Tổng thống de Klerk đồng ý thành lập Hội đồng Chấp hành Chuyển tiếp để chuẩn bị cho tổng tuyển cử và đồng ý với nội dung của hiến pháp tạm thời. Điểm quan trọng nhất đối với Tổng thống de Klerk là việc quy định thế nào là đa số và sự an toàn của thiểu số da trắng sau tổng tuyển cử. De Klerk đòi hỏi bên thắng phải nhận được hai phần ba tổng số phiếu bầu. ANC không đồng ý và đặt tỉ lệ đa số tại 60 phần trăm. Ngày hôm sau de Klerk đồng ý.
Mặc dù 85 phần trăm dân số Nam Phi là da đen, không phải người da đen nào cũng ủng hộ ANC. Các thành phần dân chúng rất ô hợp và phân tán theo từng địa phượng, bộ lạc, tôn giáo và thậm chí có nhiều đảng tuyên bố tẩy chay bầu cử, do đó, muốn thắng số phiếu trên 60 phần trăm không phải chuyện dễ dàng. ANC đã phát động một chiến dịch vận động quy mô mới với hơn một trăm văn phòng do các lãnh đạo dày kinh nghiệm phụ trách.
Nelson Mandela không phải là nhà hùng biện nên dù với sự giúp đở của một nhóm chuyên viên viết diễn văn xuất sắc, ông vẫn không thành công trong những buổi diễn thuyết như chính ông thú nhận trong hồi ký. Patti Waldmeir của báo The Financial Times nhận xét Mandela như “là một trong những nhà diễn thuyết buồn chán nhất Nam Phi.” Những nơi ông dừng lại, hàng ngàn người tập trung chào đón, nhưng sau khi ông nói nửa chừng, một phần hai dân chúng đã ra về. Dân chúng đến để được nhìn tận mắt một Nelson Mandela huyền thoại chứ không hẳn để nghe ông diễn thuyết. Khi tranh luận với de Klerk trước hệ thống truyền hình, ANC đã phải mời Frank Greer, cựu cố vấn của Tổng thống Bill Clinton sang để chỉ dẫn cách ăn nói. Nelson Mandela vận động tranh cử với quan điểm hòa giải và hứa bảo đảm quyền của mọi người không phân biệt màu da. Ông dành thời gian để thăm viếng xã giao Tổng Giám đốc Cảnh sát, Tham mưu trưởng Quân đội và yêu cầu họ tiếp tục chức vụ trong trường hợp ANC thắng cử.
Quốc kỳ của Cộng hòa Nam Phi cũng là một vấn đề. Ngay khi ra khỏi tù, Nelson Mandela đã đề nghị Nam Phi phải có một lá cờ mới thật sự đại diện cho toàn dân chứ không phải chỉ đại diện cho thiểu số cai trị. Quốc hội lâm thời được trao trách nhiệm công bố một quốc kỳ mới trước ngày bầu cử tổng thống nhưng không một mẫu cờ nào trong số 7,000 phát họa được quốc hội lâm thời thông qua. Mãi cho tới 15 tháng Ba 1994, mẫu quốc kỳ do Frederick Brownell vẽ mới được công nhận. Quốc kỳ này cũng chỉ được gọi là quốc kỳ lâm thời và cần năm năm thử nghiệm trước khi quốc hội thông qua lần nữa. Và năm năm sau đó, quốc hội Nam Phi đã đồng ý mẫu cờ do Frederick Brownell vẽ là quốc kỳ Cộng Hòa Nam Phi như đang bay hôm nay.
Ngày 26 tháng 4 1993 là một ngày đáng nhớ trong lịch sử Nam Phi vì hôm đó nhân dân Nam Phi tham dự tổng tuyển cử để chọn đảng lãnh đạo, thực tế là chọn tổng thống. Đối với đại đa số cử tri da đen, đây là lần đầu tiên trong đời họ được cầm lá phiếu trong tay. Cuộc bỏ phiếu diễn ra suốt 4 ngày và trong không khí tương đối êm đẹp.
Mandela bỏ phiếu vào ngày thứ hai một địa điểm gần ngôi mộ của John Dube, người sáng lập ra tổ chức ANC như một cách để biết ơn người đã dâng hiến đời mình cho cách mạng. Tại đây với John Dube như điểm bắt đầu và cũng tại đây với Nelson Mandela như điểm kết thúc của chu kỳ tranh đấu cho quyền con người. Lý tưởng của John Dube cuối cùng đã đạt được nhưng phải cần đến 82 năm gian khổ máu xương. Nelson Mandela viết trong hồi ký “Khi tôi đứng bên mộ John Dube, được xây gần một ngôi trường nhỏ, tôi không nghĩ đến hiện tại mà nghĩ về quá khứ… Tôi nghĩ đến bao anh hùng Nam Phi vĩ đại, những người đã cống hiến cuộc đời để cho nhiều triệu dân Nam Phi có quyền bỏ phiếu hôm nay. Tôi không đi bầu một mình mà cùng đi với những người đã hy sinh.”
ANC nhận được 62.3 tổng số phiếu bầu, cao hơn mức đa số quy định và Nelson Mandela trở thành tổng thống da đen đầu tiên. Buổi tối ngày 2 tháng Năm 1994, Tổng thống de Klerk đọc diễn văn công nhận thất bại. Chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi chính thức cáo chung.
Tổng thống Nelson Mandela, ngoài trừ việc thích thay đồ nhiều lần trong ngày, sống một cuộc sống rất đạm bạc. Như đối thủ de Klerk nhắc lại “Mandela có một khả năng đặc biệt. Ông làm mọi người ông tiếp xúc cảm thấy rất thân tình.” Thật vậy, mỗi lần đi xa về, Mandela không quên ra bắt tay thăm hỏi mọi người trong dinh tổng thống, từ các phụ tá, cận vệ cho đến các bác làm vườn. Khi đi kinh lý bằng trực thăng, Mandela thường ngồi gần phi công để bắt chuyện gia đình, đời sống và lương bổng. Ở tù quá lâu nên nhiều khi hành vi của Nelson Mandela chẳng khác gì còn đang ở trung tù. Một bạn tù của Mandela thú nhận “thật khó để lấy Robben ra khỏi tâm hồn họ.” Ông dành một phần ba số lương tổng thống hàng năm cho quỹ từ thiện Nelson Mandela Children's Fund do chính ông sáng lập vào năm 1995.
Là con người, ai không cảm thấy sung sướng khi được tôn vinh, ca ngợi, Nelson Mandela cũng vậy nhưng ông không bị chói mắt bởi hào quang danh vọng và quyền lực. Ông tiếp đón những nông dân và công nhân nghèo không khác gì khi tiếp đón các chủ tịch công ty lớn. Thỉnh thoảng Mandela vẫn về quê tham dự phiên họp của bộ lạc ông. Một lần đoàn làm phim Anh đến quay phim, Tổng thống Nelson Mandela làm hư cả đoạn phim vì trong lúc đang phỏng vấn nửa chừng ông sực nhớ quên bắt tay người quay phim nên bước xuống bắt tay anh ta. Khi Tổng thống Mandela đi công vụ, ngoài đoàn tùy tùng, dĩ nhiên có rất nhiều phóng viên truyền hình đi theo, khi nhìn các phóng viên mang máy quay phim với chân cẳng nặng nề, ông thường dừng lại để chờ.
Sau khi chính thức ly dị với bà Winnie Mandela, Nelson Mandela quan hệ tình cảm với bà Graça Machel, nhà hoạt động chính trị Mozambique, góa phụ của cố Tổng thống Mozambique Samora Machel và trẻ hơn Mandela 27 tuổi. Bà Graça Machel là người phụ nữ Phi Châu đầu tiên làm vợ của hai tổng thống châu Phi.
Thái độ hòa giải của Nelson Mandela thể hiện ở những việc nhỏ như đã không vội vả đổi ngay tên đường từ các tổng thống, tướng lãnh từng là hung thần của chế độ phân biệt chủng tộc như Botha hay Malan sang tên của các anh hùng trong chiến tranh giành độc lập của Nam Phi. Ông muốn sự thay đổi diễn ra trong tuần tự, bình thường và ổn định tinh thần dân chúng. Trong mọi buổi nói chuyện, Nelson Mandela nhấn mạnh đến ba nguyên tắc ảnh hưởng cả đời ông gồm hòa giải, nhân cách và tình thương.
Tinh thần hòa giải của Mandela thể hiện ngay trong thành phần lãnh đạo quốc gia. Ngoài việc ông là tổng thống, chức vụ Phụ tá Tổng thống Thứ nhất được trao cho cựu Tổng thống de Klerk và lãnh tụ ANC Thabo Mbeki được mời giữ chức Phụ tá Tổng thống Thứ hai. Nội các Đoàn kết Quốc gia của Tổng thống Nelson Madela bao gồm nhiều thành phần, sắc tộc. Ngoài Phụ tá Thứ nhất de Klerk, các chuyên viên da trắng nắm giữ các bộ quan trọng gồm cả bộ Nội vụ. Không ít viên chức chính phủ là những người bàn tay chưa khô máu da đen nhưng Nelson Mandela làm hòa với họ để họ cảm thấy thật sự là thành viên của một đại gia đình Nam Phi mới như khi ông ta phát biểu về khái niệm Quốc gia Cầu Vồng (Rainbow Nation) “Nam Phi là một gia cầu vồng, hòa bình với chính mình và với thế giới.”
Sau khi đắc cử, Tổng thống Nelson Mandela đến chào hỏi xã giao cựu tổng thống da trắng bảo thủ Pieter Willem Botha. Y chưa nguôi giận và Manela lại phải lần nữa lắng nghe những lời hằn học của ông ta. Nelson đáp lại bằng nụ cười tha thứ. Khi Tổng giám đốc cơ quan tình báo thời phân biệt chủng tộc Niel Barnard về hưu Mandela tổ chức một tiệc tiễn đưa trịnh trọng và trong dịp đó ông còn mời cả Tướng Willemse, cựu chỉ huy trưởng nhà tù Robben và là người chịu trách nhiệm cho những cực hình ông đã chịu đựng suốt hơn 20 năm dài, đến tham dự. Tướng Willemse xúc động phát biểu “những cơ hội như thế này không diễn ra nhiều lần trong suốt một đời người.”
Nelson Madela cũng tế nhị ngay cả trong việc chọn nơi làm dinh tổng thống bằng cách để de Klerk ở lại tư dinh tổng thống tại Groote Schuur trước đây còn ông dời sang một khu nhà khác ở Cape Town và đặt tên cho căn nhà mới là Thung Lũng Khoan Dung. Ông quan tâm đến việc chuyển tiếp quyền lực một cách ổn định đến nỗi bà Winnie, vợ cũ của ông, công khai phê bình Mandela quan tâm đến dân da trắng nhiều hơn dân da đen Nam Phi. Nelson Mandela tổ chức buổi gặp gỡ của những góa phụ có chồng bị giết trong cuộc phân tranh chủng tộc của cả hai bên để họ cảm thông nhau.
Tháng 8 1995, Mandela đến viếng thăm góa phụ của cố tổng thống Nam Phi Dr. Hendrik Verwoerd, người được xem là kiến trúc sư của chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi vô cùng tàn ác mà Mandela đã trực tiếp đương đầu trong giai đoạn 1960. Ba tháng sau đó, Nelson Mandela mời ông Percy Yutar, 84 tuổi, nguyên là biện lý chính phủ tại phiên tòa Rivonia đã xử Mandela chung thân, đi ăn trưa. Mandela còn đi xa hơn khi cử cựu giám đốc nhà tù Robben làm đại sứ Nam Phi tại Áo. Nhiều bạn tù lên tiếng phản đối nhưng Mandela trả lời “Người can đảm không ngại tha thứ vì mục đích hòa bình.”
Nhưng tha thứ không đồng nghĩa với lãng quên. Mandela và ANC đơn giản không thể tha thứ cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và xếp tất cả tội ác của chúng vào ngăn kéo lịch sử. Sự thật cần phải được kể lại. Tháng Giêng 1996, Ủy ban Sự thật và Hòa giải (TRC) ra đời và Mandela đề cử Giám mục Anh giáo Desmond Tutu làm chủ tịch. Lễ khai mạc TRC được tổ chức nhà thờ Anh giáo. Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc “Tôi mời quý vị cùng chúng tôi tìm hiểu sự thật, bởi vì không có sự thật, sẽ không có hòa giải thật sự.” Các đại diện tôn giáo trong đó có cả đạo Do Thái và Phật giáo được mời lên đọc lời cầu nguyện và chúc lành cho TRC thành công.
Thật ra, không phải đợi đến 1996 mới có TRC mà ngay trong thời gian đàm phán giữa Mandela và de Klerk vấn đề hòa giải đã được đưa ra. Cựu Tổng thống de Klerk đòi hỏi, dù bên nào thắng trong cuộc tổng tuyển cử, một cuộc đại ân xá cũng phải được thực hiện. ANC không thể để chế độ phân biệt chủng tộc tự ân xá một cách dễ dàng.
Cuối cùng hai bên đồng ý, sự ân xá đặt trên cơ sở cá nhân nếu đương sự trình bày hết sự thật và có thể chứng minh hành động của họ do các mục tiêu chính trị thúc đẩy chứ không phải hận thù cá nhân. Những tướng lãnh hay chính trị gia từ chối cung khai có thể bị truy tố theo thủ tục hình sự như trường hợp của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Magnus Malan. Đa số tướng lãnh và các bộ trưởng trong nội các đều quy trách nhiệm cuối cùng lên cựu Tổng thống de Klerk. Đến phiên de Klerk, ông thay mặt chế độ thừa nhận sai lầm nhưng lại từ chối việc chính phủ chủ trương tra tấn, ám sát, hiếp dâm và các hành động tương tự. Tuy cho cách “một lần kể lại để rồi thôi” là quá rộng lượng nhưng ANC không muốn tạo ra các thánh tử đạo cho cánh cực hữu đang còn khá mạnh nếu tổ chức phiên tòa xử tội phạm chiến tranh theo kiểu Nuremberg.
Nhân loại từng lên án chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi, các cơ quan truyền thông quốc tế đã làm nhiều phim tài liệu về sự chịu đựng của người da đen tại Nam Phi nhưng không ai, kể cả Nelson Mandela có thể hình dung ra tội ác trầm trọng đến mức nào cho đến khi chính kẻ gây ra tội ác cung khai và nạn nhân chịu đựng kể lại. Vô cùng khủng khiếp. Những chiến dịch “giới hạn", “trung lập hóa”, “loại khỏi xã hội” là tên gọi khác của việc chặt nhỏ thân thể nạn nhân hay đốt thành tro các xác chết. Cựu Tổng thống Pieter Willem Botha từ chối ra cung khai mặc dù Nelson Mandela hứa sẽ tháp tùng ông ta ra trước ủy ban. Tội ác không chỉ gây ra từ phía chính phủ da trắng mà cả ANC cũng là thủ phạm của những vụ tàn sát như đã từng xử tử một loạt 22 người vì tội phản bội. Chủ tịch ANC Thabo Mbeki phản bác những tội lỗi do ANC gây ra nhưng chính Mandela không đồng ý và cho rằng ANC cũng đã phải chịu trách nhiệm một phần. Sau hai năm lắng nghe trong nỗi đau nhức chung của đất nước, TRC hoàn thành nhiệm vụ, một tổng kết dày năm chương được công bố.
Dĩ nhiên Nelson Mandela không phải là thánh. Ông có nhiều khuyết điểm về cá nhân cũng như về các chính sách đối nội và đối ngoại trong nhiệm kỳ duy nhất làm tổng thống. Tổng thống Nelson Mandela không theo đuổi một chính sách đối ngoại phù hợp với quan điểm hòa bình, công lý như ông từng nhấn mạnh. Tình cảm “chống chủ nghĩa đế quốc” khi hoạt động trong ANC bên cạnh đảng Cộng Sản Nam Phi trong thập niên 1950, 1960 còn rất sâu đậm trong ý thức của Mandela. Ông thường lớn tiếng phê bình các yếu tố tiêu cực trong các xã hội dân chủ tây phương nhưng lại im lặng trước sự chà đạp nhân quyền của những tên độc tài bị nhân loại rẻ khinh như Fidel Castro, Muammar Gaddafi, Saddam Hussein. Lý do vì những tên độc tài này tích cực ủng hộ ANC về mọi mặt trong khi các quốc gia dân chủ cũng lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhưng lại không ủng hộ tranh đấu võ trang. Nelson Mandela đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi nhưng làm ngơ trước chính sách diệt chủng của Suharto tại Nam Dương đối với thiểu số Đông Timor. Thậm chí, kiểu áo Batik mà Mandela ưa thích và thường mặc trong các dịp lễ và các buổi tiếp tân quốc tế cũng do Suharto tặng. Trong thời gian Nelson Mandela làm tổng thống 11.7 phần trăm thanh niên Nam Phi bị mắc bị HIV/AIDS nhưng ông không có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chận mãi cho đến khi chính con trai ông ta chết vì bịnh AIDS năm 2005 ông mới nhiệt tình ủng hộ các chiến dịch ngăn ngừa AIDS.
Dù sao, với chỉ một nhiệm kỳ tổng thống trong đó dành phần lớn thời gian để hòa giải và ổn định đất nước thật khó có thể ưu tiên hóa mọi kế hoạch. Khi nhận chức tổng thống, Nelson Mandela thừa hưởng một đất nước phân cực đen trắng trầm trọng. Trong tổng số dân số 40 triệu, 23 triệu sống không có điện nước và hệ thống vệ sinh, 2 triệu trẻ em không có trường học và một phần ba dân số không biết chữ. Tỉ lệ thất nghiệp lên đến 33%. Năm 1994, chính phủ Mandela công bố chính sách y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ có thai. Vào năm 1999, ANC thông báo 3 triệu người đã có đường dây điện thoại, 1.5 triệu trẻ em có trường học, 500 bịnh viện được xây. Đạo luật cải cách ruộng đất 1994 cho phép người dân đòi lại quyền sở hữu đất đai bị tước đoạt dưới thời phân biệt chủng tộc. Từ ngay giai đoạn đầu của nhiệm kỳ tổng thống, Nelson Mandela đã chuẩn bị cho giai đoạn sau Mandela, một sự kiện hiếm thấy trong chính trị Phi Châu. Mandela khẳng định dù dân chúng có đòi hỏi, ông cũng sẽ không tái cử.
Như bà Graça, hiện nay là vợ của Nelson Madela, kết luận dựa theo kinh nghiệm của bà tại Mozambique, không có Nelson Mandela, Nam Phi đã là một hỏa diệm sơn. Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon phát biểu “Nelson Mandela là biểu hiện sống của giá trị cao cả nhất của Liên hiệp quốc. Qua những năm trong tù ông đã duy trì được niềm tin kiên định vào công lý và bình đẳng. Sau khi được tự do, ông đã hòa giải trước hết với những người đã truy tố ông, và dẫn đường hướng đến một Nam Phi đa chủng, dân chủ”. Đại hội đồng Liên hiệp quốc biểu quyết chọn ngày 18 tháng Bảy, sinh nhật ông làm Ngày Quốc Tế Nelson Mandela.
Giữa một xã hội đầy những hố sâu ngăn cách, mục tiêu hòa giải mà Mandela chủ trương và thành công như nhân loại biết hôm nay không phải là con đường tráng nhựa rộng thênh thang nhưng đã trải qua nhiều khó khăn, chướng ngại đến nỗi đã phải bị gián đoạn nhiều lần. Chữa một vết thương trên da thịt đã khó nói chi chữa lành một căn bịnh tinh thần thấm sâu vào trong máu hơn nửa thế kỷ, như trường hợp của Nelson Mandela, hẳn còn khó hơn nhiều. Nelson Mandela chịu đựng cả hai, thân thể và tinh thần, nhưng ông đã tự chữa lành bịnh của mình và dùng phương thuốc bao dung như hành trang lên đường chữa trị căn bịnh của đất nước ông. Tiến trình hòa giải đầy thử thách đó bắt đầu từ chính Nelson Mandela.
Người kêu gọi hòa giải trước hết phải hòa giải được với chính mình, nếu không, đó chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền chính trị được dùng để lừa gạt người khác.
Nelson Mandela đã hòa giải được với một Nelson Mandela trong lòng chất chứa hận thù chủng tộc, với một Nelson Mandela từng chủ trương khởi nghĩa võ trang như con đường duy nhất để xóa bỏ ách thống trị của thiểu số da trắng, với một Nelson Mandela 27 năm sống trong xà lim chật hẹp đầy bóng tối, với một Nelson Mandela đang bị vi trùng lao đục phá hai lá phổi, với một Nelson Mandela thân cộng sản, trước khi hòa giải cả đất nước Nam Phi.
Một đức tính của Mandela có lẽ sẽ mãi mãi gắn liền với lịch sử nhân loại là đức tính khoan dung. Khi còn trẻ Mandela là một thanh niên rất hiếu động đã từng là võ sĩ quyền Anh, luôn phát biểu với giọng sách động nhưng những suy nghiệm trong 27 năm tù đã làm ông thay đổi. Nelson Mandela là người sáng lập quốc gia Nam Phi dân chủ, giống như George Washington của Mỹ, Giuseppe Garibaldi của Ý hay Símon Bolívar của châu Mỹ La Tinh, nhưng khác họ, Nelson Mandela đạt đến dân chủ không bằng những cuộc chiến tranh đẫm máu.
Các cựu tù nhân khi nắm được quyền lực thường đi tìm những kẻ đã từng hại mình, Mandela cũng đi tìm nhưng khác ở điểm không phải để kể tội, trả thù mà để tha thứ.
Cuộc đời rất mong manh và ngắn ngũi, những ai đang sống hôm nay, dù quyền uy hay hèn yếu, dù giàu sang hay nghèo khó, rồi sẽ chết nhưng đất nước sẽ phải còn và mãi mãi còn cho các thế hệ mai sau. Nelson Mandela, vì thế, mãi mãi là ngọn hải đăng của lương tri nhân loại và tấm gương sáng cho lãnh đạo các quốc gia đang chìm đắm trong hận thù phân hóa để mưu cầu một nền hòa bình thịnh vượng lâu dài cho đất nước.
Trần Trung Đạo
Tham khảo:
- Nelson Mandela, Long walk to freedom, Little, Brown and Company, NY 1994, 1995
- Martin Meredith, The Fate of Africa, Public Affairs 2005
- Anthony Sampson, Mandela the authorized Biography, Vintage Books 2000
- Tom Lodge, Mandela a critical life, Oxford 2006
- Peter Limb, Nelson Mandela A Biography, Greenwood Press, Westport, Connecticut 2008
- UN, Nelson Mandela on His Word, United Nations Department of Public Information, June 2010
- Nelson Mandela wikipedia

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"