Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Lãnh đạo đất nước không phải đặc quyền của riêng ai

Vương Trí Dũng
Quản lý đất nước – không phải đặc quyền riêng một nhóm người
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan là một diễn viên. Tổng thống Nga Putin là một điệp viên KGB. Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà vật lý. Có biết bao nhiêu thí dụ chứng minh rằng quản lý nhà nước không phải là nghề riêng của một nhóm người nào đó. Không chỉ những người làm chính trị mới mới được đặc quyền quản lý nhà nước. Vậy mà ở Việt Nam chỉ có đảng cộng sản mới có quyền lãnh đạo đất nước. Quyền lãnh đạo được đảng cộng sản hiến định trong Hiến pháp. Tuy vậy chỉ một nhóm rất nhỏ trong số hơn ba triệu đảng viên cộng sản mới thực sự được tham gia bộ máy điều hành đất nước. Thật phi lý.
Lớp bồi bút
Điều phi lý đó đang bị xã hội lên án. Trong thời gian góp ý sửa đổi Hiến pháp vừa qua, hàng trăm ngàn nhân sỹ trí thức học sinh sinh viên đã cất tiếng nói mạnh mẽ đòi hủy bỏ điều 4 Hiến pháp ghi quyền lãnh đạo đất nước chỉ dành riêng cho đảng cộng sản. Nhà cầm quyền hiện thời đã gọi họ là “Thế lực thù địch”.

Nhiều người nghiên cứu trong các lĩnh vực văn học, toán học, vật lý, công nghệ và kỹ thuật đã tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp cũng như phản biện đối với các chính sách của chính quyền. Đó là quyền lợi và nghĩa vụ đương nhiên của một công dân. Việc tự do thể hiện chính kiến là một tiêu chuẩn dân chủ sơ đẳng. Thế nhưng một số người bảo vệ sự độc trị của đảng cộng sản đã phản ứng một cách rất hoang dã:
1. Một cách hàm hồ, họ gọi những người phản đối sự độc trị của đảng cộng sản là “Thế lực thù địch” và cố tình gán ghép đấy là “Thế lực thù địch” với Tổ quốc. Để từ đó áp dụng những biện pháp trấn áp bao gồm cả tù đày khủng bố. Ngang nhiên trắng trợn, họ tự đồng nhất đảng cộng sản với Tổ quốc.
2. Họ chê bai những trí thức tham gia phản biện là dốt kém chuyên môn mà lại đi phán chuyện chính trị. Họ cho rằng các chuyên gia trong lĩnh vực văn học, toán học và các khoa học khác không đủ trình độ để bàn luận chính sách lãnh đạo quản lý đất nước. Theo cách nhìn của họ thì chỉ những người đang nằm trong đội ngũ cầm quyền hiện nay mới xứng đáng để nói về chính sách quản lý nhà nước, bất chấp trước đó họ xuất thân từ nghề gì.
3. Đi xa hơn, một số còn bảo vệ mù quáng cho chính sách lệ thuộc vào người láng giềng phương Bắc. Họ chửi bới miệt thị tất cả những ai thể hiện chính kiến độc lập tự chủ với Trung Quốc. Vô tình hay cố ý họ đã trở thành lớp bồi bút bảo vệ sự “Bắc thuộc”.
4. Trong số đó, không loại trừ là có cả những người Tàu đang sống đầy rẫy trên khắp đất nước Việt Nam, đã lập ra các trang mạng để đả kích lăng nhục với tất cả những ai muốn có chính sách không phụ thuộc vàoTrung Quốc.
Lãnh đạo đất nước không thể là đặc quyền riêng của đảng cộng sản. Bảo vệ đảng cộng sản là tùy chính kiến từng người. Nhưng vì nó mà biến mình thành bồi bút phục vụ ngoại bang thì không chỉ nhục nhã mà còn có tội với Tổ quốc. Thật là nguy hiểm khi trong lòng đất nước chúng ta lại đang hình thành lớp bồi bút như vậy.
V.T.D.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"