Xích Tử
Công cuộc phòng, chống tham nhũng năm 2013 của Việt Nam tiếp tục thất bại, dẫm chân tại chỗ, thụt lùi và có phần bế tắc vì những cơ chế vận động đặc thù của thực tiễn xã hội sau khi việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XI không có kết quả khả kiến và không đạt được các mục tiêu thanh lọc đảng. Sự biến hóa của nhóm lợi ích và lợi ích nhóm cùng mối quan hệ cấu kết hòa lẫn quyền lợi chính trị - kinh tế của những nhóm này với các tổ chức và cá nhân quyền lực đảng – nhà nước trong hoạt động kinh tế - chính trị, sự bất hợp lý trong phân cấp quyền lực và quản lý lợi ích giữa trung ương và các địa phương cùng với hiện trạng bất cập, thiếu nhất quán, đồng bộ, và hiệu lực của hệ thống pháp luật, sự thiếu độc lập và không minh bạch, rạch ròi về chức năng của các cơ quan trong hệ thống tư pháp đã dẫn đến tình trạng ngày càng sa sút về chất lượng của nhà nước pháp quyền trong lãnh đạo, quản lý và quản trị quốc gia nói chung và xử lý nạn tham nhũng nói riêng.
Tình trạng đó đã được phân tích, báo động trên diễn đàn chính thống của các cuộc họp Quốc hội, ban chấp hành trung ương đảng, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức chức năng liên quan; đến nỗi, trong một phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Chủ tịch phải ta thán rằng, tham nhũng phát hiện nhiều, nhưng có thấy xử lý gì đâu. Rồi chất vấn về tỉ lệ án treo cao trong các vụ xử án tham nhũng. Rồi chất vấn liệu cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng không v.v...
Tham nhũng là hiện tượng chung, hình thành theo qui luật chung của các hình thái chính trị - nhà nước; song mức độ chất lượng phòng, chống, xử lý hiện tượng này lại là đặc thù của mỗi quốc gia.
Việt Nam là một trong những quốc gia trong nhiều năm vừa qua được các tổ chức quốc tế và theo cảm nhận, trải nghiệm của người dân trong nước được đánh giá là thuộc top đầu của tham nhũng và thiếu hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Đó là đặc thù Việt Nam. Hiện trạng đặc thù đó không thể đổ lỗi cho truyền thống văn hóa đạo đức hoặc mặt bằng dân trí được như cách thường dùng để giải thích các “đặc thù” khác, chẳng hạn khái niệm dân chủ, nhân quyền. Chưa ai đánh giá nguyên nhân của tham nhũng từ truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc. Cũng không thể vin vào tình trạng nghèo để giải thích về tham nhũng vì có những nước nghèo hơn Việt Nam nhưng tình trạng đạo đức, văn hóa xã hội nói chung và hiện tượng tham nhũng của họ nói riêng còn khá hơn nước ta. Vậy thì chỉ còn một địa chỉ để giải thích cho hiện trạng suy đồi của đất nước chính là toàn bộ thiết chế tinh thần (tư tưởng, chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật...và hệ thống chuẩn mực, giá trị chứa trong đó) và hệ thống tổ chức, bộ máy, cơ chế vận hành hệ thống trên vào cuộc sống do thể chế chính trị tạo ra. Nói tóm lại, hệ thống chính trị, cao nhất là đảng cộng sản, với tư cách là người tạo lập, xây dựng, hình thành, lãnh đạo, quản lý, sử dụng các công cụ tinh thần và vật chất để cai trị xã hội Việt Nam mấy chục năm qua, qua những điều chỉnh, sửa đổi, củng cố cũng chỉ tự mình làm ra, là chủ thể chính và là nguyên nhân nhất quyết của tình trạng suy đồi, tham nhũng của đất nước.
Các biểu hiện cụ thể từ cái nguyên nhân gốc có tính hệ thống đó như sau:
1. Cả tin và dựa vào chủ nghĩa Mác – Lê nin về triết học, chính trị, đạo đức; thiết lập một xã hội đức trị nửa vời theo kiểu tự giác phê bình, tự phê bình kết hợp với bạo lực trực tiếp phi pháp nhằm tạo ra sự đe dọa và sợ hãi cho nhân dân; xóa bỏ văn hóa đạo đức truyền thống của dân tộc được hình thành từ nền tảng xóm làng, họ hàng, gia đình, và kể cả kiểu yêu nước “phi vô sản”, ý thức công dân của Tây Âu được du nhấp từ 1858 đến 1945 và tích hợp vào hiến pháp 1946, vốn là những yếu tố có thể kế thừa để làm lành mạnh, hỗ trợ tốt cho xã hội pháp quyền hiện đại.
2. Ngoan cố, bảo thủ do dốt nát hoặc tham lam, hoặc hèn nhát, duy trì phi lý và quá lâu phạm trù chủ nghĩa xã hội trong định hướng phát triển đất nước, dẫn đến phải giữ vô điều kiện độc quyền lãnh đạo của đảng nên không tiến nhanh được trong việc xây dựng hệ thống pháp luật theo yêu cầu của nhà nước pháp quyền nói chung, đặc biệt là những bộ luật liên quan đến bảo đảm quyền tự do, dân chủ, nhân quyền của công dân, bảo vệ và tạo điều kiện cho công dân tham gia việc quản lý đất nước, tự bảo vệ mình, chống những cái xấu, cái sai, chống tham nhũng.
3. Cố ý bỏ qua nhận thức về chân lý quyền lực là tham nhũng, quyền lực tuyệt đối (kể cả độc tài toàn trị, độc tài đảng trị) tạo ra tham nhũng tuyệt đối nên không có những quyết sách phù hợp để chống tha hóa quyền lực chính trị và tham nhũng. Có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dung túng hoặc tham gia tham nhũng (đánh giá về một bộ phận không nhỏ trong nghị quyết trung ương 4 khóa XI chính là sự thú nhận này); kể cả những người lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước, của cơ quan phòng chống tham nhũng, thanh tra cũng không loại trừ khả năng bị nghi ngờ này. Đã rất lâu, câu hỏi đặt ra là tại sao với lương như vậy, đảng viên cán bộ công chức vẫn có tài sản lớn bằng nhà đất, xe cộ, cổ phần, tài khoản, cho con tự túc du học nước ngoài đã trở thành vấn nạn; đảng đã nghe, đã biết nhưng không xử lý hoặc không biết xử lý. Từ đó, lâu ngày, có thể suy ra rằng đảng tạo lập một hệ thống tất yếu xảy ra tham nhũng, rồi phòng chống lấy lệ, ngấm ngầm duy trì nó để nuôi lại hệ thống vì không thể cải cách chế độ thu nhập công khai, hợp pháp từ ngân sách nhà nước; từ đó, tạo ra một sự phấn đấu khích lệ giả tạo đối với cán bộ để dẫn tới chạy chức chạy quyền chạy vốn chạy bằng cấp để hưởng bổng lộc, hoa hồng..., cũng là tham nhũng đẻ ra tham nhũng.
4. Bất lực trong việc phòng chống tham nhũng vì những lý do trên, và vì không kỷ luật do sợ oán thù; kỷ luật hết thì lấy đâu ra cán bộ!
v.v..
Năm 2013, lại tiếp tục kê khai tài sản để thực hiện minh bạch. Bản kê khai dài đến hàng chục trang giấy A4; số người có trách nhiệm kê khai chiếm đến 1/3 trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; dĩ nhiên tất cả là đảng viên. Nội dung bao gồm cả nhà đất, tiền, đồ vật quí, xe cộ vật tư công trình, cây cảnh...trong nước và ở nước ngoài. Thời gian, công sức, giấy tờ phục vụ kê khai đó chắc tính ra sẽ là một khối lượng lớn, song trong bối cảnh không có những thành tố có giá trị công cụ mạnh của hệ thống bị cố tình làm hỏng nói trên, phỏng khối lượng lớn đó có tác dụng gì. Rồi cũng chỉ vừa đánh lừa nhân dân, vừa gây tốn kém cho nhân dân.
Việc kê khai đó, cùng với những cố gắng gãi ngứa ghẻ khác như không bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện, tỉnh là người địa phương, đảng đã tự thú rằng đạo đức tự giác cộng sản chủ nghĩa của người đảng viên cộng sản, phương thức tự phê bình và phê bình, pháp luật xã hội chủ nghĩa đã không đủ khả năng làm cho đảng viên tốt, rằng đảng viên cộng sản là những người xấu và vi phạm pháp luật tiềm năng.
Vậy thì khẳng định bản chất, truyền thống vai trò tốt đẹp dủa đảng trong hiến pháp là dựa vào cái gì hay đó cũng chỉ là những điều hão huyền nhằm đưa đẩy đến hành vi trấn lột, cưỡng chiếm quyền lãnh đạo. Đã đúng như vậy, đây là sự tham nhũng lớn nhất trong đời sống đất nước: đòi hỏi nhân dân tiêu tốn sự hy sinh, sự chịu đựng mất dân chủ tự do, chấp nhận sự giả vờ biểu quyết đồng thuận với cái mà mình thấy không cần thiết, không chính danh, không can dự chỉ vì sợ hãi do bạo lực, đe dọa. Hiến pháp cũng tham nhũng.
Xích Tử