Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Hiến Pháp 2013, một văn bản vô giá trị

Việt Hoàng
“…Tuy nhiên, qua sự kiện này, tôi cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã thành thật hơn với bản thân mình. Họ ít nhất cũng đã dám chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng đến người dân Việt Nam và đặc biệt là với trí thức Việt Nam rằng: “Chúng tao là thế đó, chúng mày làm gì được chúng tao”!...”
Đúng như dư luận Việt Nam dự đoán, Hiến Pháp 1992 (sửa đổi) đã được tuyệt đại đa số các đại biểu quốc hội bấm nút nhất trí thông qua trong một ngày “lịch sử” với 97,59% số đại biểu tán thành, ngày 28/11/2013. Có ý kiến cho rằng chưa chắc bản Hiến Pháp 2013 sẽ được thông qua vì rằng: Nếu quyền lực từ nay trở đi chỉ thuộc về một người duy nhất là “chủ tịch nước” thì cán cân cân bằng giữa các nhóm lợi ích tại Việt Nam, mà bốn nhóm lợi ích lớn nhất do “tứ trụ triều đình” đang nắm giữ sẽ bị phá vỡ. Thứ hai, nếu không như thế thì có nghĩa là người giữ chức vụ “chủ tịch nước” trong tương lai sẽ là người do Bắc Kinh lựa chọn. Điều này có nghĩa là Việt Nam đã mất chủ quyền hoàn toàn về tay Trung Quốc.
Thật lòng mà nói, tôi tin rằng bản Hiến Pháp 2013 sẽ được thông qua một cách dễ dàng. Vì nhìn thấy nguy cơ xâu xé bạo loạn có thể xảy ra sau này, con người có chút lương tri không nghĩ rằng đảng cộng sản Việt nam có thể làm những điều tệ hại đến như vậy. Với tôi và những người đã sống dưới chế độ này thì tất cả đều hiểu rằng không có gì mà đảng cộng sản không dám làm, miễn là duy trì được sự cầm quyền vô thời hạn cho họ.

Tuy nhiên, qua sự kiện này, tôi cho rằng đảng cộng sản Việt Nam đã thành thật hơn với bản thân mình. Họ ít nhất cũng đã dám chuyển tải một thông điệp rất rõ ràng đến người dân Việt Nam và đặc biệt là với trí thức Việt Nam rằng: “Chúng tao là thế đó, chúng mày làm gì được chúng tao”! Nếu tôi là ông Nguyễn Phú Trọng thì trong bản sửa đổi Hiến Pháp lần này tôi sẽ công nhận tất cả những gì mà giới bất đồng chính kiến Việt Nam yêu cầu, ví dụ: Đa Đảng, tam quyền phân lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tự do cho xã hội dân sự v.v... Chỉ cần thêm một câu “theo qui định của pháp luật” là đủ.
Nhiều người Việt Nam cho rằng bản Hiến Pháp năm 1946 là “chuẩn nhất” và các lần sửa đổi Hiến Pháp sau này (5 lần) là không theo kịp “tinh thần” của bản Hiến Pháp năm 1946? Theo tôi thì đây là “những người thích đùa”. Bản Hiến Pháp 1946 ra đời khi Việt Nam vừa mới giành được độc lập và chính phủ khi đó là một chính phủ đa đảng với sự góp mặt của các đảng đối lập như Việt Quốc (Việt Nam Quốc Dân Đảng) và Việt Cách (Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội). Trong “chính phủ Liên hiệp” này thì hai đảng đối lập lớn nhất là Việt Quốc và Việt Cách đã dành được 70 ghế trong Quốc hội và bốn bộ là: Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội và Canh nông. Tuy nhiên sau vụ án do Việt Minh tạo dựng là vụ Ôn Như Hầu thì Việt Minh (tiền thân của đảng cộng sản Việt Nam) đã xóa sổ và tiêu diệt hoàn toàn hai đảng đối lập này. Hiến Pháp 1946, với tất cả những lời lẽ tốt đẹp cũng đã mất hết tác dụng từ đó.
Không chỉ với hiến pháp 1946 mà với tất cả những Công Ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết sau này cũng chỉ là trò ma giáo. Ký cho vui vậy thôi chứ có bao giờ họ thực thi theo những gì đã cam kết đâu? Ví dụ như bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền. Đây là một văn bản quan trọng, là “tuyên ngôn về các quyền cơ bản của con người” được Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 tại Paris, Pháp với 30 điều. Trong điều khoản cuối cùng của bản Tuyên ngôn có viết "Không được phép diễn giải bất kỳ điều khoản nào trong Bản tuyên ngôn này theo hướng ngầm ý cho phép bất kỳ quốc gia, nhóm người hay cá nhân nào được quyền tham gia vào bất kỳ hoạt động nào hay thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm phá hoạibất kỳ quyền và tự do nào nêu trong Bản tuyên ngôn này". Đảng cộng sản Việt Nam luôn đưa ra chiêu bài là “không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền” để tránh né thực thi các điều khoản đã ký kết trong Công ước quốc tế này.
Hiến Pháp 1946 cũng vậy, nó có đầy đủ các tiêu chuẩn của một nhà nước dân chủ và pháp quyền như điều 69: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật…” Thế nhưng đã 68 năm trôi qua các quyền cơ bản của người dân Việt Nam như quyền “tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin, quyền hội họp, lập hội, biểu tình…” vẫn chưa được thực thi vì “quy định của pháp luật” vẫn chưa có.
Giả sử bây giờ quốc hội Việt Nam có sửa đổi Hiến pháp 2013 thành Hiếp pháp 1946 thì kết quả cũng không có gì thay đổi. Mọi chuyện vẫn cứ “vũ như cẩn”. Ông Nguyễn Gia Kiểng, vốn là một người rất ôn hòa cũng đã đau đớn thốt lên rằng “Đảng cộng sản tuyên chiến với dân tộc và nhục mạ trí thức”. Thực tình thì 68 năm nay đảng vẫn thế, vẫn cứ nhục mạ trí thức và tuyên chiến với cả dân tộc Việt Nam mà có ai làm được gì họ đâu?
Có lẽ đã đến lúc, giới trí thức Việt Nam cần làm một cái gì đó thiết thực hơn là chuyện viết kiến nghị để khỏi tủi hổ là giới trí thức. Đảng cộng sản Việt Nam đã quá coi thường người dân và giới trí thức tinh hoa Việt Nam qua việc khẳng định một cách ngạo mạn rằng họ sẽ là người cai trị vĩnh viễn đất nước này, bất chấp người dân Việt Nam khổ cực ra sao.
Nói “không” với bản bản Hiếp Pháp này là điều đương nhiên, tuy thế vẫn chưa đủ. Giới trí thức tinh hoa Việt Nam cần có một thái độ dứt khoát với bản hiến pháp hoàn toàn vô giá trị này.
Việt Hoàng

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"