Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Bắt đầu từ việc cải cách tư duy và tầm nhìn lãnh đạo

Nguyễn Khánh Trung

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình tại Hội thảo
Tôi viết những dòng này sau khi đã dự Hội thảo “Khởi nghiệp - kiến quốc, công thức thành công từ các cường quốc và bài học cho Việt Nam” tại Dinh Thống Nhất ngày 23/11/2013. Các học giả, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng với rất đông thanh niên tề tựu để thảo luận về hiện tình đất nước cũng như để nghe những bài học thành công từ các quốc gia phát triển gần gũi xung quanh chúng ta như Dubai, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel...

Những câu hỏi về hiện tình đất nước
Trong rất nhiều những phát biểu, tôi và có lẽ rất nhiều người khác ấn tượng nhất, nhớ nhất là những câu hỏi đại ý: Một Dubai chỉ hơn 2 triệu dân, sống trên một sa mạc, vậy mà có thể phát triển thần kỳ trong vòng 20 năm, còn Việt Nam thì sao? Hay từ một làng chài nghèo của Malaysia, Singapore đã vươn lên đứng trong tốp hàng đầu thế giới, trong khi Việt Nam có “rừng vàng biển bạc”, có một vị trí thuận lợi, có một lực lượng lao động đông, trẻ lại không thể? Điều gì khiến Hàn Quốc từ một đống đổ nát do nội chiến trong thập niên 1950, đã trở thành một trong mười cường quốc trên thế giới hiện nay, trong khi Việt Nam vẫn nghèo khổ mặc dầu chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm?
Những câu hỏi đặt ra không thể không suy nghĩ. Tại sao? Yếu tố nào đã cản trở chúng ta? Kinh nghiệm rút ra từ bài học của các nước xung quanh đều cho thấy, những yếu tố đóng vai trò quyết định nhất, đó là tầm nhìn, là quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo, là giáo dục.
Cũng trong hội thảo này, trong lời đề dẫn của mình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói đại thể: Việt Nam đang trong một giai đoạn quan trọng buộc phải lựa chọn. Trước mặt chúng ta có hai con đường: một là chúng ta phải bứt phá để đi lên; hai là chúng ta dẫm chân tại chỗ, cũng đồng nghĩa với chấp nhận sự tụt hậu. Các vấn đề lớn của xã hội đang bộc lộ qua những câu chuyện hằng ngày mà bất kỳ ai lưu tâm cũng có thể thấy rõ sự đi xuống của xã hội. Các thống kê so sánh của các tổ chức trong thời gian gần đây đã phản ánh vị trí thua kém của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như Ngân hàng thế giới trong “Đánh giá giáo dục và nguồn nhân lực của các quốc giá châu Á 2000 – 2012” đã xếp Việt Nam thuộc tốp cuối bảng, chỉ trên Lào, Campuchia và Miến Điện.
Vấn đề cốt lõi của giáo dục
Không có quốc gia nào phát triển mà không có nền giáo dục phát triển, bởi lẽ giáo dục là nơi tạo ra nguồn nhân lực mà nhân lực là yếu tố quyết định sự thành bại của một xã hội. Nhìn vào hiện tại, vào thực trạng của nền giáo dục hiện nay, tôi thấy bi quan cho tương lai. Giáo dục của chúng ta thay vì là nơi phát triển, dưỡng dục vun trồng tâm hồn, trí tuệ của con trẻ, lại đang tước bỏ nơi những khả năng, những tính cách có riêng ở từng cá thể để rồi cho ra lò những sản phẩm đồng loạt tương tự nhau. Nhà trường phổ thông tựa như một dây chuyền sản xuất, nơi đó người thầy chỉ đóng vai trò của một người “thợ dạy”, chỉ biết tìm cách nhồi nhét vào đầu trẻ những kiến thức đã được thiết kế sẵn theo ý của một số người. Hành động này cũng như việc bắt tất cả trẻ em trong cả nước ăn cùng một thứ thức ăn, cùng một thực đơn theo gu của một nhóm người bất chấp sự khác biệt nơi từng đứa trẻ, mặc kệ sự riêng biệt trong văn hóa ẩm thực vùng miền.
Đơn giản là, khi đã tự đặt mình vào một cái khung, con người sẽ mất tự do, tư duy con người sẽ bị giới hạn vì chẳng còn thấy rõ những con đường khác, những tư tưởng khác để có thể so sánh đối chiếu, để kích thích não bộ suy nghĩ, sáng tạo tìm tòi những điều mới.
Một dân tộc sẽ không thể phát triển được nếu cố tình đào tạo ra các công dân tương tự nhau về cách tư duy và hành động, hướng tất cả người trẻ vào một cái khung duy nhất, vào một chủ nghĩa có sẵn. Đơn giản là, khi đã tự đặt mình vào một cái khung, con người sẽ mất tự do, tư duy con người sẽ bị giới hạn vì chẳng còn thấy rõ những con đường khác, những tư tưởng khác để có thể so sánh đối chiếu, để kích thích não bộ suy nghĩ, sáng tạo tìm tòi những điều mới. Tại các nước có nền giáo dục phát triển nhất, người ta không sử dụng một triết thuyết duy nhất nào để bắt tất cả người học phải bám theo, nhưng trên hết, họ tìm cách phát triển tư duy độc lập, khả năng và thói quen phản biện nơi học sinh để các em có thể dùng lý trí của riêng mình soi rọi vào các vấn đề của bản thân và cộng đồng, đủ năng lực để giải quyết chúng, cũng như có năng lực để cùng với những người khác kiến tạo ra những cái mới cho xã hội.
Những vấn đề của giáo dục mà báo chí nêu hằng ngày chẳng qua là biểu hiện của “lỗi hệ thống”. Bao nhiêu năm qua, chúng ta đã loay hoay, cam chịu làm nô lệ cho chính cái lỗi hệ thống đó, mà không đủ dũng cảm vượt thoát ra để đưa dân tộc đi lên.
Ba mươi năm trước, Đài Loan cũng y hệt như chúng ta hôm nay trong từng chi tiết từ quan niệm tư tưởng của các nhà lãnh đạo, cách thức tổ chức giảng dạy, cách thức biên soạn nội dung chương trình giảng dạy, cách thức tổ chức các hội đoàn trong trường học, cách thức kiểm soát sinh viên và giáo sư. Ngày nay Đài Loan phát triển, đặc biệt có một nền giáo dục đại học hùng mạnh trong khu vực. Đây không phải là một món quà từ trên trời rớt xuống, mà là kết quả của cả một quá trình phấn đấu cho sự tiến bộ, nhất là nhờ vào sự sáng suốt, biết vì dân vì nước của vị tổng thống Tưởng Kinh Quốc (Trần Văn Đoàn, Kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học Đài Loan, Tọa đàm tại IRED ngày 15/11/2013).
Giải pháp căn cơ
Trong tình trạng cấp bách hiện nay, thiết nghĩ, các nhà lãnh đạo hãy dũng cảm thay đổi một cách “căn bản và toàn diện” về tư duy của mình trước khi tiến hành “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”. Nếu không, dự án đổi mới giáo dục sắp tới theo tôi lại sẽ là một loạt thay đổi chóng mặt mà cuối cùng vẫn là bế tắc như bao nhiêu năm qua mà thôi.
Chúng ta phải làm như các nước tiến bộ là hãy áp dụng nguyên tắc “thế tục” (laicité) trong hệ thống giáo dục công để đảm bảo rằng các công dân tương lai không phụ thuộc vào bất kỳ một cái khung duy nhất nào. Các em sẽ theo khuynh hướng nào, lựa chọn cái khung nào, hay tự tạo ra một đường đi mới đó là quyền của người trẻ sau khi đã trưởng thành.
Nhà trường phải đề cao giáo dục đạo đức, đó là giáo dục tinh thần dấn thân và trách nhiệm đối với cộng đồng, đó là thái độ tôn trọng sự khác biệt và những ứng xử phù hợp để có thể sống trong một xã hội với bản chất là “chín người mười ý”.
Nhiệm vụ của nhà trường là dưỡng dục vun trồng các mầm non của đất nước lớn lên một cách toàn diện theo cách riêng của từng con trẻ như nhà nông chăm chút cho các mầm non tự lớn lên, chứ không nên là một dây chuyền sản xuất hàng loạt như cách chế tạo robot. Nhiệm vụ của trường học là làm cho các em có đầy đủ khả năng minh định về bản thân, về thời cuộc để thực hiện những lựa chọn, hay trang bị cho học sinh khả năng để có thể tự các em thiết kế, phát triển cuộc đời của chính các em và qua đó góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Nhà trường phải đề cao giáo dục đạo đức, đó là giáo dục tinh thần dấn thân và trách nhiệm đối với cộng đồng, thái độ tôn trọng sự khác biệt và những ứng xử phù hợp để có thể sống trong một xã hội với bản chất là “chín người mười ý”. Xã hội nào cũng có những giá trị tiêu chuẩn, nó đóng vai trò như chất xi măng gắn kết các thành phần xã hội lại với nhau, tạo thành những quan điểm chung, những ký ức chung, những chuẩn mực và rộng hơn là nền văn hóa chung. Giáo dục có trách nhiệm bảo tồn và chuyển tải những giá trị tiêu chuẩn tốt đẹp được lựa chọn từ thế hệ trước tới thế hệ sau. Các giá trị tiêu chuẩn được lọc chọn phải là dung hòa và kế thừa các giá trị tiêu chuẩn chung của nhân loại, của thế giới tiến bộ, nó phải đặt con người làm trung tâm, các quyền con người phải được tôn trọng.
Giáo dục cũng phải xem trọng và dựa trên tinh thần khoa học, kỹ thuật, lề lối kỹ trị, tính chặt chẽ trong cách tư duy, cách tổ chức và làm việc.
Chỉ khi thực hiện tốt những điều này mới mong đào tạo được những nhà khoa học, những nhân cách lớn nhằm đưa đất nước đi lên cũng như để góp phần mình vào xây dựng thế giới này. Chỉ như vậy mới mong phát triển tối đa trí tuệ tiềm ẩn của hàng chục tiệu công dân tương lai, tạo thành nguyên khí quốc gia thúc đẩy sự phát triển.
Tóm lại, theo tôi, muốn đưa đất nước vượt thoát khỏi tình trạng hiện nay, thực hiện thành công lộ trình cải cách trong giáo dục, việc đầu tiên nên làm là các nhà lãnh đạo cao nhất phải thay đổi lề lối tư duy, thay đổi tầm nhìn nhằm có một viễn kiến chính xác, không tách biệt với đường đi chung của nhân loại. Từ đó mới đưa ra những mục tiêu giáo dục quốc gia và các địa phương, thiết kế lại nội dung chương trình và cách thức tổ chức giảng dạy thi cử trong nhà trường.
N.K.T.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"