Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Sự phản bội và nỗi trăn trở

Phạm Ngọc Cương

Nhà nước được xây dựng để bảo vệ giai cấp thống trị hay để quản lý tốt xã hội? (Ảnh: Internet)
Trong cương lĩnh chính trị 2/1930 tại Hương Cảng Đảng CS Việt Nam tuyên bố sẽ làm cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng ruộng đất. Việt Nam tự do (phản đế – dân tộc) và người cầy có ruộng (phản phong – dân chủ). Phải nói đó là một cương lĩnh chính trị sáng suốt. Ở đây nếu có sai thì chỉ sai về phương cách thực hiện, khi lạm dụng bạo lực cách mạng và công cụ chuyên chính không chỉ với thù ngoài mà cả với anh em trong nhà. Một đất nước cả 72 năm bí bách và luôn thất bại trong phương án tìm kiếm độc lập (từ năm 1858 Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng tới năm 1930 thành lập ĐCS) thì hướng dùng bạo lực để giải bài toán dân tộc là có thể hiểu được. Truyền thống quật khởi và khát khao dân tộc tự chủ luôn là một nhu cầu từ tâm khảm mỗi người dân Việt.

Tuy thế Đảng cộng sản còn hiểu rõ rằng lòng yêu nước dẫu cao vậy vẫn chỉ như một loại dầu gió, chưa đủ đô chiến thắng sức mạnh bạo lực của nhà nước đô hộ. Chỉ có lời hứa cấp ruộng cho hơn 95% dân chúng sống nhờ ruộng mới có thể tạo ra một quần chúng hừng hực làm cách mạng. Tự thân của khẩu hiệu này đã đánh trúng vào gốc tư hữu tiềm ẩn trong mỗi con người nói chung và người nông dân Việt nói riêng. Chỉ tiếc rằng Việt Minh – một tổ chức đã biết cách làm thành công tuần lễ vàng, hũ cơm kháng chiến, chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm lại không biết cách làm cải cách ruộng đất theo hướng văn minh là vận động, áp thuế, ra chính sách điều chỉnh là chính mà lại đi tiến hành theo phương án phô diễn bạo lực. Còn đâu dòng suối nhân bản, cao thượng trong hành sử của cha ông khi từ thế kỷ thứ XV Nguyễn Trãi đã xác quyết:
“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo”
Khi cần hô hào quần chúng lao khổ cương lĩnh đảng là “không khi nào nhượng một chút lợi ích gì của công nông”.
Nhưng hôm nay, lịch sử đã sang trang, bà đỡ của nền đại công nghiệp ở Việt Nam đã đến và chuẩn bị hành nghề: phương thức sản xuất công nghiệp mới đang hình thành. Xây cao ốc bán, cho thuê nhà xưởng đều có giá hơn canh tác lúa gạo. Mâu thuẫn xã hội một lần nữa chỉ là bề nổi của sự thay đổi phương thức sản xuất. Khi bữa cỗ tích lũy tư bản đỏ cần được soạn lên mâm thì người nông dân phải thành vật tế thần nghiệt ngã cũng là lẽ thường. Là sản phẩm nối dài và tất yếu của cách làm kinh tế XHCN: cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, đổi tiền, bán bãi vượt biên… năm xưa nay là cưỡng chế giải tỏa, là đàn áp, bắt bớ, tù đầy, dùi cui và lựu đạn cay…Âu cũng là điều dễ hiểu!
Buồn là dân mình sau ngần ấy năm sống với chính quyền ấy mà không tỉnh, có quá nhiều dân vẫn còn cả tin nuôi hy vọng nên không chỉ vỡ mộng, mất trắng nhà cửa ruộng vườn mà còn thiệt thân. Cách làm thời công nghiệp hóa vẫn trên cơ sở bổn cũ soạn lại. Đó là soán đoạt và ép buộc chứ không phải thuyết phục, hợp tác và chia sẻ lợi nhuận…Vì thế mà trên đất nước đã vắng bóng quân thù hơn 30 năm, người dân phải chít khăn tang đi làm đồng. Họ đã nghe thấy trong hơi thở của đất tiếng dọa hồn của tương lai!
Rất nhiều lần tôi thấy trên báo chí, nghị quyết nọ kia của nhà nước và đảng nói về sự chống phá của các thế lực thù địch, cảnh giác nọ, cảnh báo kia. Ở hải ngoại thì các sinh họat cộng đồng luôn nói về sự phá hoại của các tổ chức cộng sản nằm vùng. Thật đau lòng khi thấy người Việt còn cắn xé nhau và khi làm việc yếu kém thì đổ vấy tội cho nhau.
Chỉ biết rằng ba triệu người ở nước ngoài đó cũng khó có tư chất gì đặc biệt hơn so với họ hàng nơi quê nhà, đã không thể cầm theo mảnh đất nào của Tổ quốc khi ra đi để chia lô hay ăn tiền giải tỏa, không bán đi giọt dầu, cục than hay gram bôxít nào của đất nước, cũng không tận dụng được sức nhân công rẻ mạt nào của hơn 80 triệu bà con nơi quê nhà mà vẫn có TỔNG THU NHẬP CAO HƠN TỔNG GDP Ở QUỐC NỘI.
Và mỗi năm vẫn tích cóp gửi về quê hương cả 8-10% thu nhập của mình. Hiểu, giải thích hiện tượng này thế nào cho đúng? Người Việt chưa có khả năng tự tổ chức cho mình một mô hình phát triển kinh tế, quản lý xã hội hiệu quả?
Thực tế là chính phủ Việt Nam sau nhiều chục năm vẫn chưa biết cách giải phóng hết tiềm năng con người Việt.
Năm 1991 khi Liên Bang Xô Viết đang tan ra từng mảng lớn, nói chuyện với các viện sỹ hàn lâm lỗi lạc của họ tôi có hỏi là họ đánh giá thế nào về Lê Nin và Stalin. Họ nói là đánh giá một di sản chính trị cần phải dựa vào cái hệ thống mà nhân vật ấy nhào nặn ra và để lại cho hậu thế. Về mặt này Stalin thành công hơn Lê Nin nhiều. Tuy nhiên một hệ thống chính trị tốn bao xương máu mà sụp đổ sau có 70 năm chứng tỏ cái viễn kiến chính trị của những người sinh đẻ ra nó là quá kém.
Kích cỡ vĩ đại của một vĩ nhân không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với kết quả phụng sự dân tộc của họ.
Nhà nước được xây dựng để bảo vệ giai cấp thống trị hay để quản lý tốt xã hội?
Khi cả ngàn cảnh sát được huy động đến huyện Văn Giang để làm cái việc gọi trắng ra là cướp của dân tôi không hiểu nếu cần làm việc đó ở Canada – một đất nước chỉ có 2 cảnh sát trên 1000 dân – thì chính quyền Canada phải huy động cảnh sát của bao nhiêu thành phố và thị trấn nhỏ? Không còn thứ khẩu hiệu mị dân nào che đậy được sự cướp bóc đã thành trắng trợn. Không còn thứ nước thánh nào dù được tận bà Nguyễn Thị Doan phó chủ tịch nước bưng ra: “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân cho dân vì dân… Khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản” đủ sức cho dịu nỗi căm hờn của quần chúng. Người xưa nói người khen mà khen đúng là bạn ta, chê mà chê đúng là thầy ta, người khen ta mà khen sai (khen lấy được) là kẻ thù của ta. Khi đọc câu tuyên bố chắc nịch này đem qui chiếu với thực tế hôm nay và cách đánh giá sự vật của thánh hiền khi xưa thì thấy cách nghĩ của bà này – đại diện cho lớp quan cách mạng hôm nay – quả là cách nghĩ của kẻ thù của dân.
Thật choáng khi dân chúng Bắc Triều đang đói ăn Kim Jong Un làm lễ tưởng niệm cho người cha là Kim Jong Il tại quảng trường mang tên người ông Kim Nhật Thành mà điều tới 70,000 quân.
Cả ngàn cảnh sát tập trung đàn áp dân ở Văn Giang hay cả 70 ngàn quân lính tụ tập ở quảng trường Bắc Hàn biểu thị sự kém cỏi của chính phủ những xứ ấy trong công nghệ trị quốc!
Nỗi sợ của nhà cầm quyền với dân chúng trông thật rõ và lớn biết chừng nào!
Chính phủ văn minh và nhân bản cần phô diễn và tự hào theo kiểu khác. Chính quyền Canada mới thông báo là năm 2012 đóng cửa 3 nhà tù. Vì các nhà tù liên bang hiện có tổng 15 ngàn giường và vẫn còn nhiều giường trống. Vì tỷ lệ tội phạm giảm và những nhà tù cũ không đủ tiêu chuẩn là mỗi tù nhân phải có phòng riêng. Các công ty độc lập luôn làm các trắc nghiệm xã hội. Gần đây thành phố Vaughan (một thành phố vệ tinh của đại đô thị Toronto) đăng tải ý dân. 98% cư dân đánh giá là chất lượng cuộc sống ở đây tốt. 83% dân chúng cho rằng dịch vụ dân chúng nhận được tương xứng với đồng thuế mà họ đóng. 82% dân chúng hài lòng với sự chi dùng của chính quyền thành phố. Vậy mà dù chỉ cần mắc một lỗi nhỏ trước ngày bầu bán không rõ chính quyền đương nhiệm có qua nổi sự khắt khe của dân chúng để đắc cử nhiệm kỳ tới không?
Cuối cùng đất nước ta tuy ở hàng chót cũng đang xếp hàng vào vòng quay công nghiệp hóa. Để tránh tai nạn và văng ra ngoài muốn hay không ta phải hiểu luật chơi. Ở cuộc chơi này căng thẳng nhất là sự thừa mứa việc cung ứng sản phẩm. Một Trung Quốc sản xuất dư thừa toàn bộ hàng trung và thấp cấp cho cả thế giới tiêu dùng. Nếu mất tiêu một nước Trung Quốc thì có Ấn Độ thế chỗ liền. Nếu không có Ấn Độ nốt thì vài nước nhỏ như Srilanka, Bangladesh, Cambodia và Indonesia cho chạy hết công suất thì hàng hóa vẫn đầy ứ mọi hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Công nghiệp ô tô hôm nay thì có công suất gấp 3 đến 4 lần khả năng tiêu thụ. Thiếu toàn bộ nền công nghiệp xe hơi của bất kỳ nước nào dù Mỹ, Nhật hay Trung Quốc thì xe hơi xứ khác vẫn cứ lấp đầy khoảng trống liền và thị trường không vì thế mà có căng thẳng thiếu xe.
Tiếp đó cần hài hòa nhu cầu phát triển và nhu cầu tiêu thụ. Nhu cầu có công việc để bảo đảm cuộc sống và nhu cầu thụ hưởng cuộc sống. Để không thành nô lệ và kẻ làm công muôn đời cho nước ngoài, cách duy nhất là phải đưa xã hội Việt Nam giàu có lên, biến xã hội đó thành một xã hội chăm lao động, tích cực tích lũy và tiêu thụ hợp lý. Muốn bứt phá được vậy thì phải phát huy sức sáng tạo tối đa của mỗi trí tuệ Việt. Chìa khóa để khai thông cách cửa đó là xác lập quyền tư hữu. Thật ngớ ngẩn và phi chính trị khi luật sở hữu trí tuệ – nơi bảo hộ quyền cho thiểu số thông thái – được thông qua từ năm 2005 mà đến giờ còn không thông qua quyền tư hữu đất đai cho quảng đại dân thường. Sự bình đẳng về hành lang pháp lý là sự bảo đảm an toàn và tối đa nhất cho sự tự do tỏa sáng của mỗi cá nhân.
Có những nền tảng đạo đức, phong cách sống cùng lý tưởng có thể đúng trong quá khứ mà lại sai trong hiện tại. Trung thành với một người (vua, chúa, chủ) hoặc một dòng họ, một tôn giáo hoặc một hệ tư tưởng, một đảng phái, một xí nghiệp đều là lỗi thời, con người tự do là con người chỉ trung thành với quyền làm người cho ra con người dù được viết thường hay viết hoa mà tạo hóa đã ban phát. Chân lý đã được khẳng định tới hai lần trong hai bản tuyên ngôn độc lập Mỹ và Việt:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"