Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Thế nào là “người làm chứng” trong vụ án hình sự?

Phóng viên VRNs
CSĐT Công an huyện Lấp Vò đã triệu tập 5 trong số 18 người cùng đi với bà Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh hôm 11/2/2014 và chứng kiến vụ việc từ đầu. VRNs có buổi trò chuyện về quyền lợi và nghĩa vụ của người làm chứng trong vụ án hình sự theo BLTTHS hiện hành.
Như chúng ta đã biết, vào ngày 11 tháng 2 năm 2014, khi một nhóm bạn của anh Nguyễn Bắc Truyển đến nhà gia đình anh tại huyện Lấp Vò để thăm hỏi tình trạng của gia đình anh Truyển khi nghe tin anh và gia đình bị công an Lấp Vò đối xử thô bạo. Trên đường đi, những người bạn này đã bị lực lượng côn đồ, công an mặc thường phục tấn công, đánh đập…và sau đó tất cả 21 người bị bắt giam.
Sau đó, công an đã trả tự do cho 18 người, chỉ tiếp tục giam giữ cho đến nay ba người là anh Nguyễn Văn Minh, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Bà Bùi Thị Minh Hằng. Cồng an Lấp Vò cũng ra quyết định khởi tố ba người này với tội “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”.

Để tìm “chứng cứ gian”, nhằm hợp thức hóa hành vi “vô cớ hành hung người khác” và “bắt giam trái pháp luật”, công an huyện Lấp Vò đã phải đưa lên truyền hình những “nhân chứng” không rõ nguồn gốc, không phải là những người biết rõ vụ việc từ đầu… Để “thuyết phục” hơn, công an đã triệu tập lấy lời khai 5 người gồm: anh Phan Đức Phước, anh Nguyễn Vũ Tâm, ông Tô Văn Mãnh, chị Bùi Thị Diễm Thúy và chị Đỗ Thị Thùy Trang. Đây là những người cùng đi và chứng kiến hành động trái pháp luật của công an, côn đồ sáng ngày 10/3/2014.
Sau khi làm việc với công an, theo thông tin “Cả năm người đều tố cáo nhân viên điều tra có hành động mớm cung và ép cung, tự tiện ghi thêm trên biên bản những điểu mà nhân chứng hoàn toàn không nói tới. Thêm nữa những điều họ chứng kiến, khai ra thì nhân viên điều tra không ghi vào biên bản.”.
Chúng tôi đã mời Cha Giuse Đinh Hữu Thoại, trưởng VP CL&HB DCCT Sài gòn cho ý kiến về vụ việc này.
PV Huyền Trang: Trước hết, xin Cha cho biết một số qui định về điều tra vụ án hình sự nói chung?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Điều 10 Bộ luật Tố tụng Hình sự qui định “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng”. Cơ quan Điều tra là một trong những cơ quan tiến hành tố tụng và Điều tra viên là một trong những người tiến hành tố tụng (Điều 33 Bộ luật TTHS). Trong vụ án hình sự, Điều tra viên được phân công điều tra, người này có quyền lập hồ sơ; triệu tập và hỏi cung; lấy lời khai nhân chứng; quyết định áp giải, dẫn giải; thi hành lệnh bắt, khám xét; khám nghiệm, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra; và tiến hành các hoạt động điều tra khác…(Khoản 1 Điều 35 Bộ luật TTHS). Việc điều tra là nhằm chứng minh có hành vi phạm tội hay không…? Ai là người thực hiện…? Mục đích, động cơ phạm tội? Những tình tiết, tính chất, mức độ thiệt hại gây ra…(Điều 63 Bộ luật TTHS).
PV Huyền Trang: Thưa Cha, như các thông tin truyền Thông Chúa Cứu Thế nhận được và nói ở phần đầu, Cha có nhận định như thế nào về việc “điều tra” của công an huyện Lấp Vò- thông qua việc triệu tập lấy lời khai 5 nhân chứng- mà những nhân chứng này đã không chịu ký biên bản, tố cáo công an điều tra có hành vi mớm cung, ép cung…nhằm kết tội Bà Bùi Hằng.
Lm. Đinh Hữu Thoại: Trước hết, Bộ luật TTHS có thuật ngữ “chứng cứ”, và theo khoản 1 Điều 64 Bộ luật TTHS thì chứng cứ được “dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Vì vậy, người ta hay nói “chưa, hay không có chứng cứ kết tội, đã có đủ chứng cứ kết tội…”.
Trong trường hợp cụ thể Cô Huyền Trang vừa nêu ra, Điều 65 Bộ luật TTHS qui định “để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án…”. Thề nên, công an Lấp Vò triệu tập 5 người (mà họ cho biết là công an xác định họ là nhân chứng) là đúng. Và lời khai của họ được xác định là chứng cứ. (điểm b khoản 2 Điều 64 Bộ luật TTHS).
Vấn đề đặt ra là theo qui định Bộ luật TTHS “chứng cứ phải là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật TTHS qui định…”. Nên nếu “những gì không có thật, hoặc không được thu thập theo trình tự, thủ tục luật định” thì không phải là chứng cứ. Cụ thể, nếu Điều tra viên lấy lời khai của 5 người làm chứng này mà để họ tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai; trước khi lấy lời khai Điều tra viên không giải thích cho họ biết quyền và nghĩa vụ của người làm chứng, hoặc không ghi vào biên bản nội dung giải thích này; hoặc biên bản không ghi theo mẫu qui định, không ghi rõ địa điểm, ngày, giờ, tháng, năm, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc…: Hoặc khi kết thúc, Điều tra viên không đọc lại biên bản cho họ nghe, giải thích cho họ biết quyền được bổ sung và nhận xét về biên bản, hoặc không ghi những nhận xét của họ vào biên bản. Khi họ từ chối ký vào biên bản không ghi lý do từ chối ký của họ vào biên bản. Biên bản không ghi đầy đủ lời trình bày của họ, Điều tra viên tự mình thêm, bớt sửa chữa lời khai của họ…là “không thu thập theo trình tự, thủ tục qui định tại Điều 135, 136, 95, 125 và 132 của Bộ luật TTHS”. Như vậy, biên bản này, ngay cả trường hợp có nội dung gọi là “bất lợi” cho Bà Bùi Hằng thì cũng không được coi là chứng cứ.
PV Huyền Trang: Thưa Cha, như vậy, việc 5 người được triệu tập này họ đồng loạt không ký vào biên bản ghi lời khai của họ với lý do “công an không ghi đúng những gì họ trình bày mà ghi theo ý điều tra viên, theo hướng vu oan, kết tội cho Bà Bùi Hằng”, điều này gây khó khăn như thế nào cho việc “giải cứu” Bà Bùi Hằng? Và Văn phòng Công lý & Hòa bình có hướng dẫn gì cho những người cùng đi với Bà Bùi Hằng vào ngày 11/2/2014 không ạ?
Lm. Đinh Hữu Thoại: Như đã trình bày, lời khai người làm chứng được xác định là chứng cứ, nhưng nguồn chứng cứ thì có nhiều. Trong đó, theo qui định tại khoản 2 Điều 65 Bộ luật TTHS thì “…tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Và “Những tình tiết có liên quan đến vụ án được ghi trong các tài liệu cũng như đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có thể được coi là chứng cứ…” (Điều 78 Bộ luật TTHS). Như vậy, không chỉ 5 người mà tất cả những người cùng đi vào ngày 11/2/2014 ấy cần thu thập hình ảnh, ghi âm (nếu có) và viết “trình bày” sự thật vụ việc, gửi cơ quan tiến hành tố tụng, (hiện là cơ quan csđt công an huyện Lấp Vò). Ngoài ra, theo Văn phòng Công lý & Hòa bình, nếu được triệu tập, những người làm chứng cần biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình, đòi hỏi thực hiện đúng Luật định. Trường hợp Điều tra viên ghi sai lời khai, người làm chứng có quyền ghi “bổ sung, sửa chữa”, “khiếu nại, yêu cầu, đề nghị”, “nhận xét” vào biên bản và ký tên hoặc ghi lý do không ký tên. Cần nhấn mạnh là “khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án” không chỉ là quyền – trong trường hợp này- mà còn là nghĩa vụ của người làm chứng theo luật định tại điểm b khoản 4 Điều 55 Bộ luật TTHS.
Trước mắt, 5 người được công an triệu tập vừa rồi, cần có văn bản tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của điều tra viên, như thêm, bớt, sửa đổi, không ghi hoặc ghi không đúng lời khai… cố ý làm sai lệch nội dung biên bản nhằm qui kết tội cho người không có tội.
Cần nói thêm, theo qui định tại điểm c khoản 3 Điều 55 Bộ luật TTHS, người làm chứng có quyền đòi “cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo qui định pháp luật”. Cụ thể, căn cứ Điều 45 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người làm chứng có trách nhiệm trả chi phí cho người làm chứng. Chi phí cho người làm chứng được lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.”. Mức chi phí cho người làm chứng “Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tiền lương, thù lao cho người làm chứng;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí lưu trú;
d) Các chi phí khác theo quy định của pháp luật”.
Được biết, Bộ Tài chính đã đề xuất chi phí “ tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.”.
Như vậy, người làm chứng nếu được triệu tập, có quyền đòi cơ quan điều tra thanh toán chi phí đi lại, ăn ở, tiền lương…
PV Huyền Trang: Vâng, chúng con xin cám ơn Cha Giuse Đinh Hữu Thoại về những chia sẻ hữu ích và thiết thực này.
PV. VRNs

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"