Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Bài 3: Nước mắt Mẹ

Đào Tuấn
Khắc khoải chờ chồng- một chiến sĩ Điện Biên. Đau thương với một con hy sinh ở Khe Sanh, một con hy sinh đâu đó trên đất Quảng Nam, một con hy sinh ở Gạc Ma…Tôi đã tự hỏi lòng mình rằng điều gì đã khiến những bà mẹ Việt có thể hy sinh đến thế, có thể chịu đựng kiên cường đến như vậy.
Tháng 3 năm nay, tôi không còn được gặp bà nữa. Chỉ biết là Mẹ ra đi không hề thanh thản khi cả 3 đứa con liệt sĩ xác thân vẫn còn ở đâu đó ngoài biển khơi, trong rừng thẳm.
Nỗi đau lòng Mẹ
Căn nhà nhỏ. Mảnh sân nhỏ. Căn bếp nhỏ. Nhỏ đến còm cõi. Đơn sơ. Và khiêm nhường. Có cảm giác cái gì cũng nhỏ bé và khiêm tốn trong ngôi nhà của mẹ Hà Thị Vạo trên mảnh đất Lê Hồ, Hà Nam. Nếu có gì đó lớn lao, hẳn cũng không phải là tấm bằng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hay những tấm bằng tổ quốc ghi công hay huân huy chương treo kín những bức tường. Liệt Trần Văn Uống hy sinh ở chiến trường Quảng Nam năm 1968. Liệt sĩ Trần Văn Uộng hy sinh năm 1968 ở Làng Vây, Khe Sanh. Liệt sĩ Trần Văn Bảy, hy sinh ngày 14.3.1988 ở Gạc Ma.

Thắp một nén nhang, và dõi theo liên tiếp những tấm bằng tổ quốc ghi công, tôi như đang thấy thấm đẫm nỗi đau lòng mẹ.
“Chú Bảy đi là thẳng một mạch, bước chân đi là không được về nhà một ngày một phút nào”- người anh, một nông dân lam lũ ngay cả trong cái dáng ngồi bắt đầu câu chuyện.
Khuôn mặt liệt sĩ trẻ măng. Năm đó, anh tình nguyện nhập ngũ. Gia đình có cha là chiến sĩ Điện Biên, 2 anh liệt sĩ, xã đã kiên quyết không cho đi. Người thanh niên trẻ đã xuống tận huyện, gặp Chủ tịch, bấy giờ là “bác” Trịnh Quốc Ý để nằng nặc xin đi bằng được.
Lá thư cuối cùng gửi về cho mẹ, người chiến sĩ năm ấy đã hứa là sẽ mang san hô từ biển Trường Sa về biếu mẹ.
Người anh thứ, Trần Văn Thu, thương binh hạng 2/4 tại mặt trận Vị Xuyên năm “tám tư”, giờ là Phó CA xã nhớ lại. Hôm Bảy lên đường, anh Thu cũng trở về từ quân y viện. Hai anh em lai nhau ra ga Đồng Đăng trên chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa lắp xích của bố. Bảy vui lắm, vừa đi vừa kể chuyện cười. “Mà anh em đàn ông con trai với nhau cũng chẳng nói gì nhiều”. Trước lúc ra đảo, Bảy thư về nói sẽ qua lấy hàng ở Hải Phòng. Linh tính thế nào cả tôi và anh Thịnh đều đã xuống Hải Phòng thăm em.
Nhá nhem tối thì ba anh em gặp nhau trên tàu. Bảy đã đen đi nhiều. Rắn rỏi hơn, chững trạc hơn trong bộ hải quân, áo yếm dãi thủy thủ. 3 anh em ăn cũng với nhau một bữa tối. Ngủ cùng với nhau một đêm. Bảy hồn nhiên lắm, chỉ kể toàn chuyện biển. Không ngờ, đó là bữa tối cuối cùng. Không ngờ đó là đêm cuối cùng. Không ngờ đó là lần cuối cùng.
Con sẽ theo chân chú Bảy
Trần Văn Thu bật khóc. Khóc như cái hồi anh ôm đồng đội trên chốt Vị Xuyên. Khóc như cái ngày này 26 năm về trước gia đình anh thêm một lần tang tóc. Lần thứ ba trong cuộc đời của mẹ.
6h30 chiều 14.3 Đài Tiếng nói Việt Nam đã đọc một danh sách “dài dằng dặc” những người lính trận vong. “Tôi với anh Thịnh cũng ngồi ở cái ghế này. Bồn chồn kinh khủng”. Và rồi chiếc chén trên tay rơi vỡ tan tành khi cái tên Trần Văn Bảy được đọc lên. Anh bỏ cơm. Anh vùi đầu vào đống chăn trong buồng. Người vợ hỏi làm sao. Và anh bảo “Em tao chết rồi”.
“Sao nghe đài rồi bỏ cơm. Hình như các cụ cũng linh tính”- lời anh Thu. Tới 7h30 tối thì “đau thương đè lên nhau”. Khi ấy, mẹ Vạo lẩn thẩn đi ra ngoài sân. “Thôi, thế là mất nó rồi”. Dường như khi quá đau thương thì người ta không còn khóc được nữa.
Điều gì? Điều gì đã khiến những người mẹ có thể chịu đựng được ngần đó nỗi đau?
Người mẹ ấy, trong suốt hơn 20 năm, gặp ai, đoàn nào về cũng chỉ nói cảm ơn. Và sau 2 tiếng cảm ơn là nhắc tới “nắm xương của con tôi”. Người mẹ ấy, trước lúc đi về cõi vĩnh hằng vẫn nắm tay 2 đứa con giai trăng trối “Phải tìm em về”. Và người mẹ ấy, đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn không hề thanh thản, vẫn ân hận rằng chưa tìm được thân xác con.
Ở nghĩa trang Lê Hồ cách đó không xa, 3 ngôi mộ, 2 anh em nằm thẳng hàng, hướng về kỳ đài. Và người mẹ ấy trước lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn được con cháu dìu tới đó thắp hương, dẫu đó chỉ là những ngôi mộ gió.
Nhưng bi thương không che lấp được sự hào hùng dưới mái nhà tranh bé nhỏ nghèo nàn này.
Cháu trai cụ Vạo, Trần Văn Tiến, trước lúc lên đường đã đến nắm tay bà và bảo thế này: “Con sẽ theo chân chú Bảy”. Bà không nói. Chỉ dàn dụa nước mắt nắm chặt tay đứa cháu đích tôn. Tiến cũng gia nhập hải quân. Cũng lữ 125- đoàn tàu không số. Và một lần nào đó, qua Gạc Ma, anh đã thả xuống cùng biển của tổ quốc một đóa hoa.
Hôm chúng tôi đến, chúng tôi gặp một người anh em khác của Tiến, con trai của thương binh Trần Văn Thu là Trần Văn Hùng. Cậu sinh viên ngường ngượng, không giải thích vì lẽ gì đã chọn thi vào ĐH Hàng hải. Khoa lái tàu.
Biển đảo, với người mẹ anh hùng chưa từng biết mùi vị của biển, là mất mát, nhưng cũng là niềm tự hào trong chính nỗi đau thương. Nơi đó, tổ quốc chính là máu thịt của những đứa con.
Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, Trường Sa, hay biển đảo tổ quốc, với những đứa cháu của người liệt sĩ năm xưa gần như là máu thịt, là cảm giác hào hùng trong chính sự hy sinh, dẫu có khi chính họ có khi cũng chẳng bao giờ có ý định định danh điều đó.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"