Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Bắc thang lên hỏi ông trời


 Viết nhân ngày Quốc tế Phụ nữ
Femmes_nues_à_Paris
Năm nay có vài tỷ người được vinh danh đúng vào Ngày 8/3: đó là những người Phụ nữ. Vài tỷ người nhưng là đa số của nhân loại. Cứ mỗi năm tới Ngày Quốc tế Phụ nữ là người ta có dịp đề cặp tới những vấn đề đã từng nói tới từ lâu như bất bình đẳng xã hội, nghề nghiệp, đời sống và khi nói, không phải nói suông mà nói lớn, gào thét trên đường phố của các thủ đô trên thế giới.
Tại Manille, phụ nữ kết hợp thành biểu tượng phụ nữ khổng lồ để đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ. Các bà bảo «Chúng tôi làm biểu tượng đó để tái xác nhận sự dấn thân của chúng tôi nhằm tạo một môi trường tốt đẹp hơn cho phụ nữ, để người phụ nữ thấy tuyệt vời trong sanh hoạt của họ. Đó là cách để họ cải thiện đời sống gia đình và cộng đồng của họ.
Khẩu hiệu của người Phụ nữ năm nay tranh đấu là «Bình đẳng cho phụ nữ, chính là sự tiến bộ cho phụ nữ và cho cả đàn ông»!
Ở Paris, ngày 8/3, phong trào Phụ nữ biểu tình rầm rộ nhưng cũng chỉ là một hiện tượng hòa vào 7300 cuộc biểu tình hằng năm ở Pháp. Bởi Pháp là xứ biểu tình nhiều nhứt thế giới. Mỗi ngày, ở Pháp có không dưới hai mươi vụ biểu tình! Riêng hôm vừa rồi, ngay tại bảo tàng viện Louvre, có 7 phụ nữ xuất hiện bất ngờ, thoát y 100%, biểu tình chống lại sự áp bức phụ nữ ở các xứ hồi giáo, thu hút sự chú ý đặc bìệt của dư luận. Những phụ nữ này không phải của tổ chức Femen từng biểu tình bằng cách thoát y trước đây. Mà đây là một hiện tượng mới. Càng mới hơn vì nhằm vào đối tượng hồi giáo.
Cũng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ, năm nay, phía nguời Việt Nam hải ngoại vinh danh 37 (?) phụ nữ có công tranh đấu cho đất nưóc và nhân quyền, nhứt là thân phận phụ nữ bị nhà cầm quyền cộng sản độc tài Hà Nội đang đàn áp thô bạo và tù đày.
Ở các nước dân chủ tự do tây phương thì người phụ nữ vẫn còn là nạn nhơn của những phân biệt đối xử.
Vì người phụ nữ không giống đàn ông? Khác với đàn ông từ bao giờ? Tại sao có sự khác biệt đó?
Năm 1949, triết gia Simone de Beauvoir đã chỉ ra bản sắc giới tính là một sự cấu tạo của xã hội. Nhưng phải đợi đên khi có quan niệm về phái (genre/gender) để vấn đề mới được đem ra thảo luận .
Từ hai tháng nay
Đúng vậy, từ hai tháng nay, Chánh phủ xã hội chủ nghĩa của Ông Hollande mắc kẹt trong ý niệm «phái/genre», muốn áp dụng thay thế «giới tính/sexe» mà lại không đưa ra được một khái niệm rõ ràng để đa số có thể chấp nhận. Bởi đó là một vấn đề quá trừu tượng đối với đại bộ phận dân chúng.
«Phái/genre» là một ý niệm theo ý hệ thuần xã hội, phủ nhận sự thật sinh lý, từ ít lâu nay được báo chí, truyền thông, sách vở đề cập tới khà ồn ào. Kẻ bênh, người chống gay gắt. Những kẻ chống liên tục xuống đường biểu tình gần cả triệu người phản đối. Họ phản đối mạnh vì vấn đề «phái/genre» được đề nghị đưa vào học đường dạy trẻ con từ mẫu giáo cho chúng nó thấm nhuần. Khi qua hết mẫu giáo, không biết thằng nhóc nhỏ đưa tay rờ ở dưới sẽ nói nó là trai hay gái?
Nói rằng sự khác biệt giữa nam/nữ là một cấu tạo xã hội là cách nói chẳng những khó hiểu mà còn ngược lại với bản năng và khoa học. Nhưng người ta vẫn cố sử dụng nó làm vũ khí chống lại cái nhìn phân biệt cố hữu.
Ở Pháp, mặt trận này khá gay go. Quyển sách xung kích luận về «phái/genre» của triết gia mỹ, Bà Judith Butler, xuất bản năm 1990 ở Mỹ, nhưng bị các nhà xuất bản ở Pháp từ chối bản dịch, mải cho tới năm 2005, nhà xuất bản La Découverte mới chịu ấn hành. Trong Đại học không có chỗ dành cho chương trình nghiên cứu về môn học «phái/genre».
Cách đây hai năm, Trường Cao Đẳng sư Phạm ở Paris (Ecole Normale Sup)
đã có ý định đưa môn này vào chương trình giảng dạy liền bị một Giáo sư nổi tiếng phản đối «Phái/genre à? Người ta, không ai hiểu gì hết. Một vị giáo chức Đại học ngày nay còn nhớ lại những lời bông đùa lưu hành lúc bấy giờ «Người ta nói, với những thứ lý thuyết về «phái/genre», thì chữ «séminaire» (thảo luận học tập) sẽ bị xóa mất và sẽ phải giữ lại chữ «ovulaires» (thuộc về tiểu noản)!
Đặt vấn đề «phái/genre» là đặt vấn đề chánh trị xã hội. Từ đó dẫn tới qui chế phụ nữ, quyền đồng tính, sanh đẻ hỗ trợ, đổi giống, hôn nhân cho mọi người, …Khi «phái/genre» trở thành vấn đề đưọc chánh thức thừa nhận thì «giới tính/sexe» sẽ không còn giá trị như một thực tế tự nhiên và nhân bản nữa.
Trước kia, Bà Simone de Beauvoir đưa ra ý phê phán tập quán xã hội thay đổi thân phận người phụ nữ vì luật pháp do đàn ông làm ra, ảnh hưởng vai trò của đàn ông trong đời sống xã hội «Người ta không sanh ra là đàn bà, mà người ta trở thành đàn bà». Chính toàn bộ nền văn minh xã hội tạo ra bộ mặt người phụ nữ.
Người ta xóa bỏ «do thiên nhiên», thủ tiêu «huyền thoại về bẩm sanh». Sự tìm hiểu về nữ quyền, phong trào tranh đấu cho nữ quyền nở rộ ra. Nhưng lại mâu thuẫn vì một khi chấp nhận có ưu thế của nam giới thì đâu là sự khác biệt giới tính?
Theo «chủ thuyết nữ quyền duy vật» (le féminisme matérialiste của Christine Delphy và Monique Wittig), thì sự mâu thuẫn đàn ông/đàn bà chỉ là sản phẩm của chế độ phụ hệ và tự thân không có một giá trị nào cả, do đó giới tính không phải do sự khác biệt về nam/nữ mà có.
Trong việc tranh thủ lý lẽ về mình, bà Elisabeth Badinter dứt khoát rằng «trẻ con cần biết rõ sự khác nhau về giới tính». Trái lại, những người theo thuyết nữ quyền về bình đẳng giới tính thì lại từ chối rờ tới thực chất (sexe) đó là nam hay nữ!
Khoa học nói gì về sự khác nhau
Sự khác nhau nam/nữ là do bẩm sanh hay thụ đắc? Người ta sanh ra tự nhiên là trai hay gái? Sự khác nhau, phải chăng do tập quán xã hội hình thành?
Ba ký giả Véronique Radier, Cécile Deffontaines và Corinne Bouchouchi mở cuộc theo dõi sát những khám phá khoa học gần đây để trả lời (Tuần báo Le Nouvel Observateur, số đầu tháng 3/2014, Paris).
Khi lý thuyét về «phái/genre» đưa ra thảo luận, một số người cho rằng bị những người đồng tính khuynh đảo để áp đặt quan nìệm không có sự khác nhau về giới tính nhằm xóa bỏ giả tạo thực tế nam/nữ, yếu tố cấu tạo gia đình từ trước giờ và làm thành nền tảng xã hội. Kẻ khác phản bác cho rằng kẻ thù của «phái/genre» muốn củng cố và tăng cường những định kiến cổ xưa nhằm chỉ định cho phụ nữ và những người đồng tính chỉ được quyền đứng ở địa vị thứ hai.
Vậy đâu là lẽ phải: thiên nhiên hay văn hóa, bẩm sanh hay thủ đắc, khác nhau theo sinh lý hay qui ước xã hội?
Trận chiến bảo vệ «phái/genre» thế là bắt đầu.
Dân chúng thấy đây là vấn đề ý hệ của phe phái cầm quyền và nổ lực bám quyền. Đại bộ phận dân chúng không quan tâm tới lắm.
Người dân bình thường thấy sự khác nhau giữa trai/gái rất rõ từ lúc chúng nó còn nằm trong nôi. Khi chúng nó lớn lên sự khác nhau thể hiện ở con trai thì sức mạnh, tánh thích kiếm chuyện gây hấn, thích đánh nhau, thích quyền lực, ở con gái thì bản năng làm mẹ (chơi búp bê), sự tận tụy, sự quyến rũ, …Kẻ phản đối thì cho rằng không có gì khác hơn đó là chủ thuyết ưu việt nam tính và phân biệt giới tính mà thôi.
Sự tranh chấp giữa hai ý hệ kéo dài cho tới năm 1990 khi nhờ những phát minh mới (imagerie médicale), người ta nhìn thấy cơ thể con người trong tình trạng đang hoạt động rỏ như thật, thì cũng là lúc những nhà khoa học bắt đầu can thiệp vào cuộc tranh chấp trên, một cách khoa học khách quan. Và nhờ giải mã được gènes mà người ta biết được ảnh hưởng di truyền đến tánh tình con người.
Tiếp theo, những nhà khoa học khám phá phần sinh lý của bản năng bất biến nam/nữ trong con người của chúng ta. Kết quả những khảo sát khoa học xác nhận giữa đàn ông và đàn bà có những khác nhau về nhiều thứ, như về ngôn ngữ. Đàn bà kém khả năng về trừu tượng hơn, trái lại nhạy cảm, trực giác mạnh hơn đàn ông.
Khi nền văn minh làm cho người ta trở thành phụ nữ
Khi xã hội khoát lên cho con người ta bộ mặt phái yếu thì sự kỳ thị, sự đàn áp, trù dập diễn ra và nạn nhân là người phụ nữ.
Theo các cơ quan thống kê của nhà nước Pháp, đàn ông có 73,1% làm dân biểu, đàn bà chỉ có 26,9%. Thị trưởng các thành phố, đàn ông chiếm 86, 2%, đàn bà chiếm 13, 8%. Về chuyên gia Truyền hình, đàn ông chiếm 82%, đàn bà, 18%. Nhạc trưởng, đàn ông 97%, đàn bà chỉ còn 3% . Về kỹ sư tin học, đàn ông có 97, 7%, đàn bà còn 20, 3% . Trong ngành ngoại giao, đàn ông làm Đại sứ chiếm 85, 3%, đàn bà, 14, 7%. Trong chánh phủ, đàn ông làm tỉnh trưởng (Préfet) chiếm 90, 5%, đàn bà còn lại 9, 5%.
Các ngành nghề khác như thư ký, bán hàng, dạy học, đàn bà chiếm tỷ lệ cao hơn đàn ông rất nhiều.
Về đọc sách, đàn ông có 56% không thèm đọc một cuốn sách nào hết, trong lúc đó có 34% đàn bà không đọc sách. Trong những thói quen, đàn ông uống rượu hằng ngày chiếm mất 23%, đàn bà chỉ có 8%. Làm việc nhà như giặt giũ, làm bếp, đi chợ, săn sóc con cái hay cha mẹ già, đàn ông sử dụng 1 giờ 37, đàn bà dành 3 giờ 34 cho cùng những công việc ấy.
Trong số những người ở tù, đàn ông chiếm 96, 7%, đàn bà 3, 3%. Về mức lương trung bình, đàn ông lảnh 2240 € / tháng, đàn bà lảnh 1834 € tháng, có khi làm cùng nghề, cùng công việc.
Về thân thể, đàn ông cao trung bình là 1, 75m, đàn bà 1, 62m; đàn ông cân nặng 79, 2kg, đàn bà, 66kg.
Chủ trương xóa những bất bình đẳng nam/nữ, Bà Najat Vallaud-Belkacem, Bộ trưởng Phụ nữ kêu gọi hảy hành động từ gốc của vấn nạn. Tức phải ra tay thủ tiêu ngay từ học đường những định kiến ảnh hưởng quan hệ nam/nữ trong xã hội. Chính đây là điều từ đầu năm tới nay làm cho hằng trăm ngàn người liên tục xuống đường phản đối để bảo vệ những giá trị đạo lý truyền thống dân tộc.
Theo sáng thế ký, Đức Chúa Trời sanh ra người đàn ông trước rồi mới tạo ra người đàn bà. Nhìn quanh quẩn không thấy có gì khác hơn, Ngài bèn bẻ một miềng xương xườn dưới nách người đàn ông mà nặn ra người đàn bà. Phải chẳng vì từ nguyên ủy đã có sự bất bình đẳng về hình tướng đó mà ngày nay, sự tranh chấp nam/nữ bình đẳng kéo dài như bất khả phân và vô tận?
Muốn giải quyết một lần dứt khoát, chỉ có cách bắc thang lên hỏi Ông Trời!
© Nguyễn thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"