Thứ Tư, 15 tháng 1, 2014

Sự tan rã tất yếu của một chính thể chuyên chế

Dương Hoài Linh
Biện chứng là môt phương pháp luận xem xét những sự vật hiện tượng và những phản ánh của chúng vào nhận thức, chủ yếu là trong mối liên hệ qua lại giữa sự phát sinh và sự diệt vong.
Biện chứng cho phép con người đánh giá sự vật hiện tượng một cách chặt chẽ, khoa học dựa trên cơ sở của cái đã xảy ra để đặt niềm tin vào cái chưa xảy ra theo một quy luật tất yếu.
Chúng ta chẳng lạ gì học thuyết Mác - Lê nin đặt niềm tin vào chủ nghĩa duy vật biện chứng nhưng lại cho ra những kết quả sai lầm để đến bây giờ khi nhân loại đang ở một khúc quanh lớn của lịch sử,vẫn còn có nhiều người bám vào để duy trì một chính thể chuyên chế đi ngược lại nguyện vọng của đại đa số người dân.
Chủ nghĩa tư bản hiện tại đang giãy hoài không chết bởi đã biết mở con đường hòa bình và đa nguyên cho người dân thay đổi cả thể chế kinh tế lẫn chính trị, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chủ nghĩa xã hội đang không giãy cũng chết bởi chỉ biết có con đường vũ lực và đơn nguyên, để người dân phải chấp nhận và thuần phục những định chế “toàn năng” mặc nhiên và những quyết định “lịch sử” sẵn có.

Cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội đều dựa trên nền tảng duy vật biện chứng. Nhưng chỉ một cái là đang tiếp cận với chân lý còn cái kia chỉ là ngụy biện.
Mâu thuẫn trong lòng xã hội Việt Nam đang ngày càng trở nên gay gắt hơn giữa xu hướng biến đổi của kinh tế với định hướng bất biến của chính trị, sẽ khiến chính quyền ngày càng sử dụng những phương cách khắc nghiệt hơn để duy trì cái phải thay đổi. Và càng như thế thì chủ thể vận dụng chúng cũng càng tự hoán đổi, từ chính quyền chân chính trở thành chính quyền bất chính, từ sự giải thể tự thân đi đến sự giải thể của nhân dân.
Quá trình đó cũng đồng thời là quá trình tan rã xã hội, mà kết cục sẽ là định hình một xã hội mới, với một chính quyền mới an toàn hơn cho mọi người.
Thực tế các vụ án gần đây về đất đai như Nông trường Sông Hậu,Đoàn Văn Vươn, Phạm Ngọc Viết... những vụ khiếu kiện của dân oan, bà mẹ Việt Nam anh hùng... đã chỉ ra những mâu thuẫn nội tại trong lòng xã hội.
Sự hoán đổi của cơ quan lập pháp, sự phản loạn của chính quyền đối với những người đã ủy thác quyền lực cho mình, bằng cách tước đoạt quyền sở hữu của họ, chính là mầm mống đầu tiên của sự tan rã.
Khi chính quyền tự đặt mình vào trạng thái chiến tranh với dân chúng bằng việc sử dụng loại bạo lực không có quyền dùng, ra những luật không có thẩm quyền ra, chính là góp phần thúc đẩy sự tan rã đó.
Minh chứng rõ rệt trong những ngày qua đó là việc vi phạm về pháp lệnh xuất nhập cảnh của Bộ công an một cách ngang nhiên,trong khi trước đó là hành động trấn áp các blogger bằng vũ lực bất chấp các công ước quốc tế về nhân quyền.
Việc bắt giữ các nhà đấu tranh cho dân chủ như Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân... các blogger như Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào... cũng chỉ chứng tỏ sự bất lực của chính quyền về mặt phương pháp luận đúng với nhận định "chỉ có kẻ yếu mới dùng bạo lực".
Một thế hệ lãnh đạo đang khủng hoảng về lý luận bằng những tuyên bố gây cười cho trí thức như: đặt Đảng lên trên hiến pháp quốc gia,có cái nhìn khoa học biện chứng về tham nhũng (Nguyễn Phú Trọng) tự sướng với "Chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát…” (Trần Hữu Phước). Điều này càng chứng tỏ Đảng đang thực sự bế tắc.
Ngày nay, dù đã phát kiến phương pháp bất bạo động, nhưng nếu thực chất quyền thay đổi chính quyền vẫn chỉ là như trước, tức chỉ tồn tại những quyền hiến định trên giấy, thì bối cảnh hiện diện của bạo lực vẫn còn nguyên đấy – đặc biệt ở thể chế nào xác tín sự tồn tại của mình bằng vũ lực – mà không thực thể bất bạo động nào có thể ngăn cản khi nó đã chín muồi (và ngược lại, không thực thể bạo động nào có thể thúc ép khi nó không là cái tất thiết).
Vấn đề còn lại chính là nhận thức của giới quyền lực sẽ đẩy hiện thực vào bối cảnh nào. Thay đổi hòa bình hay chuyển biến vũ lực đều là do họ. Chỉ là, trì hoãn càng lâu, sự phân rã xã hội càng rộng, tàn phá kinh tế càng lớn, hậu quả chính trị càng nặng, hụt hẫng chiến lược càng sâu.
Dương Hoài Linh
* * *

Nguyễn Văn Thạnh - Thức tỉnh: Bạo loạn & thịnh vượng

Nhiều người nói với tôi: người dân mình chưa thức tỉnh nên còn cam chịu khổ nữa. Tôi hỏi: như thế nào là thức tỉnh, thì được trả lời là "khi người dân biết kẻ nào đang bóc lột mình, kẻ nào đang cỡi đầu, cỡi cổ mình. Họ đồng lòng đứng lên lật đổ kẻ đó, họ phải dũng cảm xuống đường biểu tình, phải biết đoàn kết làm cuộc cách mạng như mùa xuân Arap,...".
Tôi nghe mà nghĩ cuộc thức tỉnh vĩ đại của dân cày và công nhân do những người CS lãnh đạo năm xưa. Kết quả thế nào chắc ai cũng biết.
Theo tôi, sự "thức tỉnh" của người nghèo rất dễ dẫn đến bạo lực vì họ sống trong cùng cực, bế tắt nên sự bất mãn, lòng căm hận luôn ẩn chứa trong họ. Thực tế, lớp người này cũng không đủ kiến thức, trình độ để kiến tạo một xã hội thịnh vượng.
Tôi nghĩ chính tầng lớp giàu có (và trí thức) là tầng lớp nên "thức tỉnh" để gánh vác trách nhiệm xã hội. Họ phải chung tay thúc đẩy công lý và dân quyền. Họ nên mở lòng yêu thương và bớt đi sự tham lam vô minh. Chỉ khi nào lớp này thức tỉnh về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc kiến tạo một xã hội tốt đẹp, thì khi đó chính họ và đất nước mới có tương lai.
Tôi mong lớp người này hãy "thức tỉnh" trước khi quá muộn.
ĐN 15.1.2014
NVT

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"