Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Hai tổ chức ở Việt Nam mời gọi tưởng niệm tử sĩ VNCH

SÀI GÒN (NV) - Nhiều facebooker, blogger tại ViệtNam đang chuyển lời mời gọi mọi người tham gia các hoạt động tưởng niệm, tri ân 74 tử sĩ VNCH hy sinh khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.  
Cách nay 40 năm, trong ba ngày từ 17 tháng 1 năm 1974 đến 19 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã tấn công, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Có 74 quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đền nợ nước trong trận hải chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.
Cho đến nay đã có hai tổ chức dân sự tuyên bố sẽ tổ chức tưởng niệm và tri ân 74 tử sĩ này ở Hà Nội và Sài Gòn. 
Trong vài năm qua, bày tỏ sự tri ân những tử sĩ VNCH hy sinh tại Hoàng Sa đã trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Việt Nam. Hình chụp cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hồi tháng 7 năm 2011. (Hình: Dân Làm Báo)

Nhóm No – U Hà Nội loan báo, vào lúc 8 giờ 30 sáng 19 tháng 1, nhóm này sẽ tổ chức tưởng niệm và tri ân các tử sĩ VNCH đã đền nợ nước cách nay 40 năm ở tượng đài Lý Thái Tổ. Hoạt động tưởng niệm và tri ân này nhằm “đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung”. Đồng thời “dựa trên quyền cơ bản của con người là tự do bày tỏ quan điểm, tự do bày tỏ lòng yêu nước, tự do thờ phụng và tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh bảo vệ Tổ quốc”.
Trong thông báo, Nhóm No – U Hà Nội viết: “Hãy đến với chúng tôi để chứng tỏ với cộng đồng quốc tế Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, để tưởng nhớ các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đã hi sinh để bảo vệ Tổ quốc và để khẳng định chúng ta không sợ hãi trước bất kỳ sự đe doạ nào khi bày tỏ lòng yêu nước của mình”.
Nhóm còn đề nghị chính quyền thành phố Hà Nội “bảo đảm bảo an toàn cho buổi lễ, không tổ chức lễ hội, hát hò, vui chơi, thể thao trong khu vực quanh Hồ Gươm và không cản trở, gây khó dễ cho những người tham gia buổi tưởng niệm này”.
Ngoài nhóm No – U Hà Nội, Câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình cũng có thông báo nhân kỷ niệm 40 năm cuộc hải chiến bảo vệ Hoàng Sa (tháng 1 năm 1974 – tháng  1 năm 2014), câu lạc bộ này sẽ tổ chức “thánh lễ tưởng niệm, tri ân và cầu nguyện cho tất cả đồng bào và chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988)”, tại số 43 Nguyễn Thông, quận 3, Sài Gòn.
Tuần trước, một số người như: ông Đỗ Thái Bình (Kỹ sư - Chi hội trưởng Hoàng Sa – Trường Sa của Hội Khoa học Kinh tế Biển Việt Nam), ông Lữ Công Bảy (cựu thượng sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa, giám lộ trên tàu HQ 4, từng tham dự trận hải chiến Hoàng Sa 1974), ông Trương Huy San (cựu nhà báo với bút danh Huy Đức, tác giả “Bên thắng cuộc”), bà Vũ Kim Hạnh (cựu Tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ), bà Nguyễn Thế Thanh (cựu Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM) đã tự đứng ra vận động dân chúng đóng góp cho qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”.
Mục tiêu của qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa” nhằm “làm điều gì đó thiết thực hơn cho thân nhân những người lính đã hy sinh ở Hoàng Sa và cho những người lính từ Hoàng Sa trở về sống âm thầm suốt 40 năm qua”.
Trong thông báo vận động đóng góp cho qũy “Nhịp cầu Hoàng Sa”, những người khởi xướng cho rằng, “đây không chỉ là vấn đề vật chất mà còn là thái độ của người Việt Nam hôm nay trước anh linh của những thế hệ cha anh vệ quốc vong thân”.
Trước nữa, vào ngày 30 tháng 12, khi gặp gỡ ông Nguyễn Tấn Dũng, một số chuyên gia sử học, đại diện cho Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã đề nghị biên soạn lại sách khoa, đưa những vấn đề liên quan tới Hoàng Sa vào chương trình giáo dục cho học sinh về chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông. Tổ chức kỷ niệm một chuỗi các sự kiện lịch sử sẽ trở thành tròn, chẵn trong năm 2014, như: 35 năm (1979 – 2014) ngày Trung Quốc xua quân sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”, khiến hàng trăm ngàn người Việt thiệt mạng khi bảo vệ lãnh thổ phía Bắc. Hoặc 40 năm (1974 – 2014) ngày Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thủ tướng Việt Nam tuyên bố ông ta đồng tình với tất cả những đề nghị này nhưng liền sau đó, báo chí Việt Nam đồng loạt đục bỏ tất cả những tin, bài tường thuật về buổi gặp gỡ này. (G.Đ)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"