Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

TUYÊN BỐ 258 – TRÒ HỀ ĐÃ LỖI THỜI



Đoan Trang
 
Chưa thấy đồng nghiệp ở mấy tờ báo của công an và quân đội lên tiếng nhỉ, thôi để bọn mình viết hộ các bạn vậy. (‪#‎Tuyenbo258‬)
" TUYÊN BỐ 258 – TRÒ HỀ ĐÃ LỖI THỜI
Thời gian gần đây, một nhóm người tự xưng là Mạng lưới blogger Việt Nam đã khởi thảo và lưu truyền trên các trang mạng xã hội một bản tuyên bố mà họ gọi là Tuyên bố 258. Nội dung của bản tuyên bố này đòi xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ngạo mạn hơn, bản tuyên bố này còn đòi hỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xem xét và can thiệp vào việc tranh cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 -2016 của Việt Nam.

Có lẽ không cần phải nói gì nhiều về việc làm này của nhóm “Mạng lưới blogger Việt Nam”, bởi lâu nay, người dùng Internet cũng đã quen với việc lâu lâu trên mạng lại xuất hiện một “kiến nghị”, “lời kêu gọi”, “tuyên bố” này nọ của những blogger rỗi việc. Nội dung của những thứ này cũng na ná giống nhau, như đòi hỏi Nhà nước phải “đảm bảo tự do ngôn luận”, “cải thiện nhân quyền”, “mở rộng dân chủ”, v.v. Đại loại vẫn là những luận điệu đã cũ, được bọc dưới một vỏ bọc nghe ra có vẻ nhân văn là “quyền con người”, nhưng thực chất vẫn chỉ là những ngôn từ xảo trá nhằm che đậy âm mưu thúc đẩy diễn biến hoà bình, gây chia rẽ và làm giảm sút niềm tin của người dân vào chính quyền, tiến tới tạo cơ sở pháp lý và chính trị cho việc thực hiện đa nguyên đa đảng ở nước ta.
Âm mưu và thủ đoạn đó của những “lóc-gờ” rỗi việc cũng đã nhanh chóng bị cộng đồng mạng phát hiện, vạch trần và lên án dữ dội. Nhiều người thậm chí còn chỉ rõ ra rằng việc làm của các “lóc-gờ” cũng như toàn bộ cái gọi là “phong trào dân chủ Việt Nam” thực chất chỉ nhằm một mục đích thấp kém hơn rất nhiều, là đánh bóng tên tuổi cá nhân, bịa đặt và vu cáo chính quyền đàn áp, từ đó kiếm cớ để… chạy ra nước ngoài xin tị nạn (!). Có người đã gọi đám blogger, “nhà dân chủ” này là “những nhà tuyền ký”. Thật thảm hại thay cho những toan tính thấp hèn khi bị dư luận vạch mặt.
Tuy nhiên, với cái gọi là “Tuyên bố 258” vừa rồi, nhóm Mạng lưới blogger Việt Nam thậm chí còn tiếp tục đẩy sự lố bịch lên một mức độ mới, khi họ bày đặt việc đem “Tuyên bố” đến gặp các tổ chức quốc tế ở Bangkok, trong đó có Văn phòng Cao uỷ LHQ về Nhân quyền (OHCHR). Chẳng biết họ đã bôi nhọ, vu cáo, nói xấu đất nước những gì và để được bao nhiêu đô-la, nhưng xem cách các đối tượng tự tung ảnh lên mạng để hân hoan “tự sướng”, cùng những lời tung hô, suy tôn “anh hùng, anh thư” của một bộ phận người dùng mạng, mới thấy trò hề đã được dàn dựng khá kỹ càng và không nhằm mục đích gì khác hơn là phá hoại nỗ lực trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, mà Việt Nam đang xúc tiến thực hiện như một sự xác tín về tính dân chủ của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Các blogger đó đã quên, hay cố tình quên, rằng Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới bằng những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc cả về kinh tế lẫn chính trị. Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống người dân cả nước được nâng lên từng ngày. Những nhu cầu của người dân về chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội đều được đáp ứng theo chuẩn của thế giới. Tỷ lệ nghèo đói giảm đi rõ rệt và Việt Nam đã đạt mức nước có thu nhập trung bình. Và có lẽ cũng chưa có một nước nào quyền con người lại được quan tâm rộng khắp như ở Việt Nam.
Bị động cơ “đánh bóng tên tuổi” làm cho tối mắt, họ cũng không nhận ra một sự thực hiển nhiên là “nước có quốc pháp, nhà có gia quy”, không Nhà nước nào lại không có hệ thống luật pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu quản lý xã hội, đảm bảo trật tự, an ninh và đời sống bình yên cho người dân. Còn gì lố bịch và ngông cuồng hơn việc một nhóm “công dân mạng” gõ cửa các cơ quan quốc tế để đòi quốc tế can thiệp, buộc chính Nhà nước của mình phải sửa đổi pháp luật của mình. Phải chăng họ muốn sống ở một quốc gia vô luật, vô chính phủ, để ai thích nói gì, làm gì cũng được? 
Nực cười hơn, phải chăng họ tưởng rằng Liên Hợp Quốc sẽ “can thiệp” như ý họ để “sửa đổi pháp luật” của Việt Nam? 
Các vấn đề mà cái gọi là "Tuyên bố 258" nêu ra đã phản ánh một cách phiến diện, sai trái, không khách quan về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, quyền và lợi ích hợp pháp tại Việt Nam. Hơn thế nữa, việc tuyên bố này đánh đồng vấn đề nhân quyền Việt Nam với các hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng là việc làm đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, những người đang phải nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, tiến bộ, hội nhập với thế giới.
Trò hề đã đến lúc cần chấm dứt. Nhân đây, xin có vài dòng nhắn nhủ đến những kẻ đang lợi dụng các quyền tự do dân chủ, mượn tay quốc tế để chống phá chính Nhà nước của mình: Toan tính của các vị, chẳng ai còn lạ gì. Song có điều mọi toan tính đó đều chỉ là ảo tưởng và sẽ sớm thất bại. Việt Nam chắc chắn sẽ trở thành một thành viên đầy đủ của Hội đồng Nhân quyền LHQ, như một sự minh chứng cho những thành tựu chúng ta đã đạt được trên mọi lĩnh vực.

Nhóm phóng viên

Version của Nguyễn Lân Thắng - Cái gọi là #Tuyênbố258
Thời gian gần đây, một nhóm người tự xưng là Mạng lưới blogger Việt Nam đã khởi thảo và lưu truyền trên các trang mạng xã hội một bản tuyên bố mà chúng tự gọi là Tuyên bố 258. Nội dung của bản tuyên bố này đòi xem xét lại Điều 258 của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Ngạo mạn hơn, bản tuyên bố này còn đòi hỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc xem xét và can thiệp vào việc tranh cử vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014 -2016 của Việt Nam.
Đứng dậy từ đống đổ nát của chiến tranh, Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới bằng những thành tựu phát triển đáng kinh ngạc cả về kinh tế lẫn chính trị. Sau hơn 20 năm đổi mới, đời sống người dân cả nước được nâng lên từng ngày. Những nhu cầu của người dân về chính trị-kinh tế, văn hóa-xã hội đều được đáp ứng theo chuẩn của thế giới. Tỷlệ nghèo đói giảm đi rõ rệt và Việt Nam đã đạt mức nước có thu nhập trung bình. Và có lẽ cũng chưa có một nước nào quyền con người lại được quan tâm rộng khắp như ở Việt Nam.
Những thực tế đó ở Việt Nam nói trên cho thấy, các vấn đề mà cái gọi là "Tuyên bố 258" nêu ra đã phản ánh một cách phiến diện, sai trái, không khách quan về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền, quyền và lợi ích hợp pháp tại Việt Nam. Hơn thế nữa, việc tuyên bố này đánh đồng vấn đề nhân quyền Việt Nam với các hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng là những việc làm đi ngược lại lợi ích của nhân dân Việt Nam, những người đang phải nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới, tiến bộ, hội nhập với thế giới.
Nhân đây phải nói thêm rằng, các hành vi vi phạm pháp luật của mọi công dân đều phải bị xử lý đúng theo luật định. Đây là điều bình thường ở một quốc gia tôn trọng pháp quyền. Không thể dẫn ra một vài vụ, khi mà một số phần tử quá khích, lợi dụng quyền tự do dân chủ, quyền tự do ngôn luận để tập hợp và kích động một nhóm người thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, buộc các cơ quan chức năng phải can thiệp và xử lý, để nói rằng Việt Nam vi phạm quyền con người, vi phạm tự do ngôn luận...
Viết tạm thế đã... mai viết tiếp phần "Chúng là ai..." gửi báo QĐND, CAND kiếm tiền đi lang thang trao tuyên bố 258 tiếp... Phen này mấy mấy cô cậu Doan TrangNguyen Anh TuanMss SapphireMiu Mạnh Mẽ... chạy đâu cho thoát nhể. :-) !

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"