Thứ Hai, 5 tháng 8, 2013

Trung Quốc Đang ở Điểm Giao Thời? – Phần II

Carl Minzner | ChinaFile
Mai Xương Ngọc dịch
Cải cách trước những phản ứng hay rơi trở lại hỗn loạn?
Sự sụp đổ của ngôi sao đang lên Bạc Hy Lai của Đảng trong nửa đầu năm 2012 đã thu hút sự chú ý đáng kể về những vấn đề này. Lãnh đạo trung ương bày tỏ lo ngại về khả năng của một trong số những thành viên của họ nhằm thâu tóm quyền lực cá nhân khổng lồ, không bị chế ngự, đồng thời thách thức các chuẩn mực lãnh đạo tập thể đã tồn tại từ thời kỳ đầu của đổi mới hai thập kỷ trước. Các học giả và quan chức có tư tưởng tự do lợi dụng sự kiện Bạc Hy Lai để chỉ trích việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quay lưng chống lại các cải cách pháp lý kể từ đầu những năm 2000.

Một biếm họa được đưa lên mạng Sina Weibo của Trung Quốc cùng với tin tức về một chỉ thị 7 điểm mà các học giả ở Trung Quốc không được phép nói đến. (Ảnh: Sina/Internet)
Trong năm qua, đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy rằng những phản ứng chống lại cải cách pháp lý giờ đây đã có thể tạo ra một bước giật lùi. Chính quyền trung ương đã tiến hành việc giáng cấp bộ máy pháp lý – chính trị của ĐCSTQ. Tổng bí thư mới của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, đã bắt đầu khôi phục lại tiếng nói liên quan đến cuộc cải cách luật và tư pháp đang bị lấn át trong những năm gần đây. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng đã công khai kêu gọi áp dụng các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền trong các cuộc đối thoại về vấn đề duy trì ổn định xã hội. Một sách trắng của Hội đồng Nhà nước mới gợi ý rằng các chiến dịch đấu tranh chính trị trong ngành tư pháp gần đây có thể đã bị suy giảm.

Nếu được thực hiện, những thay đổi này có thể phản ánh một điểm giao thời trong công cuộc cải cách tư pháp Trung Quốc. Chính quyền trung ương có thể đã nhận ra rằng nếu Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề gây bức xúc của họ, thì nước này sẽ cần đến các thể chế quan trọng, nơi có thể kiểm soát quyền lực của quan chức một cách độc lập và cung cấp các kênh từ dưới lên trên cho người công dân tham gia.
Trung Quốc ngày hôm nay có thể đang đứng trước ranh giới của quá trình chuyển đổi phức tạp tương tự như sự phát triển của Hàn Quốc và Đài Loan vào những năm 1970 và 1980. Trong cả hai trường hợp Hàn Quốc và Đài Loan, các nhà cầm quyền độc đoán đều đã theo đuổi cải cách chính trị dần dần, mở cửa các cơ quan chính phủ để cho phép gia tăng áp lực công dân từ bên ngoài, rồi từ từ mà thành công chuyển sang hệ thống chính phủ tự do hơn. Ngày nay, cả hai quốc gia này đều đứng vững trong hàng ngũ những nền dân chủ đã phát triển trên thế giới.
Nhưng không chắc rằng Trung Quốc sẽ hướng theo một đường lối có triển vọng như vậy. Giới tinh hoa cầm quyền của ĐCSTQ có thể sẽ loại bỏ cải cách hơn là chọn nó. Nếu xảy ra như vậy, Trung Quốc trong thế kỷ XXI có thể sẽ giống với nước Nga ở thế kỷ XIX hơn là với Hàn Quốc và Đài Loan ở thế kỷ XX.
Giống như Trung Quốc ngày hôm nay, vào cuối thế kỷ XIX, nước Nga Sa hoàng trải qua những thập kỷ tăng trưởng kinh tế với tỷ lệ vượt qua nền kinh tế Mỹ và các quốc gia châu Âu, mặc dù vẫn duy trì hệ thống chính trị quan liêu độc đoán, và bị các quan sát viên nước ngoài cho rằng đã lỗi thời. Khi thế kỷ sắp kết thúc, khắp nơi suy đoán liệu nước Nga có thể vượt qua các cường quốc phương Tây về sức mạnh kinh tế và quân sự hay không.
Bản thân nước Nga cũng phải vật lộn với những thay đổi nghiêm trọng ở trong nước. Nỗi sỉ nhục quân sự trước các cường quốc phương Tây trong cuộc chiến tranh quốc tế đầu tiên của thời đại công nghiệp (Chiến tranh bán đảo Krym/Crimean 1853 – 1856) đã bộc lộ sự thua kém của Nga về công nghệ. Kết quả là, nhà nước đế quốc Nga khởi động các cải cách kinh tế và xã hội sâu rộng. Chế độ nông nô bị bãi bỏ và người nông dân có nhiều quyền hơn. Công nghiệp hóa cơ cấu lại cuộc sống của Nga, mang lại một làn sóng di cư từ nông thôn vào các nhà máy thành thị. Các cuộc biểu tình của công nhân về điều kiện làm việc và tiền công đã bắt đầu diễn ra thường xuyên hơn. Các phương tiện truyền thông xã hội của thời kỳ đó – các ấn bản in định kỳ – cho phép tầng lớp ưu tú có giáo dục nhanh chóng phổ biến những ý tưởng trên toàn quốc, thường phải dùng ngôn ngữ ám chỉ hoặc mã hóa để tránh sự kiểm duyệt của đế quốc.
Chính quyền Sa hoàng cũng đưa ra các cải cách luật pháp sâu rộng. Họ nhập khẩu thể chế luật pháp nước ngoài bao gồm các mô hình giáo dục về luật; giới luật sư chuyên nghiệp; tòa án và bồi thẩm đoàn kiểu phương Tây; các luật dân sự, thương mại, và hình sự. Sự phấn khích có thể cảm nhận được. “Các khẩu hiệu trong những năm 1860 là đúng quy trình, thủ tục tố tụng công khai, tòa xét xử có bồi thẩm đoàn, và các thẩm phán không thể bị thay đổi” (8). Các quan chức thậm chí còn thành lập các hội đồng đại diện địa phương bao gồm quyền tự trị có giới hạn.
Công dân rất háo hức với những kênh mới. Các nhà cải cách tìm cách sử dụng hội đồng địa phương để từng bước đẩy chế độ đế quốc theo hướng tự do hơn. Các nhà hoạt động cấp tiến đã tận dụng những tiến bộ mới mẻ về luật như thủ tục tố tụng công khai và thẩm phán độc lập để biến nơi xét xử thành nơi kêu gọi cho thay đổi chính trị lớn hơn. Năm 1878, một kẻ vô chính phủ trẻ tuổi tên là Vera Zasulich đã trở thành một hiện tượng truyền thông ngay lập tức, sau khi bà ta bị bắt vì cố gắng ám sát một thống đốc của đế chế, các thẩm phán của phiên tòa đã chống lại những nỗ lực can thiệp vào vụ án của chính phủ; luật sư của bà ta đã cố gắng để biến các thủ tục tố tụng công khai thành một bản cáo trạng về sự tàn bạo của cảnh sát; một bồi thẩm đoàn gồm các công dân đầy thiện cảm đưa ra lời phán quyết “vô tội”; và những đám đông biến thành các cuộc biểu tình công khai khi bà ta được thả.
Những sự phát triển đó gây ra lo ngại nghiêm trọng trong giới tinh hoa chính trị. Giống như ở Trung Quốc ngày nay, các thể chế của nhà nước pháp quyền bị hoài nghi bởi thái độ kiên quyết chống lại cải cách chính trị cơ bản của chế độ độc tài – đặc biệt là sau khi những người theo đuổi chủ nghĩa vô chính phủ ám sát nhà cải cách lúc đó là Sa hoàng Alexander II vào năm 1881. Dưới quyền người kế vị, các nhà chức trách Nga đã phát động việc đẩy lùi các chính sách tự do kéo dài trong hai thập kỷ. Họ hạn chế xét xử công khai, giới hạn quyền của bồi thẩm đoàn, yêu cầu kiểm soát các hiệp hội luật sư, loại bỏ xét xử các vụ án chính trị ra khỏi hệ thống tòa án thông thường, và làm giảm đáng kể các quyền hạn của hội đồng địa phương.
Bắt đầu từ cuối những năm 1870, chính quyền đế quốc cũng đã xây dựng được một nhà nước cảnh sát rộng khắp (người ta có thể gọi đó là “duy trì ổn định xã hội với những đặc tính của Nga”). Họ ngày càng thu hồi trách nhiệm duy trì luật pháp và trật tự ra khỏi sự kiểm soát của thẩm phán và trao nó cho cảnh sát, và cho cả Okhrana (cơ quan mật vụ của chế độ Sa hoàng). Những nhân viên này được phép mở rộng quyền hạn một cách đáng kể, cho phép họ bắt giữ và đày ải bất cứ ai trong nước, thậm chí ngày cả những người bị tình nghi là tội phạm chính trị.
Tất nhiên là các biện pháp này không thành công trong việc loại trừ bất đồng chính kiến. Sự tồn tại của sở hữu tư nhân có nghĩa là có những giới hạn đối với quyền lực của đế quốc. Những nhà bảo trợ giàu có tiếp tục tạo việc làm cho các nhà trí thức cải cách, bất chấp những nỗ lực của nhà nước nhằm cô lập họ. Các tác giả bất đồng chính kiến tiếp tục tìm kiếm thị trường cho các tác phẩm của họ, bất kể các nỗ lực kiểm duyệt của nhà nước.
Hệ quả cơ bản của hành động phản cải cách của Sa hoàng vào cuối thể kỷ XIX là một xã hội bị cực đoan hóa. Hành vi quay lưng chống lại luật pháp của đế quốc đã thuyết phục phe ôn hòa rằng cải cách chế độ dần dần là không thể được. Những thập kỷ đàn áp mù quáng của nhà nước đã hội tụ các phe phái ủng hộ chủ nghĩa hợp hiến tự do, phe khủng bố vô chính phủ, phe chủ nghĩa dân tộc tôn giáo, phe xã hội chủ nghĩa cấp tiến, và giới công dân bình thường bị tổn thương bởi các hành vi vi phạm quyền của họ. Nó khiến cho tất cả các phe nhóm trên tiếp nhận những lập trường chính trị cực đoan hơn.
Hơn nữa, khi sự cai trị của đế quốc bước vào thời kỳ suy yếu, các chính sách cứng rắn đã giúp ngăn chặn sự xuất hiện của bất kỳ tổ chức hay thể chế đối lập chính trị nào. Như Trung Quốc hiện tại, đế quốc Nga không có phong trào dangwai Đài Loan (bên ngoài Đảng), không có các đảng đối lập chính trị Hàn Quốc, không có Công đoàn Đoàn kết Ba Lan. Đế quốc Nga nghiền nát bất kỳ nỗ lực nào của các tổ chức này. Điều này tạo ra một vẻ ổn định chính trị bề ngoài. Nhưng nó cũng đảm bảo rằng không tồn tại một lực lượng thống nhất nào để bước vào khoảng trống và thu gom quyền lực trên đường phố khi nhà nước Sa hoàng rốt cuộc sụp đổ. Thay vào đó, chỉ còn lại một nhóm hỗn loạn gồm những kẻ mạnh về quân sự, những đám đông hỗn tạp, nhóm trí thức cực đoan, và những kẻ quyết tâm làm cách mạng bí mật – bị đẩy xuống xe lửa tại nhà ga Phần Lan một cách đáng ngại – đã trở nên dày dạn sau những thập kỷ bị đàn áp.
Tất nhiên, Trung Quốc còn chưa đến mức đó. Mặc dù tình trạng bất ổn trong nước ngày càng gia tăng, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, và căng thẳng gia tăng với các nước láng giềng, các nhà lãnh đạo trung ương vẫn duy trì vững chắc các đòn bẩy quyền lực. Mặc dù các quan chức gần đây quay lưng chống lại các cải cách luật pháp, hầu hết các nhà hoạt động vẫn còn hy vọng (và đòi hỏi) cải cách dần dần của nhà nước Trung Quốc. Họ không mong muốn một biến động cực đoan sẽ có thể phá hủy nhà nước. Họ muốn một sự hạ cánh nhẹ nhàng hơn là khó khăn.
Nhưng những nguy cơ của một cuộc hạ cánh khó khăn là có thật. Áp lực đang nổi lên. Cần có các kênh pháp lý và chính trị công khai để hướng chúng theo sự thay đổi dần dần. Nếu Trung Quốc không xây dựng những điều đó ngay bây giờ, nó sẽ không chỉ đơn giản là làm chệch hướng quá trình chuyển đổi, mà còn lao thẳng vào một tai họa lớn.
[*] Carl Minzner là Giáo sư Luật tại Đại học Fordham. Một chuyên gia về pháp luật và quản lý nhà nước Trung Quốc, Minzner đã viết nhiều về các chủ đề này trong cả tạp chí khoa học và báo chí đại chúng. Các bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của ông đã xuất hiện trên tờ New York Times, Los Angeles Times, và Christian Science Monitor.
Ông đã từng là Cố vấn cao cấp của Ủy ban Đđiều hành Quốc hội về các vấn đề Trung Quốc. Ông cũng là một thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại về các vấn đề quốc tế năm 2006-2007, đồng thời là thành viên Ngành Giáo dục pháp lý liên kết Đại học Yale – Trung Quốc tại Học viện Xibei về Chính trị và Luật pháp ở Tây An, Trung Quốc. Ông cũng làm việc với tư cách cộng sự cấp cao tại McCutchen & Doyle (Palo Alto, CA), và một thư ký luật cho ông Hon. Raymond Clevenger của Tòa án Phúc thẩm Liên bang. Minzner có bằng cử nhân của Đại học Stanford, bằng M.I.A của Đại học Columbia về vấn đề quốc tế và công cộng, và một bằng Luật của trường Luật Columbia. [*]
GHI CHÚ
1. Một số nội dung và ngôn từ được chuyển thể từ bài viết ” Trung Quốc quay lưng với Luật” của Carl Minzner, American Journal of Comparative Law 59 (Thu 2011): tr. 935–84.↩
2. Andrew J. Nathan, “Thay đổi Lính canh Trung Quốc: Khả năng phục hồi sự chuyên chế,” Journal of Democracy 14 (tháng 1 năm 2003):. 13-15 ↩
3. Keith J. Hand, “Hiểu hệ thống Trung Quốc để giải quyết xung đột pháp lý,” Columbia Journal of Asian Law (sắp xuất bản năm 2013). ↩
4. Keith J. Hand, “Sử dụng Luật cho mục đích chính đáng: Sự cố Sun Zhigang và Sự nổi lên các hình thức công dân hành động ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Columbia Journal of Transnational Law 45, no. 1 (2006): 127–31.↩.
5. Wei Lihua and Jiang Xu, “Sifa shenpan zhong de renmin qinghuai yu qunzhong luxian” [Tình cảm và đường lối đại chúng trong việc thử nghiệm tư pháp], trang Web tòa án Trung Quốc, truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2011, chỉ có tiếng Trung Quốc: www.chinacourt.org / html / article/201106/22/455318.shtml. ↩
6. Minzner, ” Trung Quốc quay lưng với Luật,” Minzner, 947. ↩
7. “Dui Hua ước tính 4.000 vụ hành quyết ở Trung Quốc, hoan nghênh đối thoại công khai”, trang Web của Dui Hua, ngày 12 Tháng 12 năm 2011, tại http://duihua.org/wp/?page_id=3874. ↩
8. Richard Pipes, Nước Nga dưới chế độ cũ (London: Weidenfeld và Nicolson, 1974), 295 ↩.
Nguồn: CARL MINZNER, “China at the Tipping Point?“, ChinaFile, ngày 11 Tháng Bảy 2013.
Bản Tiếng Việt © 2013 The Pacific Chronicle

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"