Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2009

14 điều răn của Phật

Người xưa đi sang Tây Tạng để thỉnh kinh, thời nay mới chỉ tới được Tây Âu để chụp bức hình

  1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
  2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
  3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
  4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
  5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
  6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
  7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
  8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
  9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
  10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khoẻ, trí tuệ
  11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
  12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
  13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
  14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2009

Thứ Sáu, một chút nghĩ

Không biết tôi nói gì mà một người bạn hỏi tôi đã có bao giờ đọc bài "Hạnh phúc cũng hay lây" của Tiểu Huyền chưa. Tôi nói chưa nên Google để đọc, thì ra cũng là bài mà cô bạn học gửi cho xem hôm nào, mà bận bịu tôi chẳng đọc, bởi vì nghĩ Hạnh phúc mà lây thì thiên hạ chúng sinh đâu có đau khổ, tôi có tật hay nghi ngờ mọi thứ người ta viết là vì thế :-).

Phật, Chúa dậy bao nhiêu lời vàng ngọc kia mà con người sân si hỉ nộ ái ố còn nhiều, còn nặng lòng trần cỡ như tôi nghe như vịt nghe sấm, cho nên ai gửi gì cho tôi, tôi cũng để đó chờ ngày đẹp trời, tâm hồn lắng đọng sẽ đọc, bây giờ thì chả biết hạnh phúc ở nơi đâu, có điều tôi công nhận điều mà tác giả Tiểu Huyền viết

"Các bạn có thể thực tập sống tự do trong mỗi giờ phút, suốt ngày. Mỗi bước chân khi đi có thể giúp bạn tìm lại được sự tự do đó. Mỗi hơi thở có thể giúp bạn phát triển và nuôi dưỡng tự do. Khi ăn, hãy ăn như một người có tự do. Khi đi, hãy đi tự do. Khi thở, hãy thở như một người được tự do. Ðiều này bạn có thể làm dù bạn đang sống ở đâu...”

Và nếu chỉ điều đó mang lại hạnh phúc thì tôi cũng được xếp vào lớp người có hạnh phúc đó bạn ạ. Này nhé, tôi thích đi bộ, đi lang thang bất cứ nơi nào để tôi có thể cảm nhận được hết tự do của tôi, tôi để trí tưởng lan man đủ thứ chuyện, không bị ràng buộc vào điều gì mà người khác áp đặt là phải thế này thế kia, cho nên tôi cũng là người có tự do và...hạnh phúc phải không? Nếu hiểu là như thế.
Và hôm qua khi gõ vào một cái blog về chuyện internet làm cách xa con người, thì lại đọc vài câu ở "Tại sao phải hét to khi giận dữ", bài viết ghi

"Khi hai người ấy đã yêu nhau thật đậm đà thì họ không nói nữa, họ chỉ thì thầm, họ đã đến rất gần nhau bằng tình yêu của họ. Cuối cùng ngay cả thì thầm cũng không cần thiết nữa, họ chỉ cần đưa mắt nhìn nhau, thế thôi! Vì qua ánh mắt đó họ đã biết đối phương nghĩ gì, muốn gì"

Thì cái đầu óc "tự do" của tôi lại đâm ra nghi ngờ cái chuyện "yêu nhau đậm đà thì không còn nói nữa" , bởi vì có khi chả còn nói với "ai" điều gì đâu có nghĩa yêu ai đó đậm đà nhỉ. hi hi, đâm ra nghi ngờ trên đời bao nhiêu người viết những câu văn, lời dạy rất hay ho mà thực hiện được bao nhiêu. Nhưng mà cũng phải cám ơn những điều họ viết để cho mình... suy tư một tí đầu ngày thứ Sáu.

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Hoàng Lan


Bình thường tôi tránh copy của người khác, chỉ link cho người đọc Đừng mất niềm tin , nhưng bài này của một nữ sinh viên hay đúng hơn phải nói cô là một nữ lưu của thời đại tương lai của VN.
Tôi post lại để nhỡ bạn đọc ở VN không vào đọc được ở trang trên. Bài của cô đáng để cho tuổi trẻ (cũng như tuổi già) suy nghĩ và hy vọng.



Hoàng Lan Theo THTNDC
Mấy ngày vừa qua, sau việc anh Nguyễn Tiến Trung và bạn đồng chí hướng đồng loạt nhận vi phạm pháp luật nước CHXHCN Việt Nam và xin khoan hồng, một số nhà báo có hỏi tôi: “Cảm giác của Lan bây giờ ra sao?” Tôi chưa bao giờ trả lời thẳng vào câu hỏi ấy, phần vì thận trọng, phần nhiều vì không muốn biểu lộ cảm xúc riêng tư của mình. Nhưng đến giờ, tôi cảm thấy tôi cần phải viết, vì sau gia đình anh Trung, tôi là người gần gũi với anh Trung nhất và hiểu anh ấy hơn những người khác. Tôi cảm thấy tôi cần góp tiếng nói vào cuộc tranh luận, vì tôi không đồng tình với phản ứng của một số người.
Cá nhân và dân tộc
Xem những đoạn video, tôi không hề cảm thấy thất vọng, mà chỉ cảm thấy buồn và thương bạn mình, vì tôi biết họ đang phải nói những điều trái với lương tâm. Có gì đau xót hơn khi những người đã chọn hi sinh sự nghiệp và đời sống riêng tư để đi theo tiếng gọi của lương tâm họ, nay lại phải nói lên những điều trái với niềm tin của mình.
Tôi tin rằng những gì anh Trung đã nói lên trong đoạn băng nhận tội, xin khoan hồng là trái với lương tâm của anh. Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh Trung không phải là người vì áp lực, vì thiếu thốn hay vì tù tội mà nản lòng. Khi anh Trung ở trong quân đội, khi anh không chịu đọc Mười lời thề, người ta cũng đã đe dọa sẽ làm anh “biến khỏi trái đất này mà không ai biết.” Tôi hiểu anh Trung đủ để biết rằng anh không phải là người hoạt động chính trị vì danh, vì lợi, vì tiền, mà là vì anh muốn làm những điều có ý nghĩa trong cuộc đời này, và vì anh luôn muốn dân tộc và đất nước Việt Nam giàu mạnh.
Nếu chỉ một mình anh Trung nhận tội, có lẽ tôi sẽ lo lắng, và hoang mang rằng có thể anh đã nản chí. Nhưng tôi hoàn toàn không cho là như vậy, vì cả 4 người cùng nhận tội, xin khoan hồng. Người ta có thể nghĩ Trung bị đe dọa tính mạng mà sợ hãi phải đầu hàng, vậy họ sẽ nghĩ thế nào đây về lời nhận tội của bác Trần Anh Kim, vốn là một cựu chiến binh, đã từng vào sinh ra tử, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng? Người ta có thể nghĩ Trung còn trẻ, chưa từng trải, vậy người ta nghĩ thế nào về ông Tổng giám đốc OCI Trần Huỳnh Duy Thức đã gây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng và đưa công ty anh trở thành một trong những công ty nội địa hiếm hoi vươn ra thị trường nước ngoài? Cũng cần biết rằng chuyện đe dọa tính mạng với Trung không phải là mới, người ta đã đe dọa tính mạng Trung từ bức thư ngỏ đầu tiên gửi ông Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển, và tiếp tục đe dọa tính mạng anh nếu tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, đe dọa tính mạng anh khi anh không chịu đọc Mười lời thề. Không, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng anh Trung và các anh em khác đã ngã lòng. Phỏng đoán của tôi là có thể họ đã chấp nhận hy sinh danh dự của mình vì lợi ích cao hơn của đất nước. Trung và các anh em khác không phải là những người hoạt động chính trị để đánh bóng cá nhân, nên tôi biết, nếu phải lựa chọn giữa bản thân họ và lợi ích quốc gia, họ sẽ đặt dân tộc lên trên bản thân mình. Hơn nữa, trong cuộc chiến dân chủ/phản dân chủ, nào có phải là cuộc đối đầu một mất một còn, cay cú ăn thua. Nhường một bước để giữ hòa khí, đoàn kết mà đương đầu với những thế lực ngoại bang đã và đang lấn đất, chiếm biển, giết hại dân thường vô tội, thì cũng đáng để làm lắm chứ. Và nếu Nhà nước thực sự thả những người này ra sớm sau khi họ đã xin khoan hồng, thì đó sẽ là cách hành xử hợp đạo lý, hợp lòng dân, và có lợi cho Việt Nam trên trường quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp trong khu vực.
Dù gì, đây cũng chỉ là một phỏng đoán giữa muôn vàn phỏng đoán khác. Tôi đưa ra giả thuyết này để chỉ ra rằng, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Chừng nào chưa có đủ dữ kiện, thì đừng kết luận điều gì, và lại càng không nên lên án người trong cuộc.
Con đường chính trị
Là một người hoạt động chính trị, tôi hiểu rất rõ vì sao người đời thường nói chính trị khắc nghiệt và không muốn dấn thân vào con đường này. Khắc nghiệt bởi tôi thấy những người lãnh đạo chính trị, cần phải có niềm tin – tin vào lý tưởng của mình, tin vào các giá trị và các nguyên tắc mà mình đã chọn lựa, và phải có bản lĩnh sẵn sàng kiên trì thuyết phục quần chúng, gây dựng lực lượng để làm nên nghiệp lớn. Khắc nghiệt, nhất là trong những đoạn đường đầu của con đường chính trị “cách mạng” lội ngược dòng, bởi vì họ thường cô độc. Cô độc không phải vì không có ai hiểu hay ủng hộ họ, mà cô độc vì không mấy ai hiểu những tâm tư, trăn trở, những hỉ nộ ái ố rất người, nhưng cũng rất sâu sắc và mãnh liệt của họ. Lãnh đạo chính trị thường không biểu lộ những cảm xúc riêng tư để luôn hết mình và tích cực cho việc chung, bởi người đời mong được thấy những lãnh đạo chính trị luôn mạnh mẽ, luôn lạc quan, luôn xông xáo để họ đi theo. Nhưng, có ai chắc “bia đá không đau...”
Tôi nói chính trị khắc nghiệt, cũng vì bởi người đời hi vọng nhiều quá, nên khi những người làm chính trị dường như làm điều gì không vừa ý họ, làm họ thất vọng, thì họ không tiếc lời chỉ trích, thóa mạ, ngay cả khi thực chất sự việc chưa được làm sáng tỏ. Trò chơi chính trị với những chiến lược, với những nước cờ chiến thuật, không phải lúc nào cũng có thể công bố công khai hay giải thích cặn kẽ. Người làm chính trị vì vậy cần phải cứng rắn, kiên định với chiến lược của họ kể cả khi một số người vì không hiểu mà chỉ trích, nếu họ tin rằng họ đang đi đúng con đường để đạt được mục tiêu có lợi nhất cho đất nước. Những việc này không phải ai cũng hiểu, vì vậy, công việc chính trị luôn có rất nhiều áp lực.
Những người đã từng nói ủng hộ dân chủ, hi vọng vào những lực lượng đấu tranh mới, nay quay lại đả kích, chỉ trích không tiếc lời các anh em dân chủ, như vậy họ đã trúng kế những người cố tình đặt ra màn kịch “nhận tội, xin khoan hồng” rồi. Xin đừng nhìn vào đoạn video đó như một sự hèn nhát của các anh em dân chủ, mà cần phải nhận rõ rằng đó là sự lúng túng của một Nhà nước nắm trong tay quân đội, quyền lực, tiền bạc, mà công khai hành xử một cách phi pháp. Có gì đau xót hơn cho tôi, một thanh niên, một người học luật, khi chứng kiến lực lượng “bảo vệ pháp luật” ngang nhiên hành xử một cách vi phạm pháp luật như vậy? Một Nhà nước đàng hoàng cần phải thượng tôn pháp luật. Mà nếu vậy nếu cáo buộc ai vi phạm pháp luật thì cần phải mang ra xét xử đàng hoàng. Có cần sử dụng hệ thống truyền thông Nhà nước răm rắp xếp hàng đi theo lề phải để bôi nhọ và hạ thấp danh dự của bốn con người có nhiều hoài bão lớn cho đất nước? Nhân dân đóng thuế nuôi Nhà nước để Nhà nước phục vụ nhân dân, đào tạo và tìm kiếm người hiền tài phục vụ đất nước, chứ không phải để nuôi bộ máy công quyền làm những trò trái pháp luật, trái đạo lý và hãm hại nhân tài như vậy.
Giữ niềm tin chung vì luôn còn hi vọng
Tôi chỉ mong rằng, những người ủng hộ dân chủ và mong muốn những đổi mới cho đất nước, hãy chủ động hơn trong tiến trình dân chủ hóa, và hãy giữ niềm tin, đừng rơi vào cái bẫy chia rẽ, bôi nhọ mà những người chủ trương dựng lên vốn đã quá sành sỏi lão luyện để làm việc ấy. Đừng nhìn phong trào dân chủ qua hình ảnh của vài cá nhân, mà hãy nhìn con đường dân chủ như bức tranh lớn cho đất nước. Họ có thể thất vọng vì một vài cá nhân, đó là quyền của họ, nhưng đừng vì thế mà bi quan về triển vọng dân chủ, đừng vì thế mà không suy nghĩ sâu hơn về câu hỏi vì sao, trong tình thế như thế nào mà những người dân chủ lại hành xử lạ lùng như vậy. Một số sự việc có thể lạ lùng và phi lý nếu đứng tách riêng ra. Nhưng nếu đặt chúng trong bức tranh lớn để lý giải, thì sự lạ lùng không đến nỗi lạ lùng như vậy, và sự tưởng như vô lý thực ra lại có thể có lý.
Chính trị không phải chỉ là hô khẩu hiệu, hay tỏ vẻ cứng rắn anh hùng bất chấp tất cả. Chính trị là khôn khéo, lấy đạo người làm gốc, quy phục nhân tâm để cùng nhau thực hiện những mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Tôi giữ niềm tin rằng anh Trung cũng như các anh em kia đã làm những gì họ cho là cần phải làm vì lợi ích chung, cho dù phải hy sinh danh dự của họ. Chết cho Tổ Quốc không phải là chuyện khó, dám Sống trong thử thách và Sống một cuộc đời có ích cho Tổ Quốc thì khó hơn nhiều.
Cho dù có chuyện gì xảy ra, tôi tự hào vì những gì những người anh em của tôi đã dám nói, đã dám làm. Tôi cảm nhận rõ những tâm tư trăn trở của họ, những tâm tư của những người làm chính trị, và những cảm xúc, tình cảm rất Người. Nếu tôi đã không có tài năng, dũng khí để làm được những gì họ đã làm, thì tôi biết rằng bây giờ tôi cần đứng sau lưng họ, bảo vệ họ, làm tất cả những gì mà một tôi nhỏ bé có thể làm được. Quan trọng hơn, tôi sẽ giữ niềm tin. Mất niềm tin vì những thủ đoạn gây chia rẽ và bôi nhọ chuyên nghiệp và đầy ác ý là một phản ứng không nên có.
Hoàng Lan.
Bloomington, Indiana, 23 tháng 8 năm 2009

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2009

Chợ Việt ở Warsaw, Balan

Đọc cái tin chợ của người Việt ở Balan bị cháy, tôi cũng thấy buồn, chỉ cách có mấy tuần trước tôi cũng đến đây ăn bữa cơm trưa, có cơ hội được gặp gỡ anh Trần Ngọc Thành, chủ tịch của uỷ ban bảo vệ người lao động Việt Nam. Được ăn một bữa cơm miền Bắc ngon miệng với bát canh chẳng biết nấu với rau gì, không thấy tôm thịt nhưng húp vào rất mát miệng, ai cũng trầm trồ phân tích không biết canh gì.
Nay chợ không còn nữa, tội nghiệp cho những người Việt tha hương tại đây. Nếu ai có chê Little Saigon lộn xộn, thì có đến đây mới thấy chợ ngươì Việt ở Balan hay Trung tâm Sapa ở Tiệp chưa thể bằng Little Saigon được, chợ ở những nơi này chỉ là những mái nhà tôn lợp vội, không biết làm sao họ chống chọi nổi với muà lạnh, muà hè thì nóng và ngột ngạt , hàng hoá phần lớn là quần áo chất thành hàng sỉ chờ đi giao. Chuyện cháy chợ chỉ là vấn đề thời gian. Tuy rằng theo họ cho biết hàng năm số tiền từ hải ngoại gửi về VN thật ra số phần trăm nhiều nhất là từ ở Đông Âu gửi về VN, chứ không phải tại Mỹ hay các nước Bắc Âu khác.
Mong là những người VN ở đây sớm mau chóng tìm lại cơ hội làm lại, đại gia có của không nói làm gì, nhưng nhìn những người không biết họ phải cái giá bao nhiêu để sang bên ấy bưng từng ly chè đi khắp chợ để bán, thấy cũng đau lòng cho người xa xứ. Chẳng biết có ai thanh toán ai mà sinh ra chuyện như thế, nhưng một lần đọc cái tờ giấy dán ở chợ tìm người, một thanh niên gần 30 tuổi lái chiếc xe hàng đầy hàng mà mất tích, thân nhân phải dán ở chợ để tìm, cứ y như chuyện băng đảng cạnh tranh thanh toán nhau. Đến sợ, không phải là giấy thông báo của cảnh sát địa phương, hình như thân nhân không nhờ cảnh sát tìm?
Bây giờ tơí chợ cháy, rồi ai sẽ giúp họ nhỉ, tự nhiên tôi đâm ra băn khoăn, có lẽ người khác sẽ cho là tôi lo bò trắng răng!!!

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2009

Vài điều cần nhớ về "cái chết"

Sáng sớm vào sở đọc cái email có đoạn nói về cái chết trong bài Tâm sự của một y công, chép vào đây để mai mốt có chuyện gì dở ra đọc lại để nhớ. Không biết tôi có sắp chết không chứ thi thoảng cũng buồn vơ vẩn, chỉ chưa tới cực độ thôi :-). Điều mà tôi thực hiện được là không thở dài, "thở dài khiến cho cái khổ nó vận vào người", mẹ tôi dậy thế và cấm. Ấy thế mà "cái khổ" nó có chịu bỏ mình đâu cơ chứ.

TÂM TRẠNG CỦA NGƯỜI SẮP CHẾT
Tiếp xúc với người sắp chết là việc rất khó và rất tế nhị. Chúng ta phải biết cảm thông với người bệnh vào giai đoạn cuối đời.
Nên ghi nhớ những điều sau đây:
- khuyến khích họ thố lộ ra những ưu tư, ước muốn và nói lên những tình cảm sâu kín của họ. - Phải biết lắng nghe họ bằng đôi tai, bằng cặp mắt, và bằng cả con tim của mình và nhẹ nhàng nắm lấy tay họ.
- Nếu họ còn nói được, cần phải nhẫn nại, nên dùng những chữ đơn giản, có thể không dùng ngôn từ mà chỉ sử dụng cử chỉ để trao đổi với người bệnh.
- Phải biết tôn trọng bệnh nhân trong giai đoạn cuối đời. Không bao giờ nói với họ những câu như: ngày mai sẽ khá hơn, hãy mĩm cười, tất cả sẽ tốt đẹp, đừng có lo, mọi sự rồi sẽ trở nên ổn thoả hết...
- Đôi khi người sắp chết cần phải nói lên về sự chết hay về quá khứ của họ.
- Phải nể trọng họ và hãy lắng tai nghe họ nói.
- Chúng ta cũng cần phải tôn trọng sự im lặng của người sắp chết.
- Người sắp chết tuy nằm bất động nhưng họ vẫn còn nghe. Vậy tránh nói những lời không tốt đẹp hoặc đem chuyện gia đình ra gây gổ với nhau bên cạnh giường bệnh. Người sắp chết thường phải trãi qua các tâm trạng sau đây :
• Sự chối từ Đây là một phản ứng tự nhiên. Họ không chấp nhận sự chẩn đoán chung quyết của bác sĩ. Họ rất lo sợ nên có phản ứng chối từ.
• Sự giận dữ Tại sao phải là tôi? Tại sao ngay bây giờ. Bệnh nhân cố ý không chấp nhận sự thật và trở nên hung dữ đối với tất cả mọi người.
• Thương lượng với sự chết «Nếu tôi có chết cũng không thể nào trước ngày đám cưới của con gái tôi được. hoặc không thể nào chết trước ngày ra đời của cháu nội tôi được»
• Giai đoạn chán đời, trầm cảm Bệnh nhân rơi vào trạng thái buồn rầu cực độ trước sự chết quá hiển nhiên của mình trong những ngày sắp tới. Họ phải xa lìa và bỏ lại hết tất cả những gì thân thương nhất trên cõi đời nầy.
• Chấp nhận cái chết Cuối cùng họ trở nên bình thản hơn và chịu chấp nhận sự ra đi của họ.
KẾT LUẬN
Chết là điểm cuối cùng trong chu trình sanh lão bệnh tử. Chết chỉ là một việc rất tự nhiên mà thôi. Xã hội có khuynh hướng vui mừng hân hoan trước sự nhiệm mầu của sanh sản nhưng lại khắc khe chống đối sự chết. Tại sao? Tại vì con người quá tham lam, dệt quá nhiều ước mơ và quá nhiều hy vọng chăng? Nói theo Phật giáo, thì chúng ta vì tâm luyến ái nên cố bám víu vào cuộc sống, và vì vô minh nên không biết đó là giả tạo, không có gì là thật cả! Cố tình không bàn đến cái chết là cố tình không muốn biết đến lực lượng đông đảo bác sĩ, y tá, y công và thiện nguyện viên ngày đêm hy sinh, không quản ngại khó khăn, sát cánh bên nhau để giúp cho các bệnh nhân cuối đời có được những giây phút thoải mái trước khi thanh thản nhắm mắt về cõi vĩnh hằng.

Nhận tội

Nhà nước VN vưà cho phổ biến video tape sự nhận tội của những nhân vật Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Trần đông Chấn và Lê Công Định. Nghe thì cũng buồn cho những người tranh đấu dân chủ trong nước, đặc biệt những người trẻ, nhà nước đã biết dùng họ để dập tắt ngọn sóng làm cách mạng cho quê hương của những người trẻ tuổi. Tuy nhiên nếu nghe cho kỹ cũng như đọc giữa những dòng chữ nhỏ, đây cũng là cơ hội cho người dân trong nước nhìn thấy được đã có những làn sóng chống đối, những người trí thức hợp tác tổ chức để chống CSVN. Không thành công thì cũng thành nhân. Làm cách mạng đâu chỉ là những chiến thắng, thành công, và làm chính trị đâu phải lúc nào cũng là anh hùng không nhận tội để đi vào tù. Cứ xem noi gương làm chính trị như ông Hồ thì sẽ thành công thôi. Phải biết đi với ma mặc áo giấy. Có điều xem video thì cũng hơi buồn tí ti, họ không "anh hùng" như nữ lưu Lê Thị Công Nhân (?), hay họ nhận tội riêng họ để bảo vệ cho cơ sở của họ, chẳng biết được, thôi cứ nghĩ thế cho đỡ nản :-), họ không làm chuyện lớn được thì còn ai?
Nhưng phải nói lời nhận tội của Trần Huỳnh Duy Thức theo tôi là hay ho nhất, nếu ở xã hội tự do dân chủ thì người ta có thể bảo anh chàng này hơi bị "điên" rồi bỏ qua, vì sống ở các xã hội dân chủ thì chẳng ai cần thèm mơ mộng như thế, nhưng ở xã hội như xã hội VN thì phải cần có rất nhiều người mơ mộng (dù có là viễn vông chăng nữa) như thế mới có thể làm thay đổi sự nhận thức ù lì trước quốc gia đại sự của tuổi trẻ VN hiện nay phải chăng? Cái tội của THDT mà theo tôi là tội mơ mộng, và tuyên truyền cho sự mơ mộng của ông ta để có nhiều người cùng mơ mộng thế thôi. Thế mà phải bị bắt, có tiếc không? Mong là THDT có được tự do thì cũng không thể từ bỏ chuyện mộng mơ cho quê hương.

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2009

(Lại) Hồi ký của Một Thằng Hèn

Hôm lâu rồi post cái blog về cuốn sách của ông Tô Hải được đưa lên mạng, hai ba hôm sau cuốn sách lại được "thu hồi" để sửa chữa (?). Nay thấy cuốn sách xuất hiện ở chốn khác, chả biết có đúng như sách in không, thôi thì ai trong nước muốn đọc thì chịu khó vào đọc ở đây:

Tính thì thích đi chơi nên đi về lại lo "nghiên cứu" chuyện đi chơi nữa :-). Bởi thế mới đọc cái bài về nước Ý cho chuyến đi trong tương lai không ngờ nó lại liên quan tới cuốn sách của ông :-) Điều này có phải chơi thì chơi nhưng không quên chuyện quê nhà của tác giả (và của blogger nữa)

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2009

Chuyện Tàu

Hôm qua đọc bài của Nguyễn Ngọc Tư về Tàu lọa, tính vào gõ vài dòng, song lòng đang nản cái chi chi nên chẳng buồn gõ, hôm nay lại đọc bài báo Tàu lạ với Tàu hại, thì thấy có chuyện vui vui, mong là càng ngày càng có nhiều người dân VN ý thức về chuyện bên Tầu bên Ta. Như cô em tôi mỗi lần lấy cái gì trong bếp ra thì cô nói "Em không mua đồ Trung Quốc đâu"
Dân số họ hơn một tỉ, cứ để cho dân họ sản xuất và tiêu thụ hàng của họ, người mình dùng hàng hoá của nước mình là đủ rồi, cứ tự động ý thức như thế để tránh cho chính phủ mất công tốn tiền mướn người đi tranh cãi về tự do mậu dịch hay áp dụng chế độ bảo hộ làm chi cho tốn tiền thuế của dân. Cứ lo cho nhà mình trước rồi hãy lo cho kinh tế của hàng xóm trong cái thời buổi kinh tế khó khăn này, vả lại hàng có tốt, chủ tiệm có tốt thì mình mới tiêu thụ, hàng không tốt, chủ tiệm coi người tiêu thụ hàng xóm chả ra gì thì tội gì làm giàu cho họ chứ phải không? :-)

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Trái tim Đông Âu

Trước khi đi hứa hẹn (lèo) với vài bạn là đi về sẽ kể chuyện chu du thế giới ra sao, nhưng mà đi thì ham chơi, tối về lăn ra ngủ nên quên hết mọi chuyện trên trời dưới bể, ý quên bên đó không có bể chỉ có đất. Lại nữa các xứ Đông Âu giầu thì chưa giầu nhưng tiền chém internet thì quá cắt cổ cho những kẻ qua đường trú ở khách sạn của họ, có lẽ họ nghĩ dân đi chơi thì cứ chém cho chúng chết. May sao có bài viết sau đây mô tả đầy đủ chi tiết (đỡ cho tôi ghi chép) không sai tí ti ông cụ nào về những chi tiết ở Đông Âu cho dân du lịch kiểu cỡi ngựa xem hoa như tôi, bài tác giả viết từ năm 2004 cách nay đã nửa thập niên rồi mà vẫn chẳng thay đổi tí nào, chỉ khác là tuyến đường của ông đi từ Nam lên Bắc còn tôi thì đi ngược lại, nhưng đại khái cũng nhìn như thế, cũng thấy dân Balan thì ghét dân Đức và Nga, ghét người Nga tới cái độ nhìn thấy cái cung văn hoá Nga xây cho họ từ thời cộng sản, họ chỉ muốn đập đi cho đỡ ngứa mắt nhưng ông tổng thống sau thời cộng sản khuyên cứ để đó để làm chứng cho món quà mà người dân Balan đã phải trả với một cái giá rất đắt và cũng nhờ nó mà khi lên trên đỉnh tháp có thể nhìn thấy cả thành phố Warsaw rất đẹp và đẹp hơn là không phải nhìn chính cái cung văn hóa ấy. Cũng nói về cuộc ly dị "nhung" của Tiệp và Slokavia, để rồi Slokavia hối tiếc là đã ly dị để trở thành một nước nghèo vì tài sản, tài nguyên của quốc gia ngày trước nằm cả bên Cộng hoà Tiệp ngày nay, cứ như bất cứ cuộc ly dị nào, một bên sẽ cảm thấy mình mất mát "nghèo đói" hơn. Cho nên có những cuộc hôn nhân dù chẳng bằng lòng nhau nhưng cứ phải sống với nhau nếu không thì trở nên mất mát một cách... khủng khiếp.


Cung văn hoá do Nga xây ở Balan

Có điều tác giả Bắc Giang không thấy nói đến một chi tiết mà tôi cho là thiêu thiếu, đó là con gái Balan chân rất dài và họ rất đẹp với khuôn mặt thanh tú, tóc vàng da trắng, làm như con gái ở đây không biết già hay sao đó. Đến Budapest thì ngoài dòng sông Danube với bản nhạc Gloomy Sunday (Chủ nhật buồn)mà các bạn có thể đọc lời giới thiệu của Hoàng Linh trong bài viết giới thiệu, còn có những người con gái đa tình mà theo người giới thiệu có lẽ tác giả Người thứ Tám của tập truyện Z-28 với nhân vật Tống văn Bình dù chưa từng đến Budapest nhưng ông đã mô tả đúng tính cách đa tình của họ, mà có lẽ nhờ paprika, một loại ớt cay nổi tiếng của vùng này. Nếu nói vì tính cay mà người nữ đa tình thì chắc tôi phải xếp tất cả những người bạn gái Huế ăn cay của tôi cũng đa tình nốt :-)


Bên dòng Danube


Buổi sáng vừa đi vưà nghe Chủ Nhật Buồn, nhìn theo dòng người, già nhiều trẻ ít vì nghe kể những người trẻ sau khi học xong họ thường bỏ đến các quốc gia lân cận để kiếm sống, vì thế thành phố Budapest tuy đẹp nhưng mang một vẻ đẹp buồn bã như vẫn còn ngủ yên dù mặt trời đã lên rất cao. Bước đi giữa lòng thủ đô qua những con đường nho nhỏ, tôi có cảm tưởng tôi cũng là một người già lặng lẽ đếm chân mình trên con phố nhỏ, buồn như một ngày chủ nhật của một thời Seress Rezső. Budapest với tôi là những giờ phút nhàn hạ nhẩn nha đi trên đường phố cổ ngắm nhìn những chuyến xe bus cũ kỹ đổ ra những người đàn bà có gương mặt gần gủi với Á Châu, những giờ phút ngẫm nghĩ về một đời người trải qua các thời kỳ, chứng kiến những đổ nát của lịch sử để vươn lên.

Balan có nhịp sống đang vươn lên sau thời cộng sản, thì Hung cũng chậm chạp đi tới với những công trình xây dựng, mà có lẽ tính chất ù lì của thời cộng sản vẫn còn đọng lại cho nên cứ từ từ mà tiến tới. Chỉ có Tiệp Khắc đã vượt cả hai nước bạn thời hậu cộng sản, với những xa lộ chật đầy những xe, thủ đô Prague, nơi được xem như Paris của Đông Âu, lại không bị tàn phá bởi chiến tranh cho nên thu hút rất đông du khách. Tiệp lại không thiếu những thành phố nho nhỏ với những cổ thành, đời sống thanh bình không còn mang dấu vết gì của thời cộng sản, khác với Poland hay Hungary vẫn còn những ngôi làng trông nghèo khó, với những bức tượng chẳng có hình thù kiến trúc hay ho gì từ thời bao cấp. Đường xá vẫn còn chật hẹp, cây cỏ mọc lộn xộn tràn cả ra đường, khác với khung cảnh ngăn nắp của Tiệp và dĩ nhiên là thua rất xa sự gọn gàng sạch sẽ của Áo và Đức. Người ta nói với tôi con gái Áo khô lạnh, còn tôi thì thấy phụ nữ Đức cứng cỏi và có vẻ "xem trời bằng vung" hay sao đó, nhưng nói là nói cho vui thế thôi, mới nhìn thấy vài người làm sao mà xét đoán lếu láo cả dân tộc người ta được cơ chứ, cứ như cô cháu tôi ở Tiệp nói, con gái Tiệp đẹp nhất đó bác, tôi thì thấy họ giống giống con gái Cali ở cái vẻ nâu nâu có lẽ gần Thổ nên lai họ chăng, có điều phải nói mấy cô gái VN con nhà tử tế ở Tiệp trông quyến rũ và ngoan hiền nết na hơn con gái VN ở Bolsa :-), ai muốn lấy con gái VN thì nên qua Tiệp thay vì về VN, dù sao các cô gái ở đây còn mang nhiều nét quyến rũ của con gái VN, nhưng họ được giáo dục ở Châu Âu, cho nên sẽ thích hợp với cách sống cảm nghĩ của người ở Mỹ Châu hơn (?) may là gõ trên net chứ mà đứng ở Bolsa tuyên bố vậy chắc là ăn vài cái nguýt.

Từ cổ thành Prague


Thành phố Karlory vary nơi có suối nước nóng và các danh nhân tài tử thế giới đến để tịnh dưỡng, có con đường Goethe đã từng đi qua.

Lần này tới Vienna là lần thứ hai, tôi cảm thấy thành phố trở nên quen thuộc, còn nhớ những góc phố có tiệm Icecafé, bánh ngọt ngon mà người ta giới thiệu, những tiệm kem để tha hồ làm những đứa trẻ con ăn kem giữa đường mà không sợ xấu hổ, kể ra đi chơi cũng khiến cho trí nhớ tốt hơn, và lần này tôi được dịp đi xa hơn đến cả nghĩa trang của giới quí tộc nơi có những ngôi mộ của Beethoven, John Strauss, Mozart, Schubert với những bức tượng chạm trỗ tuyệt đẹp. Và lần nào tới Vienna tôi cũng phải làm một chuyện không thể thiếu như các nhạc sĩ thời xa xưa phải đến Vienna để thành danh, còn tôi đến Vienna để chỉ nghe những nghệ sĩ thời nay đánh những cung đàn của các nhạc sĩ thời xưa, dĩ nhiên trình độ nghe của tôi là trình độ "đàn gảy tai trâu", nghe xong là quên ngay lập tức.

Ngôi mộ của Franz Schubert


Nói đến Bá Linh thì người ta nhắc đến bức tường ngăn đôi Đông Tây của thành phố và trại Auschwitz, ở Poland, nơi giam giữ và giết người Do Thái của Đức Quốc Xã. Đó là một ngôi trại lớn nhất Âu Châu gồm ba trại, một hình ảnh đau buồn sẽ mang đến cho bạn, khi bạn đứng nhìn một khoảng trống trùng trùng ngút ngàn đối với mắt bạn, đầy những hàng rào kẽm gai có mắc điện để làm nơi giam giữ 6 tuyến đường xe hoả đổ hàng ngàn người Do Thái đến các trại giam gần đó với lời trấn an giả dối là họ được đưa đến để đi lao động, nơi có những tủ kính trưng bày những khối tóc của người Do Thái đã bị cạo đi trước khi vào lò thiêu, cả tấn giầy của người đã chết, mà trong đó những đôi giày be bé khiến cho người xem dù trẻ nhất cũng phải rưng rưng hai dòng lệ, những cặp tình nhân chỉ còn biết khóc trên vai nhau khi chứng kiến một quá khứ đau thương như thế, đi qua những nhà tù, những lò thiêu dù có dửng dưng cách mấy chắc hẳn không ai có thể không tự hỏi sao lại có những kẻ lạnh lùng giết người hàng loạt như thế. Có lẽ ông tổng thống đương nhiệm của Iran, Mahmoud Ahmadinejad cũng không thể tin được cho nên ông ta mới cho là nơi ấy chỉ là ngụy tạo chăng? Bởi vì tất cả những gì diễn ra nơi ấy có thể quá mức tưởng tượng của người bình thường. Một cách giết người có hệ thống không hơn không kém.


Chỉ có ở xứ cộng sản anh em mới có những "nụ hôn tuyệt vời" như thế



Mural ở bức tường Bá Linh
Có ai tới đây nhớ dò tìm tên hai người VN trong tháng 8, 09 nhé





Tượng đài tưởng nhớ những người đã chết vì Đức Quốc Xã

Mảnh tường ngăn đôi Berlin



Chiếc xe cũ được sản xuất từ Đông Đức thời bao cấp, được làm bằng giấy và nhựa


Dù sao tới Bá Linh để nhìn thấy bức tường cũ đã được đập đổ, ngày nay các họa sĩ phải xin phép cả năm trời để tới đó vẽ lên những bức tranh. Sự phát triển tột độ mà chính phủ Đức đã dành cho phiá Đông Bá Linh, du khách tới Charlie Point nơi từng có trạm kiểm soát của quân đội Mỹ, ngăn cách hai phiá Đông Tây, nơi từng suýt có chiến tranh thế giới thứ ba xảy ra tại nơi ấy. Nhưng dù có phát triển nhưng Bá Linh vẫn là thành phố thất nghiệp, không hiểu có phải vì cái thái độ thời bao cấp vẫn còn tạo ra những con người còn lười biếng chỉ chờ nhà nước lo, mà theo người hướng dẫn kể đã có dịp một tổ chức vận động để xây lại bức tường Bá Linh ngăn cách lại lòng người đã từng ở hai thể chế cộng hoà và cộng sản khác nhau. Dĩ nhiên bức tường đã không được xây dựng lại nhưng bức tường trong lòng dân Đức hình như vẫn còn.

Nghe chuyện người mà sao thấy giông giống ở một nơi nào trên trái đất có cái mảnh đất hình cong cong hình chữ S, nơi có dòng Bến Hải đã một thời ngăn đôi, dòng Bến Hải nay đã được nối lại nhưng lòng người hình như vẫn chưa có chiếc cầu bắc qua thì phải (?),hi hi, ai bảo tôi nói vớ vẩn ư, cứ vào các công sở miền Nam mà hỏi có phải dân Nam bị thống trị không? Tuy vậy có một điều tôi học hỏi được từ gia đình ở Đông Âu trong chuyến đi này, các em tôi nói "Người VN có quốc tịch nước khác thì không còn là dân VN, nhà nước không có quyền gì để đả động tới họ, chỉ có chúng em vẫn còn mang hộ chiếu VN mới là Việt kiều mà họ luôn muốn kiểm soát, mới có cái vụ xin nhập hay từ bỏ quốc tịch".
À thì ra thế, mấy ông nhà báo ở hải ngoại Bắc Mỹ không biết có nắm rõ chuyện này không mà cứ "tung tin" rối mù cả lên. Đã là dân nước khác thì đừng có lo chuyện VN nữa, không phải lo chuyện xin xỏ nhập tịch, ai mà thèm nhận đâu mà cứ rối rít tít mù lên, để cho nhà nước dành thì giờ lo cho con dân của VN. Cứ tự nhận là dân VN trong khi đã cầm passport nước khác rồi, rối rít làm chi cho nhà nước và đảng ta rối trí lên cơ chứ.



Bức hình chụp ở Berlin, giờ quên mất nó là "cái gì", chắc phải nhờ ông bạn Đức chỉ dùm cho vậy :-), khổ thế đấy già cả cứ đi đâu là bỏ quên trái tim ở đó nên về nhà hổng nhớ gì hết.


Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"