Thứ Ba, 30 tháng 6, 2009

Nhạc sĩ Tô Hải

Nghe nhạc sĩ Tô Hải làm tôi nhớ người bác ruột vừa mới qua đời, ông là thế hệ được giáo dục văn hoá thời Pháp thuộc. Phải ở lại miền Bắc vì là con trưởng, sau 75 ông lập tức đưa con cái vào Nam, một cuộc vượt biên chậm, ông đã hy sinh cả đời ông để bảo vệ cho con cái ông. Tiếc thay hình như con cái ông chịu ảnh hường của giáo dục Xã hội Chủ Nghĩa đã không hiểu được những gì cha mình đã phải chịu đựng. Họ chỉ lo làm giàu chứ không nghĩ đến sự thiết tha mong mỏi sự tự do về tinh thần của ông. Có lẽ XHCN đào tạo huấn luyện con người từ chỗ đói đến cho "tranh nhau" miếng ăn, những giá trị tinh thần sẽ là thứ vô cùng yếu.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Những cái tang trong ngày

Một ngày có những tin buồn dù chẳng liên quan gì tới tôi, nhưng tôi vẫn cứ thấy buồn khơi khơi. Sáng ra thì nghe tin một trong ba cô diễn viên truyền hình đóng Charlie Angels (1976-1981), cô Farrah Fawcett đã chết vì ung thư. Một thời chân ướt chân ráo tới Mỹ tôi cũng hay xem show của các cô để luyện tiếng Anh. Thời ấy tôi không biết các cô bao nhiêu tuổi, bây giờ nghe tiếng tăm họ mới biết họ cũng đã già (hơn mình), vậy mà cứ cho là mình vẫn là cùng thế hệ với họ. Bởi nhắc tới họ là làm tôi nhớ lại khoảng thời gian ấy tôi làm gì, ở đâu. Có lang thang những buổi chiều bước qua cầu trong gió lạnh để đi học. Những ngày nhớ quê nhà da diết. Những ngày chắt chiu từng đồng penny để mua tem gủi thư về VN, và chờ đợi 6 tháng sau mới có lá thư trả lời. Thời chưa có email để thư đi chỉ trong vòng vài giây, có viết sai cũng không chữa lại được.
Buổi chiều lại nghe tin Michael Jackson cũng đã chết ở cái tuổi 50, cái tuổi còn trẻ ở những năm xui xẻo nhất của đời người theo tướng số tử vi Á Đông, 49 chưa qua 53 đã tới. Anh chàng nhạc sĩ kiêm ca sĩ này chết vì bệnh tim. Tôi chẳng là fan của Jackson, nhưng tôi vẫn cứ cho tôi là cùng thời với anh ta, một thế hệ cứ nhìn vào TV là thấy những Thriller, những kiểu Moon Walk. Và cũng để bây giờ có nghe lại thì tôi cũng sẽ nhớ ngày ấy tôi đang ở đâu trên trái đất này. Những ngày mà cuối tuần nào cả gia đình hai người lớn hai đưá nhỏ trong một chiếc Bug leo mấy ngọn đồi đi ba tiếng về quận Cam mua vài món thức ăn khô, thức ăn Việt, gửi một thùng quà về VN trong khu chợ VN bé tí ti ngày ấy, và tuần nào cũng đi. Không biết cái động cơ gì mà 6 tiếng đi về cho cả người lẫn xe trong một ngày. Tình quê hương hay là tình... nước mắm. Chẳng hiểu nhưng đã có những ngày như thế.
Ngày ấy cứ nghĩ tiếng nhạc xập xình với những điệu vũ mà có lúc tôi cho là kỳ cục, bạo động và quái gở. Bây giờ nhìn lại thì những điệu vũ ấy đòi hỏi bao nhiêu công phu nghệ thuật so với những bản nhạc điệu vũ của các nhạc sĩ ca sĩ thời nay chả ra làm sao cả.
Đấy là những người đã một thời qua hệ thống truyền thông, truyền hình, họ đã hiện diện, đã "đi cùng" với tôi trong một khoảng thời gian nào đó trong đời tôi. Họ có ra đi quá sớm hay không? Tôi không rõ, nhưng họ đã ra đi thật sự, dĩ nhiên là để lại bao nhiêu luyến tiếc của những người yêu mến họ. Đã có những tài từ tôi mến mộ, đã ra đi, nhưng họ là những thế hệ trước, có ngưòi thành danh khi tôi chưa ra đời. Nhưng hai cái tang hôm nay cho tôi nhận thức, sự mất mát của thế hệ tôi cũng không còn bao xa lắm. Nhủ lòng và cầu mong cho họ đi tới được chốn vĩnh hằng.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Tin (vui) nhảm

Ngại kiểm tra lao động "chui" vì... bất đồng ngôn ngữ

Ông Lại Thế Minh - trưởng công an xã Tam Hưng (huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng) nói: “Ban công an xã chưa một lần đi kiểm tra giấy đăng ký tạm vắng tạm trú của lao động nước ngoài cư trú tại địa phương trong thời gian thi công công trình nhà máy Nhiệt điện Hải Phòng. Lý do vì lực lượng công an xã quá mỏng (14 cán bộ công an phụ trách địa bàn 10 thôn trong xã), lực lượng lao động người nước ngoài quá đông và… bất đồng ngôn ngữ!”.

VNN

Cứ theo tin tức trên thì dân "Việt Kiều" có về VN đừng có nói tiếng Việt, cứ xí xa xí xô tiếng gì đó, nhất là tiếng Trung, tiếng Đài thì chẳng có công an nào hỏi thăm cả. Công an VN chỉ chú ý đến "Việt Kiều" , những người ở xa quê hương và vẫn còn nhớ tiếng Việt, nhất là những người không chịu an hưởng sung sướng ở nước người lại cứ lo về VN làm mấy chuyện đấu tranh dân chủ làm chi cho khổ, trước hết đề nghị các đảng phái tổ chức ở hải ngoại nên có những khóa học tiếng TQ cho thành viên đảng viên của họ trước đã. Bởi vì không khéo mai đây phong trào thành công, không phải cho dân Việt mà là cho dân Hán. Lúc ấy lại ... bất đồng ngôn ngữ :-)

Từ lâu cứ nghe mấy chữ "Diễn biến hoà bình" bây giờ mới hiểu rõ là có những trận "tấn công" của ngoại bang không cần tốn một viên đạn nào, cứ từ từ mà mất đất mất dân, và diễn biến này không đến từ ở phương Tây như người ta tưởng tượng, nó đến ngay từ phương Bắc vì thế 16 chữ vàng không biết có cần thêm bốn chữ "Diễn biến hoà bình" cho nó chẵn 20. Đúng là có vậy mà không chịu hiểu.

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2009

Tai nạn nghề nghiệp báo (?)

Có ai có ý kiến gì về những tấm hình Hải Quân Việt Nam trong trang báo này không?
Nhìn hình, thì tôi xin hết ý kiến :-)
Ở Bolsa, tờ báo nào lỡ in nhầm cái gì thì người đọc điạ phương cứ là tẩy chay, lên án, biểu tình đến cả mấy tháng, còn ở VN, thì cho là nhầm lẫn nghề nghiệp, thế là xong, chìm xuồng, hết chuyện, vài mươi năm nữa có ai mang ra tờ báo "lịch sử" để vặn là ngày ấy quân đội VN ăn mặc thế này đây thì con cháu cứ mà ớ ra, hoá ra "tổ tiên" ta là đại Hán.

Những bài báo


Từ lâu tôi vẫn đọc nhiều bài của một phụ nữ ở miền Nam, bà đã viết rất nhiều bài đăng trên net khiến cho tôi mến phục người phụ nữ trí thức có nhiều trăn trở với đất nước. Mỗi người dân có một trọng trách đối với đất nước và có cách hành xử khác nhau để đấu tranh cho dân chủ, bà là một người dùng ngòi bút và sự hiểu biết để nâng cao ý thức cho người đọc, để người đọc tự nâng cao ý thức trách nhiệm của họ đối với tổ quốc, tôi nghĩ thế. Vì thế mấy hôm nay tôi đọc bài của bà, Trần thị Hồng Sương, lại ngạc nhiên bà không những hiểu biết về những giá trị ở bên Tây trong một đất nước mà mấy chục năm qua cũng còn tương đối bưng bít. Bà còn cho tôi thêm kiến thức về chuyện bên Tầu. Cái chuyện mà có lần đứng trước hai bức tượng vợ chồng ông Tần Cối quì gối, tôi chỉ hiểu lơ mơ, bây giờ bà chỉ rõ ra chuyện lịch sử không thể nào nghe một chiều mà phải nhìn vào cả một thời đại và phải xem chế độ nào thời nào đã viết những trang sử ấy, để có thể chỉ đánh giá mọi chuyện một cách tương đối thôi. Cho nên đôi khi cũng thấy mình may mắn để chứng kiến phần nào lịch sử của VN trong những năm cuối cùng của thế kỷ trước. Bây giờ "lịch sử" xem ra có vẻ hấp dẫn hơn trong hai tuần qua trong bài viết "Dịch tiêu chảy óc trên giấy báo"

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Ưu phiền

Sáng đọc bài Việt Nam còn 15km nữa thì đạt chuẩn văn hóa giao tiếp đường phố. Chợt nhớ tới câu chuyện của "người Việt mình" lan man trong những câu chuyện Trà dư tửu hậu, những chuyện không đi trễ không là người Việt, chỉ một việc nho nhỏ như thế, ai cũng tự cho mình là người khôn ngoan không đến sớm ở những bữa tiệc cưới, hội họp chỉ vì chẳng có ai đến sớm cả, cứ tà tà mà đến rồi thì ai cũng tà tà cả, như cái câu chuyện hài hước mà toàn dân ai cũng tà tà trong một cái đất nước tà tà, thế thì mong gì chuyện thay đổi đất nước, khi chính mỗi cá nhân còn không tôn trọng cái nguyên tắc của chính mình, nếu mình nghĩ đi đúng giờ là đúng thì tại sao chỉ vì người này người kia đi muộn rồi mình cũng làm kẻ đi muộn. Cho nên đôi lúc nghe những câu chuyện ông này bà kia toàn những người (trí thức) có điạ vị trong xã hội, nhất là cả xã hội dân chủ mà còn hành xử thiếu tế nhị thiếu ý thức về những chuyện cỏn con, cũng đủ khiến cho tôi, người VN (nho nhỏ) cảm thấy ưu phiền.

Thứ Ba, 16 tháng 6, 2009

Một tấm hình

Những gương mặt trong tấm hình trên đều sáng sủa cả, chỉ tiếc thay họ đứng ở hai vị trí khác nhau. Không hiểu những người trẻ tuổi trong hình đang tham dự công việc bắt LS Lê Công Định đã nghĩ gì khi họ thi hành công việc của họ.
Nhưng những tiếng nói trẻ khác thì rất nghĩ khác với họ.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2009

Ải Nam Quan

Mấy hôm trước nhận cái email trưng bày các hình ảnh của Ải Nam Quan xưa và nay. Nghĩ bụng mất rồi đọc làm gì cho nó mệt cả tâm trí. Tôi để đó tính để về... hưu rồi xem luôn cũng không muộn, vì đôi lúc nhận quá nhiều email mà chẳng biết bài nào nên đọc hay không? Cho nên tôi cứ có cái tật mở ra để cho nó ... lung linh mãi trên PC, chờ khi nào tắt thì save, khi nào có thì giờ thì đọc, dĩ nhiên chả có bao giờ có thì giờ cả. Nhưng hôm nay vì tò mò xem có cần save lại không? Tôi mới thấy cần post lại để người trong kẻ ngoài nước có thể đọc và chọn lựa có nên giao hết VN cho TQ hay cần phân định cái gì thuộc về VN hay không? Đời này không làm được thì đời con cháu phải biết.
Hôm qua tôi cũng chạy đi mua cuốn sách "Tôi là một thằng hèn" của ông cụ Tô Hải, nhưng chậm chân đến muộn nên chưa cầm được cuốn sách về nhà. Có lẽ câu nói tựa của cuốn sách của ông, không chỉ dành cho một mình ông, mà biết bao thế hệ, dưới triều đại CS hiện nay khi không bảo vệ được ngay cả cái Ải.

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2009

Tàu Mỹ được phép vào lãnh hải VN

Sáng mắt nhắm mắt mở đọc cái tin ở Việt Nam Net Việt Nam cho phép tàu Mỹ vào lãnh hải tìm kiếm MIA làm tỉnh cả ngủ và phải bật cười, có là niềm vui đầu ngày không thì chưa rõ, nhưng cái tin nghe "khôi hài" làm sao. Không biết có bao nhiêu tầu chìm, máy bay chìm của Mỹ ở duyên hải VN, mà mấy chục năm nay Mỹ không chịu xin phép tìm, đợi đến khi Trung Quốc nó đòi cấm ngư phủ VN thì VN lại cho "phép" tầu Mỹ qua lại đi lên đi xuống tìm "hài cốt". Chắc bao nhiêu năm ở dưới nước muối còn nguyên. :-), cứ tin tưởng là thế.
Có nên đặt câu hỏi là bao nhiêu năm nay sao VN không cho phép tầu Mỹ làm cái chuyện như thế, chắc là Mỹ đã xin từ lâu mà chưa được phép. Hay là bây giờ VN sắp mất biển về tay thiên triều nên hoảng mới viện lẽ cho Mỹ chạy xuôi chạy ngược, hay là Mỹ bao lâu nay ở đâu, bây giờ mới giật mình thấy sắp mất cả Thái Bình Dương nên mới bắt tay với VN làm cái chuyện tìm MIA "vớ vẩn", lại tốn tiền của dân Mỹ thôi.
Mà sao với Mỹ thì luôn là "được hay không được" phép, còn ông TQ thì không mời cũng tới (giết dân) như thường. Có bạn (TQ) thế có cần tới kẻ thù (Mỹ) không chứ.
Còn đọc cái tin ở Tuần Việt Nam, Philippines bác bỏ lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc, mới thấy người VN mình "hiền thật", hiền đến nỗi mà như tôi hay bị mắng là "hiền quá hoá ngu".
Đúng là chuyện chính trị thế giới không bao giờ hiểu nổi nhưng thắc mắc thì cứ vậy.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2009

Tây Nguyên

Tôi đọc Tây Nguyên Du Ký mà cố nhớ cố vẽ ra hình ảnh cái thành phố có con lộ 14 đi vào thành phố, con đường mà ngày thơ dại, tôi chỉ nghe người ta nói rất ít ai đi vì chiến tranh, có những buôn làng người Thượng mà tôi theo mẹ tôi đi buôn. Có những con đường đất đỏ ven theo các con dốc rất đáng sợ đối với đưá trẻ con như tôi, khi được mấy chú tài xế chở đi vòng vòng, không nhớ đi để làm gì, hay là mấy chú chở đi để ghé về nhà mấy chú trong chốc lát (?). Tôi chỉ là con bé ngày ấy chạy chơi trong một thành phố đất đỏ có rất nhiều bướm vàng, một thành phố có những cây cổ thụ rất to ngay giữa sân trường với những rễ cây đổ dài cho ai muốn làm Tazan cũng có thể đu leo. Ở một nơi mà những ngày vắng bố mẹ tôi được tung tăng đi bộ về nhà ngang qua ngôi biệt thự hoang vu bí ẩn của triều đại vua chúa thời trước, những cành xoài đổ xuống những trái xoài non nhỏ thế nhưng chằng ai muốn hái. Thành phố của huyền bí và đầy kỷ niệm mơ hồ trong trí nhớ của đứa bé học tiểu học. Bây giờ nó đang phát triển, có lẽ ngày nào tôi trở lại sẽ không còn thấy những gốc cổ thụ có những hốc nhỏ, nơi trú ẩn của trò chơi "bịt mắt bắt dê" nữa. Sẽ không còn những những khu vườn đầy bướm với tiếng đàn của ai trong đêm.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến nói về dự án Bauxite "Vậy là mọi sự đã rồi, mâm cỗ đã bày lên chờ thắp nhang cúng cụ, con cháu nào dám ho he."

Như một tiếng thở dài cho cả đưá trẻ của ngày xưa.

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2009

Ăn năn

Có một dạo tôi hay đọc thơ của Trần Mộng Tú, tôi hay đọc thơ bà vì lời thơ trữ tình chân thật rất nữ tính không kiểu cách làm dáng. Nên thỉnh thoảng lại đọc bút ký của bà như hôm nay đọc đoạn bút ký rất nhân hậu về Những người Lính Cũ, mà tôi cảm thấy buồn vui lẫn lộn, buồn vì không thể nào tưởng tượng được cuộc sống của những người lính cũ đã sống ra sao khi mất đi không chỉ tuổi trẻ của họ mà một hay nhiều phần thân thể, thế mà họ vẫn sống (vui vẻ), không bỏ cuộc. Và không thể nói là tôi không có hạnh phúc hơn những người Lính Cũ này. Cứ nhìn họ sống thì sẽ thấy sự bất hạnh của chính mình khi không nhận ra điều no đủ hạnh phúc của chính mình phải không?
Và giờ đây tôi cảm thấy tôi nợ những người lính cũ một lời xin lỗi, vì thời đi học không hiểu sao tôi ghét mấy ông lính lắm, chẳng phải chống chiến tranh gì cả, vì có hiểu gì đâu, nhưng thấy lính thì sợ thế thôi!!!

Thứ Năm, 4 tháng 6, 2009

Chuyện TV Việt

Phó giám đốc đi vắng, đang ngồi buồn vơ vẩn chuyện Đất và Nước, nên tính đổi không khí đọc truyện tình vậy, ai ngờ mở ra đọc cô nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết "Thêm Kênh là cần thiết" rất vui (có khi cười ra nước mắt) và rất đúng, cô ở cuối đầu đất nước mà phải viết thế này thì hẳn là tình trạng ở đầu đất nước còn gần TQ hơn nữa, chả thế mà "người miên Bắc, Hànội sao giống người TQ quá".

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009

Đất và Nước

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Ngọc Đào phát biểu: "Nếu thừa nhận 3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận thì không nên có sự phân biệt, không được hạn chế quyền lợi của họ".
Ông lo ngại, nếu hạn chế thì sẽ vi phạm quy định của luật dân sự. "Sao chúng ta không lo lắng trước việc các tập đoàn nước ngoài đang kinh doanh, bán đất của chúng ta để kiếm lời mà lại đi lo những người có tư tưởng ái quốc về nước mua nhà để làm ăn, sinh sống".

Ông đại biểu quốc hội này nói đúng ghê đi chứ, nhưng mà còn lâu á, nhà nước ta mới không phân biệt, tôi cứ tưởng nhà nước và đảng ta chỉ phân biệt "cái bọn không có công gì với đất nước, không có đóng góp khoa học, văn nghệ văn gừng" gì thôi chứ. Ai dè hỏi cậu em ở Đông Âu, còn mang hộ chiếu VN tuy sống ở nước ngoài cả thập niên, cậu bảo "Họ xem em là người Việt sống ở nước ngoài nhưng em vẫn không mua được nhà ở VN, họ chỉ muốn tiền của em thôi", hi hi, chả biết cậu nói "họ" đây là ai, chủ trương nhà nước và đảng ta hay là mấy ông chúa làng của cậu. Thế có chán không, đấy là khúc ruột gần đó nhé, không phải ruột ngàn dặm gì đâu.
Bạn tôi thì nói còn khuya mới tới phiên người nước ngoài gốc VN, hay người VN mang thông hành nước ngoài mà mua được, chẳng qua mấy ông đảng viên gộc (trụ ở trong nước) nhưng con cái thì ở luôn nước ngoài (không chịu về), hay lấy người ngoại quốc (cho thành ngoại kiều luôn), cho nên các ông phải sửa luật cho con cái các ông đứng tên nhà trong nước chứ không làm sao các ông cha bà mẹ chuyển giao tài sản cho con cái một khi họ đi theo... bác chứ.
Diễn Nôm thế không biết có đúng với chủ trương không, nói theo kiểu Mỹ là luôn luôn phải đọc "fine line", dòng chữ be bé ở phiá dưới hay phiá sau mỗi tờ hợp đồng í. Tơ lơ mơ không đọc, mai đây nhà nước lại sửa, lại phân biệt thành phần lại mất toi hết. Thôi cứ đừng ái quốc với ái cò nữa, ở đâu ở yên đó, yêu Nước đâu có cần phải về Nước, Nước đã chật người đông rồi, để cho người dân trong Nước họ thở với chứ, sao lại chen chân về làm chi cho khổ người dân nghèo trong nước. Người dân Do Thái họ có ùn ùn đổ về hết cái đất bé tí của họ đâu mà đất nước họ vẫn hùng mạnh. Đôi khi tôi nghi ngờ cái chuyện "yêu nước" nên về mua cái nhà "to đùng" ở, thuê một loạt "ô sin" (gọi là tạo công ăn việc làm), đó là thoả mãn cá nhân chứ yêu nước gì cơ chứ.
Tôi thấy chuyện yêu nước nó vĩ đại quá to lớn quá, tôi không làm được, cho nên thôi tôi cứ ở cái xó của tôi chiều chiều ra biển trông về cố quốc, mong là người trong nước sẽ yêu nước hơn tôi, giữ gìn tổ quốc hơn tôi, để tôi không phải nghe mấy cái tin là TQ cấm người dân đánh cá tới tận hải phận Quảng Ngãi, đâm buồn vơ vẩn, thế thì bao nhiêu người dân ở hải phận Miền Bắc, Trung chỉ còn cái hồ bé tí ti. Nghe mà buồn và lo cho họ, họ đâu còn đất sống, cho nên không về tranh đất sống của họ là phải lắm. Khiến cho các đại biểu phải quan tâm bàn cãi trong lúc cần phải dành thì giờ nhiều hơn để "bàn cãi" chuyện làm sao gìn giữ đất và nước VN.

Một vị tướng

Đã nghe bài này được đọc trên radio hai tuần trước nhưng hôm qua đọc lại bài này tôi mới hình dung và cảm động cho hình ảnh một ông tướng, một người còn giữ sĩ khí của mình. Có hình dung so sánh mới thấy quá tương phản với hình ảnh của một hai vị tướng khác của chế độ cũ, họ tầm thường ra sao trước ông tướng Đỗ Kế Giai. Chỉ là con cháu thế hệ của ông, đọc bài mô tả về ông rồi đâm ra lẩn thẩn mai đây ai sẽ viết sử lại với những chi tiết như thế cho thế hệ sau biết, đã có một giai đoạn đất nước chia đôi, một nửa kia bị gán gọi là "Ngụy" , nơi đã có những vị anh hùng tuẩn tiết vì đất nước, những vị tướng mà khi chiến đấu không ai biết đến họ, khi họ đi tù không ai biết và có lẽ chỉ khi họ già họ chết thì người ta mới ân hận đã một thời không ủng hộ cho chế độ mà các vị tướng đã hy sinh cả cuộc đời họ vì dân, vì đất nước.

Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

Đào mỏ

Đang đi chơi nghĩ bao nhiêu chuyện, mà không hiểu sao mỗi khi tôi đi đâu thì trên thế giới lại xẩy ra lắm chuyện (hi hi, làm như tôi là nhân vật quan trọng có ảnh hưởng đến thế giới lắm vậy). Năm ngoái đang bay trên trời thì nghe tin Nga tấn công Georgia. Nên đi tới đâu cũng thấy biểu tình ầm ầm. Năm nay vừa ra khỏi nhà thì nghe tin ông Bắc Hàn bắn hỏa tiễn tầm xa khiến cho thế giới rúng động. Kiểu này tôi chỉ nên ở nhà cho thế giới hoà bình :-). Cho nên đi chơi vào rừng thăm thẳm mà chỉ lo nhỡ chiến tranh thế giới thứ ba xẩy ra thì không có cách về nhà được lúc đó chắc làm "thiền sư" ở luôn trên rừng có khi tránh được bomb nguyên tử.
Về nhà thì đọc tin trên báo trong vào ngòai nước chẳng có cái tin nào vui cả, cho nên cứ không đọc tin, không xem tivi, cứ ở trên rừng là vui nhất, không lo lắng gì, cũng không phải nấu cơm đi làm kiếm tiền nuôi ai cả, thì đời có phải là hạnh phúc không? Nếu có ai hỏi thế thì lấy gì sống, ăn uống ra sao. Hỏi thế thì trần tục quá, truyện chưởng của Kim Dung có bao giờ thấy nói nhân vật trong chuyện phải làm gì kiếm ra tiền hay ăn cái gì ngoài chuyện uống rượu đó thôi, tôi không có đọc cuốn truyện nào của ông cả, chỉ loáng thoáng hồi nhỏ đọc lén ở báo vài chương thì đóan vậy thôi, tôi có nói sai thì làm ơn chữa lại dùm tôi. Nhưng đại khái đi chơi thì ăn ít cũng được rồi. Nếu lo đói thì phải đi làm khỏi đi chơi, đơn giản chỉ có vậy.
Tào lao như thế, nhưng có đi rồi thì mới thấy thương cái đất nước hình chữ S (hay hình cái quang gánh chi đó) xa xôi ngàn dặm. Xứ người đào một cái mỏ đồng thôi, mà đến nơi xe chở nguyên liệu vào nhà máy không thấy một tí bụi, xe phải di chuyển thật chậm. Người ta có kỹ sư đi đo nước ở các vùng lân cận để kiểm soát có bị ô nhiễm, xét các loại thảo mộc chung quanh hàng ngày. Mỏ cách xa thành phố, nhìn từ xa cứ tưởng là thiên nhiên tạo nên như thế. Đến gần mới biết họ rất biết giữ môi trường và coi trọng đời sống của dân. Thế mà công ty của họ vẫn có thể bị kết án bất cứ lúc nào nếu sai phạm. Xem DVD giới thiệu tôi bỗng nghĩ lúc đó ở VN, quốc hội đang bàn thảo về vấn đề Bauxite. Tôi thấy chẳng cần nghiên cưú gì cho nó vất vả, có khi nước ta như có vị nào đó nói dân ta có "trình độ thấp", mà dân là bao gồm cả các vị, chỉ cần liên lạc với Kennecott, xin họ, hay mua của họ mấy cái DVD giới thiệu về mỏ của họ, để học hỏi về cách làm mỏ và bảo vệ môi trường thế nào. Để biết đến sự tàn phá môi trường ảnh hưởng sâu rộng ra sao, ngay cả trong DVD của hãng này cũng nhắc đi nhắc lại cái câu "Bảo vệ môi trường cho thế hệ sau". Đất nước người bao la mà họ còn lo xa như thế. Quốc hội VN chỉ cần cái DVD, dễ hiểu, dễ thấm, người ta nói "ngàn chữ không bằng một tấm hình" cơ mà, xem xong có khi các đại biểu VN hiểu ngay khỏi chờ đợi các bản báo cáo (có khi không có) khó hiểu mất thời gian quí báu của quí vị. Vì thế đứng ở mỏ mà tôi chỉ ao ước các vị cũng đứng ở đấy với tôi. Mà thôi không có thì tôi gửi hình cho các vị xem rồi liên lạc với hãng, hay có sang Mỹ thì đừng có vội vàng keó nhau đi Las Vegas, hãy chịu khó tới Utah xem các mỏ đồng , mỏ than, và đừng ngồi quán uống bia, cứ tới Denver viếng hãng bia Coors, họ cho uống và có cơ hội xem họ thải nước bẩn ra sao.

Mỏ đồng Kennecott

Không phải thác Niagara đâu nhé, mỏ đồng nhìn từ đồng bằng

Không phải là một họa phẩm mà chỉ là người ta đang đào mỏ, không nhìn thấy bụi mù hay khói ô nhiễm gì ở đây. Muốn xem cái gì ô nhiễm thì phải mua vé sang Băc kinh là thấy ngay (hay giao cho họ làm là biết liền).




Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"